ĐỒNG TÂM - PHIÊN TÒA SƠ THẨM - TIẾNG NÓI CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment


ĐỒNG TÂM - PHIÊN TÒA SƠ THẨM
TIẾNG NÓI CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA
*
NHỮNG TÌNH TIẾT CẦN ĐIỀU TRA THẤU TỎ
(Luật sư Lê Luân)
Điểm mấu chốt trong việc phải thực nghiệm điều tra đối với việc đẩy xăng và gây cháy là làm sao một chiếc chậu chứa xăng đang cháy lại có thể dùng chân đẩy từ mái nhà này (Chức) qua mái nhà khác (Hợi) trên một cái thang?
Vì thế, tại phiên toà, khi đọc bản luận tội, kiểm sát viên đã thay đổi tình tiết này (được ghi trong bản Cáo trạng) bằng chiếc gậy chứ không còn là bằng chân nữa.
Mà chiếc chậu đỏ này, sau đó giám định, lại cho kết quả không có chất xăng bán dính vào. Và nó trở thành điểm mờ của vụ án. Trong khi, có hai cảnh sát cùng có mặt ở đó đã khai các cảnh sát nhảy qua hố bị trượt chân rơi xuống, mà hai cảnh sát đó không nhìn thấy được ai là người đổ xăng ở trên mái xuống, nếu có, vào lúc đó.
Chức khai chỉ lấy nắp can, đổ xăng từ can ra nắp rồi hắt xuống hố, vậy với 3-4 nắp can xăng dung tích 20 lít (chỉ còn 4-6 lít) thì chỉ gây bỏng chứ không thể gây than hoá hầu hết thân thể các cảnh sát như vậy.
Hơn thế, cần thực nghiệm xem rằng cần bao nhiêu xăng và trong môi trường, không gian (kín và hẹp) như vụ án để có thể sinh ra đủ nhiệt lượng làm than hoá toàn thân và sự cháy có thể duy trì bao lâu.
Kết luận giám định cũng kết luận nguyên nhân khác gây chết là do ngạt khí CO/CO2. Do vậy, càng cần phải xác định lại và cho chính xác nguyên nhân chết của các cảnh sát.
Khi tôi đọc hồ sơ, các quả lựu đạn được liệt kê chỉ có 10, nhưng khi tổng hợp lại qua toàn bộ các lời khai cho đến thời điểm trước khi đột kích vào phòng ông Kình, thì đã đủ số lựu đạn được thống kê trong Cáo Trạng.
Và ông Hiểu đã khai ông cũng bị bắn và ông Kình không cầm bất cứ quả lựu đạn nào mà là cầm một cái đinh cá, trong khi ông bị gãy chân chưa đi lại bình thường được, nên càng không thể hai tay hai vật khác nhau. Và theo ghi nhận về vết bắn thì là bắn từ trước ra sau chứ không phải từ sau ra trước (ông Hiểu cũng khai rõ sự chứng kiến như vậy).
Tất cả những tình tiết đó tạo nên, một định đoán rất đơn giản - ông Kình là người cuối cùng bị tấn công (bắn với 2 phát đạn chí mạng ở cự ly rất gần), rõ ràng, phù hợp với lời khai của những người trong vụ án đó, rằng, họ có mặt ở đó để bảo vệ ông Kình khỏi bị bắt cóc hoặc bị tấn công.
Chính các điểm nút này, cộng với việc các dữ liệu điện tử đã bị cắt ghép, chỉnh sửa (vi phạm nghiêm trọng việc thu thập và bảo quản vật chứng) và các lời khai tố cáo rằng bị đánh đập khi lấy cung trong trại tạm giam, tôi đề nghị phải khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra, từ đó ngăn chặn những hành động nguy hiểm cho xã hội trong các hoạt động tư pháp.
Một số các luật sư khác đề nghị phải khởi tố vụ án có tính chất giết người vượt quá việc thực thi công vụ để điều tra (đối với ông Kình), nếu công vụ là hợp pháp và đúng đắn, nhưng trước hết cần làm rõ tính chất và phạm vi của công vụ.
Trước khi diễn ra phiên xử sơ thẩm, tôi đề nghị phải triệu tập: điều tra viên (đối chất với các bị cáo tại phiên toà về vấn đề lấy lời khai và bức cung nếu có), đại diện Bộ Quốc phòng (Quân chủng Phòng không không quân và Tập doàn Viettel), đại diện công an Hà Nội, các giám định pháp y... nhưng những người này không có mặt (và không biết có triệu tập không?), mà nếu có mặt (đại diện Công an Hà Nội) lại bị tách khỏi mọi hoạt động xét xử tại phiên toà.
Và chính những căn cứ và cơ sở đó, tôi đề nghị phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để điều tra lại từ đầu, cùng việc khởi tố một số vụ án độc lập khác như đã nêu, để làm sáng tỏ toàn bộ sự thật của vụ án.
Vì vụ án này, có tới 2 bị cáo bị đề nghị mức án tử hình, trong khi đó, ít nhất ông Lê Đình Công không có liên hệ nào tới bối cảnh (riêng biệt) của sự việc tại giếng trời vào rạng sáng 9/1/2020, nên cần chuyển sang một tội danh khác chứ không phải là tội “Giết người”.
Các bị cáo nói lời sau cùng, có những lời cầu xin Đảng, Nhà nước khoan hồng và nương nhẹ, nó cho thấy, ngay tại phiên toà, nơi mà sẽ chỉ có luật pháp, sự thật và công lý được tôn trọng, nó vẫn hiển hiện rõ nét cái bóng quyền lực chi phối bao trùm của Đảng.
Trong khi đó, con người, chỉ công bằng trước luật pháp, và chỉ luật pháp mà thôi.
------------------

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO 04 BỊ CÁO
TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM VỤ ÁN ĐỒNG TÂM
(Luật sư Lê Văn Hòa)
Kính thưa Hội đồng xét xử!
Thưa các vị đại diện Viện kiểm sát thành phố Hà Nôi!
Thưa các Luật sư đồng nghiệp và những người có mặt tại phiên tòa!
Tôi – Luật sư Lê Văn Hòa (Văn phòng luật sư Lê Văn Hòa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) là người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 04 bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, Trần Thị La, bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình tham gia tố tụng vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm từ ngày 7/9/2020 đến nay (sau đây tôi viết tắt là “Vụ án Đồng Tâm”), tôi xin trình bày bản Luận cứ bào chữa cho 04 bị cáo như sau:
Tại các Kiến nghị trước của cá nhân tôi (cũng như các Kiến nghị tôi ký chung với các Luật sư đồng nghiệp bào chữa miễn phí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo theo lời mời của thân nhân họ) gửi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Vụ án Đồng Tâm, chúng tôi đã đề cập, phản ảnh, góp ý nhiều nội dung với ý thức xây dựng để nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tôi cũng không khẳng định hay bác bỏ hành vi của 04 bị cáo mà tôi bảo vệ có cấu thành tội “Giết người” hay không, bởi với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội thu thập, cũng như quá trình Truy tố, Xét xử là chưa đảm bảo tính khách quan. Nếu chỉ dựa trên các nguồn chứng cứ này để kết tội họ thì tôi e rằng Hội đồng xét xử sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng khó mà khắc phục!
Tôi dự cảm rằng, hình phạt mà Cơ quan truy tố “Tặng” cho các bị cáo sẽ vô cùng nặng nề, nếu Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào đề xuất của Viện Kiểm sát Hà Nội để ra bản án thì oan sai khó mà tránh khỏi!
Vì những lý do ở trên, trong bài bào chữa của mình tôi sẽ không đi vào phân tích động cơ, mục đích, tính chất của các hành vi phạm tội của 04 bị cáo (như cáo buộc trong Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng như trong Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội) để đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý khi ra bản án.
Tôi cũng như nhiều người có lương tri, là vô cùng đau buồn trước SỰ CỐ ĐỒNG TÂM với sự thiệt mạng của 04 người vào rạng sáng ngày 09/01/2020 (gồm 03 Sĩ quan Cảnh sát và 01 người dân Đồng Tâm, là ông Lê Đình Kình) và việc phải mang thương tật suốt đời của một số người dân khác mà hôm nay họ đang phải ngồi đây với thân phận bị cáo. Đáng lẽ ra những người có trách nhiệm phải lường trước sự việc để không cho nó xảy ra!
Để góp phần sửa chữa, khắc phục sai lầm có thể còn xảy ra, tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, trả hồ sơ vụ án cho cơ quan truy tố để điều tra bổ sung làm rõ những nội dung đặc biệt quan trọng sau đây:
1- Tính pháp lý của thửa đất 59 ha ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của chính quyền xã Đồng Tâm hay là đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng). Đây chính là nguyên nhân sâu sa, nguyên nhân trực tiếp, nhưng không được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng kết luận rõ, khách quan nên đã xảy ra sự cố Đồng Tâm 4/2017 và 09/01/2020.
2- Tính pháp lý của Cuộc hành quân của hàng ngàn Cảnh sát cơ động Hà Nội cùng một lực lượng Công an khác của Bộ Công an vào Đồng Tâm đêm 08/01 và rạng sáng ngày 09/01/2020. Do cấp nào quyết định? Và đúng hay sai?
3- Cần tổ chức thực nghiệm điều tra để làm rõ cái chết của 3 cảnh sát. Bởi các tài liệu trong hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra chưa thuyết phục. Cuộc thực nghiệm điều tra cần sự có mặt của các Luật sư hỗ trợ pháp lý cho bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình (Lê Văn Hòa, Ngô Anh Tuấn, Đặng Đình Mạnh) và các thành phần khác theo quy định của pháp luật.
4- Cần làm rõ cái chết mang nhiều uẩn khúc của ông Lê Đình Kình.
Kết luận điều tra và Cáo trạng cho rằng do ông Lê Đình Kình chống trả nên lực lượng cảnh sát cơ động đã chủ động bắn chết ông. Việc kết luận như vậy chưa làm rõ các hành vi, chưa chứng minh được hành vi có tính nguy hiểm đến mức phải tiêu diệt. Đặc biệt, theo lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, thì ông Lê Đình Kình bị bắn trực diện ở cự ly 1m chứ không phải bị bắn từ phía sau lưng với cự ly 2,5m như cáo buộc của Cáo trạng và Kết luận điều tra.
Ông Lê Đình Kình có địa chỉ cư trú rõ ràng là thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ông không phạm tội quả tang, cũng không phải tội phạm bị truy nã. Nên theo quy định tại khoản 3, Điều 113 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015, thì không được phép bắt ông vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ). Như vậy, nếu ông trở thành bị can của vụ án nói trên, và nếu ông phải chấp hành lệnh bắt tạm giam, thì cơ quan tố tụng chỉ có thể bắt ông giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Ông Lê Đình Kình không phải là bị can trong vụ án nào, không phải chấp hành lệnh tạm giam. Ông đang sống bình yên tại nhà mình. Như vậy, chỗ ở của ông là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không ai được tự ý vào chỗ ở của ông nếu không được ông cho phép (theo quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013).
Tính mạng của ông được pháp luật bảo hộ và không ai được quyền tước đoạt mạng sống của ông trái luật (theo quy định tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013).
Lực lượng Cảnh sát Cơ độngđã đột nhập nhà ông Lê Đình Kình vào lúc nửa đêm mà không được ông cho phép. Như vậy, lực lượng này đã vi phạm Điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và vi phạm điều 158 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 (tội xâm phạm chỗ ở của người khác), mà đây lại là việc xâm phạm có tổ chức. Tội này được quy định tại điểm a, khoản 2 điều luật trên, có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Không chỉ xâm phạm trái phép, lực lượng này còn đánh, bắn chết ông, tước đoạt mạng sống của ông trái luật, vi phạm Điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vi phạm khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình Sự năm 2015, với 2 tình tiết tăng nặng là giết người có tính chất côn đồ và có tổ chức (điểm n và điểm o).
5. Đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố tại phiên tòa vụ án “Giết người” theo đơn Tố cáo-Đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành (sinh năm 1950, trú tại xóm 1A, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) - bà Dư Thị Thành là vợ ông Lê Đình Kình.
Cá nhân tôi cùng với 02 Luật sư đồng nghiệp, gồm: Luật sư Ngô Văn Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) là người hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dư Thị Thành, trong việc tố cáo-đề nghị Khởi tố vụ án “Giết người” đối với sự việc chồng bà là ông Lê Đình Kình bị lực lượng Cảnh sát cơ động-Công an thành phố Hà Nội giết chết trong sự kiện Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/01/2020.

Trân trọng!
Người bào chữa
Luật sư Lê Văn Hòa
------------------

LỜI NÓI CUỐI CÙNG CỦA CÁC BỊ CÁO
(Luật sư Ngô Anh Tuấn)
(BIÊN BẢN PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN “GIẾT NGƯỜI” VÀ “CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ XẢY RA TẠI THÔN HOÀNH,
ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI NGÀY 09/01/2020)
Chiều ngày 4 (10/9/2020)
Hội đồng xét xử vào làm việc lúc 14h
Trước khi vào phòng nghị án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời cuối cùng.
1. BỊ CÁO ĐÀO THỊ KIM
Sau 8 tháng bị cáo ở trại tạm giam, bị cáo được các thầy cô quản giáo dạy dỗ, để bị cáo hiểu lỗi lầm của mình, cảm ơn thầy cô. Bị cáo nhận ra sai trái, có lỗi. Đề nghị quan tòa xem xét, bị cáo thành khẩn khai báo, xem xét cho hình phạt nhẹ nhất, về với gia đình.
Xin cảm ơn các Luật sư đã bào chữa cho bị cáo. Bị cáo xin các luật sư không bào chữa cho bị cáo nữa.
Xin thành thật chia buồn với người bị hại
Khi về quê hương chấp hành tốt các nội quy, xin quan tòa xem xét cho bị cáo.
2. TRẦN THỊ PHƯỢNG
Bị cáo trước tiên cảm ơn Viện Kiểm sát đã chuyển tội danh cho 19 bị cáo, thành thật cảm ơn, để bị cáo trở về. Mong quý tòa xem xét (bị cáo khóc)
Bị cáo hứa được về sẽ trở thành công dân tốt
Khẩn khoản cầu xin, chồng bị cáo và Bùi Văn Tiến trở về, để 2 vợ chồng trở về nuôi con, để các con của bị cáo trở thành người có ích.
Cảm ơn quan tòa, cảm ơn các luật sư nhưng tôi xin các luật sư không bào chữa cho tôi nữa.
Bị cáo chia buồn cùng gia đình các bị hại
Xin lỗi gia đình các bị hại
3. MAI THỊ PHẦN
Bị cáo bị bắt giam nay 8 tháng, hành vi của bị cáo sai trái pháp luật, bị lôi kéo, nay bị cáo ăn năn hối cải, mong Đảng, Nhà nước, Tòa, giảm cho bị cáo mức thấp nhất là án treo, để trở về với gia đình, làm công dân tốt, không làm việc xấu, cảm ơn Đảng và Nhà nước.
Lời cuối cùng, xin chia buồn 3 gia đình chiến sĩ đã hi sinh làm nhiệm vụ Đồng Tâm, lời xin chia buồn chân thành nhất.
4. BÙI THỊ ĐỤC
Bị cáo không có trình độ văn hóa, xin Hội đồng xét xử, cảm ơn các thầy cô trại giam, dạy dỗ lẽ trái phải trong trại giam, tôi biết tôi sai, xin Hội đồng xét xử, toàn thể các cán bộ, Đảng và Nhà nước tôi có sai, tôi xin, tôi xin các Luật sư bào chữa cho tôi.
Tôi xin Hội đồng xét xử xem xét (lời nói rất nhỏ và khó nghe) cho tôi 1 án thấp nhất, để tôi trở về với gia đình. Tôi hứa không làm chuyện gì xảy ra với pháp luật.
Tôi hứa như vậy.
Xin chào Hội đồng xét xử, các thầy các cô, Luật sư trong hội trường.
5. TRẦN THỊ LA
Thưa quý Tòa, ở trại tạm giam 8 tháng, bị cáo suy nghĩ nhiều về hành vi của bị cáo, bị cáo mong xem xét giảm nhẹ nhất cho bị cáo và gửi lời xin lỗi gia đình bị hại.
Chồng bị cáo mất sớm, con còn nhỏ, 1 mình nuôi con, cho bị cáo 1 cơ hội về sớm để nuôi con, cho bị cáo về sớm nuôi con, cho con bị cáo mai kia lớn lên trở thành người tốt trong xã hội.
Cho bị cáo trở về xã hội để làm 1 người công dân tốt.
Thưa quan tòa! Cho bị cáo được hưởng án treo.
6. NGUYỄN THỊ LỤA
Kính thưa quan tòa, VKS, tôi là Nguyễn Thị Lụa, năm nay 65 tuổi, tôi xin hứa gia đình nạn nhân, tôi xin quan tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho tôi xin. Những gì tôi đã làm, tôi đã biết lỗi rồi, tôi đã khai hết rồi, tôi xin khoan hồng, tôi đã đưa lên quan tòa là bố tôi hy sinh, tôi cảm ơn quan tòa, Viện Kiểm sát.
7. LÊ ĐÌNH DOANH
Cho bị cáo gửi lời xin lỗi sâu sắc tới gia đình 3 chiến sĩ
...
Trong suốt thời gian qua, được sự quan tâm của cán bộ, cháu biết lỗi của mình gây ra, xin cảm ơn Luật sư bảo vệ cho bị cáo nhưng bị cáo xin các luật sư không phải bào chữa cho bị cáo nữa.
Bị cáo xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được sự khoan hồng, cho bị cáo về với vợ con.
8. NGUYỄN QUỐC TIẾN
Trong thời gian bị cáo bị tạm giam tạm giữ, được ban giám thị, các thầy dạy dỗ chỉ bảo, chỉ ra sự sai, bị cáo có nhận thức được, biết mình đã gây ra sai trái.
Bị cáo đã sai….bị cáo mua xăng, đốt pháo hoa, nhưng bị cáo không phải là người cầm đầu, bị cáo bị tổ Đồng thuận lôi kéo và không ngờ xảy ra như vậy, bị cáo xin xám hối, xin giảm nhẹ, để bị cáo sớm trở về xã hội, để trở thành công dân tốt.
Lời chia buồn 3 gia đình: tôi không trực tiếp nhưng 1 phần cũng có lỗi, tôi nhận thức được hành vi phạm tội của tôi, tôi cũng nhờ cán bộ điều tra giúp nói với vợ tôi là Kim làm phong bì 5- 10 triệu thắp hương, cán bộ đã nhận lời, tôi hỏi cán bộ nhắn lại chưa, cán bộ nói rồi. Nhưng tôi sau đó mới biết là vợ tôi cũng bị bắt. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình 3 chiến sĩ.
Lời cuối: bị cáo không cần một luật nào bào chữa nữa, kể cả luật sư chỉ định.
9. NGUYỄN VĂN TUYỂN
Thưa quý tòa và Hội đồng xét xử, trong thời gian qua, 8 tháng tạm giam, được các thầy cô quản giáo đã đến chia sẻ động viên, cám ơn các thầy cô, cho bị cáo xin quan tòa và Hội đồng xét xử xem xét bị cáo.
Bị cáo nhận được lỗi lầm của mình, xin được giảm và trở về gia đình, chuộc lại lỗi lầm.
Cụt tay, không có khả năng lao động, không phải là cầm đầu nên xem xét giảm nhẹ cho bị cáo, xin quan tòa, Hội đồng xét xử giảm bớt khung hình phạt cho bị cáo. Mẹ già đã 85 tuổi, vợ bị bệnh tiểu đường nên cần sự quan tâm của bị cáo. Nên cần Đảng và Nhà nước giơ cao đánh khẽ, xin chia buồn cùng gia đình 3 chiến sĩ, tuy không trực tiếp gây ra 3 cái chết nhưng vẫn liên quan.
Bị cáo không thuê Luật sư, được 1 Luật sư chỉ định bào chữa nên gửi lời cảm ơn Luật sư và Hội đồng xét xử.
10. LÊ ĐÌNH CHỨC
Lời đầu tiên xin gửi lời chia buồn và lời xin lỗi đối với gia đình 3 chiến sĩ, sau này khi được sống trở về hay chết thì cũng xin tha lỗi.
Xin quan tòa và Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo, bố bị cáo đã mất, bị cáo chưa được thắp 1 nén hương, con bị cáo nhỏ mới sinh nhưng bị cáo chưa một lần được gặp mặt. Mong Hội đồng xét xử cho bị cáo thắp 1 nén hương cho bố và cho gặp mặt con.
Cảm ơn các Luật sư bào chữa cho bị cáo và bào chữa cho các bị cáo khác.
11. LÊ ĐÌNH CÔNG
Trong quá trình xảy ra vụ án này, qua lời khai của bị cáo trong các biên bản hỏi cung và lời khai tại Tòa, bị cáo không bàn bạc, không giao việc cho ai. Lời khai hoàn toàn trùng hợp với các bị cáo kia. Điều này hoàn toàn chính xác.
Trong quá trình xảy ra vụ án, bị cáo duy nhất nhờ Tuấn (Tuấn là con nuôi bị cáo) là chạy ra đằng sau xem có ai hay không, bị cáo không phân công bất cứ ai.
Hi sinh 3 chiến sĩ, bị cáo hoàn toàn không biết gì, sau khi biết việc, bị cáo vô cùng hối hận. Sau khi biết được sai lầm, bị cáo ăn năn hối cải, kính mong Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng, cho bị cáo sang tội danh Chống người thi hành công vụ.
Trong trại tạm giam, bị cáo được các cán bộ cấp phát đồ ăn, trong đó bị cáo chấp hành rất tốt, điều đó được ghi nhận bởi cán bộ trại tạm giam. Bị cáo cảm ơn các cán bộ trong quá trình dẫn giải, các cán bộ áp giải đã thấy bị cáo chấp hành tốt và chuẩn bị cho bị cáo ăn uống đầy đủ.
Cho bị cáo gửi lời chia buồn tới gia đình 3 chiến sĩ, và xin tha thứ cho bị cáo. Bị cáo xin cảm ơn, kính mong Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử cho bị cáo tội Chống người thi hành công vụ.
Bị cáo trở lại làm người có ích.
Cảm ơn các vị Luật sư đã bảo vệ cho bị cáo và 28 bị cáo khác.
12. BÙI VIẾT HIỂU
Kính thưa Hội đồng xét xử
Bị cáo là Bùi Viết Hiểu
Kính thưa Hội đồng xét xử, bị cáo nhận thức hành vi sai phạm vừa qua, bị cáo thấy đúng, ăn năn, mong được hưởng sự khoan hồng, chiếu cố nhân thân gia đình bị cáo. Gia đình bị cáo có anh cả hy sinh, em út bệnh nhân chất độc da cam mất cách đây 10 năm, bị cáo có bề dày thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng cuối đời phạm sai lầm nghiêm trọng, vợ bị cáo thì không tự chăm sóc được mình, bị cáo tuổi đã cao, nhiều lần bị thương sức khỏe yếu. Vậy kính mong cho bị cáo hưởng sự ưu ái, khoan hồng của pháp luật.
13. NGUYỄN VĂN QUÂN
Thưa Hội đồng xét xử, 8 tháng tôi được giam giữ tại trại số 2, tôi nhận thức lỗi lầm, mong giảm nhẹ hình phạt để về chăm sóc con, vợ đi mấy năm nay.
Cảm ơn Luật sư đã bào chữa cho tôi.
Bị cáo xin chia buồn cùng gia đình chiến sĩ, bị cáo xin hết.
14. LÊ ĐÌNH UY
Thưa Hội đồng xét xử, cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát đã giảm tội danh cho 29 người, cảm ơn các vị Luật sư…
Sau 8 tháng, bị cáo được sự quan tâm, giáo dục động viên của Ban giám thị trại giam, bị cáo nhận ra ý thức là sai. Mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ để bị cáo về với vợ con.
15. LÊ ĐÌNH QUANG
Thưa Hội đồng xét xử, qua thời gian tạm giam ở trại giam, được cán bộ trong trại tạm giam cho bị cáo hiểu biết pháp luật, xin giảm nhẹ để về với gia đình, xin lỗi gia đình bị hại 3 chiến sĩ hi sinh.
16. BÙI VĂN TIẾN
Xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ công an, mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng vẫn cảm thấy có lỗi.
8 tháng qua ở trại tạm giam, được sự quan tâm của Ban giám thị và các thầy đã dạy dỗ và chỉ bảo lỗi lầm….nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, mong giảm nhẹ.
Xin cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi tội danh, cảm ơn các luật sư và mong các luật sư không thay đổi hồ sơ và điều tra lại nữa.
Bị cáo có bệnh nặng, mong quan Tòa giảm nhẹ cho bị cáo về chữa bệnh.
Bị cáo xin cảm ơn.
17. NGUYỄN VĂN DUỆ
Xin chia buồn cùng gia đình 3 chiến sĩ
Kính thưa Hội đồng xét xử, 8 tháng bị giam, bị cáo nhận thấy sai trái, nhưng sự việc đã rồi, kính mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ.
18. LÊ ĐÌNH QUÂN
8 tháng được giáo dục chỉ bảo, biết lỗi lầm gây ra, bị cáo bị dụ dỗ, lao vào phạm tội, xem xét giảm nhẹ.
Cảm ơn Luật sư bào chữa cho bị cáo.
19. BÙI VĂN NIÊN
8 tháng qua biết lỗi lầm, gia đình bị cáo mẹ già 80 tuổi, bố đi tham gia chiến tranh bị chất độc màu da cam, năm 75 giải phóng, về sinh Niên nên Niên ý chí không được minh mẫn, không nắm những vấn đề xã hội nên gây ra.
Tha lỗi cho Niên, tại Niên không nắm rõ cái gì, cho xin lỗi.
Cảm ơn luật sư đã giúp đỡ 29 bị cáo, Niên bị động kinh 14 lần trong trại nhưng bị cáo không biết. Lúc con 14 tháng tuổi thì vợ bỏ, Niên phải nuôi con 1 mình.
Nên mong Hội đồng xét xử cho Niên án nhẹ nhất, để về chăm sóc con.
Bùi Văn Niên xin hết.
20. BÙI VĂN TUẤN
Mong Tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo
Trong thời gian tạm giam được cán bộ quản giáo giúp đỡ...mong quan Tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
21. TRỊNH VĂN HẢI
Cho bị cáo xin lỗi gia đình bị hại
Trong thời gian tạm giam, bị cáo nhận ra hành vi vi phạm của mình. Bị cáo xin được giảm nhẹ.
22. NGUYỄN XUÂN ĐIỀU
Kính thưa Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát cùng các luật sư
Bị cáo tên Nguyễn Xuân Điều, sinh năm 1952
Thời gian vừa rồi, bị cáo vô tình không có cái gì, bị cáo đi làm về. Trong kết luận điều tra, bị cáo không tham gia vào việc gì. Chỉ có bị cáo thấy bùi nhùi mắc vào dây điện cháy nên bị cáo thấy nguy hiểm, bị cáo lấy 2 viên đá ném cho đỡ cháy bùi nhùi nhưng tay bị cáo đau không ném được.
Mong Hội đồng xét xử xem xét, 9 năm ở chiến trường, bị cáo phải uống thuốc, bị cáo bị tái phát. Bị cáo còn mẹ già 95 tuổi và con thứ 2 của bị cáo đi lấy chồng về bị tâm thần, nên bị cáo đi làm nuôi mẹ nuôi con, con bị cáo đang nằm bệnh viện tâm thần Ba Thá. Bị cáo mong Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát, Luật sư giúp đỡ bị cáo, hưởng sự khoan hồng, để bị cáo sớm trở về nuôi mẹ nuôi con. Đối với gia đình 3 chiến sĩ, vấn đề này không may, vì không biết nên xin chia buồn cùng gia đình.
Bị cáo xin cảm ơn!
23. LÊ THỊ LOAN
Kính thưa Hội đồng xét xử, bị cáo Lê Thị Loan (ngập ngừng không nói tiếp)
Tòa: Bị cáo có thể nói lời sau cùng
Bị cáo: Tôi xin gửi đến gia đình 3 chiến sĩ. Thời bình lại xảy ra chiến tranh, cha tôi cũng ở chiến trường, tôi đau đớn nên tôi rất hiểu.
Tuy tôi không gây ra 3 cái chết của 3 chiến sĩ, tôi chỉ biết cho vay tiền để anh ấy trả nợ, tôi xin 3 liệt sĩ, có linh hương ở trên trời thì 3 liệt sĩ cứ đi tìm người gây ra cái chết, như tôi đã phải trải qua lúc bé khi bố tôi mất ở chiến trường. Tôi xin tòa và VKS xem xét giảm nhẹ cho tôi, tôi chỉ cho vay trả nợ như vậy, đất nước phải trong sạch, tôi không nghĩ thời bình xảy ra chuyện như này. Tôi mong giảm nhẹ để đi tìm xương cốt cha tôi.
Tôi xin cám ơn các thầy cô trong trại giam giúp đỡ và chăm sóc tôi những ngày tôi ở trại giam, để cho tôi được đứng ở đây ngày hôm nay. Tôi xin luật sư không bào chữa cho tôi nữa.
24. NGUYỄN VĂN TRUNG
Xin thưa Quý tòa, Hội đồng xét xử
Xin gửi lời chia buồn. Bị cáo thành khẩn khai báo. Bị cáo biết bị cáo sai, xin hưởng khoan hồng pháp luật, bị cáo có con nhỏ…
25. LÊ ĐÌNH HIỂN
Chủ tọa: Bị cáo có quyền nói lời sau cùng
Bị cáo: Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình 3 liệt sĩ. Bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo xin quan tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cho bị cáo sớm trở về với gia đình con nhỏ
Cảm ơn tất cả các Luật sư.
26. BÙI VĂN TIẾN
Bị cáo xin được gửi lời chia buồn đến gia đình 3 liệt sĩ
Trong thời gian 8 tháng ở trại tạm giam, tôi đã nhận ra hành vi phạm tội là sai trái pháp luật, xin được giảm nhẹ tội để trở về gia đình.
27. NGUYỄN THỊ DUNG
Kính thưa Hội đồng xét xử
Tôi xin nói lời đối với Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát, luật sư đã bào chữa, với tất cả những người có mặt.
Tôi xin thay mặt toàn nhân dân xã Đồng Tâm...
Nhưng tôi rất tiếc, là đồng chí không phải chống giặc ngoại xâm, đồng chí đã 58 tuổi Đảng, đồng chí lo cho dân, mà đồng chí đã hy sinh cùng 3 đồng chí công an. Bây giờ nhân dân chúng tôi, rất nhiều người đang xem truyền hình, tôi đã hiểu hết, tôi đã nhận ra rằng tất cả nhân dân xã Đồng Tâm có một ý nghĩ như tôi, tôi rất tiếc sự việc xảy ra ngày 9/1/2020. Tôi bị bắt vào đây. Nhưng tôi đứng trước các gia đình có người con bị thiệt mạng, chúng tôi đau đớn. Nhưng xin Tòa, những người trên cao nhìn xuống, xử 29 người ở đây tội danh nhẹ nhất.
Tôi xin….
28. BÙI THỊ NỐI
Tôi có một vấn đề: Tôi là người dân Đồng Tâm, vì bát cơm manh áo mà tại thời đại hòa bình, bố tôi, ông Kình 58 tuổi Đảng, là người nông dân mẫu mực. Thời đại hòa bình mà để mất các chiến sĩ hy sinh.
Chỉ vì một đêm thôi, tôi đã bị một viên đạn xuyên vào ngực. Những người nông dân không có đất, để kiếm bát cơm manh áo.
Yêu cầu: Đảng, Chính phủ, Thế giới này, giúp người dân lao động. Những Luật sư, nhà trí thức, cố gắng tìm ra con đường sáng sủa nhất cho người dân lao động, cho Thế giới loài người, để sống cuộc sống thanh bình nhất, đẹp đẽ nhất.
29. NGUYỄN THỊ BÉT
Tôi xin, tôi đã trót ra nhà ông Kình, nhưng tôi không làm gì. Tôi ở trại tạm giam, tôi đã được các cán bộ giáo dục tôi, tôi đã hiểu biết nên muốn Hội đồng xét xử xem xét.
Tôi ngu, tôi dại, tôi có đi nhưng tôi không làm gì. Tôi xin hứa thế. Nên kính mong Hội đồng xét xử tôi được giảm nhẹ, xin được hưởng án treo, cho tôi về (bị cáo khóc)
Hoàn cảnh tôi khó khăn….
Xin lỗi 3 gia đình, tôi không làm gì sai đâu. Tôi chỉ ngồi một chỗ thôi. Luật sư không cần làm gì cho tôi nữa đâu.
HỘI ĐỒNG XÉT XỬ KẾT THÚC LỜI NÓI CUỐI CÙNG
Hội đồng xét xử Nghị án, nghị án kéo dài.
15h chiều Thứ 2, ngày 14/9/2020
-------------
P/s: Do tài liệu ghi chép của tôi bị thu giữ, không cho sao lưu nên tôi không có được văn bản nguyên gốc theo cách hành văn của mình mà tôi đăng lại theo ghi chép của một “thư ký” khác của chúng tôi là luật sư Phạm Lệ Quyên.
------------------

LUẬN CỨ BÀO CHỮA TẠI PHIÊN TÒA
SƠ THẨM VỤ ÁN ĐỒNG TÂM
(Luật sư Hà Huy Sơn)
Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, ngày 07/09/2020.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho các bị cáo, xin trình bày quan điểm bào chữa như sau:
1- Bị cáo Bùi Viết Hiểu, sinh năm 1943.
2- Bị cáo Bùi Thị Nối, sinh năm 1958.
Bị truy tố về tội giết người quy định tại điểm a, d, n, o khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
3- Bị cáo Trần Thị Phượng, sinh năm 1984.
Bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
I. Đề nghị Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 “Trả hồ sơ điều tra bổ sung” Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC - BCA - BQP ngày 22/12/2017:
Điều 6. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự
1. Khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
b) Không chỉ định, thay đổi hoặc chấm dứt việc chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
k) Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
o) Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015:
Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.
2. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.
Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Thứ nhất:
Cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 280 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC - BCA - BQP ngày 22/12/2017.
Vụ án có 25 bị cáo trong tổng số 29 bị cáo bị truy tố tội “Giết người” có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại Điều 76 Cơ quan Điều tra phải chỉ định người bào chữa cho các bị cáo. Nhưng ngay sau khi bị bắt và trong những lần lấy lời khai đầu tiên, Cơ quan Điều tra yêu cầu các bị cáo viết đơn từ chối luật sư và lập biên bản về việc các bị cáo từ chối luật sư. Tôi cho rằng đây là hành vi ép buộc các bị cáo của Cơ quan Điều tra, vì:
1. Việc từ chối luật sư được tất cả 25 bị cáo thực hiện trong cùng một khoảng thời gian ngắn, ngay sau khi bị bắt. Trong khi các trình độ hiểu biết pháp luật của các bị rất hạn chế; đa số các bị cáo có trình độ văn hóa thấp.
2. Thủ tục từ chối luật sư của các bị cáo là không hợp lý vì Cơ quan Điều tra chưa chỉ định luật sư cho bị cáo thì các bị cáo lấy lý do gì từ chối luật sư, từ chối luật sư nào. Hơn nữa tại phiên tòa có nhiều bị cáo không đồng ý với Kết luận điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát thì không hợp lý khi cho rằng trong giai đoạn điều tra các bị cáo tự nguyện từ chối luật sư.
3. Việc các bị cáo từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra ban đầu là vi phạm Điều 77 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. Chỉ đến khi Cơ quan Điều tra đã có đủ lời khai cần thiết để nghị truy tố thì mới chỉ định luật sư hoặc chấp nhận luật sư do gia đình các bị cáo mời. Tôi cho rằng, đến lúc này, vai trò của các luật sư chỉ là để hợp thức về mặt tố tụng cho Cơ quan Điều tra.
Thứ hai:
Bị cáo Bùi Thị Nối tại phiên tòa ngày 08/09/2020 khai tại tòa: Lúc bị cáo bị bắt, bị cáo đang bị thương nhưng khi lấy cung vẫn bị đánh vào chân rất đau đớn tại đồn Công an Miếu Môn để ép cung. Và một số bị cáo khác cũng khai tại tòa là trong giai đoạn điều tra khi chưa có Luật sư cũng bị đánh đập, bức cung, nhục hình - Vi phạm điểm o khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC - BCA - BQP.
Thứ ba:
Điều 204. Thực nghiệm điều tra
1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Cơ quan điều tra không thực nghiệm điều tra để kiểm tra, xác minh việc 03 Công an bị rơi xuống hố và bị đốt bằng xăng như thế nào là Vi phạm Điều 85 và Điều 204 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC - BCA - BQP.
Thứ tư:
Căn cứ lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa ngày 08/09/2020, tôi cho rằng có dấu hiệu “có người khác thực hiện hành vi phạm “Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại Điều 126 Bộ Luật Hình Sự đối với ông Lê Đình Kình và ông Bùi Viết Hiểu chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can - Vi phạm điểm c khoản 1 Điều 280 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015.
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
II. Đề nghị Hội đồng xét xử:
- Với các căn cứ và lý lẽ nêu trên,
Tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Tôi xin cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2020.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn
------------------



- TRẦN ANH QUÂN tổng hợp và giới thiệu -
(Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 12.09.2020.
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)
.

0 comments:

Đăng nhận xét