BA CHIÊU THỨC MỞ ĐƯỜNG
CHO THƠ ĐI TỚI BẾN
*
Lời Nói Đầu
Vào cuối
thập niên 30 của thế kỷ 20, khi phong trào Thơ Mới đang nở rộ, một thi sĩ trẻ
tài năng vì hoàn cảnh trớ trêu, đã phải dai dẳng chất chứa trong lòng một nỗi
tủi nhục buồn sầu sâu nặng. Nhưng chính nhờ cái tâm sự tủi nhục buồn sầu đó ông
đã sáng tác 2 bài thơ trong đó có một bài được đánh giá rất cao về giá trị nghệ
thuật. Đó chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương và hai bài thơ được đề cập đến là
Phương Xa và Say Đi Em.
Thành Sầu Của Vũ Hoàng Chương (Tác giả Phạm Đức Nhì)
Vũ Hoàng
Chương sinh năm 1916, lúc Nho học đang lụi tàn. Khoa thi Hương cuối cùng
là khoa Mậu Ngọ (1918), tổ chức tại trường Thừa Thiên. Sau khoa thi Hương này,
ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam. Khoa thi
Hội và thi Đình cuối cùng được tổ chức năm 1919. Những người thi đỗ có bằng
nhưng không được bổ nhiệm chức vụ gì. (1)
Cha mẹ
Vũ Hoàng Chương, cũng như rất nhiều bậc cha mẹ thuộc hàng quan lại, khá giả
thời bấy giờ, ở vào thế tấn thối lưỡng nan. Một là, giữ lấy chút tiết tháo, thà
để con lông bông chịu dốt chứ không thèm hợp tác với ngoại bang. Hai là, cho
con theo Tây học để mở mang kiến thức, có cơ hội thăng tiến trong xã hội mới.
Họ, hầu hết, đã chọn con đường thứ hai. Vũ Hoàng Chương nhờ thế, đỗ Tú Tài Pháp
ban toán năm 21 tuổi (1937).
Năm 1938
ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ, đi làm Phó Kiểm Soát Sở Hỏa
Xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. (2)
“Vào năm 1935, Hà Nội tuy sống dưới chế độ bảo
hộ của thực dân Pháp nhưng có một bộ mặt rất thanh bình, vui vẻ, trẻ trung. Nhà
cầm quyền đang cố tình dung túng các cuộc ăn chơi phóng túng để người ta quên
đi biến cố đàn áp tàn bạo vừa qua (Năm 1930, Nguyễn Thái Học và mười hai liệt
sĩ VN Quốc Dân Đảng khác phải lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, sau đó là chiến dịch
lùng sục bắt bớ ở nhiều nơi), đồng thời để ru ngủ thanh niên nên các trà
đình, tửu điếm, các tiệm nhẩy đầm, các nhà hát ả đào (còn gọi là hát cô đầu) và
các tiệm hút thuốc phiện mọc lên nhan nhản. Người ta đua nhau ăn diện, nhiều
cậu công tử Hà Thành diện đúng mốt Paris, tay sách can đi bên cạnh các cô gái
tân thời, phấp phới áo dài Lemur Nguyễn Cát Tường.
Vũ Hoàng
Chương ngoài việc bắt buộc phải theo Tây học để tiến thân, còn cắn phải miếng
mồi “ru ngủ” của người Pháp. Ông cũng lao vào những thú vui trác táng - rượu,
thuốc phiện, nhảy đầm và cả gái nữa. Về điểm này, Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài
Thanh đã có một đoạn khá đầy đủ:
Người say đủ
thứ: Say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn
"hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhảy
đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say
thơ. (2)
Như vậy,
“thành sầu” của Vũ Hoàng Chương là nỗi sầu đất nước bị ngoại bang đô hộ, dân
tộc bị chúng làm tha hóa, băng hoại bằng đủ mọi âm mưu thâm độc. Trớ trêu thay,
chính ông lại góp tay, giúp sức phục vụ bộ máy cai trị ấy. Và chính ông lại lậm
vào những cuộc chơi trác táng do chúng đặt ra, không những tự làm hỏng mình mà
còn làm gương xấu cho lớp trẻ, rường cột của tương lai dân tộc. Ông cảm thấy
tội lỗi, tủi nhục, uất ức và chất ngất buồn sầu.
(Đoạn này có vài chỗ được trích hoặc mượn ý từ
những bài viết trước của Phạm Đức Nhì)
Hai Bài Thơ
Để giải tỏa
nỗi buồn sầu cao ngất đó, ông đã nghĩ ra 2 giải pháp:
1/ Bỏ đi
thật xa: Lênh đênh trên biển cả hoặc ghé vào một bến bờ hoang sơ nào đó để
tránh những đôi mắt coi thường, khinh bỉ của người đời.
2/ Tìm quên
trong khói thuốc phiện, men rượu, tiếng nhạc du dương dưới ánh đèn màu, vòng tay
vũ nữ.
Giải pháp 1,
theo tôi, chắc chỉ là trong tâm tưởng và sau đó bộc lộ trên trang giấy bằng bài
thơ Phương Xa
Giải pháp 2
được ông thực hiện nhiều lần và kết quả là – trong một lúc xuất thần “say không
còn biết chi đời” - đã để lại cho vườn thơ nhân loại tuyệt phẩm Say Đi Em.
Cả hai bài
đều nằm trong tập Thơ Say của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm 1940.
PHƯƠNG XA
1/
Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng
Xô về Đông hay giạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi
2/
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.
3/
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
4/
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan.
SAY ĐI EM
1/
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng nhớ thương, càng xót
thương...
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay
sao héo?
Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê Thường lẳng lơ
2/
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
3/
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
(Vũ Hoàng
Chương)
Đây là hai
bài thơ cùng một tâm trạng, được viết bởi cùng một thi sĩ tài hoa – ngôn
ngữ, hình tượng chắt lọc, đẹp đẽ, cao sang, câu cú gọn gàng trong sáng -
nhưng có
khác biệt khá lớn về mấy điểm trong kỹ thuật thơ – tạm gọi là “3 chiêu thức căn
bản”. Tôi muốn nói đến thể thơ, cách gieo vần và phân bổ số chữ trong
câu.
1/ Thể Thơ Và Cách Dàn Trải Tứ Thơ.
a/ Phương Xa
viết theo thể Thơ Mới Trường Thiên, phân mảnh đứt đoạn cả về ý lẫn về vần. Bài
thơ được chia làm 4 đoạn, mỗi đoạn 4 câu - diễn tả một ý, một mảnh tâm sự
riêng. Nhìn toàn cảnh thì tứ thơ được dàn trải thành 4 “vũng thơ” riêng biệt,
không có dòng chảy.
Dàn trải tứ
thơ kiểu này có lợi trước mắt là có thể dồn tâm trí vào một ý nhỏ, một mảnh tâm
sự - xong ý này thì bước sang ý khác - chứ không cần lúc nào cũng phải bận rộn
với toàn cảnh của bài thơ.
Nhưng có một
bất lợi rất lớn là bài thơ bị đứt mạch cảm xúc - cảm xúc không có “sóng sau dồn
sóng trước” nên không thể lớn mạnh được. Thi sĩ dù kỹ thuật thơ có điêu luyện
đến cỡ nào, khi làm thơ có cao hứng đến đâu, những lúc ngừng nghỉ để chuyển
đoạn, lý trí sẽ xuất hiện - điều chỉnh chỗ này, uốn nắn chỗ kia. Và cơn cao
hứng sẽ hạ xuống, cảm xúc sẽ như bong bóng bị xì hơi, không đủ mạnh để tạo hồn
thơ.
Tệ hại hơn,
khi có mặt của lý trí chữ “xạo” sẽ có cơ hội tung hoành. Câu 3 của đoạn 3 là
một thí dụ rõ ràng.
“Đời kiêu
bạc không dung hồn giản dị”
Tâm hồn Vũ
Hoàng Chương lúc ấy đầy ắp tủi nhục và mặc cảm tội lỗi chứ đâu có “giản dị” như
ông tự nhận với văn chương để đỡ ngượng. Và mắt người đời có chút rẻ rúng, coi
thường ông cũng là lẽ tự nhiên chứ đâu có gì là “kiêu bạc”. Chính lý trí đã
đứng sau lưng đẩy “cái tôi văn hoá” của ông ra trước mặt thiên hạ viện lẽ chống
chế chứ nếu là “cái tôi đích thực” thì chữ “xạo” đâu có đất dụng võ.
b/ Say
Đi Em là Thơ Mới nhất khí liền mạch. Trong Say Đi Em tâm sự của tác giả được
dàn trải liền lạc một mạch, từ đầu đến cuối bài thơ. Nhờ số chữ trong câu thay
đổi với biên độ rộng, cách gieo vần tài hoa nên dòng chảy của tứ thơ thông
thoáng, đặc biệt 2 đoạn sau dòng chảy rất mạnh.
Hơn nữa, tác
giả viết trong cơn say đến mức lạc thần trí nên cảm xúc dâng tràn, hồn thơ lai
láng. Lời thơ là tiếng lòng Chân Thật (viết hoa) của “cái tôi đích thực” chứ
không có bóng dáng của chữ “xạo” như trong bài thơ Phương Xa.
Đoạn
thơ:
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
đã chúng
minh điều đó. Ông không chống chế, tránh né như trong bài Phương Xa mà cúi đầu
chấp nhận. Nỗi tủi nhục buồn sầu ấy là có thật, to lớn như một bức tường thành
lúc nào cũng sừng sững trước mắt ông.
2/ Vần
a/ Phương
Xa: Vần gián cách cả 1/3 lẫn 2/4. Bài thơ 16 câu có 8 cặp vần trong đó 5 cặp
chính vận (đứa nữa, kỷ dị, vơ sơ, tắt hắt, khoan ngoan) và 3 cặp thông vận gần
(sóng rộng, Đoài vơi, khinh đênh). Thơ Mới Trường Thiên - mỗi câu 8 chữ đều
đều, tẻ nhạt - gieo vần như thế là quá nhiều, hội chứng nhàm chán vần rất rõ
nét.
b/ Say
Đi Em: Vần trong Say Đi Em không theo một quy luật nào, thường là vần liên tiếp
nhưng cũng có mấy đoạn vần gián cách xen vào để làm mới lạ âm điệu:
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Và
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Ngoài ra,
thuận theo dòng chảy của âm thanh, thi sĩ cũng chẳng ngại ngùng đưa vào 2 câu
lục bát cho thêm phần du dương.
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê Thường lẳng lơ.
Đặc biệt hơn
cả là một đoạn thơ dài điệp vận vần bằng (rồi trôi môi rời ơi) được xen kẽ bằng
3 câu vần trắc (vững nữa lửa)
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
đọc không
ngán mà hiệu quả cảm xúc rất cao. Thêm nữa, hai nhóm chữ “em ơi” ở câu đầu và
câu sau cùng của đoạn cuối hòa cùng nhóm vần “rồi trôi môi rời ơi” của đoạn
điệp vận tạo thành một giai kết hoàn toàn với âm vang tuyệt vời kết thúc dòng
nhạc của bài thơ.
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
Theo tôi,
cách gieo vần khác lạ của Say Đi Em không chỉ đến từ kỹ thuật thơ điêu luyện
của thi sĩ mà chính cảm xúc mạnh mẽ trong cơn say “say không còn biết chi đời”
đã góp phần lèo lái, tạo nên “giàn vần” độc đáo, tuyệt vời của bài thơ.
3/ Phân Bổ Số Chữ Trong Câu
a/
Phương Xa: Mỗi câu 8 chữ đều đặn từ đầu đến cuối. Nhịp điệu tẻ nhạt.
b/ Say
Đi Em: Số chữ trong câu không cứng ngắc mà thay đổi tùy hứng, với biên độ rất
rộng, không theo một quy luật nào. Câu ngắn nhất 3 chữ (Chân rã rời), câu dài
nhất 13 chữ (Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?). Đặc
biệt có mấy đoạn nhiều câu ngắn xen giữa những đoạn câu dài nên nhịp điệu của
bài thơ lúc khoan, lúc nhặt, chứ không đều đều, nhàm chán.
Nhìn trên bề
mặt chữ nghĩa thì Say Đi Em vần dầy đặc, có khi còn hơn cả Phương Xa nữa, nhưng
số chữ trong câu thay đổi với biên độ rất rộng đã hóa giải hội chứng nhàm chán
vần.
Ngoài ra, 3
chiêu thức căn bản trên còn ảnh hưởng dây chuyền đến:
Dòng
Chảy Của Tứ Thơ
a/
Phương Xa: Chỉ là 4 “vũng thơ”, không có dòng chảy.
b/ Say
Đi Em: Tứ thơ chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối; bắt đầu từ đoạn 2 dòng
chảy rất mạnh. Bài thơ có 3 dòng chảy quyện vào nhau: Dòng chảy của tứ thơ,
dòng chảy của âm thanh và dòng chảy của cảm xúc.
Cao
Trào
a/
Phương Xa không có cao trào.
b/ Say
Đi Em: Cao trào - với độ cao chót vót - nằm ở 2 câu:
“Trong men
cháy giác quan đều bén lửa
Say không còn biết chi đời”.
Cảm
Xúc
a/ Phươg Xa:
Cảm xúc tầng
1 mạnh nhờ ngôn ngữ, hình tượng đẹp, câu cú trong sáng
Cảm xúc tầng
2 khá mạnh nhờ bố cục dễ hiểu: Ý chính nằm ở 2 đoạn giữa, đoạn đầu thuyền nhổ
neo rời bến, đoạn cuối thuyền “theo gió” tiếp tục lênh đênh. Tuy nhiên, phân bổ
lực lượng như vậy không hợp lý - đoạn đầu và đoạn cuối quân đông (mỗi đoạn 32
chữ) mà nhiệm vụ lại quá nhẹ - sinh ra nhiều chữ thừa và hiện tượng “thừa giấy
vẽ voi”.
Cảm xúc tầng
3: Do lý trí đứng ra đạo diễn bài thơ nên cảm xúc tầng 3 không có.
b/ Say Đi Em
Cảm xúc tầng
1 cũng mạnh do ngôn ngữ, hình tượng đẹp, câu cú trong sáng.
Cảm xúc tầng
2: Trong Say Đi Em thi sĩ họ Vũ không dàn ý trước (như trong Phương Xa) mà cho
cảm xúc cực mạnh của mình thúc đẩy “cái tôi đích thực” “bật” ra những con chữ
và để chúng mặc tình tuôn chảy bất cần bố cục, phương hướng.
Với tư cách
một người đọc, tôi xin mạn phép chia bài thơ làm 3 đoạn.
Đoạn 1: Phần
dẫn nhập, giới thiệu khung cảnh vũ trường và cô ca ve bạn nhảy.
Đoạn 2 : Đắm
hồn trong tiếng nhạc, bước nhảy, men rượu – trên đường tới điểm đến của tứ thơ
(KHÔNG CHỦ Ý)
Đoạn 3: Gặp
tứ thơ một cách bất ngờ - nỗi tủi nhục buồn sầu mà “cái tôi văn hóa” luôn che
giấu.
Lẽ ra cảm
xúc tầng 2 chỉ là khoái cảm của người đọc khi nhận biết cách dàn quân khéo léo,
hợp lý của bài thơ. Nhưng ở đây chính vì tác giả tước bỏ quyền hành của lý trí
ngay từ trong việc định hướng tứ thơ nên bài thơ thấm đẫm chất tình. Ngay bố
cục của bài thơ cũng đã tặng cho người đọc cái “luồng hơi nóng”, cái “sướng”
của cảm xúc tầng 3.
Cảm xúc tầng
3:
Sau đoạn đầu
với âm điệu nhẹ nhàng, nhịp điệu chậm rãi, có nhiệm vụ dẫn nhập và giới thiệu,
phần còn lại của bài thơ gồm 34 câu, 214 chữ - do thi sĩ đang trong cơn say,
cao hứng đến lạc thần trí - câu nào, chữ nào cũng thấm đẫm cảm xúc. Ba
dòng chảy - vừa nhanh, vừa mạnh - quyện vào nhau, chỉ trong khoảnh khắc đã tạo
nên hồn thơ lai láng, thôi thúc độc giả đọc một mạch đến hết bài mà không chán.
Nguyên Nhân Sự Thành Công Của “Say đi
Em”
Thành công
to lớn về phương diện nghệ thuật của Say Đi Em trước hết, là nhờ tác giả đã
chọn 3 chiêu thức căn bản (trong kỹ thuật thơ) hoàn toàn trái ngược với Phương
Xa:
1/ Thể thơ
nhất khí liền mạch tạo dòng chảy cho tứ thơ (không độc đáo nhưng là điều kiện
cần thiết – không có dòng chảy thì không có “sóng sau dồn sóng trước”, cảm xúc
không thể lớn mạnh và chắc chắn không thể có hồn thơ).
2/ Số chữ
trong câu thay đổi tùy tiện với biên độ lớn khiến dòng nhạc trong thơ lúc
khoan, lúc nhặt, không đều đều tẻ nhạt.
3/ Vần liên
tiếp là chính nhưng cũng có xen kẽ vần gián cách. Nhìn thoáng qua thì vần đậm
đặc nhưng sự biến đổi của số chữ trong câu đã hóa giải hội chứng nhàm chán vần.
Say Đi Em
ngoài 3 chiêu thức trên còn có thêm 2 điểm đặc biệt nổi trội:
1/ Nhờ cảm
xúc cực mạnh trong cơn say bí tỉ, điệp vận dầy đặc và đúng lúc nên dòng chảy
của các con chữ bắt đầu từ đoạn 2 rất xiết, bài thơ lên đến cao trào ở 2 câu:
Trong men cháy giác quan đều bén lửa
Say không còn biết chi đời.
2/ Đọc Say
Đi Em từ đầu đến gần hết bài thơ cũng chưa thấy bóng dáng của tứ thơ. Chỉ thấy
tác giả kể lại một đêm đắm mình trong men rượu, tiếng nhạc và vòng tay gái nhảy
ở vũ trường. Mãi đến hết đoạn 2, khi dòng chảy của các con chữ, dòng nhạc và
dòng cảm xúc đã lên đến đỉnh điểm, tạo thành cao trào, tứ thơ mới lộ diện:
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửaThành Sầu không sụp
đổ, em ơi!
Đó là nỗi
tủi nhục buồn sầu, không biết từ lúc nào, đang đứng sừng sững như một bức tường
thành trước mắt tác giả.
Chữ “chưa”
chứng tỏ nó đã lởn vởn trong tâm hồn ông từ lâu lắm. Một lúc sau chữ “không”
xuất hiện, cho biết nó to lớn quá, mọi nỗ lực trốn tránh, xua đuổi, tìm quên
đều thất bại.
Lúc ấy tác
gjả đã lạc thần trí, các con chữ hoàn toàn từ cảm xúc tuôn ra làm hồn thơ lai
láng. Không có sự can thiệp của lý trí, đó chính là tiếng lòng chân thật của
thi sĩ.
Tầm Quan Trọng Của 3 Chiêu Thức Căn
Bản
Phương Xa và
Say Đi Em là hai bài thơ của cùng một tác giả, diễn tả cùng một tâm trạng. Chỉ
khác nhau ở 3 chiêu thức căn bản trong kỹ thuật thơ - thể thơ, cách gieo vần và
phân bổ số chữ trong câu - mà giá trị nghệ thuật cách nhau rất xa. Phương Xa
chỉ ở trên mức “thường thường bậc trung” chút ít. Còn Say Đi Em đã lên đến đỉnh
điểm, đạt được mục đích tối thượng của người làm thơ – giao tiếp với đồng loại
bằng Tiếng Người Chân Thật, đưa thi sĩ và tác phẩm của ông bước vào và ung dung
ngồi ở vị trí trang trọng trong Bến Bờ Thi Ca.
Đồng ý Say
Đi Em lên đến đỉnh là nhờ ở “2 điểm đặc biệt nổi trội” được đề cập ở phần trên.
Nhưng nếu không có 3 chiêu thức căn bản làm nền thì “2 điểm đặc biệt nổi trội”
đó không thể chen vào bài thơ được.
Bất cứ thi
sĩ nào, nếu sử dụng 3 chiêu thức trên, bài thơ của ngài tuy không bảo đảm là sẽ
thành công như Say Đi Em nhưng ít nhất hội chứng nhàm chán vần sẽ được giảm thiểu
tối đa hoặc loại bỏ, nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt sẽ biến mất, tứ thơ, nhạc điệu,
cảm xúc sẽ nhập chung thành một dòng thênh thang chảy về phía trước. Nếu làm
thơ trong lúc có hứng cảm xúc tầng 3 ít nhiều cũng sẽ xuất hiện.
Trong trường
hợp thi sĩ “nổi điên” đến mức lạc thần trí, 3 dòng chảy nhập một đó sẽ rất
xiết, bài thơ sẽ ngập tràn cảm xúc, hồn thơ lênh láng (3).
Tôi Không Ác Cảm Với Thơ Mới Trường
Thiên
Như đã nói ở
phần trên, Thơ Mới Trường Thiên cũng có chỗ hữu dụng của nó. Vì lý trí thường
tái xuất hiện khi chuyển đoạn nên ý tứ của mỗi đoạn – có sự quan tâm của lý trí
- thường tươm tất hơn, sâu sắc hơn, nét đẹp văn chương của mỗi đoạn hoàn chỉnh
hơn.
Nhưng cảm
xúc bị nghẽn mạch nên không thể lớn mạnh được. Cơn cao hứng của thi sĩ cứ mỗi
lúc ngừng nghỉ lại xì hơi, xẹp xuống, rất khó tạo được cảm xúc tầng 3 chứ đừng
nói chi đến hồn thơ.
Khá đông thi
sĩ trẻ nhiều triển vọng hiện đang sử dụng thể Thơ Mới Trường Thiên trong phần
lớn những tác phẩm của họ. Thậm chí đại đa số thơ của một thi sĩ lão thành
trong một trang web văn học uy tín, đều được viết theo thể này. Có nghĩa là -
nếu không thay đổi kỹ thuật thơ – thì dù có cao hứng cỡ nào, cố gắng cách mấy,
thơ của ông, cho đến hết đời, cũng chỉ “dậm chân tại chỗ”, không thể nào đến
gần Bến Bờ Thi Ca được.
Kết Luận
Làm thơ, ai
cũng muốn đứa con tinh thần của mình được nhiều người mến chuộng, yêu
thích. Người có tài, mộng lớn hơn - muốn thơ của mình bay lên tận đỉnh
cao hoặc bước vào khu vườn tươi đẹp của Bến Bờ Thi Ca.
Xin các nhà
thơ có cao vọng hãy nghĩ đến việc thao dợt để sử dụng nhuần nhuyễn 3 chiêu thức
kỹ thuật nói trên rồi chờ đợi. Bất chợt một hoàn cảnh, một tứ thơ nào đó khuấy
động tâm hồn đến mức “nổi điên” – vâng, đúng lúc đó nếu phóng bút, cơ hội có
được bài thơ để đời sẽ rất cao.
--------------
CHÚ
THÍCH :
1/
Chi Tiết Thú Vị Về Khoa Thi Nho Học Cuối Cùng, Chí Đức
(https://kienthuc.net.vn/tham-cung/chi-tiet-thu-vi-ve-khoa-thi-nho-hoc-cuoi-cung-405397.html)
2/
(Vũ Hoàng Chương, Wikipedia.org)
(https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_Ho%C3%A0ng_Ch%C6%B0%C6%A1ng)
3/
Để diễn tả loại cảm xúc không phải đến từ câu chữ, thế trận của bài thơ một số
tác giả sử dụng những nhóm chữ như: Bài thơ có hồn, hồn thơ man mác, hồn thơ
khá mạnh, hồn thơ nhè nhẹ, hồn thơ lai láng
Để
tránh nhập nhằng lẫn lộn cảm xúc từ câu chữ, thế trận với cảm xúc từ cơn cao
hứng của tác giả, tôi chia cảm xúc thành 3 tầng:
a/
Cảm xúc tầng 1: Khoái cảm người đọc có được khi gặp ngôn ngữ, hình tượng đẹp,
câu cú có cấu trúc mới lạ, trong sáng.
b/
Cảm xúc tầng 2: Khoái cảm người đọc có được khi tiếp xúc với bố cục, thế trận
hợp lý của bài thơ.
c/
Cảm xúc tầng 3: Khoái cảm không phải từ câu chữ, thế trận mà hình như từ đâu đó
“giữa 2 hàng kẻ” do cơn cao hứng của thi sĩ truyền vào bài thơ. Đó là thứ khoái
cảm cao cấp, luồng hơi nóng tạo cảm giác “sướng” đặc biệt.
Khi
thi sĩ lạc thần trí, nổi điên, 3 dòng (tứ thơ, nhạc, cảm xúc) quyện vào nhau,
chảy rất mạnh, tạo thành cao trào. Lúc đó ta có hồn thơ. Lời thơ là tiếng lòng
chân thật của thi sĩ.
Theo
cách dùng chữ của tôi chỉ có “hồn thơ lai láng” mới được xếp vào loại “hồn thơ”.
Còn những nhóm chữ như “bài thơ có hồn”, “hồn thơ man mác”, “hồn thơ khá
mạnh”, “hồn thơ nhè nhẹ”, đều được gọi là cảm xúc tầng 3. Thí dụ: Cảm xúc tầng
3 có nhưng không đáng kể, cảm xúc tầng 3 nhè nhẹ, cảm xúc tầng 3 khá mạnh, cảm
xúc tầng 3 rất mạnh …
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ:
Email: nhidpham@gmail.com
.............................................................................................................
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 06.07.2021.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét