TÂM LÝ PHẬT GIÁO TRONG TÂY DU KÝ - Tác giả: Thích Thiện Siêu (Thừa Thiên - Huế)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

TÂM LÝ PHẬT GIÁO
TRONG TÂY DU KÝ
*

Về tâm lý trong Tây Du có một ý nghĩa rất hay mà chưa ai khai thác được. Ngô Thừa Ân rất giỏi rất tài. Ta biết ngài Huyền Tráng 17 năm đi du học, về nước 19 năm dịch kinh.
Từ khi Ngài phát tâm lúc 13 tuổi xin xuất gia, ngài thề rằng: Viễn thiệu Như Lai cận quan nhi pháp. Chí nguyện của ngài từ đó về sau cho đến khi mãn cuộc dịch kinh, trọn cuộc đời trước sau như một, không lay chuyển. Bao nhiêu khó khăn vất vả, bao nhiêu vinh quang không lay chuyển. Một là ý nguyện lớn lao như hòn núi Tu di. Lớn lao mà kiên cố, chứ không phải lớn lao mà không kiên cố. Nếu lớn lao mà không kiên cố thì vác trời hai bữa rồi cũng bỏ thôi. 
Nếu kiên cố mà không lớn lao thì kiên cố đó cũng là kiên cố đi chơi chứ không ăn thua gì. Cho nên so với chúng ta, ngài là chí nguyện Tu di, còn chúng ta như một hạt cơm hạt gạo mà thôi. Hạt gạo nó nấu kịp thì thành hạt cơm, vừa đủ dán cái bì thơ chứ không làm chi hơn hết. Nếu không kịp nếu cơm để lâu vài hôm thì mọt nó ăn hết. Như vậy cuộc đời ngài ta thấy rõ từ khi phát tâm xuất gia 13 tuổi cho đến khi 25 tuổi đi thỉnh kinh, ngài chuyên môn học. 25 tuổi qua Ấn cầu pháp học 17 năm. Về nước 19 năm chuyên môn dịch cho đến khi gác bút nhắm mắt thì thôi, chí nguyện không bao giờ lay chuyển. Trong đó không thấy nói ngài nghỉ giờ giải lao hay tiêu khiển, không thấy nói đi khám bệnh hay đi nằm viện chi hết, đó là chuyện lạ. 
Trong công trình dịch kinh của ngài, ngài dịch một bộ Bát nhã 600 quyển mà trước đó chưa ai dịch hết. Vì trước đó thì người ta dịch rải rác từng bộ từng bộ thôi. Về Bát nhã thì người ta cũng dịch rải rác từng bộ như ngài La Thập dịch Kim cang hay Phóng quang Bát nhã… đến ngài thì ngài dịch trọn bộ Bát nhã 600 quyển. Rồi dịch tiếp các luận về Duy thức, Đại Tỳ-bà-sa 200 cuốn. Thuận chánh lý luận 80 quyển, Hiển Tôn luận 40 quyển, Câu-xá luận 30 quyển. Và còn nhiều bộ luận khác mà ngài dịch trong 19 năm trời. 
Đặc biệt ngài dở ra là dịch chứ không cần phải ngồi suy tư nữa, 19 năm như vậy ngài dịch kinh kiên trì như hòn núi Tu Di là hiếm có ai bì kịp. Qua sự dịch đó, các vị nên cố gắng bắt chước đôi chút, chứ không thì không ích lợi gì hết. Trong việc dịch có kinh Bát-nhã nhưng ngài lại thiên trọng về đạo lý Duy thức hơn. Mà trong Duy thức thì nói Vạn pháp Duy thức có 4 thứ. Tiền ngũ thức, ý thức, mạt na thức và A-lại-da thức. Ở đây có một chi tiết nên chú ý. 
Tại sao phái đoàn Tây du thỉnh kinh mà không cấu tạo 2 nhân vật, 3 nhân vật, 5 nhân vật, 6 nhân vật, 7 nhân vật mà lại cấu tạo 4 nhân vật thôi? Ông Ngô Thừa Ân ông có ý gì không? Chắc chắn có. Trong 4 nhân vật của ông cấu tạo là để tiêu biểu cho 4 cái thức của mỗi con người chúng ta. Tam tạng là tiêu biểu cho A-lại-da thức, có vẻ vô tư, vô thiện, vô ác, vô phú, vô ký tánh. Trư Bát giới là tiêu biểu cho đệ thất thức, anh đó say mê ăn ngủ, ưa chấp ngã lắm, cho nên bao nhiêu cái hư hỏng phiền não là do anh mà ra hết. Rồi ý thức là Tề Thiên Đại Thánh, là anh bay trên trời cũng được, lặn xuống nước cũng được. Quá khứ vị lai hiện tại anh ta đều biết cả. Tiền ngũ thức là Sa Tăng. Anh Sa Tăng là anh xuôi xuôi theo vậy thôi. 
Trong chuyện Tây Du có phải vậy không? Sa Tăng thì xuôi xuôi như vậy, đó là đặc tính của tiền ngũ thức, gặp đâu hay đó, gặp sắc thì hay sắc, gặp tiếng thì nghe tiếng, hễ tiếng qua đi rồi thì thôi. Khi đó chỉ có anh ý thức thôi chứ tiền ngữ thức anh không làm việc đó. Rõ ràng chưa? Còn con ngựa nữa? À, ở đây ta nói con người thôi chứ ai nói ngựa làm gì. Ngựa là chuyện khác. Trong đoàn đó chính thức là 4 người. Còn gặp chuyện nam nữ yêu quái giữa đường đó là tiêu biểu cho mấy tâm sở. Nói như vậy để biết mỗi người trong chúng ta có 4 tâm đó không? Có. Như vậy mỗi người chúng ta là 1 đoàn thỉnh kinh, một đoàn Tây du đi thỉnh kinh. Dầu có đến hay không đến, cái đó tùy mỗi người thôi. Thấy hết như vậy rồi thì chính mình là một đoàn thỉnh kinh chứ không ai khác, chứ không riêng ngài đi thỉnh đâu mà chính mình đi thỉnh đó.

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN SIÊU
“Sư tên thật là Võ Trọng Tường, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu 1921 âm lịch trong một gia đình mộ đạo Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 14 tuổi (1935), sư xuất gia học học Phật pháp tại chùa Trúc LâmHuế - trường Phật học đầu tiên của Hội An Nam Phật Học - trải qua các chương trình Phật học sơ cấp, trung cấp rồi đến cao cấp.
Năm 23 tuổi (1944), sư trở thành giảng viên của trường Phật học nói trên - lúc này đã chuyển địa điểm sang Đại Tòng Lâm Kim Sơn, Huế.
Từ năm 1950 đến năm 1955, sư được cử làm Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên.
Từ năm 1957 đến năm 1962, sư được cử làm Đốc giáo Phật học đường Trung Việt tại chùa Hải ĐứcNha Trang.
Năm 1962, sư trở lại Huế và làm giảng viên Phật học và tham gia công tác của Tổng trị sự Phật giáo Trung phần và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế.
Ngày 20 tháng 8 năm 1963, sư bị Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vì phản đối chính quyền này đàn áp Phật giáo. Đến khi Diệm bị lật đổ, sư mới được thả.
Từ năm 1964 đến năm 1974, sư được của làm Phó đại diện Phật giáo miền Vạn Hạnh; điều hành và giảng dạy lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa Liễu Quán tại chùa Linh Quang, Huế. Sư cũng tham gia giảng dạy các lớp Phật học ở nhiều tỉnh miền Trung khác.
Từ năm 1973 đến năm 1974, sư được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang.
Năm 1981, sư được cử làm Trưởng phái đoàn, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự đại hội thống nhất Phật giáo cả nước tại chùa Quán SứHà Nội. Tại đại hội này, sư được suy cử chức vu Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 1981 đến năm 1984, sư được mời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học ở chùa Quán Sứ.
Từ năm 1982 đến năm 1988, sư làm Trưởng ban Trị sự tỉnh Phú Khánh liên tiếp hai nhiệm kì.
Từ năm 1984 đến năm 1988, sư được cử làm Phó hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1984, sư được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1988, khi Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam được thành lập, sư được cử làm Phó Viện trưởng.
Từ tháng 4-1987 đến khi qua đời, sư được bầu vào Đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa VIII, IX và X.
Năm 1991, Giáo hội cử sư làm Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, đặc trách Hán tạng.
Từ năm 1994 đến năm 2001, Giáo hội cử sư làm Hiệu trưởng Trường Cơ Bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật Học), Thừa Thiên – Huế.
Năm 1997, sư được Giáo hội cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và đảm nhiệm vị trí này cho đến ngày qua đời.”
(Theo: vi.wikipedia.org)

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu


0 comments:

Đăng nhận xét