(Nhà thơ, nhà giáo Lê Từ Hiển - Giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn) |
HIỂN HIỆN MỘT NGƯỜI THẦY
Tôi đang cầm trên tay tập thơ Tóc
mưa (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2016) của nhà giáo Lê Từ Hiển. Tập thơ đã để
lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc khó tả. Có lẽ vì tôi cũng làm nghề dạy
học, cùng dạy môn văn nên dễ dàng đồng cảm chăng? Trong không khí của tháng 11,
mọi tấm lòng đang hướng tới tri ân người thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi
muốn dành thời gian nói nhiều đến chùm thơ viết về mái trường thân yêu, về nghề
giáo và về tình thầy trò trong tập thơ Tóc
mưa. Đó là các bài thơ Linh hồn phấn trắng, Bao
năm biển hát và Để chiều xuống em còn nghe thầy giảng.
Ba bài thơ ấy đã kết tinh biết bao tâm huyết, tấm lòng, làm hiển hiện lên một
người thầy mà bao năm ở cùng khoa tôi vẫn chưa thể nào hiểu hết.
Trước hết nói về lòng yêu nghề. Không phải ai làm nghề cũng yêu
nghề, nhất
lại là nghề dạy học - một nghề “cao quý vào bậc nhất trong
các nghề cao quý” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn. Cùng làm nghề
dạy học, nhưng dạy văn, do tính chất đặc thù của bộ môn, không chỉ truyền đạt
kiến thức đơn thuần, cũng không chỉ cứ hết mình “vì tương lai con em chúng ta” là đã có thể dạy tốt mà còn phải có
khả năng “nhập hồn” vào những áng văn
thơ, vào bài giảng thì mới dạy tốt, dạy hay được. Sau bao năm miệt mài trên bục
giảng, thầy giáo Lê Từ Hiển đã đúc rút những chiêm nghiệm ấy trong bài thơ Linh
hồn phấn trắng (viết “Nhân 30 năm thành lập Trường Đại học Quy Nhơn”
nơi thầy công tác và giảng dạy). Nghề dạy học gắn liền với bảng đen, phấn trắng
và một thời kỳ dài chuyên dùng loại phấn có bụi. Vì vậy, những hình ảnh “bảng đen”, “phấn trắng” hay “bụi phấn”
trở thành biểu tượng của nghề. Trong quá trình dạy học những viên phấn đã hóa
thân vào bài giảng của thầy, hiện hình thành câu chữ trên bảng để ghi lại những
luận điểm, những ý chủ đạo:
(Tác giả Trần Thanh Phương) |
Bài giảng mang linh hồn phấn trắng bay đi
Xác phấn tan im lìm ra bụi
Có khi bài giảng là lời tự ru
Quả là một sự đúc kết ngắn gọn mà cực kỳ chính xác. Ba câu thơ giàu giá trị
tạo hình khắc họa chân dung người thầy đang nhập hồn vào bài giảng của mình:
miệng thầy giảng và tay thầy viết, những viên phấn vô tri bỗng có linh hồn bay
bổng theo lời thầy giảng, còn xác phấn thì tan ra trở về với cát bụi. Một nỗi
đam mê giống như “nhập đồng” cách ly
hoàn toàn với thực tại. Điều đó lý giải vì sao trong lúc đang giảng bài thầy
quên cả thời gian nên luôn hết giờ giải lao, hoặc có sinh viên làm ồn thầy
thường hay phản ứng thái quá gần như vô thức. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc có lần
kể về thầy Lê Trí Viễn đang giảng bài say mê, ở dưới lớp học trò cười cợt chọc
ghẹo lẫn nhau làm thầy cụt hứng đến mức đã văng tục và mắng sinh viên là “đồ vô cổm!”. Học trò của thầy Hiển cũng
không ít lần bị thầy mắng do làm ồn trong lớp, nhưng các em đều hiểu tính thấy
nên không chút oán hận. Nhưng “Có khi bài
giảng là lời tự ru” bởi vì không phải khóa nào, không phải trò nào cũng yêu
văn chương. Cũng có khi không khỏi chạnh lòng nghĩ về đồng lương ít ỏi, nghĩ về
học trò thời đại @ đang dần dần tỏ ra chán học văn hoặc bực mình vì những
chuyện vặt vãnh đời thường. Tuy thế, đã cầm viên phấn đứng trên bục giảng là
mọi chuyện dường như tan biến hết, chỉ còn nỗi đam mê nghề nghiệp đến quên mình
và bài giảng cũng là những lời tự ru chính mình! Nhiều học trò đã “thần tượng” thầy có lẽ cũng vì như thế
chăng? “Bài giảng bay đi/ Mang linh hồn
phấn trắng” là một khổ thơ đứng
riêng biệt, nhắc lại ý bên trên tạo thành điệp khúc tô đậm cho chủ đề của bài
thơ. Có khi, thầy không định triết lý nhưng chiêm nghiệm sau đây của thầy đã
bật ra ý nghĩa triết lý:
Cây bàng trong sân ngày một già đi
Ghế bàn, bảng đen ngày một già đi
Chỉ có học trò mỗi ngày mỗi trẻ
Chỉ có những người làm nghề dạy học mới nhận thấy rõ nhất bước đi của thời
gian: Mỗi năm một mùa tuyển sinh lại đón chào một thế hệ mới. Thầy già thêm một
tuổi cũng có nghĩa là lớp học trò mới sẽ trẻ thêm một tuổi. Dòng sông thời gian
cứ thế chảy trôi đều đặn. Cho đến ngày thầy về hưu, rồi thầy bảy, tám mươi
tuổi, các học trò ở lứa tuổi hai mươi vẫn gọi thầy xưng em một cách vô tư trong
sáng nhất. Đó là quy ước mà không bất cứ nghề nào có được. Khổ thơ kết bài xôn
xao những hình ảnh diễn tả hạnh phúc của người thầy khi những thế hệ học trò
của mình nối tiếp nhau trưởng thành:
Nắng - trăng - sương mờ lau tóc trắng
Hồn phấn trắng bay động lay vòm lá
Tiễn những con tàu trắng ra khơi
Núi lặng im ở lại mang linh hồn phấn trắng.
Từ lòng yêu nghề mà càng thêm gắn bó với mái trường. Thầy Hiển cũng như
nhiều thầy cô giáo khác vốn là học trò của trường rồi ra trường được giữ lại
làm cán bộ giảng dạy nên tình cảm đối với trường rất sâu nặng. Đấy chính là “tình trường” như hai câu thơ của các trò
khóa 2 gửi lại: “Ngày mai tung cánh muôn
phương/ Ơn thầy nghĩa bạn tình trường chẳng quên”. Người ra đi không thể
quên! Còn người ở lại: “Ba mươi năm giảng
đường chong mắt thức/ Chập chờn biển sóng xanh tự hát/ Bàn tay ai vấy mực có
còn vương hương sứ” (Linh hồn phấn trắng). Rồi thoáng
chốc đã lại kỷ niệm 35 năm thành lập trường (1977 – 2012):
Ba lăm năm…hạt bụi nắng bay giữa hai đầu thế
kỷ
Tôi mang giấc mơ đồng lúa vàng thơm trăng của
mẹ
giọt nước mắt mặn - chưa -
bao - giờ
khóc
của cha ra biển…vết chim di
Bài thơ viết về mái trường thân yêu nhưng lại toàn nói về biển, ca ngợi
biển, nhan đề bài thơ là Bao năm biển hát? Một sự lạc đề
chăng? Không phải. Biển ở đây là nguồn cảm hứng bất tận vì Trường Đại học Quy
Nhơn đứng ngay bên bờ biển như lời một bài hát “Trường Đại học đứng bên bờ biển thắm” (Hát về trường đại học của tôi).
Cứ mở cửa ra là thấy biển rồi: “Chong mắt
thức những ô cửa xanh hướng biển”. Đấy là nói về khu tập thể cán bộ trước
kia (nay là Thư viện nhà trường) có những ô cửa sổ sơn màu xanh dương, đêm đêm
ánh đèn phòng các thầy cô cứ sáng rất khuya (chong mắt thức). Bao nhiêu năm
biển đã hóa tâm hồn, kết tinh thành hình tượng thơ lung linh, ảo diệu:
Ôi sợi tóc neo thuyền, sóng khai sáng
lướt cánh
đồng mẫu tự
Miền cổ tích xanh ươm ủ đại dương hoa
Tin hương ủ bay dáng hoa ẩn hiện
Cánh buồm mây sợi nắng nỏ sang chiều
Ôi biển của đời ta với niềm hạnh phúc nghẹn ngào được làm chính cái nghề
mình yêu thích, hay là nghề đã chọn mình? “Chiếc
nón lá mẹ tôi trên sóng lúa vàng/ con thuyền thúng cha tôi trên dòng nước lợ/
đưa tôi đi con tầu trắng - giảng đường”. Mở đầu bài thơ nhà thơ đã nói rõ
như thế. Hình ảnh “con tầu trắng - giảng đường” là nơi các thầy giảng dạy, cũng là nơi “Tiễn những con tầu trắng ra khơi” (Linh
hồn phấn trắng). Đấy là nơi ươm mầm những ước mơ, nơi các thầy miệt mài
với sự nghiệp trồng người. Hình ảnh thơ ở đây cứ lung linh, đa nghĩa, giàu giá
trị biểu tượng. Cũng như các hình ảnh khác: “Ba lăm năm con tằm làm tổ lá dâu xanh”; “Ba lăm năm rèm mi xanh cong chớp mắt”; “Ba lăm năm…cội sứ già mãi thả hoa quên đếm tuổi/ tuổi thời gian lặn dài
sợi tóc trinh nguyên”; “Ba lăm
năm…hạt bụi nắng bay giữa hai đầu thế kỷ”. Điệp khúc “Ba lăm năm” kết nối những ký ức, những kỷ niệm đã neo lại trong đại
dương - tâm hồn của một người thầy:
Cánh chuồn chuồn ký ức chao con sóng biển
biển hoan ca bình minh, biển trầm cảm hoàng
hôn
biển vén chân mây, trời ngoài trời biển hát
mặc sao rơi trên cát, cát hóa những vì sao…
Ai cất công đi tìm biển đó ở trong đời thực sẽ không bao giờ thấy, bởi vì “biển vén chân mây, trời ngoài trời biển hát”.
Là do trí tưởng tượng chăng? Không phải. Nó là thế giới có thực trong tâm hồn
của thầy giáo dạy văn Lê Từ Hiển đã cất lên lời thành thơ, thành nhạc cho mọi
người chiêm ngưỡng và thưởng thức.
Từ yêu nghề mà lại càng thêm yêu học trò. Bài thơ Để chiều xuống em còn nghe thầy
giảng đã nói lên rất rõ điều ấy. Nhan đề bài thơ giản dị như một câu
nói bình thường, hàng ngày, buột miệng mà thốt ra chứ không có chủ ý, nhưng đọc
lên, lắng nghe âm thanh của nó mới thấy chứa chất những ân tình lắng sâu, da
diết. Bao nhiêu năm trôi qua nhưng mỗi lần lên lớp, thầy vẫn giữ nguyên cảm xúc
của buổi ban đầu:
Tim hồi hộp lần trang giấy mở
Mà quên lặng thầm năm tháng cơn đau
Chùm hoa em trao tấm lòng thơm thảo
Vẫn còn thơm vạn sắc hương đầu
Lần trang giấy gương mặt nào thấp thoáng
Ban mai loài chim ngậm nắng bay về
Còn trong lắm nụ cười em thơ trẻ
Trong vạn bóng hình đã đến và đi
Giống như tất cả các nghề khác, nghề dạy học cũng không ngoài mục đích kiếm
tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng hơn các nghề khác, nghề dạy học
giáo dục và đào tạo con người để họ trở thành những người có ích cho xã hội. Sự
nghiệp của người thầy là sự nghiệp trồng người. Dạy văn không chỉ truyền thụ
kiến thức đơn thuần mà còn bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ khi các em đang ở
lứa tuổi mùa xuân của cuộc đời: “Hai mươi
tuổi tim đang dào dạt máu/ Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão…” (Tố Hữu).
Vì thế, mối quan hệ thầy - trò là mối quan hệ đặc biệt: Chính sự tươi trẻ, tấm lòng trong trắng - vô
tư - thơm thảo của các em làm cho thầy bỗng quên đi mục đích kiếm tiền để nhập
hồn vào bài giảng: “Tim hồi hộp lần trang
giấy mở”, mắt thấy những gương mặt thấp thoáng ẩn hiện và tai nghe (hay
lòng nghe) những tiếng cười như pha lê dưới nắng: “Còn trong lắm nụ cười em thơ trẻ…”. Mỗi câu thơ là mỗi lời bộc bạch
chân thành, thấm thía những ký ức đẹp chứa chan xúc động mà nhà thơ đã trải
nghiệm trong suốt cuộc đời làm thầy của mình:
Để chiều xuống em còn nghe thầy giảng
Cơn mưa đầu tiên đẫm nắng trong vườn
Giữa tiếng ve ran bốn bề ký ức
Có giọt mưa thấm ướt ở trong nhau
Hình ảnh mưa trong nắng, nắng trong mưa trong khổ thơ này thật gợi cảm, gợi
nhớ về một kỷ niệm nào đó khó quên: “Có
giọt mưa thấm ướt ở trong nhau” - Không cần phải rõ ràng vì loại tình cảm này mang đậm
tính nhân loại và ai cũng có thể dễ dàng cảm thấy được.
Thơ của thầy giáo Lê Từ Hiển không mạch lạc, dễ hiểu vì nó không rạch ròi
như loại thơ tác động vào nhận thức người đọc, cũng không phải thơ từ trái tim
đến với trái tim mà nó là loại thơ có thể làm giàu thêm cho tâm hồn con người.
Tôi nhớ có lần được đọc một bài viết về thơ Tế Hanh của PGS. Phan Ngọc, ông đã
nêu ra cách phân chia như thế. Chính cái nhẹ nhàng, thủ thỉ, nhiều lúc không rõ
ràng, rành mạch lại cứ làm người ta rưng rưng cảm xúc. Như Nguyễn Duy đã có lần
viết: “Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ/ để
mang về cái nhớ bâng quơ/ xin chớ hỏi tại làm sao như vậy/ tôi vốn không rành
mạch bao giờ” (Sông Thao). Đúng rồi, cần chi phải đợi cớ mới buồn và phải có
đối tượng thì mới nhớ? Ai biết được trong những câu thơ sau đây ý của tác giả
định nói cái gì:
Ba lăm năm…cội sứ già mãi thả hoa quên đếm
tuổi
tuổi thời gian lăn dài sợi tóc trinh nguyên
Sợi tóc nào rơi lênh đênh trên biển
Sợi tóc nào đong đưa vạn nẻo sơn khê
Ôi sợi tóc neo thuyền, sóng khai sáng lướt
cánh đồng mẫu tự
Miền cổ tích xanh ươm ủ đại dương hoa…
(Bao năm biển hát)
Không thể phân tích chỉ ra một cách rạch ròi nhưng cứ thích đọc đi đọc lại một cách thú vị. Hình ảnh ảo nhưng cảm xúc
trước cái đẹp lại rất thật: “Miền cổ tích
xanh ươm ủ đại dương hoa”. Hoặc như câu “Ban mai loài chim ngậm nắng bay về” (Để chiều xuống em còn nghe thầy
giảng) thật tạo hình và hay đến rùng mình! Loại thơ này chỉ có thể vận
dụng phương pháp của Giáo sư Phan Trọng Luận là “Hãy lấy hồn ta để hiểu hồn người” thì mới có thể giải mã được. Mở
rộng ra, những bài nghiên cứu và bài giảng của thầy cũng đều chung một phong
cách Lê Từ Hiển không thể trộn lẫn với một ai khác. Xin chúc mừng thành công
với tập thơ đầu tiên của thầy!
*
Thành phố Quy Nhơn, 18.11.2016
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình
Định.
Email: rolanphuongnd@gmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 21.10.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét