CHUYỆN CHIỀU GA XÉP VÀ LỜI BÌNH - Tác giả: Xuân Lộc (Hà Tĩnh)

Leave a Comment

CHUYỆN CHIỀU GA XÉP
VÀ LỜI BÌNH CỦA XUÂN LỘC
*
CHUYỆN CHIỀU GA XÉP

Mày với tao hóa lại cùng quê
Cùng đất lúa cùng dân cày cuốc
Mày ở La Đoài - Tao bên Đông Tước
Cách một con sông-Xanh ngằn ngặt đôi bờ

Tao bỏ làng đi vì một chuyện vẫn vơ
Mày tìm về làng sau cách xa biền biệt
Chén rượu uống chung nghiêng chiều ga xép
Năm tháng đầy vơi quy cố hương.

Ờ!…Hóa ra…
Con sông làng vẫn chảy, vẫn trôi
Nắng mưa vẫn bên này bên ấy
Cỏ thì vẫn xanh
Từ ngàn xưa dẫu ngàn sau vẫn vậy
Có chi đâu chuyện bên lỡ bên bồi.

Tao như sợi dây đàn chạm khẽ đã rung lên
Nghe tiếng trống long bong
Lại nhớ đêm làng vào hội
Mái đình cổ gió sương đã gội
Vẫn ngọt câu chèo Xắp dựng Xắp chênh
Vẫn câu hát đường trường xa cách
Dẫu ngược xuôi cũng đất ấy quê mình.

Ừ thế thôi !….
Mày áo gấm về làng
Tao lang thang chưa hẹn ngày trở lại
Nào xin cạn chén này mừng cây đa làng xanh mãi
Vời vợi nhớ thương một cõi đi về.
*.
NGUYỄN PHƯỚC GIANG
LỜI BÌNH:
(Tác giả Xuân Lộc)
Chuyện chiều ga xép, một bài thơ hay của thi sĩ Nguyễn Phước Giang. Tôi đã nghe chính tác giả đọc bài thơ này nhiều lần, với một giọng văn sang sảng, ngang tàng và phóng túng của một cựu chiến binh, một gã phong trần mang đậm nét rắn rõi, hào hoa của người đàn ông đất cảng.
Gã là một người lính trở về làng quê yêu dấu của mình sau chiến trận, trãi qua những sóng gió, vui buồn, khó khăn và bao nhiệu chuyện muối mắm khó tả nơi chôn nhau cắt rốn, máu giang hồ nỗi lên, gã quyết lòng khăn gói xa quê lần nữa để mưu tìm một tương lai chưa rõ. Hành trang mang theo vẫn là bóng dáng quê nhà. Trên những ngã đường bôn ba đi tìm cái tương lai chưa định hình đó, tại một ga xép, ngồi nhâm nhi ly rượu nhạt với cõi lòng ngổn ngang, tình cờ gã gặp một người cùng quê đang trên đường tìm về làng. Như sự sắp đặt của số phận, hai người đàn ông phiêu bạt cùng gặp nhau tại một điểm tình cờ, một ga xép. Họ dễ dàng nhận ra nhau không hẳn vì ly rượu nhạt cùng bàn nơi đất khách mà có lẽ vì một cái gì đó còn đậm sâu hơn.
Mày với tao hóa lại cùng quê
Cùng đất lúa cùng dân cày cuốc
Mày ở La Đoài - Tao bên Đông Tước
Cách một con sông - Xanh ngằn ngặt đôi bờ
Hai người chưa hề là bè bạn của nhau, chưa hề quen biết nhau từ trước, nhưng họ là những người cùng thế hệ, có thể tác giả lớn tuổi hơn một chút nhưng cùng lớn lên với nắng gió, với bão mưa, với bùn đất của cùng một con sông quê bên bồi bên lỡ, nên từ dáng dấp, phong thái, ngôn từ là họ nhận ra nhau và cứ thế tao mày một cách thoải mái, tự nhiên như:
Con sông làng vẫn chảy, vẫn trôi
Nắng mưa vẫn bên này bên ấy
Cỏ thì vẫn xanh
Từ ngàn xưa dẫu ngàn sau vẫn vậy
Có chi đâu chuyện bên lỡ bên bồi.
Mộc mạc, ngang tàng, đừng ai nghĩ rằng mới lần đầu gặp nhau, chưa hiểu về nhau nhiều mà đã tao - mày là khiếm nhã. Khi nhận ra người cùng quê là họ đã hiểu nhau rồi. Đó chính là cái tình, cái nghĩa, cái chất đã được kết tinh từ đất đai, từ thổ nhưỡng, từ những trang lịch sử của quê hương thẫm thấu vào mỗi con người nơi mình sinh ra. Đâu cần phải tìm hiểu kỹ về nhau, đâu cần phải dùng những mỹ từ khách sáo mới là không khiếm nhã với người vừa gặp?
Tao và mày - đấy là những đại từ nhân xưng chân thành nhất, trong sáng nhất và cũng dân dã nhất của những người bạn dành cho nhau. Tôi không quên lần đầu tiên khi đọc câu thơ của cố thi sĩ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền:
Thương nhau gọi mày tao
Ghét nhau kêu đồng chí…
Tôi đã vỡ òa ra sau hàng chục năm kiêng cữ với hai từ mày - tao, học được một cách giáo điều từ mái trường xã hội chủ nghĩa, tôn vinh hai từ đồng chí lên trên hết mọi giá trị…
Gã trai làng Đông Tước dù mang trong mình chút máu giang hồ lãng tử, vẫn là một tâm hồn yếu đuối, nhạy cảm, yêu mến quê hương một cách rất người, rất bản năng. Hình ảnh quê hương luôn nau náu trong lòng trên những bước đường viễn xứ, đấy là một thứ tình yêu rất đẹp, rất thơ, rất hồn nhiên,và rất sâu lắng trong mỗi con người:
Tao như sợi dây đàn chạm khẽ đã rung lên
Nghe tiếng trống long bong
Lại nhớ đêm làng vào hội
Mái đình cổ gió sương đã gội
Vẫn ngọt câu chèo Xắp dựng Xắp chênh
Vẫn câu hát đường trường xa cách
Dẫu ngược xuôi cũng đất ấy quê mình.
Vâng, yêu quê là thế, tình quê là thế nhưng vì một chuyện vẫn vơ phải bỏ làng đi chưa hẹn ngày trở lại. Cái chuyện vẫn vơ của gã đàn ông Đông Tước là gì mà đến nỗi không ngăn được bước giang hồ? Chỉ có gã mới biết. Tôi đồ rằng đó là cả một câu chuyện dài và bí ẩn. Chắc lòng gã quặn đau, nỗi đau phải xa làng quê yêu dấu mà không nói ra được thành lời thì chẳng còn là vẫn vơ nữa rồi.
Khi thốt lên:
Ừ thì thôi !…
Mày áo gấm về làng
Tao lang thang chưa hẹn ngày trở lại
Nghe thì có vẻ là một giọng điệu bất cần, ngang ngạnh, nhưng chứa đựng trong câu thơ vẫn là một niềm thương nhớ không nguôi dành cho quê hương, cho những cây đa, bến nước, sân đình, cho con sông làng bên bồi bên lỡ… đó là một tấm lòng của những đứa con xa xứ.
Nào xin cạn chén này mừng cây đa làng xanh mãi
Vời vợi nhớ thương một cõi đi về.
Biết làm sao được, mỗi con người có một số phận, một cuộc hành trình, một vũ trụ riêng tư. Tác giả cạn chén mừng cho cây đa làng xanh mãi và mừng người bạn mới quen áo gấm về làng, thõa nỗi nhớ thương vời vợi của một thời xa cách, cũng là gữi gắm lòng mình về với quê hương.
Bài thơ như một nỗi niềm, không riêng gì của tác giả nữa, mà dường như có cả bóng dáng của chính tôi, một chàng trai xứ Nghệ đã mang trọn hình ảnh quê nhà ra đi suốt bốn mươi năm nay, vẫn canh cánh bên lòng một tình yêu không gì lay chuyển với từng bãi cỏ, bờ đê, những ngày lưng trâu đọc sách, những buổi tắm truồng trên sông, bắt cá mò cua đùa giỡn với cáy còng và những chuyến đò ngang của một thời thơ trẻ.
Xin nâng ly chúc cho gã giang hồ đất cảng sớm trở về với làng Đông Tước thân yêu của mình, với mái đình đã gội gió sương, với câu chèo Xắp dựng Xắp chênh ngọt lịm.



Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẢY ĐI SÔNG ƠI
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Ngọc Tân:
            
*
XUÂN LỘC 
Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sài Gòn.
Email: xuanloc56@gmail.com 
Điện thoại: 091.831.92.33
.



  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn gửi ngày 06.02.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét