VÀI ĐIỀU VỀ THƠ HAY - Tạp văn Nguyễn Khôi (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
VÀI ĐIỀU VỀ THƠ HAY
*
1. TIÊU CHUẨN VỀ THƠ HAY
(Nhà thơ Nguyễn Khôi)
Thơ - xưa nay chỉ có 1 Tiêu chuẩn 1 chữ là HAY hoặc DỞ mà thôi. Thơ là tuyệt đỉnh của Văn chương vì Thơ ít chữ nhưng nói được nhiều hơn văn xuôi. Thông qua tư duy, người ta đạt đến Nghệ thuật và khoa học; nhưng với Thi ca thì không như vậy, bởi vì Thơ là ngẫu hứng (là tài hoa mà Thi nhân phát tiết ra).
Một tác phẩm Thi ca càng độc nhất vô nhị và khó nắm bắt đối với trí tuệ bao nhiêu thì lại càng hay đến bấy nhiêu. Ở Nước Đức, Thơ là chốn ẩn mình của những Tác giả có tài và bất tài, song đều có chung nhau ở một điểm là ít dính dáng đến trí tuệ (nói theo Thi hào Goethe). Còn theo H.Heine thì: "Thơ ca là căn bệnh lạ kỳ, căn bệnh đẹp nhất của nhân loại", chả thế mà Nhà thơ lớn Chế Lan Viên cũng nói: "Thi sĩ không phải là người (bình thường), nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ”; còn nói như Văn hào Tchekhov (Nga) thì "các thiên tài của tất cả các thời đại và các nước nói bằng các thứ  tiếng khác nhau, nhưng trong các thứ tiếng ấy có cùng một ngọn lửa  cháy".
 Đổng Trọng Thư (đời Hán): "Thơ ca không thể giải thích được". Vương Sĩ Trinh (đời Minh): "Thơ khó ở chỗ nếu không giải  thích được thì Thơ vô vị, mà giải thích được thì hết Thi vị". Khả năng mạnh nhất của Thi ca là khả năng biểu cảm.
Tóm lại: 1 bài "Thơ Hay" phải hội đủ 3 yếu tố: lời hay, ý đẹp, truyền  cảm. Nói một cách khác là: Thơ hay phải là Ý mới /Tứ lạ / có Hồn. Khi Thi  nhân cảm hứng, ý thơ tuôn trào, hồn thơ lai láng, đó là giây phút xuất thần thường cho "Thơ hay". Một câu Thơ hay thường phải đạt 4 yếu tố (Tiêu chuẩn): Ý mới, Tứ lạ / hình tượng Thơ sống động / Ngôn ngữ tinh luyện, nhạc điệu truyền cảm / có tính đột ngột tạo được ấn tượng... khi đọc lên làm xao xuyến lòng người. Ví dụ một số câu thơ có thể gọi là hay:

1, Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô.

            (Gửi Tuyên Quang)

2, Xứ Đoài mà thiếu Ba Vì nhỉ
Thì trời mây trắng cũng bơ vơ.
                           (Ba Vì- tháng 9 mùa thu)

3, Con sông chảy oằn mình trong lũ bão
Nỗi buồn nào dự báo cái băn khoă
             (Bến Ninh Kiều)

4, Dân cửu vạn lần hồi quanh Lăng Bác
Lũ rỗi nghề chém gió Quán bia hơi.
                               (đáp Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng/ Nga)

5, Rượu quê một chén Thiệu Hưng
Ai SAY THỜI CUỘC mà không Chí Phèo ?
(Nhớ Lỗ Tấn)

6, Dù tản mác khắp chân trời góc bể
Góc tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê .
            (Thơ về làng Đình Bảng)

7. Một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng
Một nụ hôn sương khói ở bên đèo
 (Với Sa pa)

8, Càng "đổi mới" càng teo dần "phố Phái"
Những cao tầng đội mái chui lên.
(phố Phái)

9, Thật hạnh phúc ngày trở về Hà Nội
Thấy lòng mình tĩnh lặng hồ Gươm.
(Nhớ Hà Nội)

 10, Váy cô gái H'Mông sặc sỡ thế
Để người già trẻ lại muốn yêu đương
(Lũng Luông)

11, Máy xay xát được mùa tuôn suối gạo
Đời vui rồi Thác bật điện lên soi
            (Bản mới định canh)

12, Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải TẮT trăng
(Ao làng)

13, Những bia mộ không tên - Chiến sĩ vô danh
Người đã thăng Quân hàm cho các Tướng.
                    (Nghĩa trang Trường Sơn)

14, mác lê bọc bằng Thơ
Đã đâm chỉ có "tử".
                            (Chân dung Nhà thơ Tố Hữu)

15, Xuân bốn mùa gạo thơm đầy lù cở
Cải lên ngồng  hoa nở kín thung mơ.
   
                               (Thăm quê hương vợ chồng A Phủ)

16, Cãi lý với người H'Mông rất mệt
Một ông đồ Nghệ hóa thành hai.
                   (Người H'Mông)

17, Đến xứ đẹp mà mình không đẹp
Nhìn vầng trăng cũng thấy thẹn thùng .
(Với Đà Lạt)

18, Mắt soi mắt ánh trăng lồng lộng
Chỉ thấy nhau nào thấy bao người.
                (Uống rượu với bạn tình)

19, Ồ , Thi tửu cất hồn lên cánh bướm
Mắt mơ huyền đổ ngọc nặng thuyền mây .
           (Uống rượu với bạn tình)

20, Váy Đình Bảng không buông chùng cửa võng
Thì bao giờ còn Đến hẹn lại lên ?
(Váy Đình Bảng)

2. VỀ MỘT BÀI THƠ HAY CỦA MINH HUỆ
(Nhà thơ Minh Huệ)
Nhà thơ Minh Huệ (1927- 2003), tên thật là Nguyễn Đức Thái, sinh ở Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng với bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" (1951). Tuy vậy hồi 1953, Nguyễn Khôi tôi (15 tuổi) đang học lớp 6 Trường cấp 2 huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - Chiến khu Việt Bắc, được thầy giáo cho chép 2 bài thơ của nhà thơ Minh Huệ:
- Bài "Đêm nay Bác không ngủ" để học làm bài Giảng Văn (thời ấy chưa có sách Giáo khoa, tất cả là chép tay, học thuộc lòng...)
- Bài "Chia tay đầu Trăng mật", bài này thầy cho chép để các trò yêu thơ biết thơ Minh Huệ thực hay đến chừng nào? Bài này ĐẸP nhất là câu "Óng ánh tóc buông 19 tuổi"... Còn bài thơ "bị cấm" là vì anh bộ đội vào chiến dịch Thu đông 1953 quyết thắng mà lại viết "Anh bàng hoàng lên hỏa tuyến Thu Đông" là làm nhụt chí khí chiến đấu!
Câu "Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!" là "Tư tưởng cầu an - Hòa Bình chủ nghĩa "... ảnh hưởng Xét lại Liên Xô / Tổng Bí thư. Chủ tịch Nikita Khơ rút sốp "Chiến tranh là mất hết!"
Bài thơ chép tay đến nay đã 65 năm, nhiều đêm Nguyễn Khôi tôi nằm thao thức nhẩm đọc cảm nhận: có lẽ sau “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Màu tím hoa Sim” của Hữu Loan (đều bị cấm) thì bài thơ "Chia tay đầu Trăng mật” của Minh Huệ là rất đáng đọc...Nguyễn Khôi xin chép lại để các Bạn thơ cùng thưởng thức:
CHIA TAY ĐẦU TRĂNG MẬT

Mùng cưới nếp là chưa rũ xong,
Gối tay chưa kịp nhàu nếp áo,
Trước ngõ sực tin về mật báo
Anh bàng hoàng lên hỏa tuyến Thu Đông.

Bao nhiêu lửa ấm của đêm đầu
Anh nhường em cả, im không nói
Óng ánh tóc buông mười chín tuổi
Trắng vành trăng vời vợi mắt lo âu!
Chìm đáy sông trăng run bổi hổi
Chìm đáy lòng day dứt lắng sâu .

Trách trăng sáng quá, đêm rằm quạnh
Soi bóng đầu thôn, bóng qua cầu!
Anh đi không dám quay đầu lại
Sợ nhìn bóng nhỏ sững đằng sau!

Để cái chết khi giáng trên đầu
Có em, cuộc sống càng thêm chắc .
Bấm bụng rời nhau đầu Trăng mật
Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!
                                      *
                                    MINH HUỆ - 1953



Mời thư giãn với nhạc phẩm TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN
của Trịnh Quý, qua tiếng hát Phạm Anh Khoa và Ngọc Khuê:
             
*
NGUYỄN KHÔI
Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.
Email: khoidinhbang@gmail.com
Điện thoại: 097.955.62.05  





............................................................................................................
- Cập nhật theo bản tác giả gửi qua email ngày 12.03 và 14.03.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét