CÁI ĐÓI Ở CAOMELAI - Tác giả: Nguyễn Đính Tấn (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

CÁI ĐÓI Ở CAOMELAI

(Tác giả Nguyễn Đình Tấn)

Là những thanh niên tuổi 18, còn đang sức ăn, sức ngủ và dù đã từng ăn bo bo, bột mì thay cơm hoặc cơm độn khoai những năm lương thực tem phiếu với định mức 9 kg gạo/một người/một tháng nhưng chúng tôi chưa bao giờ đói âm ỉ, dai dẳng và cuối cùng phải suy kiệt như ở CaoMeLai. Phải khẳng định là Đảng, Nhà nước và Quân đội không bỏ đói nhưng trong môi trường chiến đấu quá khó khăn, khắc nghiệt, chúng tôi bị "thiếu ăn" do điều kiện khách quan trong một thời gian nhất định. Ngay từ tuần thứ hai kể từ khi hành quân vào CaoMeLai, chúng tôi đã...đói. Theo kế hoạch, mỗi người phải mang theo 11 ngày gạo. Đó là gạo của tập thể, của chung đại đội vì mỗi buổi chiều sau khi dừng chân, anh nuôi lại yêu cầu trung đội nộp đủ số gạo để nấu cơm ăn buổi chiều, buổi sáng hôm sau và cơm vắt ăn trưa cho cả đại đội. Ban đầu, những anh ốm yếu nhất trung đội được ưu tiên nộp gạo trước, chiếc bòng đeo sau lưng đã nhẹ bớt gần 7 kg trên đường hành quân vất vả. Tôi đã nghe rỉ tai nhau, anh này anh nọ do quá mệt mỏi đã...đổ bớt gạo dọc đường và một vài trung đội đã rang gạo (nấu cơm riêng dễ bị phát hiện) để ăn thêm. Kết quả, đến ngày thứ 8, tiểu đoàn tôi dừng chân bên một bìa rừng và đại đội ra thông báo tất cả những ai đang giữ gạo phải nộp hết cho anh nuôi để...nấu cháo cầm cự đến ngày 11. Cứ đến bữa, anh Viện tiểu đội trưởng lại bưng một thau nhôm nhỏ cháo về với lời động viên tinh thần: "Đội tải gạo trung đoàn đang đi, chúng ta sắp có...cơm ăn rồi!". Thích nhất lúc đó là được đi gác vì có thêm nắm cơm vắt nằm lọt trong lòng bàn tay ăn buổi trưa, dù ngồi một mình trong bụi cây rất gần biên giới, tiếng xe tải chạy ầm ì bên đất Thái cũng làm rung chuyển đất chung quanh. Tôi chờ cho thật đói, mới bẻ miếng cơm nhai chậm rãi cho tới khi nó tự tan trong miệng. Buổi chiều, khoác dây đeo khẩu AK lên vai, tôi đi lang thang vào bãi khoai mì rộng khoảng một héc-ta, Pốt đã kịp thu hoạch trước khi bộ đội ta đến đây, chỉ còn rễ cây sơ cứng, một lán trại dùng làm kho chứa nông sản chỉ còn vương vãi ít hạt bắp, bên cạnh có một chiếc hầm mà bên dưới các mũi chông tre cắm ngược lên tua tủa...Tôi ngồi bên bếp nấu nước, ném từng hạt bắp vào đám than hồng, rồi lại lấy cây khều ra, kết quả tôi bị đau bụng suốt 3 ngày vì ăn… bẩn.

Thời gian đầu, lương thực, thực phẩm tương đối khá, chúng tôi cứ nghĩ "nạn đói" đã qua nhưng khi Pốt bắt đầu gia tăng gài mìn, đoàn tải gạo bắt đầu tổn thất, da thịt anh em còn bị xé nát thì ba lô gạo đeo sau lưng làm sao nguyên vẹn được.

Chúng tôi dần cảm nhận được gạo chúng tôi ăn có mùi máu của đồng đội cũng là lúc lượng cơm hằng ngày vơi dần cùng với đó là lượng thực phẩm cũng khan hiếm. Có hôm không còn gì ăn, chúng tôi lấy cuốc chim rủ nhau đi đào hang cua đá, đất cứng đến mức nhiều lúc tóe lửa như cuốc trúng... cục đá mài và phải thay nhau đào cật lực 15 phút, mới tới tận cùng hang để bắt được con cua bằng ngón chân cái. Nhiều hang không có con gì hoặc trúng hang bọ cạp nên suốt hai tiếng buổi sáng, chúng tôi chỉ bắt được 4 con cua. Anh "Hạ két" đã giã nát và bỏ hết vào nồi nước đang sôi. Bữa trưa, chúng tôi có món nước cua và đó cũng là một trong nhiều bữa cơm đáng nhớ của chúng tôi.

Một buổi sáng, tiểu đoàn triệu tập đại đội tôi lên họp để bàn về việc tìm cách đánh Pốt. Mở đầu, cán bộ nêu nhận xét: "Thằng Pôn-Pốt bây giờ tinh ranh như con thú trong rừng, Nó thấy ta nhưng ta lại không thấy nó nên để diệt được một thằng Pốt, khó bằng diệt mười tên lính Ngụy thời chống Mỹ. Các đồng chí thử nghĩ xem, bây giờ ta có cách nào đánh được nó không?.". Chúng tôi ngớ người ra ngạc nhiên nhìn nhau, các cán bộ tiểu đoàn và Cấp Trên nữa, đa số trưởng thành từ thời Chống Mỹ, kinh nghiệm trận mạc hằng chục năm nay mà giờ còn lúng túng, thì chúng tôi nhập ngũ mới mấy tháng làm sao nghĩ ra được cách đánh?. Cuối cùng, một anh lớn tuổi nhất (23 tuổi, đợt Thuận Hải), đại diện chiến sĩ mới đứng lên phát biểu một câu " trớt quớt": "Chúng em sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Đảng và Nhà Nước cần, chúng em chỉ đề nghị một điều là… là cho chúng em ăn no! Bây giờ mỗi bữa cơm chia đều, mỗi người chưa được 3 chén, chỉ khoảng hai chén tám à!. Đề nghị Cấp Trên tăng phần gạo cho chúng em được ăn no!.". Đến lượt cán bộ tiểu đoàn gãi đầu vì vượt thẩm quyền giải quyết và sau cùng, cũng có một ý kiến thiết thực: "Trong khi chờ Cấp Trên xem xét, xin Tiểu đoàn chỉ thị cho anh nuôi chia luôn...cơm cháy!". Cuộc họp kết thúc mà không đem lại kết quả gì ngoài việc chiều hôm đó, trong thau cơm của các trung đội, có thêm một miếng… cơm cháy bằng bàn tay…

Thời gian này, máy bay trực thăng thường xuyên mỗi tuần một hoặc hai chuyến từ Sisophon vào CaoMeLai. Chúng tôi biết từ chiều hôm trước qua buổi giao ban phân công đi chốt phục từ xa, đề phòng lính Pốt áp sát tập kích vào sân bay. Ngay từ những chuyến bay đầu tiên, chúng tôi đã được bổ sung thêm quần áo, giày và cả "áo trấn thủ" vì mùa Đông ở đây rất lạnh. Ngoài ra, không thể thiếu thực phẩm như cá khô, mắm muối và cả thịt heo, những thứ chúng tôi đang thiếu trầm trọng. Bởi vậy, mỗi khi nghe tiếng máy bay đến, chúng tôi vui mừng như những đứa trẻ đang đói khát hớn hở khi thấy mẹ đi chợ về….Tình cờ gần đây, đọc được bài viết "TRANG NHẬT KÝ CŨ…" của cô giáo Trương Thị Mỹ Phượng, thành viên của nhóm Tuyên Văn và các lời bình luận kèm theo, tôi đã nhớ lại, một trong các chuyến bay mà chúng tôi đã vui mừng hớn hở đó có chở nhóm Tuyên Văn. Tôi nhớ tối đó, trung đội tôi chỉ có anh Thị, trung đội trưởng đại diện trung đội lên tiểu đoàn thưởng thức văn nghệ do các cô biểu diễn thôi, còn lại phải giữ hầm và tôi cùng 4 người trong trung đội lên chốt trước chính diện 300 mét, đề phòng lính Pốt mò vô tập kích. Sáng hôm sau, các cô đã đi đường bộ quay về. Tuy không được gặp, được nghe các Cô hát (chắc là hay tuyệt vời) nhưng trong thâm tâm, chúng tôi thật sự nể phục các Cô Tuyên Văn nói riêng và tất cả các Cô y tá D23 sư 5 nói chung vì tinh thần yêu Nước, vì tinh thần tình nguyện chống giặc của Nữ Giới, bất kể các Cô làm công việc gì. Chỉ riêng tinh thần đó thôi, cũng đủ để cánh "mày râu" chúng tôi ngả mũ (cối) bái phục rồi…

Cũng thời gian này, đầu tháng 1-1980, chính quyền địa phương đã "nghe nói" chúng tôi ở CaoMeLai thiếu gạo nên gởi quà cho chúng tôi là những bao gạo "chỉ xanh" của Thái, hạt gạo tròn, vị ngọt béo, khi chín có mùi thơm ngào ngạt bay xa nhưng có lẽ đã trễ. Tiểu đoàn tôi lác đác có vài trường hợp bị phù và mỗi ngày số người mắc bệnh tăng dần. Mỗi sáng thức dậy, cảm giác khuôn mặt nặng nề, hai mắt sưng lên vì ứ nước, tay chân căng tròn, không còn thấy mắt cá chân tay nữa, ấn ngón tay vào phần mềm bắp chân, vết lõm không đàn hồi ra ngay được. Triệu chứng phù xuất hiện phổ biến toàn tiểu đoàn nhưng ở dạng nặng nhẹ khác nhau. Mỗi khi máy bay vào, anh Tâm y tá lại chạy từ trung đội này sang trung đội kia để chọn một người bị phù nặng nhất và chỉ có 5 phút chuẩn bị trước khi lên máy bay đưa về tuyến sau. Có lẽ do cơ thể suy yếu, nên những ngày cuối cùng trước khi D1 được thay ra, tôi bị sốt rét dù hằng tháng vẫn uống thuốc "phòng 3" do chính tay anh Tâm y tá đưa, anh thường đứng đợi cho chúng tôi uống xong thuốc rồi mới đi sang trung đội khác. Ngay sáng ngày C2 tôi được lệnh rút ra ngoài, tôi vẫn nằm trùm mền li bì như thể tôi muốn ở lại CaoMeLai lắm vậy. BCH đại đội quyết định cho tôi và anh Viện, tiểu đội trưởng của tôi ở lại, để hôm sau sẽ nhập chung với C3 rút lui (D1 bàn giao theo dạng cuốn chiếu, mỗi ngày có một C được rút ra ngoài). Tôi không hiểu đã lấy sức lực ở đâu để đi suốt hai ngày, vì vừa đến căn cứ cũ "rừng dầu", tôi lại lăn ra mê man, không còn biết gì nữa…

*.

NGUYỄN ĐÌNH TẤN

Địa chỉ: 49B, đường Cách Mạng Tháng 8,

Phường 17, quận Tân Bình, Sài Gòn.

 

 

 


 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 26.05.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.


0 comments:

Đăng nhận xét