ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ TÔI - Tác giả: Nguyễn Hữu Quyền ; Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu

Leave a Comment

 

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ TÔI

*

(Với tập thơ “Nụ cười sót lại sau mưa” - Nhà xuất bản Nghệ An, ngày 05/8/2022. tiếp theo 2 tập thơ “Về Miền hoa hoa Lộc Vừng” 2020 và “Nơi con sông đổ về biển” 2021).

 

1. Thơ là sự kích hoạt, đánh thức cái đã biết, chưa biết, khuất lấp từ phía độc giả. Vùng kích hoạt này càng rộng, càng sâu thì chiều kích của thơ càng lớn. Đó là cách để thơ vượt qua những giới hạn, tiến tới vô hạn, tạo nên hiện tượng “Thơ ngoài thơ”. Dòng thơ này thuộc hệ mỹ học phi truyền thống, đòi hỏi độc giả phải có cách đọc, cách giải mã khác thói quen, lối mòn. Nói cách khác để vào được bên trong của thơ ngoài thơ (xin được tạm gọi như vậy). Độc giả cần có một tâm thế thẩm mỹ mới, một kiến văn, một mỹ học mới, khác với truyền thống. Đó là một thách thức không nhỏ cho độc giả, cho thơ Việt trong tiến trình đổi mới, hòa vào dòng chảy thơ nhân loại

2. Tiến sỹ ngữ văn Nguyễn Hoài Nguyên khi bàn về tập thơ “Nơi con sông đổ về biển” 2021) của Nguyễn Hữu Quyền có viết: “Về cấu tứ, về tư duy thơ Nguyễn Hữu Quyền chọn màu tượng trưng pha nhuyễn với minh triết và siêu hình học phương đông nên thơ anh không dành cho những người đọc dễ dãi hoặc những độc giả thiếu kiên nhẫn, bền lòng. Rồi cách khai thác và sử dụng chất liệu, tổ chức hình thức ngôn từ trong thơ cũng in đậm dấu vết ông giáo có thâm niên văn chương chữ nghĩa. Vậy là cùng ghé vai với Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Dương Tường…, tiếp sau là Thanh Thảo, Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Mai văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Vi Thùy Linh… đẩy con thuyền thơ Việt hiện đại, rồi đương đại ra biển lớn, hội nhập với nền thơ thế giới nhưng cách đóng góp của Nguyễn Hữu Quyền là cố gắng vượt thoát những gì thơ Việt đã có, tìm cách đến gần hơn với bạn đọc, dẫn dụ độc giả cùng dự phần tạo dựng ngôi đền thơ huyền bí, thiêng liêng” (Sông Lam số 20 tháng 01+02/2021).

Tôi (Nguyễn Hữu Quyền) tự thấy không có danh phận gì trong thế giới thơ Việt nên không nghĩ mình thuộc dòng chảy nào trong thơ. Chỉ là yêu thơ mà viết. Qua thực tiễn sáng tác của bản thân, tôi thấy tất cả những gì mình sáng tạo ra chảy vào thơ - thành thơ đều bắt nguồn từ nội lực, bản năng, một bản năng được tích tụ, được hóa thân bởi trầm tích văn hóa - mỹ học suốt chặng đường dài gắn bó với thi ca, chữ nghĩa, mang đậm cá tính sáng tạo. Các sinh linh thơ tôi, sau khi ra đời, đến lượt nó được gọi tên là gì tùy thuộc hoàn toàn vào độc giả, trong đó có giới chuyên môn. Tôi cảm ơn vô cùng bạn đọc, các nhà chuyên môn đã đọc, đã bàn luận, chia sẻ với tôi về các tập thơ bản thân đã xuất bản.

3. Trong dòng chảy phi truyền thống của thơ Việt với một số tên tuổi mà tiến sỹ Ngữ văn Nguyễn Hoài Nguyên đã nêu trên, thơ tôi (Nguyễn Hữu Quyền) có gì riêng biệt?

Thơ ngoài thơ là dòng thơ đang nghĩa (Chữ dùng của Dương Tường) nghĩa mà nó có được không chỉ dừng lại ở sự “Biểu nghĩa” - những nghĩa lộ thiên. Cùng với nghĩa lộ thiên qua kết nối tương tác giữa các từ, ngữ, câu, đoạn, những chuỗi đứt gãy, những bỏ ngỏ, khoảng trống, những im lặng, nhịp thơ, giọng thơ, nhạc thơ… tất cả tương hỗ với nhau va vào trực cảm, kích hoạt, đánh thức vùng đã biết, vùng chưa biết, vùng khuất lấp, nhập nhoè, mờ tỏ, vô thức, ý thức… trong thế giới bên ngoài, đặc biệt là thế giới bên trong phức diệu, bí ẩn của độc giả. Theo đó các nghĩa mới, những thức nhận mới của người đọc được phát lộ. Cùng với nó là những dư chấn thẩm mỹ khiến độc giả ngộ ra, vỡ ra cái gì đó trong sâu thẳm, với những thao thức ảm ảnh… đó là cái nằm ngoài thơ được khởi sinh từ trong bài thơ đến nơi không cùng. Biên độ của cái không cùng ấy tùy thuộc vào vốn sống, vốn văn hóa, mỹ học, sự hiểu biết về thơ của từng cá nhân người đọc. Nói cách khác, cái đang nghĩa nằm ngoài thơ ấy không bị trói chặt, không bị chuẩn “số đông” độc giả like chi phối. Dòng thơ này có tính phân luồng bạn đọc khá cao, đó là cái phân biệt giữa thơ trực nghĩa, biểu nghĩa theo cách phản ánh hiện thực thông thường với thơ nằm ngoài sự biểu nghĩa lộ thiên.

Đóng góp riêng của tôi (Nguyễn Hữu Quyền) qua ba tập thơ đã xuất bản liên tục trong ba năm (2020, 2021, 2022) cho hướng đi này trong thơ, dù ở mức khiêm tốn là ở những điều cơ bản sau:

Thứ nhất: Gửi thông điệp bằng sự "im lặng", thông qua cách tạo khoảng trắng giữa các khổ thơ. Mỗi khổ thơ là một mảnh ghép rời rạc nhưng được kết nối chặt chẽ bên trong bằng những trường liên tưởng, tưởng tượng xa xôi, đứt quảng, gần gủi:

Gà liệng buổi sáng vào trong tiếng gáy

Thức dậy cõi mê

Lung liêng tháng giêng

Ta về trẩy hội

Ai xé trời cho nắng rơi xuống làm nghiêng rét

Vét chang chang mang đi

Rót đầy ly rượu

(“Nụ cười sót lại sau mưa” - trang 17).

Cái hiển thị trong đoạn thơ:

Buổi sáng được gà liệng vào trong tiếng gáy. Cõi mê được thức dậy.

- Tháng giêng tượng hình lung liêng. Ta về tháng giêng trẩy hội.

- Nắng rơi xuống, rét nghiêng.

- Chang chang bị vét đi rót đầy ly rượu

Có thể khẳng định; Những câu, chữ trong đoạn thơ trên là sự tuôn chảy tự nhiên. Chính cơ chế bên trong tâm trạng với những va đập, dồn nén, âm vang đã bật lên những từ ngữ này. và chỉ từ ngữ chỉ sự vật, hiện tượng không thôi như “Buổi sáng, tháng giêng, nắng…” thì đoạn thơ sẽ dừng lại ở mức biểu nghĩa. Nhưng các từ ngữ trong đoạn thơ đã không dừng lại ở đó, chúng vượt lên tạo tinh vân, bào ảnh nhờ các từ láy phối hợp với thủ pháp chuyển đổi các giác quan cấp cho cái có trong các chữ đời sống của một sinh linh. Từ đó chuyển sang cấp độ đang nghĩa (Liệng, lung liêng, tháng giêng… rét trời nghiêng rét, vét chang chang). Ở đây hãy gạt sang một bên những điều đã nói ở trên, ta thử bàn đến cái gọi là "im lặng" và tác dụng thẩm mỹ của "im lặng", nhìn từ góc người sáng tác. "Im lặng" trong đoạn thơ chính là khoảng trống giữa các khổ thơ, nó nói lên điều gì nêú không phải là bức tranh tháng giêng được nhìn từ nhiều phía, nhiều góc, nhiều âm thanh, màu sắc?... Là chiều rộng, chiều sâu của không gian, thời gian – bao gồm cả không gian, thời gian tâm cảnh? Là sự phức cảm của nỗi niềm trước những chuyển dịch, biến đổi của đất trời, cuộc sống? Là một khuynh hướng mỹ học, triết học luôn hướng tới các chuyển dịch, vận động với cái nhìn phức cảm, tự nhiên, minh triết, tận đáy bản thể… Chúng được soi trong im lặng.

Thứ hai: Thông điệp được gửi đi trong thơ bằng sự bỏ ngỏ, nghĩa là tác giả không nói hết ý, nhường chổ cho độc giả kiến tạo nghĩa:

Tuổi thơ ư? kìa đàn Kiến đỏ! Về đâu? Nhấp nhô lưng đồi? Mùa hoa loa kèn nở. Cua sa. Tiếng cúc cu gọi bạn tình. Da diết”.

(Nụ cười sót lại sau mưa. Trang 15)

Không có kể/tả ở đây. Tất cả hầu như bỏ ngỏ, nhưng mà độc giả vẫn hiểu theo cách riêng của từng người: Hành trình của phận người với bao cung đoạn, bể dâu? Những kiếm tìm, hy vọng, khát khao, da diết!...

Thứ 3: sự kết hợp giữa cái thực với cái ảo, giữa những chuyện diễn ra trên mặt đất với cái huyền bí, bao la của vũ trụ tạo nên sự tường minh cùng với những giải tần mờ độc đáo, riêng biệt trong thơ Nguyễn Hữu Quyền. Nó không thôi ẩn hiện, lóe sáng:

Đây là một sự tường minh:

“Tôi là cây bằng lăng bên hồ thành cổ

Chắt đất

Nở hoa rực rỡ.”

Còn đây là sự phiêu lãng, một thứ tinh khí được phát tiết, xuất thần:

Linh hồn người lính đào hồ thành thuở xưa là bạn tôi (Chú thích: Tức là bạn của cây bằng lăng ở đoạn thơ trên).

Thỉnh thoảng hỏi bâng quơ:

Sao mồ hôi của tôi có trong hoa anh?

Nó trắng.Đỏ.Mà lạnh

Tím chơi vơi

Ngày mưa hay bay lên trời.

Vơi một miền lịch sử.

(Nụ cười sót lại sau mưa. Trang 07)

Mùi mồ hôi của người lính đào hồ thành năm xưa (Hồ thành là một di tích lịch sử, kết tụ của mồ hôi, nước mắt người lính). Kết tinh trong hoa bằng lăng đứng bên Hồ thành. Nó trắng, đỏ, lạnh, tím. Lạ thay các sắc màu ấy lạnh chơi vơi. Cứ mỗi ngày mưa là bay lên trời. Mỗi lần bay là một lần lịch sử bị vơi. Có cái gì đó thực sự đã hóa thân trong hoa bằng lăng, trong đất, trong trời. Những hi sinh của người lính đào hồ thành năm xưa chăng? Hay là lịch sử? Hay là hồn thiêng sông núi?... tất cả được biểu hiện bằng thơ, rất thật và rất phiêu, phiêu như linh khí, ảo giác. Trộm nghĩ đó là những câu thơ trời cho, đặc biệt là đoạn từ: “Sao mồ hôi của tôi có trong thơ anh” đến “vơi một miền lịch sử”, không trộn lẫn với bất cứ ai. Nó cần một cách đọc khác, của một mỹ học khác.

Còn đây là sự trộn hòa tuyệt đẹp giữa thực và ảo, giữa hoang sơ và tuyệt bích của vũ trụ:

“Sài Gòn mưa đêm

Vung vãi lõa lồ

Kỷ niệm

Đếm từng giọt mưa

Nước từ thiên hà nào rớt xuống làm rơi viên ngọc?

Lốc lật Sài Gòn lên

Ô kìa!

Ngày xưa đậu trên bến”

(Nụ cười sót lại sau mưa, trang 09)

Mưa – Vũ trụ thật “lõa lồ”, hoang sơ. Một viên ngọc nào từ một thiên hà khác rớt xuống cùng với nước? thật tuyệt bích.

Thứ 4: Sự gắn kết hóa thân của dân gian và hiện đại, bất ngờ, nhiều tầng, nhiều lớp với cách diễn đạt mới. Chúng đến với thơ không phải sắp đặt, cố ý mà là sự hòa trộn tự nhiên bằng bản năng, vô thức trong quá trình sáng tạo.Tất cả đều như những sinh linh có hồn vía. Nó tạo nên sự riêng biệt của thế giới thơ Nguyễn Hữu Quyền:

“Rơi mất vầng trăng mười sáu tuổi

Lá bàng chỉ còn cuống

Màu trắng đứng giữa trời ”

(Nụ cười sót lại sau mưa. Trang 36)

Vầng trăng,” “Lá bàng” rất quen thuộc trong thơ dân gian nhưng chúng được diễn đạt theo cách mới “lá bàng chỉ còn cuống”.Còn màu trắng thì “đứng giữa trời.”

Lạch nước từ đâu? vô thủy chảy về lau lách,”( trang 36).Có mà như không có. Đó là kết quả của những kết nối liên tưởng bất ngờ, phi lý nhưng nhất định phải thế và như thế.

Tập thơ “Nụ cười sót lại sau mưa” Của tôi đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống, cả bên trong và bên ngoài. Nó đi từ tâm trạng ra, khuếch đại vào ngoại cảnh, được lắp ghép tự nhiên các mảnh tưởng như không ăn khớp, với những ẩn dụ, tượng trưng, siêu thực… tạo nên hiện tượng phân - đa mảnh với nhiều phức cảm, đứt gãy. Xuyên suốt tập thơ là vấn đề bản thể tính nữ, một bản thể tính nữ phồn sinh trong ngần, khao khát ẩn hiện, mong manh mà bền vững. Nó là sự hóa thân của vũ trụ, một vũ trụ tồn tại như sự khởi nguyên, phồn sinh bất diệt, mời gọi:

“Tôi chiêm bao thấy người chơi trong biển

Lá sen ngả lên trời

Vời vợi trong đó một hồ nước, một đại dương, một con đường dẫn về kỷ niệm

Một nỗi khát khao chơi vơi”

(Nụ cười sót lại sau mưa. Trang 74)

Cái tôi trữ tình - tác giả trong rất nhiều trạng huống một mặt luôn bất an, thao thức trước những ngổn ngang của đời sống, một mặt luôn đắm đuối, tin tưởng vào cái trong lành, khởi thủy, khôi nguyên nơi sâu nhất của chính đời sống. Nó như NỤ CƯỜI SÓT LẠI SAU MƯA. Đó là mỹ học, triết học.

Tập thơ có những vấn đề của tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại, tân hình thức, hai cư… nhưng không phải là vấn đề bàn đến trong bài viết này. Có điều tôi khẳng định chắc chắn là tôi không bị chi phối bởi bất kỳ lý thuyết nào, trường phái nào trong quá trình sáng tác. Nó là kết quả của sự sáng tạo đầy cá tính để tạo nên những đứa con tinh thần mang tinh khí của tác giả.

Trân trọng cảm ơn nhà xuất bản Nghệ An, Giám đốc - Tổng biên tập, thạc sỹ Bùi Thị Ngọc đã liên tiếp trong ba năm (2020, 2021, 2022) cấp phép xuất bản ba tập thơ của tôi (Nguyễn Hữu Quyền). Lần này - 2022 chị đã trực tiếp biên tập tập thơ “Nụ cười sót lại sau mưa” ấn hành ngày 05/8/2022, theo Quyết định xuất bản số 70/QĐ - NXBNA./.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ VỀ ĐI EM:

Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Hữu Quyền - nguồn: Quyền Nguyễn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét