11 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI TẬP THIỀN - Tác giả: Nguyên Giác (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

 

11 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI TẬP THIỀN

*

Hãy chấp nhận các kinh nghiệm của bạn, ngay cả các kinh nghiệm bạn ghét. Đừng lên án chính mình về các bất toàn và thất bại, bạn hãy học để thấy rằng tất cả các hiện tượng trong tâm là những gì có thể hiểu và để nó tự nhiên một cách toàn hảo. Hãy thực tập sự chấp nhận không phân biệt vào mọi thời, và với lòng tôn kính mọi thứ mà bạn kinh nghiệm.

(Tác giả Nguyên Giác)

Năm 12 tuổi, ngài Henepola Gunaratana thọ giới Sa di trong một ngôi chùa nhỏ ở làng Malandeniya, huyện Kurunegala, tại Sri Lanka. Năm 20 tuổi, ngài thọ cụ túc giới tại Kandy; lúc đó là năm 1947. Ngài tốt nghiệp các Trường Đại học Vidyalankara College và Buddhist Missionary College ở Colombo, rồi sang Ấn Độ làm việc cho hội Mahabodhi Society, phục vụ những người trong giai cấp bần cùng Harijana ở Sanchi, Delhi và Bombay; sau đó, sang Mã Lai 10 năm làm giảng sư, và giữ chức cố vấn tôn giáo cho các hội Sasana Abhivurdhiwardhana Society, Buddhist Missionary Society và Buddhist Yourth Federation of Malaysia. Ngài cũng là Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Kuala Lumpur.

Theo lời mời của Sasana Sevaka Society, ngài sang Hoa Kỳ năm 1968, giữ chức Tổng Thư ký danh dự cho Buddhist Vihara Society ở thủ đô Washington D.C. Năm 1980, ngài được cử làm Chủ tịch hội này. Trong những năm ở đây, đại sư dạy các lớp về Phật giáo, tổ chức các kỳ thiền thất và thuyết pháp khắp Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc và Tân Tây Lan.

Khi mới tới Hoa Kỳ, ngài đã vào học phân khoa Triết học ở American University, và lấy cả 3 văn bằng Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ ở đây. Sau đó, đại sư dạy các lớp Phật học tại 3 Đại học vùng thủ đô- American University, Georgetown University và University of Maryland. Từ năm 1973, ngài trở thành Tuyên úy Phật giáo tại American University, cố vấn cho sinh viên có quan tâm về Phật giáo và thiền định. Bây giờ, ngài là Chủ tịch hội Bhavana Society ở West Virginia trong vùng núi Shenandoah, khỏang 100 dặm cách thủ đô, chuyên dạy và tổ chức thiền định.

Dưới đây là trích dịch từ Chương 4, trong “Mindfulness in Plain English” – một cuốn sách đang được nhiều tu viện và đại học Hoa Kỳ dùng làm cẩm nang thiền tập.

… Tâm là một nhóm các sự kiện, và người quan sát tham dự vào các sự kiện này mỗi lần họ nhìn vào trong [tâm]. Thiền là sự quan sát tham dự. Những gì mà bạn nhìn vào sẽ đáp ứng vào tiến trình nhìn. Những gì mà bạn đang nhìn chính là bạn, và những gì bạn thấy sẽ tùy thuộc vào cách bạn nhìn. Do vậy, tiến trình thiền tập thì cực kỳ tinh tế, và kết quả sẽ tùy thuộc tuyệt đối vào trạng thái của tâm. Các thái độ sau đây là cốt tủy để thành công khi thiền tập. Hầu hết trong đó đã được nêu lên từ trước đến giờ. Nhưng chúng ta đưa ra đây lần nữa, để dùng như một nhóm các pháp cần ứng dụng.

1. Đừng mong đợi bất cứ gì, bạn hãy ngồi trở lại và nhìn xem cái gì xảy ra. Hãy xem toàn bộ [thiền tập] như một thử nghiệm; hãy tham dự tích cực vào chính thử nghiệm, nhưng đừng phân tâm vào chuyện mong đợi kết quả. Do vậy, bạn đừng lo lắng về bất kỳ kết quả nào, hãy để thiền tập trôi chảy theo tốc độ và hướng đi riêng của nó. Hãy để thiền tập dạy cho bạn những gì nó muốn hiển lộ cho bạn. Sự tỉnh thức khi thiền tập là để giúp bạn thấy thực tại chính xác như nó là.

Cho dù điều đó có đáp ứng với mong đợi của bạn hay không, nó cũng đòi hỏi ở bạn một sự ngưng đọng tạm thời tất cả các thành kiến và ý kiến. Chúng ta phải cất dẹp đi các hình ảnh, ý kiến và diễn dịch của chúng ta sang chỗ khác trong khi thiền tập, nếu không, chúng ta sẽ vấp vào chúng.

2. Đừng căng thẳng, cưỡng bách bất cứ thứ gì bởi thiền tập không hề có tính xông xáo nào, cũng không có cố gắng mạnh bạo nào. Hãy cứ để nỗ lực [thiền tập] của bạn thư giãn và đều đặn.

3. Đừng vội vã, hấp tấp, hãy từ từ thoải mái, ngồi lên một tọa cụ, và ngồi như thể bạn có trọn cả một ngày. Bất cứ những gì thực sự giá trị đều cần thời gian để phát triển. Hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn, và kiên nhẫn.

4. Đừng dính vào bất cứ gì, và đừng xô đẩy ra bất cứ gì, bạn hãy để mặc cho những gì tới cứ tới, và hãy nhẫn chịu nó, bất kể nó là gì. Nếu các hình ảnh tốt khởi lên trong tâm bạn thì đều là tốt. Nếu các hình ảnh xấu khởi lên trong tâm bạn thì cũng tốt thôi. Hãy nhìn tất cả chúng như bình đẳng, và nhẫn chịu với bất cứ gì xảy ra, đừng chống trả với bất cứ gì bạn kinh nghiệm, mà hãy quan sát tất cả một cách tỉnh thức.

5. Hãy buông xả và học cách cho trôi đi tất cả những biến đổi hiện ra. Bạn nên thả lỏng và thư giãn.

6. Chấp nhận bất cứ thứ gì sinh khởi, cũng như chấp nhận các cảm thọ của bạn, ngay cả những cảm thọ bạn mong muốn đừng tới. Hãy chấp nhận các kinh nghiệm của bạn, ngay cả các kinh nghiệm bạn ghét. Đừng lên án chính mình về các bất toàn và thất bại, bạn hãy học để thấy rằng tất cả các hiện tượng trong tâm là những gì có thể hiểu và để nó tự nhiên một cách toàn hảo. Hãy thực tập sự chấp nhận không phân biệt vào mọi thời, và với lòng tôn kính mọi thứ mà bạn kinh nghiệm.

7. Hãy dịu dàng và tử tế với chính bạn. Bạn có thể không toàn hảo, nhưng bạn là tất cả những gì bạn phải làm việc với, và tiến trình trở thành “một ai đó” mà bạn sẽ là, thì khởi đầu với sự chấp nhận toàn bộ “cái ai đó” mà bạn đang là.

8. Hãy khảo sát chính bạn bằng cách nêu câu hỏi về mọi thứ. Bạn không cần xem mọi thứ như điều phải tin. Đừng tin vào bất cứ gì chỉ vì nó nghe có vẻ như khôn ngoan và giáo lệnh, và vì có vài vị tu sĩ nói. Hãy tự mình thấy đã. Như thế không có nghĩa là bạn phải hoài nghi, ngoan cố hay bất kính. Nó chỉ có nghĩa là bạn phải thực chứng.

Hãy đưa tất cả các lời dạy vào cuộc thử nghiệm thực sự trên kinh nghiệm của bạn, và hãy để kết quả trở thành hướng dẫn viên của bạn tới sự thật. Thiền minh sát khởi xuất từ một khát vọng nội tâm để tỉnh thức đối với những gì có thực, và để thành đạt tuệ giải thoát đối với cấu trúc thật của hiện hữu. Pháp tu toàn bộ dựa vào khát vọng này để thức tỉnh trước sự thật. Không có nó, pháp tu sẽ chỉ sơ sài nông cạn.

9. Hãy nhìn tất cả trở ngại như là một thử thách, và xem các trở ngại sinh khởi như là các cơ hội để học và trưởng thành. Đừng chạy trốn chúng, hãy để chúng hiện hữu trong sự im lặng thánh thiện của bạn. Bạn có một trở ngại? Tốt đó! Có thêm hạt lúa để xay đó! Bạn hãy hân hoan, nhìn tới và khảo sát.

10. Đừng để mọi thứ đè nặng trong lòng. Bạn không cần phải giải quyết hết mọi thứ. Việc khởi niệm lung tung không giải thoát bạn ra khỏi cạm bẫy. Trong thiền tập, tâm sẽ được thanh tịnh hóa một cách tự nhiên bởi sự tỉnh thức, bởi sự quán tâm lặng lẽ. Sự khảo sát theo thói quen không nhất thiết xóa bỏ những thứ đang ràng buộc bạn.

Tất cả những điều cần thiết chỉ là một nhận thức rõ ràng, phi khái niệm về những gì chúng đang là và về những cách mà chúng đang hành hoạt. Chỉ riêng như thế cũng là đủ để giải thoát chúng [các niệm bất tịnh]. Các khái niệm và lý luận chỉ gây cản trở thêm cho bạn. Đừng suy nghĩ mà hãy nhìn thôi.

11. Đừng để tâm bạn dính mắc vào sự phân biệt. Các dị biệt xuất hiện giữa con người là điều hiển nhiên nhưng nếu bạn để tâm phân biệt thì lại là một tiến trình nguy hiểm. Nếu không cẩn trọng xử lý, nó sẽ dẫn bạn trực tiếp tới ngã mạn. Sự suy nghĩ của người bình thường thì đầy những tham vọng, ghen tị và kiêu hãnh. Một người nhìn thấy một người khác trên đường phố có thể tức khắc nghĩ rằng, “Ông này trông đẹp trai hơn mình”, kết quả tức khắc sẽ là ghen tị hay xấu hổ. Một thiếu nữ thấy một thiếu nữ khác có thể nghĩ, “Mình xinh đẹp hơn cô này”, kết quả tức khắc là sự kiêu căng.

Loại so sánh này là một thói quen tâm thức, và nói dẫn trực tiếp tới cảm thọ xấu về cách này hay cách khác: tham ái, ghen tị, kiêu căng, thù ghét. Đó là một trạng thái tâm thức thiếu khéo léo, nhưng chúng ta cứ làm như thế hoài. Chúng ta so sánh về ngoại hình của mình với người khác: về sự thành công của mình, về thành tựu của mình, về sự giàu có của mình, hay về sự thông minh của mình. Và mọi thứ này dẫn chúng ta tới cùng một chỗ-sự xa rời, tạo thêm những rào cản giữa con người với con người, cũng như phát triển những cảm thọ bất thiện.

*

 Cư sĩ NGUYÊN GIÁC

(tên thật: Phan Tấn Hải)

Địa chỉ: California, Hoa Kỳ. 

Emai: nguyengiac@gmail.com

 

 


 

 

 

...............................................................................................................

- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com ngày 23.10.2020

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..

.

0 comments:

Đăng nhận xét