“HỎI AI KHÔNG NHỚ” CỦA PHAN THỊ THANH MINH - Tác giả: Huỳnh Xuân Sơn (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Làng Đá (Đỗ Hạ), Quang Vinh, Ân Thi, Hưng Yên)
 HỎI AI KHÔNG NHỚ
CỦA PHAN THỊ THANH MINH
*
HỎI AI KHÔNG NHỚ

Tuổi thơ tôi
Là củ khoai lang để dành trong ấm
Là con cua đồng đậu ngọn lúa nắng trưa
Là dảnh mạ non tỉa giắt sau bừa
Là đòn gánh tre, tay gầu chống hạn

Tuổi thơ tôi
Là mái trường là thầy là bạn
Là bướm là chuồn- con trong vở con bay
Là vui vẻ giận hờn thương nhớ đắm say
Xa mái trường rồi ôi tiếc hoài tuổi nớ
Trèo lên cây bắt tổ chim có nhớ
Cắt cỏ đứt tay lấy đất đắp vào
Anh đón đợi đầu làng miệng lấp lửng chào
Em đỏ mặt cúi đầu lẳng lặng
Thoang thoảng tình quê rứa mà sâu nặng
Bao nhiêu năm rồi ai nhớ ai quên
Chùm phượng hồng thắp lửa ngày đêm
Lòng tự dối lòng hỏi rằng ai không nhớ?
*.
PHAN THỊ THANH MINH
LỜI BÌNH:
(Tác giả Huỳnh Xuân Sơn)
Không biết bạn nghĩ sao? Có cảm xúc thế nào? Sau khi đọc bài thơ tự do được viết bằng những câu từ thật đơn giản, nhưng tình thơ sâu nặng, gợi nhớ mênh mang này. Riêng tôi như đã nói ở trên. Từng câu thơ, từng ý thơ, đọc lên có cảm nhận rằng nữ sĩ viết về kỷ niệm của riêng tôi vậy! Mặc dù tôi biết điều đó không bao giờ xảy ra cả! Mùa xuân 2006 nữ sĩ lúc này đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, hẳn đây là dòng hồi ức của nữ sĩ gửi gắm vào từng câu chữ. Biết là vậy nhưng thật khó thoát ra khỏi từng ý thơ. Ai không nhớ? Chứ tôi thì ào ào ký ức chảy về theo từng kỷ niệm của nữ sĩ với
Tuổi thơ tôi
Là củ khoai lang để dành trong ấm
Là con cua đồng đậu ngọn lúa nắng trưa
Là dảnh mạ non tỉa giắt sau bừa
Là đòn gánh tre, tay gầu chống hạn
Chỉ với một lời giới thiệu “Tuổi thơ tôi” đi kèm bốn câu thơ mà ta thấy giáp một năm với nhiều công việc đồng áng của nhà nông trong thơ. Này nhé “củ khoai để dành trong ấm” chắc hẳn là mùa đông, thật thích thú khi đi chăn trâu hay đi học về mà được mẹ dành cho củ khoai ngọt lịm như mật ủ trong ấm .. Nếu bạn đã có lần thưởng thức hẳn là khó quên trong suốt những năm tháng sau này.
Thế hệ tôi trở về trước đồng ruộng chưa sử dụng hoá chất như bây giờ, buổi trưa hè lũ trẻ chúng tôi thường trốn mẹ ra đồng bắt cua bắt cá ngộp nắng. Rất nhiều lần bị ăn roi nhưng vẫn không chừa. Thật thích thú khi bắt được bọn cá cờ, cá rô trong hang, hay bọn cua đu trên những cây lúa. Nữ sĩ một màu tuyết trắng trên tóc còn chưa quên. Làm sao tôi có thể quên được nhỉ? Còn bạn thì sao?
Nếu bạn là người thành thị hẳn bạn thật khó cảm câu thơ “là dảnh mạ non tỉa giắt sau bừa”. Tôi đi tập cấy từ khi cúi xuống cắm cây mạ mặt nước chạm ướt ngực, Rồi lớn lên vì phải làm hết phần việc mới được đi học, nên dù cấy úp mạ nhổ, hay cấy ngửa mạ sân, tôi không hề thua bất cứ ai trong làng, về cấy thẳng hàng hay cấy nhanh cũng thế. Vậy thì nay làm sao quên được nhỉ?
Với câu thơ “Là đòn gánh tre hay gàu chống hạn”. Bạn ở nông thôn hay thị thành cũng đều biết đòn gánh tre dùng để gánh, gánh bất kể thứ gì? từ mạ, cỏ nước. Riêng tôi thích nhất là lúc gánh lúa gặt về. Nhưng gầu chống hạn thì chỉ có những người lớn lên ở vùng quê khắc nghiệt mới biết. Gầu chống hạn không chỉ chống hạn những khi thiếu mưa. Quê tôi thậm chí còn tát nước vào ruộng ải nữa cơ. Những đêm đi tát nước dưới trăng cũng nên thơ lắm chứ không phải chỉ vất vả không đâu? Gầu sòng, gầu dai tha hồ trò chuyện. Câu chuyện tát nước đã được thi sĩ Bàng Bá Lân đưa vào thơ rằng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Làm sao ai có thể quên được đây nữ sĩ ơi? nữ sĩ nhớ, tôi nhớ và có lẽ ai một lần diện kiến cũng nhớ, chứ không chỉ có người đã từng trải qua những đêm tát nước chống hạn như thế mới nhớ…
Tuổi thơ sinh ra lớn lên ở nông thôn là thế, biết làm việc giúp gia đình trước khi biết chữ nữa. Nữ sĩ của chúng ta cũng không ngoại lệ chăng? Bởi bà đã nhớ những việc làm trước khi nhớ tới:
Tuổi thơ tôi
Là mái trường là thầy là bạn
Là bướm là chuồn- con trong vở con bay
Là vui vẻ giận hờn thương nhớ đắm say
Xa mái trường rồi ôi tiếc hoài tuổi nớ
Vâng cám ơn nữ sĩ với một khổ thơ có tới sáu từ "là" liệt kê những dấu ấn không phai thời tuổi thơ gợi nhớ! Làm sao có thể thiếu những kỷ niệm thân thương tuổi học trò với thầy với bạn dưới mái trường. Và đường đến trường đâu thể thiếu những lúc đuổi bướm, bắt chuồn chuồn,hái hoa dại bên đường đùa rỡn với nhau.
Nhà thơ Giang Nam còn ‘Nhớ những lần trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao. Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc”. Nữ sĩ gửi hình ảnh “con trong vở con bay phải chăng không chỉ là mấy cánh bướm ép trong vở tặng nhau ngày ấy còn lại, hay nhớ những cánh bướm bạn tặng không may sau thời gian không còn nữa…Mà còn phảng phất đâu đây một người ở lại nhớ một người ra đi..Thời gian nghiệt ngã và vô tình lắm để cho tâm tư người nữ sĩ ‘thương nhớ đắm say”. Phải chất vào ký ức cả những nỗi giận, hờn vu vơ, từ thời tuổi ngọc hẳn “người ấy” đã có một chỗ đứng nhất định trong trái tim dạt dào tình cảm của nữ sĩ. Để giờ đây sau rất nhiều chục năm “xa mái trường rồi” nữ sĩ vẫn thốt lên “Ôi tiếc hoài tuổi nớ”! Ai cũng có một thời để nhớ, để thương để mà tiếc nhớ! Nhất là
Trèo lên cây bắt tổ chim có nhớ
Cắt cỏ đứt tay lấy đất đắp vào
Trời ạ! Con gái mà trèo cây bắt chim ư? không! Có lẽ là nữ sĩ ở dưới và có một “bạn ấy” trèo lên thôi! Là tôi đoán thế vì “suy bụng ta ra bụng người mà. Nhưng hành động mà khi “cắt cỏ đứt tay lấy đất đắp vào của nữ sĩ chắc là không sao, vì hồi ấy làm gì có băng cá nhân hay thuốc men gì, cứ lấy bùn đắp lại là xong. Nhưng tôi thì lại không may mắn như thế một lần, trong vô số lần đứt tay lấy đất đắp vào, tôi đã bị nhiễm trùng để lại vết sẹo tới giờ…
Tuổi thơ lam lũ nghịch ngợm là thế! Nhưng nét dịu dàng, e thẹn của một thiếu nữ bước vào tuổi cập kê, biết rung động trước người khác giới đã hiện diện trong thơ nữ sĩ;
Anh đón đợi đầu làng miệng lấp lửng chào
Em đỏ mặt cúi đầu lẳng lặng
Hẳn đây là những kỷ niệm nữ sĩ khó quên nhất. Ngày ấy “đỏ mặt cúi đầu lẳng lặng” thì chắc rồi nữ sĩ ạ! Nhưng biết đâu bây giờ đọc những dòng này hai má nữ sĩ cũng lại nóng ran như thủa nào (có thể rất nhiều bạn cũng đoán thế giống tôi)
Thoang thoảng tình quê rứa mà sâu nặng
Bao nhiêu năm rồi ai nhớ ai quên?
Chùm phượng hồng thắp lửa ngày đêm
Lòng tự dối lòng, hỏi rằng ai không nhớ?
Một khổ thơ kết vẹn tình, trọn ý trả lời cho câu hỏi tựa đề đặt ra. Hỏi Ai Không Nhớ? Có lẽ ngay lúc này đây khi đi đến tận cùng nỗi nhớ,sau mấy chục năm của nữ sĩ thì Ai cũng nhớ nữ sĩ ạ! Bởi màu hoa phượng vốn là màu máu trong tim. Màu hoa của tuổi học trò, của những rung động đầu đời. Đã đang và sẽ “Thắp suốt ngày đêm” cùng với những “… tình quê rứa mà sâu nặng” “Lòng nhủ lòng”: Những ký ức ấy sẽ mãi in đậm trong mỗi người chúng ta phải không nữ sĩ ?
Một bài thơ tự do không quá cầu kỳ, trau chuốt câu từ, với một nhịp thơ nhẹ nhàng thanh thoát, cùng những câu thơ dài ngắn không phân định. Đã được nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh đưa người đọc sống trong những kỷ niệm tuổi ấu thơ tới thời thiếu nữ. Có lam lũ của em bé quê, có cái hồn nhiên của tuổi học trò, có cái e ấp của thiếu nữ tuổi trăng tròn, Và hơn hết là tình cảm với quê hương nguồn cội. Tất cả, tất cả hoà quyện với nhau tạo nên bức tranh quê tuyệt vời mang tên Hỏi Ai Không Nhớ? Xin chân thành cám ơn câu hỏi vốn chỉ để hỏi của nữ sĩ đã gợi nhớ, nhắc nhớ...Tôi tin và mong bạn đọc cùng tin rằng Ai cũng nhớ!

   
Mời thư giãn với nhạc phẩm QUÊ HƯƠNG
của Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân, qua tiếng hát Tùng Dương:
      
*.
Sài Gòn, ngày 21 tháng 10 năm 2014
HUỲNH XUÂN SƠN (Cao Thị Phương Lan)
Địa chỉ: 28 đường 7 Khu nhà ở Hiệp Bình KP4,
Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, Sài Gòn.
Email: huynhphuvang@gmail.com
.




........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 25.08.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét