LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Tranh: Vua Quang Trung vấn kế La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp - Nguồn ảnh: Internet)
LA SƠN PHU TỬ
NGUYỄN THIẾP
*
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp(1723 - 1804) quê ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1743 ông thi đỗ và được bổ làm quan huấn đạo, tri phủ. Tuy nhiên ông chỉ làm quan được ít lâu rồi cáo quan về ở ẩn tại núi Thiên Nhẫn. Trong thời gian ở ẩn, ông chuyên tâm nghiên cứu lý học và nổi tiếng là một người có trình độ uyên bác. Người dân Việt Nam nghe tiếng ông, hâm mộ ông nên tông ông làm bậc thầy. Chúa Trịnh nghe tiếng ông nên đã sai người mời ông ra làm quan nhưng ông nhất định khước từ. Sau đó khi Quang Trung lên ngôi và sai người ba lần đến mời thì ông mới nhận lời ra giúp đỡ. Chính ông là người đã vạch ra cho Quang Trung chiến lược Bắc tiến thần tốc tiêu diệt đại quân của nhà Thanh. Sau khi đất nước thống nhất, ông được giao làm Viện trưởng Viện Sùng Chính phụ trách việc dịch các sách chữ Hán, chữ Nôm. Ông chủ trương cải cách nền giáo dục và nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức. Sau khi vua Quang Trung mất ông lại tiếp tục phò tá Cảnh Thịnh nhưng không ngăn cản được sự sụp đổ của nhà Tây Sơn. Vì vậy ông cáo quan về ở ẩn và từ đó không hề bước chân tới chốn quan trường mặc dù vua Gia Long đã nhiều lần mời gọi.
Nguyễn Thiếp là một nhân sỹ được người đời nể trọng, uy tín của ông lừng lẫy khắp đất nước. Ông không có địa vị khoa bảng cũng không làm quan cao chức trọng nhưng ông nổi tiếng bởi phẩm chất tuyệt vời và tài năng xuất sắc. Về giáo dục, Nguyễn Thiếp có những chủ trương rất độc đáo. Theo như lời ông thì ông dạy theo phương pháp nho học đời Tống, nhưng trên thực tế thì ông chủ yếu là vận dụng những kiến thức của nước Việt Nam để dạy dỗ cho người nước Việt. Trong bản tấu gửi vua Quang Trung ngày 10 tháng 8 âm lịch năm 1791, ông đã viết: "Đạo là những lễ thường theo để làm người, kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày đã mất, người ta chỉ tranh nhau đua học từ chương cầu danh lợi mà quên đi đạo tam cương ngũ thường. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc gia sẽ bại vong... những điều tồi tệ đều do thiếu đạo mà ra cả"...
Ngày nay, những tư liệu về việc giảng dạy của ông không sưu tập được nên người ta chưa biết được nghệ thuật và nội dung giáo dục của ông. Ông đã từng dạy rất nhiều lớp học sinh, từ bình thường cho đến cao quý nhưng quả là rất khó để nắm được phương pháp giáo dục dù biết là nó rất đặc biệt. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng ta thấy rằng việc dạy học của Nguyễn Thiếp luôn gắn liền với cuộc sống lao động. Cuộc sống của ông gắn bó với nông thôn và việc giảng dạy của ông chủ yếu là làm cho con người tự bồi dưỡng đạo lý để xây dựng cuộc đời trong sạch. Ông dạy mọi người như thế nào thì tự mình làm như thế đó. Ông ham thích thơ ca, yêu sách vở nhưng không tách mình ra khỏi cuộc sống như nhiều nhà nho khác vẫn làm. Có lẽ điều này đã làm nên tên tuổi của một thầy giáo nhân dân. Đánh giá về điều này, sách "Lê mạt tiết nghĩa Lục" viết: "Cách dạy của cụ là trước học tiểu học để bồi đắp gốc rễ, sau học kinh truyện để hiểu ngọn ngành. Kẻ theo học đều được cảm hoá rồi đem điều được học đó về giảng lại cho xóm làng. Vì vậy các luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng".
Nhân dân ta lúc đó, xem La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp như là một Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ XVI. Với phong cách sống độc đáo, với phẩm chất thanh cao, Nguyễn Thiếp đã vượt lên tất cả những nhà Nho đương thời. Ông là điểm sáng nổi bật trong một xã hội mà việc học hành tựa như một màn đêm. Bản thân lối sống của ông cũng là một bài học cảnh tỉnh cho những người có lối sống và hành vi thoái hoá. Các văn sỹ, học giả đương thời đã có rất nhiều thơ, phú đề cao phẩm cách của ông. Mặc dù vậy có nhiều người ghen ghét nên đã cho ông là không hiểu đời, là ông già gàn dở. Tuy nhiên lịch sử và nhân dân đã đánh giá rất đúng về ông. Học giả Trần Bá Lăm, trong văn tế La Sơn phu tử đã viết: "...Tiên sinh có học hơn đời, có khi trùm thiên hạ. Đương khi nhà nước đạo thịnh, người ta vui vẻ ra làm quan, chỉ có một mình tiên sinh dựng nhà ở chốn danh sơn, gác công danh khỏi tâm tư... Kịp khi quốc vận đổi suy đồi, Tây Sơn dựng lên. Tiên sinh lại vì gỏi giang mà được mời ra. Kẻ cho là phải thì mừng tiên sinh thăng tiến, kẻ cho là dở thì sợ tiên sinh mang tiếng.
Một mình tiên sinh nhận lễ và ra rồi lại từ chức ra về. Giúp Tây Sơn mà không trác đạo. Tây Sơn lấy binh dân Nguyệt Ao để ban lộc, đặt Thư viện Nam Hoa để trọng đãi. Tiên sinh ung dung tiến thoái, thật là kẻ khác thường muôn vạn bậc.
Ôi! Người đó chê Tiên sinh nhưng mấy ai hiểu được tiên sinh. Chú Tiên sinh chưa kịp thi hành thì Tây Sơn mất, Tiên sinh cũng mất theo. Thực là Tiên sinh không thể không có điều giận dữ mà người ta cũng không thể không tiếc cho Tiên sinh. Nếu không thế thì với thực học ấy, anh phong ấy gặp thời đắc dụng, há chỉ có thế mà thôi sao?...". (Trích bản dịch của Hoàng Xuân Hãn).
* La Sơn phu tử và những tên ăn trộm
Tin tức về đoàn sứ giả của vua Quang Trung đến thăm La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã nhanh chóng được nhân dân trong vùng biết đến. Đoàn sứ giả vừa lục tục rời khởi gian nhà tranh của cụ La Sơn phu tử thì dưới chân núi Thiên Nhẫn đã thấy mấy thanh niên lực lưỡng tụ tập lại. Người ta nhận ra bọn họ vốn là những kẻ đầu trộm đuôi cướp trong vùng. Bọn chúng thường tụ tập nhau lại rồi kéo nhau đi ăn trộm. Chúng hoành hành ngang ngược nhưng không ai làm gì được. Hôm đó, nghe tin vua Quang Trung cử sứ thần đến nhà Nguyễn Thiếp nên chúng đoán là thế nào cũng có lễ vật đi kèm. Vì vậy bọn chúng đã hợp nhau lại tính làm một mẻ để ăn tiêu cho thoả thích.
Sau khi thăm dò và chuẩn bị kỹ càng, xung quanh ngôi nhà cỏ. Chúng khẽ đẩy cửa thì thấy cửa ngoài không đóng. Quá mừng rỡ, chúng lại tiếp tục tiến vào bên trong. Lạ thay, cửa buồng cũng chỉ khép hờ. Bên trong buồng chỉ có một ngọn đèn dầu toả ánh sáng yếu ớt, còn La Sơn phu tử thì đang nằm yên trên võng. Bọn trộm không biết chủ nhà thức hay ngủ nên một tên trong bọn lấy tay khẽ đẩy cánh cửa buồng rồi yên lặng chờ đợi. Một lát sau, một giọng nói rất khẽ nhưng rất rành rọt vang ra từ trong buồng:
- Các chú đã đến rồi phải không? Ta biết tất cả rồi. Các chú cứ vào đi. Lễ vật nhà vua ban cho ta lúc chiều vẫn còn nguyên ở đó cả. Tất cả để ở trong chiếc mâm son đậy lồng bàn có vàng bạc, vóc lụa, thuốc lào nữa. Các chú cứ vào lấy đem về mà chia nhau.
Nghe thấy vậy, mấy tên trộm giật mình ngơ ngác. Chúng không biết xử lý thế nào nên lúng ta lúng túng. Đợi một lát, La Sơn phu tử lại nói vọng ra:
- Sao các chú không vào đi? Còn đợi gì nữa? Quyền cao chức trọng ta cũng không thiết thì huống chi là vàng bạc lụa là. Ta chỉ nghĩ rằng các chú khoẻ mạnh như thế sao không lo làm ăn mà lại đi làm cái nghề này?
Nghe cụ La Sơn phu tử nói vậy, cả bọn như tỉnh ngộ. Chúng vội vàng bước vào quỳ sụp trước võng cụ rồi xin cụ tha tội. Chúng cũng hứa là sẽ từ bỏ nghề ăn trộm để quay về với cuộc sống lương thiện. Cụ La Sơn phu tử ân cần dạy bảo họ rồi lấy vàng đem chia cho họ. Bọn họ không nhận vàng bạc mà chỉ xin nhận bánh thuốc lào để lấy may. Sau đó, quả nhiên bọn họ đã tu tâm dưỡng tính chăm chỉ làm ăn. Từ đó dân trong vùng thoát khỏi cảnh bị trộm viếng nhà, cuộc sống trở lại yên bình.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.




  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 17.09.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét