SỰ THẬT VỀ
TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA
*
Từ ngày trận hải chiến Hoàng Sa xẩy ra đến nay,
tôi vẫn giữ im lặng, không viết ra những điều mắt thấy tai nghe những gì xẩy ra
trong trận chiến, vì nghĩ rằng trận chiến Hoàng Sa là một thất bại vì đã không
giữ được đảo Hoàng Sa. So với những chiến tích lẫy lừng của tiền nhân trong
lịch sử thì chúng tôi đã không làm nên được tích sự gì, vì vậy tôi cảm thấy hổ
thẹn khi phải viết ra.
Nhưng nay đã có nhiều người viết về trận Hoàng
Sa, trong đó có Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc là người chỉ huy trận chiến, và
Trung úy Hải quân Đào Dân thuộc HQ-16. Nay lại có thêm Hải quân Trung tá Vũ Hữu
San, hạm trưởng HQ-4 viết một cuốn sách nói về trận chiến Hoàng Sa. Trong các
bài viết cũng như cuốn sách đó, mỗi người nói một cách, không ai giống ai. Nếu
ai chỉ đọc một bài thôi thì có thể tin đó là thật, nhưng nếu người đọc tinh ý
thì vẫn có thể tìm thấy một vài chi tiết chứng tỏ người viết thiếu thành thật
hay nói vu vơ phô trương nhiều hơn những gì cần nói. Còn nếu đọc hết tất cả các
bài viết thì sẽ thấy người nói hươu kẻ nói vượn, chẳng biết tin ai. Người đọc
sẽ đánh giá thấp Hải quân Việt Nam cộng hòa và sẽ thắc mắc không biết trận
chiến Hoàng Sa thật sự như thế nào.
Chính vì lý do này mà tôi phải lên tiếng. Tôi
biết trong Hải Quân có một số người biết sự thật, nhưng ai nói sai họ vẫn mặc
kệ, miễn người viết đề cao Hải Quân, còn nói thật thì họ cho là làm mất mặt Hải
Quân. Vì vậy khi viết bài này, tôi biết trước là sẽ có nhiều người bất mãn vì
bài viết của tôi, không những bất mãn mà tệ hơn, còn lên án tôi là kẻ bêu xấu
Hải Quân, nhưng tôi vẫn phải viết để nói lên sự thật và nói thay cho những
người đã chết trong trận Hoàng Sa.
Tôi cũng xin độc giả hiểu cho rằng trong các
quân binh chủng, hàng tướng tá, úy, hạ sĩ quan hay trong bất cứ tập thể nào
cũng có người tốt kẻ xấu, người có trình độ cao kẻ trình độ thấp, do đó xin qúi
vị không nên vơ đũa cả nắm. Hơn nữa bây giờ ra hải ngoại rồi, chúng ta phải
nhìn nhận sự thật Việt Nam cộng hòa sụp đổ chính vì cấp lãnh đạo và những người
có trách nhiệm chứ đừng đổ lỗi cho đồng minh phản bội để chối tội.
Trước khi vào bài, tôi xin nêu lên vài ý
kiến về bài viết của Trung Úy Đào Dân vì ông ta cùng ở trên HQ-16 với
tôi. Những gì xẩy ra trên HQ-16, Trung úy Dân viết có thể đúng nhưng chưa chắc
đã thấy hết mọi chuyện xẩy ra trên HQ-16 vì ông chỉ ở một vị trí nào đó trên
chiến hạm chứ không thể có mặt ở trên khắp mọi nơi, ngoài ra ông còn phải lo
làm phận sự của ông chứ không thể ngồi không mà quan sát trận chiến.
Những gì ông viết về HQ-4, HQ-5 và HQ-10 là
hoàn toàn không đúng sự thật. Chính tôi là người chỉ huy HQ-16 mà cũng không
biết những hoạt động của HQ 4, HQ-5 làm sao ông Dân biết được ?
Tôi nghĩ là ông Dân muốn viết về trận chiến
Hoàng Sa mà ông có tham dự, nhưng khi muốn viết cho đầy đủ, ông phải nói đến
các chiến hạm khác mà ông không biết hoạt động của các chiến hạm này nên phải
tưởng tượng ra hoặc dựa vào phần nào bài viết của Đại tá Hà Văn Ngạc mà bài
viết của Đại tá Ngạc thì hoàn toàn sai sự thật (tôi sẽ đề cập sau), điều này
chắc chắn ông Dân cũng biết nên ông dễ dàng phóng bút theo mà không dám nói sự
thật.
Ông Dân nói Trung cộng đặt đài quan sát trên
đảo, xây dựng doanh trại, và toán người nhái đổ bộ trong ngày cuộc chiến xẩy ra
báo cáo là có cả một tiểu đoàn quân Trung cộng trú đóng, là không đúng sự thật.
Chỉ có một dẫy nhà gỗ đang xây cất dở dang. Còn người nhái không đổ bộ trong
ngày cuộc chiến xẩy ra và cũng chưa bao giờ lên được đảo.
Ông Dân viết: “Khi chúng tôi được lệnh tiến về phía đảo, HQ-10 hình như có vẻ chần chừ
vì khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa và Hạm trưởng HQ 16 đã nhiều lần
thúc dục HQ-10 phải chạy sát nhau hơn”. Đây là chuyện không có. Sự thực,
trong trận chiến HQ-16 tiến một hướng, HQ-10 tiến hướng khác để vào lòng chảo
quần đảo Hoàng Sa chứ không tiến cùng một hướng. Từ đầu đến cuối trận chiến,
HQ-10 đã làm đúng những gì tôi nói với Hạm trưởng HQ-10 tối hôm 18 tháng 1,
1974 trước ngày khai chiến 119 tháng 1, 1974.
Ông Dân nói việc các chiến hạm hải hành tập đội
để phô trương lực lượng là hoàn toàn không có. Đã đi đánh trận mà còn phô
trương lực lượng thì không còn gì ngớ ngẩn bằng.
Ông Dân nói HQ-4 dùng mũi tàu để ủi tàu Trung
cộng ra xa đảo Hoàng Sa là chuyện không đúng sự thật và cũng không thể nào làm
như vậy được. Cũng như phóng đồ kế hoạch điều quân của ông Dân cho thấy HQ-4 và
HQ-5 tiến vào lòng chảo để tác chiến cũng là không thật nữa. Hướng tiến quân
của HQ-4, HQ-5 vào lòng chảo chính là hướng tiến quân của HQ-10. Ông Dân đưa
thêm HQ-4, HQ 5 vào cho đủ bộ thành trật lất. Sự thật HQ-4 và HQ-5 chỉ ở vòng
ngoài chứ không tham dự trận chiến trong lòng chảo.
Nếu HQ-4, HQ-5 có mặt trong lòng chảo thì khi
HQ-16 và HQ-10 bị trúng đạn thì HQ-4 và HQ-5 làm gì thì không thấy ông Dân nói
đến !
Trên đây là các điểm tôi muốn đính chính về bài
viết của Trung úy Đào Dân.
Và sau đây là những gì xẩy ra trong trận chiến
mà tôi đã chứng kiến.
Trước khi nói đến trận đánh, tôi xin sơ lược về
quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa (gọi chung là Paracels) cách
bờ biển Đà Nẵng 180 hải lý về phía đông.
Như qúi vị thấy trong bản đồ, quần đảo Hoàng Sa
gồm một số đảo ghi trong bản đồ quây quần nhau làm thành một lòng chảo, mà muốn
vào bên trong lòng chảo đó phải theo hai lộ trình mà chúng tôi thường gọi là
cái “pass”. Một cái ở giữa đảo Hoàng Sa và đảo Cam Tuyền. Cái kia ở giữa bãi đá
ngầm Antelope và đảo Quang Hòa.
Bản đồ này tỷ lệ xích quá nhỏ nên các đảo chỉ
bằng lóng tay hay chỉ là những dấu chấm. Quần đảo Hoàng Sa không chỉ có bấy
nhiêu đảo trong bản đồ mà còn một số đảo khác nữa nằm rải rác ở phía đông bắc.
Những đảo trong bản đồ là những đảo tận cùng phía nam của quần đảo Hoàng Sa.
Nhìn vào bản đồ, qúi vị thấy các đảo rời nhau, có khoảng trống ở giữa, nhưng
tầu bè không chạy qua được vì đá ngầm và san hô ở dưới mặt nước, chỉ ra vào
lòng chảo bằng hai cái “pass” tôi nói ở trên.
Quần đảo Hoàng Sa có đảo lài, có đảo cao nhưng
cũng chỉ cao hơn mặt biển chừng vài chục thước. Các đảo phần nhiều trơ trụi,
hiếm có cây cao, toàn đá lởm chởm, chỗ cao chỗ thấp, ít có nơi bằng phẳng. Gần
bờ thì có đá ngầm, san hô. Hết đá ngầm, san hô thì biển rất sâu. Đáy biển cũng
có đá nên neo tầu không an toàn. Quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa không thể
lập căn cứ hải quân được vì không có chỗ ẩn núp cho tàu bè, chỉ có thể lập căn
cứ trên đảo mà thôi.
Tất cả các đảo đều không có nước ngọt, trừ đảo
Hoàng Sa mà chúng tôi thường gọi là “đảo khí tượng” vì có đài khí tượng do
người Pháp thiết lập và sau này luôn luôn có nhân viên khí tượng Việt Nam làm
việc cho đến ngày trận chiến Hoàng Sa xẩy ra. Người Pháp xây một hồ chứa nước
bên trong nhà, có các máng xối hứng nước mưa chuyền vào bên trong hồ chứa để dùng
cho cả năm.
Trên đảo Hoàng Sa mấy năm đầu tiên có một Trung
đội Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ. Về sau vì nhu cầu chiến trận, Thủy Quân Lục
Chiến phải rời đảo và được thay thế bởi Địa Phương Quân của tiểu khu Quảng Nam.
Họ phải ở trên đảo Hoàng Sa vì chỉ đảo này mới có nước ngọt. Thủy Quân Lục
chiến hay Địa Phương quân đều được trang bị xuồng cao su để di chuyển quanh các
đảo mà kiểm soát.
Sau khi biết tổng quát vị trí các đảo, qúi độc
giả có thể theo dõi diễn tiến trận chiến Hoàng Sa sau đây.
Tôi cũng xin thưa trước là những gì xẩy ra tôi
không nhớ chính xác giờ giấc, chỉ phòng chừng. Nhưng những sự kiện thì xác
thực. Ngày giờ và sự kiện xẩy ra đều có ghi trong “Nhật ký hải hành” và “Nhật
ký chiến hạm” nhưng nay không có để tham khảo.
Ngày 15 tháng 1, 1974 tàu tôi – HQ-16 –
được lệnh ra công tác đảo Hoàng Sa, chở theo một cố vấn Mỹ và một Thiếu tá Bộ
binh thuộc Quân đoàn I (mà nay tôi không còn nhớ tên).
Tàu khởi hành tối ngày 15 tháng 1, 1974 và đến
Hoàng Sa sáng ngày 16 tháng 1, 1974. Khi đến nơi, Địa phương quân trên đảo thấy
tàu đã lái xuồng ra đón viên Thiếu tá Bộ binh lên đảo. Trong khi chờ đợi để đưa
Thiếu tá Bộ binh về lại Đà Nẵng, tôi vận chuyển tầu rời đảo Hoàng Sa ra biển,
thả trôi tàu gần đảo Quang Hoà. Tôi lấy ống nhòm nhìn lên các đảo chung quanh
để ngắm nhìn phong cảnh và tiêu khiển thì giờ.
Khi nhìn lên đảo Quang Hoà thì thấy có một dẫy
nhà sườn gỗ còn đang xây cất dở dang, chỉ có sàn nhà, chưa có mái. Tôi thấy lạ,
liền gọi máy về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải (BTL/HQ/VIZH) hỏi thì nơi
đây hỏi lại tôi là có biết người nào trên đó không? Tôi trả lời chỉ thấy bốn,
năm người di chuyển tới lui nơi dẫy nhà đang xây cất chứ không thể biết là ai.
Họ ăn mặc thường dân, có người ở trần, nhưng có nhà xây cất thì chắc là người
ngoại quốc mà không ai khác hơn là Trung cộng, vì cách đảo Quang Hoà chừng 20
hải lý về phía đông bắc có căn cứ của Trung cộng, cũng nằm trong quần đảo Hoàng
Sa.
HQ-16 vẫn thả trôi tàu để chờ Thiếu tá Bộ Binh
và chờ lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải.
* Trưa ngày 16 tháng 1, 1974 : Một chiến
hạm Trung cộng xuất hiện trong vùng.
* Tối ngày 17 tháng 1, 1974 : Bộ Tư lệnh
Hải quân gởi ra một toán người nhái do HQ-4 chở ra. Toán người nhái này rời
HQ-4 bằng xuồng cao su để lên HQ 16.
* Sáng ngày 18 tháng 1, 1974: HQ-5 và HQ-10 có
mặt ở khu vực Hoàng Sa. Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc (khoá 5) ở trên HQ-5 là
người chỉ huy cuộc chiến.
HQ-5 do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh (khoá 11) chỉ
huy.
HQ-16 do tôi (Trung tá Lê Văn Thự) (khoá 10)
chỉ huy.
HQ-4 do Trung tá Vũ Hữu San (khoá 11) chỉ huy.
HQ-10 do Thiếu tá Ngụy Văn Thà (khoá 12) chỉ
huy.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 18 tháng 1, 1974 Đại
tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tôi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa sau đó cho
toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hoà và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Vĩnh
Lạc.
Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa,
tôi vận chuyển HQ-16 bên trong lòng chảo để đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán
người nhái lên đảo thì một tàu Trung cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho
tàu tôi tiến gần đến đảo.
Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng
tầu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn
chung quanh tàu Trung cộng và làm rác bè nổi của tàu Trung cộng. Nhờ xáp lại
gần, tôi thấy tàu Trung cộng số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương
với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của tàu tôi. Tàu Trung cộng nhỏ
hơn tàu tôi nhưng vận chuyển nhanh nhẹn hơn.
Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc những gì xẩy ra.
Sau đó tôi lái tàu ra khỏi lòng chảo và đổ bộ toán người nhái vào mặt ngoài
biển (mặt nam) của đảo Quang Hoà vào chiều ngày 18 tháng 1, 1974.
HQ-16 chỉ ở cách xa bờ một, hai hải lý rồi
người nhái thả xuồng cao su có trang bị máy mà chạy vào bờ chứ HQ-16 không thể
vào sát bờ được vì đá ngầm và san hô. Toán người nhái rời tàu chừng non một
tiếng thì gọi máy báo cáo là ở trong bờ bắn ra. Tôi hỏi người liên lạc máy là
có thấy người ở trên bờ không và các anh đã lên được bờ chưa ? Họ trả lời là
đang lội nước ngang ống chân, còn chừng vài chục thước nữa mới tới bờ. Họ cũng
cho biết là không thấy người trên bờ.
Vài phút sau thì nghe báo cáo là một thiếu úy
người nhái bị bắn chết. Họ xin rút lui vì không thể vào bờ an toàn được. Tôi
báo cáo với Đại tá Ngạc và xin cho người nhái rút lui. Toán người nhái đã trở
về lại HQ-16.
Chiều ngày 18 tháng 1, 1974, khoảng 6 giờ, Đại
tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ
bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hoà. Sau khi Đại tá Ngạc ra lệnh
này xong, thì từ đó về sau tôi không còn nghe lệnh lạc gì thêm từ Đại tá Ngạc
nữa.
Đến tối ngày 18 tháng 1, 1974 máy liên lạc
âm thoại giai tần đơn bị Trung cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi
không thể gọi Đại tá Ngạc, HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải. Tôi
chỉ liên lạc được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay,
chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý.
Sau khi nhận lệnh, tôi nghĩ chỉ còn cách đổ bộ
toán người nhái vào ban đêm mới may ra lên được đảo, nhưng chưa chắc toán người
nhái đã vào trót lọt được vì có thể tàu Trung cộng theo dõi và liên lạc chỉ
điểm cho người của họ trên đảo canh chừng để bắn khi người nhái vào bờ. Ngoài
ra thức ăn, nước uống không có, làm sao toán người nhái có thể hoạt động lâu
hơn một ngày được, và ít nhất cũng phải có một tiểu đội hay trung đội Thủy Quân
Lục Chiến đổ bộ gần bờ yểm trợ cho toán người nhái khi họ rút lui nếu bị phát
hiện hay khi gặp lực lượng địch mạnh hơn. Vì thế, muốn thi hành lệnh của Đại tá
Ngạc, tôi nghĩ chỉ còn cách là phải tiêu diệt tàu Trung cộng trước rồi mới tính
chuyện đổ bộ người nhái lên đảo sau.
Lúc này phía Trung cộng xuất hiện thêm hai
chiếc tàu nữa cùng loại với chiếc đã có trước.
Tôi gọi Thiếu tá Thà HQ-10 và nói ý định của
tôi: Đêm nay HQ-16 và HQ-10 ra thật xa đảo, làm tối chiến hạm (không cho ánh
sáng lọt ra ngoài) để tàu Trung cộng không biết chúng tôi ở đâu. Sáng mai (19
tháng 1, 1974) sẽ tiến vào lòng chảo. HQ-16 vào cái “pass” gần đảo Hoàng Sa,
HQ-10 vào cái “pass” gần đảo Quang Hòa.
Tôi cũng nói với Thiếu tá Thà là anh cũng như
tôi, phải cố gắng hết sức mình. Nếu một trong hai đứa mà loạng quạng, chỉ còn
lại một, thì bọn chúng (ba chiếc tàu Trung cộng) xúm lại, mình không thể nào
chống nổi.
Đêm hôm đó (18 tháng 1, 1974) khoảng nửa
đêm, tôi tập họp thủy thủ đoàn HQ-16 để thông báo ngày mai sẽ tiến vào đánh tàu
Trung cộng. Tôi cũng nói với Thủy thủ đoàn là tất cả mọi người phải can đảm, cố
gắng hết sức mình, ai làm phần việc của mình cũng phải nhanh nhẹn, chính xác
mới mong thắng và sống còn. Nhất là các ổ súng và toán phòng tai phải lo chuẩn
bị trước, xem xét lại súng ống, đạn dược phải mang từ hầm đạn lên để sẵn ở các
ụ súng. Ống nước cứu hỏa phải trải sẵn ra. Máy bôm nước phải sẵn sàng.
Sáng ngày 19 tháng 1, 1974, HQ-16 và HQ-10
tiến vào lòng chảo như dự định. Tôi gọi máy cho Thiếu tá Thà và nói là chừng
nào thấy tôi khai hỏa là phải khai hỏa theo liền.
Khi HQ-16 và HQ-10 vừa qua khỏi hai cái “pass”
và vừa tầm súng, tôi quay ngang tàu HQ-16 đưa phía hữu hạm của HQ-16 hướng về
ba tàu Trung cộng. Mục đích của tôi là để tận dụng tất cả súng từ mũi ra sau
lái (xin xem hình 2). Nếu hướng mũi tàu về phía tầu Trung cộng thì chỉ sử dụng
được hỏa lực ở phía trước mũi thôi. Với lợi thế sử dụng tối đa hỏa lực nhưng
cũng có cái bất lợi là hứng đạn của địch nhiều hơn. Nhưng vì tôi đánh phủ đầu
tàu Trung cộng nên phải sử dụng tối đa hỏa lực. So với tàu Trung cộng, tàu tôi
có đủ loại súng tàu Trung cộng có, ngoài ra còn có thêm khẩu 127 ly mà tàu
Trung cộng không có. HQ-10 chỉ có hỏa lực ngang bằng tàu Trung cộng.
Khi đang tiến vào lòng chảo, tôi đã mừng thầm
khi thấy ba tàu Trung cộng đều ở trong lòng chảo, tức là những mục tiêu tốt cho
HQ-16 và HQ-10 tác xạ. Nếu chúng ở rải rác, chiếc trong chiếc ngoài lòng
chảo thì tôi cũng chưa biết tính sao vì tàu Trung cộng tuy nhỏ nhưng linh động
hơn, nếu chúng ra ngoài biển thì khó bắn trúng hơn vì nó nhỏ và chạy nhanh, còn
tàu tôi lại là mục tiêu tốt cho tàu Trung cộng vì to con nhưng nặng nề, chậm
chạp nên dễ lãnh đạn hơn. Nhưng nay thì cả ba tàu địch bị vây trong lòng chảo
vì hai cái “pass” đã bị HQ-16 và HQ-10 chặn rồi.
Khi đã ở đúng vị trí và vị thế dự định (xin xem
hình 2), HQ-16 cách HQ-10 chừng một hải lý, và hai tầu HQ-16 và HQ-10 cách ba
tàu Trung cộng từ 3 đến 4 hải lý, tôi ra lệnh lần chót: Các ổ súng phải luôn
luôn theo dõi mục tiêu, mục tiêu nào thuận lợi thì bắn mục tiêu đó. Sau
khi hỏi tất cả các ổ súng đã sẵn sàng chưa, tôi ra lệnh khai hỏa.
HQ-16 và HQ-10 đứng yên một chỗ (có muốn di
động cũng không được vì chật hẹp) còn ba tàu Trung cộng di chuyển loanh quanh
sát vòng cung lòng chảo gần đảo Duy Mộng và bắn trả chúng tôi.
Tôi hy vọng trong 5, 10 phút là triệt hạ được
tàu Trung cộng vì khai hỏa trước và xử dụng tối đa hỏa lực trong khi tàu Trung
cộng bị tấn công bất ngờ vì ngày hôm trước, tàu tôi bị họ chặn, tôi bỏ đi mà
không có gì xẩy ra nên họ không ngờ rằng tôi sẽ tấn công họ.
Mười phút trôi qua mà chưa thấy tàu Trung cộng
hề hấn gì, tôi bắt đầu sốt ruột, trong khi đó tôi nghe tiếng lách tách, lép bép
trên trời như tiếng pháo bông, giữa tàu tôi và HQ-10 và về phía HQ-10 nhiều
hơn. Tôi nghĩ chắc là đạn thời chỉnh tức là đạn tự động nổ mà không cần chạm
mục tiêu. Trận chiến vẫn tiếp tục. Chừng khoảng phút thứ 20 hay 30, tôi thấy
một tàu Trung cộng bốc khói, một tàu khác có lẽ bị trúng đạn làm hư hệ thống
tay lái nên tàu cứ xoay quanh như gà trống chạy lòng vòng trước khi đạp mái.
Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi
ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10
tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2
mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, 5 cái đầu nhấp nhô
trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xẩy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo
gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu.
Một số nhỏ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã nhẩy xuống biển. Nhưng
HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả.
Sau đó hầm máy hữu HQ-16 báo cáo trúng đạn ở
lườn tàu dưới mặt nước. Nước tràn vào tàu. Trung sĩ điện khí Xuân bị thương.
Nhân viên cứu hỏa tìm cách bít lỗ thủng. Chừng vài phút sau, tàu bắt đầu
nghiêng. Hầm máy báo cáo lỗ thủng bít không được vì nước vào quá mạnh, chỗ
thủng nằm trong kẹt không có chỗ cho nhân viên cứu hỏa xử dụng đà chống để chặn
tấm bố và tấm gỗ bít lỗ thủng. Nước ngập đến đầu gối. Tôi ra lệnh nếu không bít
được lỗ thủng thì đóng nắp hầm máy lại đừng cho nước tràn ra khỏi hầm máy. (Tôi
nhớ hầm máy hữu trúng đạn mà trong bài viết của ông Dân thì lại viết là hầm máy
tả!).
Tàu chỉ còn một máy tả và một máy điện, phòng
vô tuyến liên lạc truyền tin b gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy tình thế không
thể tiếp tục chiến đấu được nữa, tôi vận chuyển tầu quay trở ra theo cái “pass”
để rời lòng chảo.
Tàu mỗi lúc một nghiêng thêm (trên 10o) và chỉ
còn một máy nên vận chuyển rất khó khăn. Hầm máy hữu báo cáo nhân viên phải rời
hầm máy vì tàu sắp chìm.
Thấy độ nghiêng của tàu đến mức gần hết độ an
toàn, có thể tàu sẽ lật nên tôi ra lệnh: Toàn thể nhân viên vào nhiệm sở đào
thoát vì sợ họ không còn thì giờ đào thoát kịp. Ra lệnh xong, tôi nắm lấy tay
lái tiếp tục lái thay cho nhân viên ra nhiệm sở.
Trong khi tôi đang lái thì Đại úy Hiệp, cơ khí
trưởng, chạy lên đài chỉ huy, nói với tôi: “Vì
sao Hạm trưởng cho nhiệm sở đào thoát? Tôi đang ráng làm cân bằng tàu”. Tôi
nói là tàu mỗi lúc một nghiêng thêm, không biết sẽ lật chìm lúc nào nên phải
chuẩn bị đào thoát.
Lúc này tàu nghiêng đã đến độ bão hòa (không nghiêng
thêm nữa) vì nước đã vào đầy hầm máy. Tôi cho giải tán nhiệm sở đào thoát và
vào lại nhiệm sở tác chiến. Lúc này ở đài chỉ huy có Trung úy Đoàn Viết Ất, tôi
nói với Trung út Ất: “Tàu nghiêng như thế
này, khó mà lái ra biển an toàn được, chắc tôi phải ủi tàu vào đảo khí tượng
(đảo Hoàng Sa) để cố thủ và chờ HQ-4, HQ-5 tiếp viện”.
Trung úy Ất nói với tôi: “Xin Hạm trưởng đừng ủi tàu vào đảo khí tượng. Mình sẽ bị Trung cộng bắt
làm tù binh. Làm tù binh Trung cộng thì kể như chết rục xương trong tù, không
còn thấy cha mẹ, vợ con, quê hương xứ sở. Xim Hạm trưởng cứ lái ra biển. Tàu có
chìm thì đào thoát vẫn còn cơ may sống sót. Nếu chết thì chết trên biển vẫn
sướng hơn”.
Bây giờ viết lại câu nói này của Trung úy Ất,
tôi vẫn còn xúc động đến chảy nước mắt. Nghe Trung úy Ất nói, tôi suy nghĩ
thêm: Nếu tôi cứ ủi vào đảo khí tượng thì cũng không thể nào ủi sát vào bờ được
vì gần bờ đá ngầm rất nhiều. Nếu ủi, tàu sẽ mắc cạn, lườn tàu sẽ bị đá ngầm
rạch nát, nước sẽ vào thêm, tàu sẽ hoàn toàn tê liệt mà thủy thủ đoàn cũng
không thể nào lên đảo được. Do đó tôi tiếp tục lái tàu ra khỏi “pass”, đồng
thời ra lệnh nhân viên hướng súng về đằng sau và về phía quần đảo Hoàng Sa canh
chừng tàu Trung cộng truy kích theo.
Khi rời Hoàng Sa, tôi hết sức ân hận đã bỏ lại
trên đảo một toán nhân viên 8 người do Trung úy Liêm chỉ huy khi có lệnh đưa
nhân viên lên giữ đảo. Trung úy Liêm và toán nhân viên sau đó đã mạo hiểm
vượt biển bằng bè vì không muốn Trung cộng bắt làm tù binh. Sau hơn mười ngày
lênh đênh trên biển, bè trôi về tận ngoài khơi Qui Nhơn, được ngư phủ cứu và
được đưa vào bệnh viện Qui Nhơn cấp cứu. Họ vượt biển mà không chuẩn bị thức ăn
nước uống nên Hạ sĩ Quản kho Nguyễn Văn Duyên đã chết vì kiệt sức khi đưa vào
Qui Nhơn.
Ra khỏi “pass”, tôi hướng tàu về Đà Nẵng, lúc
này khoảng 5 – 6 giờ chiều ngày 19 tháng 1, 1974. Tàu chỉ còn một máy và
nghiêng nên chạy chậm. Khi trời bắt đầu tối, tàu cách Hoàng Sa chừng 15 hải lý.
Lúc này tôi mới thở ra nhẹ nhõm vì chắc tàu Trung cộng cũng bị thương tích cả
người lẫn tàu nên không truy kích tàu tôi.
Bây giờ mối lo khác lại đến với tôi là tàu có
thể lật chìm bất cứ lúc nào nếu có sóng chếch xuôi rất dễ làm tàu lật. Tôi cho
nhân viên chuẩn bị các bè nổi, xem xét lại cách xử dụng để khi hữu sự thì làm
cho nhanh chứ khi tàu lật thì không có thì giờ mà mò mẫm.
Lúc này hệ thống truyền tin vừa được sửa chữa
xong. Nhân viên vô tuyến báo cáo tình trạng chiến hạm về Bộ Tư Lệnh Hải Quân
Vùng I Duyên Hải nhưng không thấy HQ-5, HQ-4 lên tiếng.
Một tin làm bàng hoàng mọi người trên chiến hạm
là Trung sĩ Điện khí Xuân trút hơi thở cuối cùng vì vết thương quá nặng mà
không được săn sóc đúng mức.
Đại úy Hiệp mang họa đồ chiến hạm các khoang
hầm trên tàu lên đài chỉ huy và cho tôi biết đã làm cân bằng tàu bằng cách bơm
nước và dầu từ hầm này sang hầm khác và dồn về phía tả hạm, nhưng tàu cũng
không bớt nghiêng bao nhiêu. Đại úy Hiệp nói: “Bây giờ chỉ còn cách bơm xả nước ngọt và dầu ra biển may ra mới làm tàu
bớt nghiêng”. Xả nước ngọt và dầu ra biển thì tôi rất ngại mà cũng không
biết chắc là khi xả xong thì tình trạng có khá hơn không hay lại tệ hơn vì phải
biết trọng tâm con tàu trước và sau khi xả nằm ở đâu rồi mới dám làm.
Học môn lý thuyết thuyền bè trong trường Hải
quân nhưng ra trường lâu ngày và gặp lúc hữu sự, lại không còn nhớ cách tính
trọng tâm con tàu nên tôi không dám bảo Đại úy Hiệp làm và giữ nguyên tình
trạng như vậy mà chạy về Đà Nẵng. Cũng may nhờ biển rất êm nên không có gì xẩy
ra.
Sáng 20 tháng 1, 1974 khoảng 7 – 8 giờ, tàu
vào vịnh Tiên Sa Đà Nẵng nhưng tôi không vận chuyển cặp cầu được. Bộ Tư Lệnh
Hải Quân Vùng I Duyên Hải phải xin tàu dòng từ Ty Thương Cảng Đà Nẵng, kẹp
ngang hông HQ-16 mà cặp cầu quân cảng Đà Nẵng.
Cặp cầu xong, Thủy xưởng Đà Nẵng sang bơm dầu,
nước ngọt ra, làm nhẹ tàu cho tàu nổi lên rồi tìm cách bít tạm lỗ thủng dưới
nước (do người nhái lặn xuống nước mà bít, tôi nhớ như vậy không biết có đúng
không ?). Sau đó bơm nước ngập hầm máy ra và hàn lại lỗ thủng ở hầm máy.
Ngày hôm sau, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên
Hải xin toán tháo gỡ đạn dược từ Quân Đoàn I sang để tháo gỡ viên đạn còn nằm
lại trên tàu. Viên đạn được bắn vòng cầu, rơi xuống nước gần HQ-16, do tốc độ
của viên đạn nên khi xuống nước gặp sức cản của nước, viên đạn không đi thẳng
xuống nước mà bị lệch hướng rồi đâm vào lườn tầu HQ-16 dưới mặt nước. Viên đạn
vẫn còn tốc độ di chuyển, xướt qua một góc máy điện, xuyên đứt cánh tay Trung
sĩ Điện khí Xuân kế đó rồi chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm ở đó.
May là viên đạn không nổ, chứ nổ thì HQ-16 có thể chìm tại chỗ!
Lấy được viên đạn ra, toán tháo gỡ đạn dược
ngạc nhiên cho biết là viên đạn “made in USA” và cỡ 127 ly. Sau này truy ra mới
biết là đạn do HQ-5 bắn.
Sau khi sửa chữa xong, sơn phết lại, làm sạch
sẽ, chiến hạm HQ-16 được lệnh về Sài Gòn làm lễ tiếp đón chiến hạm trở về từ
Hoàng Sa. Phần thượng tầng kiến trúc của chiến hạm bị lỗ chỗ các lỗ thủng do
đạn 40 ly và 20 ly bắn vào vẫn để y nguyên, mục đích cho dân chúng Sài Gòn ai
tò mò muốn xem chiến hạm dự trận Hoàng Sa về ra sao, khi lên tàu xem sẽ thấy
được dấu tích còn để lại trên tàu. Tàu cặp cầu B ở bến Bạch Đằng.
Trong buổi lễ tiếp đón, tôi cùng 4 – 5 nhân
viên được Tư lệnh Hải quân gắn huy chương. Sau buổi lễ dân Sài gòn được lên xem
tàu. Và phóng viên BBC là ông Tôn Thất Kỳ phỏng vấn tôi. Ông hỏi tôi có
thấy máy bay phản lực Trung cộng dự chiến trong trận Hoàng Sa không ? Tôi trả
lời là tôi không thấy.
Ngày hôm sau, Khối Chiến Tranh Chính trị Bộ Tư
Lệnh Hải Quân (lúc đó Đại tá Trần Văn Triết làm Trưởng khối thì phải), phái một
thiếu úy hay trung úy (mà tôi không nhớ tên hay cấp bậc), xuống HQ-16. Anh ta
nói với tôi: “Tại sao Hạm trưởng trả
lời phỏng vấn đài BBC là không thấy phản lực cơ Trung cộng?”.
Tôi trả lời vị sĩ quan đó: “Anh về nói lại trên Bộ Tư Lệnh là tôi không
thấy nên tôi trả lời không có. Nếu Bộ Tư Lệnh muốn tôi nói thì phải báo trước
cho tôi biết”.
Tôi nghĩ nguồn tin này do Đại tá Ngạc báo cáo
về Bộ Tư Lệnh Hải quân nên Bộ Tư Lệnh Hải quân muốn tôi trả lời phỏng vấn cho
phù hợp với nguồn tin. Cũng như Đại tá Ngạc báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải
Quân: HQ-16 và HQ-10 mất tích.
Lúc HQ-16 về Sài Gòn, tôi nghe nói lại (không
biết có đúng không) là khi nhận được tin HQ-16, HQ-10 mất tích, Đại tá Võ Sum,
Trưởng khối Truyền tin Hải quân, đã dùng con lắc (một loại dụng cụ cảm ứng) để
xem thử HQ-16 còn hay mất. Tôi không nghe nói kết qủa của việc dùng con lắc
này.
Sau khi trình bầy chi tiết những gì xẩy ra
trong trận Hoàng Sa, tôi xin nêu lên những nhận xét của tôi về trận chiến này:
1.- Trong trận Hải chiến Hoàng Sa, Hải Quân
Việt Nam không có loại tàu thích hợp cho trận chiến. HQ-5, HQ-16, HQ-10 là
loại tàu cồng kềnh, vận chuyển chậm, súng quay bằng tay nên theo dõi mục tiêu
khó khăn cũng như nhịp bắn chậm. Chỉ có HQ-4 là tối tân nhất, các súng đều xử
dụng bằng điện, tốc độ bắn nhanh, radar có tầm xa, vận tốc chiến hạm cao. Nhưng
HQ-4 lại không xung trận.
Lúc trước, Sở Phòng vệ Duyên Hải ở Đà Nẵng có
loại tàu PT chuyên đi bắn phá phía bắc vĩ tuyến 17 là loại chiến hạm thích hợp
với trận chiến Hoàng Sa. Nhưng tôi nghe nói Hoa Kỳ đã thu hồi lại loại tàu này
khi họ rút quân khỏi Việt Nam, trước ngày trận chiến Hoàng Sa xẩy ra.
2.- Không có kế hoạch hành quân. Kể từ khi có mặt ở Hoàng Sa, tôi chỉ biết một lệnh duy nhất từ Đại tá Ngạc qua máy âm thoại, chỉ định tôi chỉ huy HQ-10 và có nhiệm vụ phải đổ bộ toán người nhái, mà trong bài viết của ông, ông gọi là Biệt Đội Hải Kích, lên đảo Quang Hòa bằng bất cứ giá nào. Ngoài ra tôi không biết gì về hoạt động của HQ-4 và HQ-5 cũng như nhiệm vụ của họ.
Gần đây, đọc bài “Tường Thuật Trận Hải Chiến Lịch
sử Hoàng Sa” của Đại tá Ngạc, tôi mới biết là ông chia 4 chiến hạm
thành hai phân đoàn:
- Phân đoàn I gồm HQ-4 và HQ-5 (đại tá Ngạc ở
trên HQ-5), do Hạm trưởng HQ-4 chỉ huy là nỗ lực chính.
- Phân đoạn II gồm HQ-16 và HQ-10 do Hạm trưởng
HQ-16 chỉ huy là nỗ lực phụ.
Nội việc chỉ định Hạm trưởng HQ-4 chỉ huy phân
đoàn I là sai nguyên tắc chỉ huy, vì Đại tá Ngạc ở trên HQ-5, như vậy thì Hạm
trưởng HQ-4 (Trung tá Vũ Hữu San) chỉ huuy luôn cả Đại tá Ngạc sao? Đại tá Ngạc
là người chỉ huy trận chiến thì phải kiêm luôn chỉ huy Phân đoàn I mới đúng.
Suốt trận chiến, HQ-4 và HQ-5 làm gì tôi không được biết. Và cho đến lúc rời
Hoàng Sa về Đà Nẵng, tôi chẳng thấy HQ-4 và HQ-5 đâu.
Sau trận chiến, tôi thấy phải đổi lại Phân đoàn
I (gồm HQ-4 và HQ-5) là nỗ lực phụ. Phân đoàn I (gồm HQ-16 và HQ-10) là nỗ lực
chính mới đúng vì Phân đoàn II trực chiến với tàu Trung cộng trong lòng chảo
trong khi Phân đoàn I chỉ ở bên ngoài “wait and see”. Và vì qúa lo sợ Trung
cộng nên tin chắc thế nào Phân đoàn II cũng bị đánh chìm, Đại tá Ngạc mới ra
lệnh HQ-5 bắn vào lòng chảo 5 – 7 phát trước khi rút lui. Tôi không trách HQ-4
và HQ-5 vì họ chịu sự điều động của Đại tá Ngạc.
Vì không có kế hoạch hành quân nên máy truyền
tin bị Trung cộng phá rối không liên lạc được mà không có tần số dự trù thay
thế.
3.- Muốn thanh toán quân Trung cộng trên đảo
(tôi nghĩ không nhiều chừng 1 tiểu đội) mà dự định đổ bộ một toán người nhái 9,
10 người thì khó mà thành công. Phải có 1, 2 tiểu đội Thủy Quân Lục Chiến tăng
cường yểm trợ mới được. Cần thêm xuồng cao su để đổ bộ quân, tiếp tế lương thực
nước uống và vật dụng.
4.- Ra lệnh đưa quân lên giữ đảo mà không cung
cấp lương thực, nước uống đầy đủ. Thủy thủ đoàn không có kinh nghiệm tác
chiến trên bộ, chỉ có súng cá nhân và một ít đạn bắn chừng nửa tiếng là hết,
làm sao giữ được đảo. Nếu chiến hạm bận tác chiến hay bị thiệt hại thì số quân
nhân đưa lên đảo phải bị bỏ rơi như trường hợp HQ-16. Đúng là lệnh lạc kiểu
mang con bỏ chợ. Phải có kế hoạch đưa bộ binh hay Thủy quân Lục chiến giữ đảo
và phải có kế hoạch tiếp tế.
5.- Không có bác sĩ trên chiến hạm, chỉ có y tá
không kinh nghiệm cứu thương cũng như ngoài khả năng của họ nên ai bị thương
thì khó mà sống sót.
6.- Trận chiến Hoàng Sa rất giản dị, chẳng có
chiến thuật gì rắc rối, phức tạp cả.Tôi chỉ khai thác sơ hở của ba chiến hạm
Trung cộng tập trung một chỗ trong lòng chảo để tấn công. Nếu thủy thủ đoàn
HQ-16 và HQ-10 có kinh nghiệm tác xạ, HQ-16 không bị trúng đạn của
HQ-5 và Hạm trưởng HQ-10 không bị thương thì chắc chắn ba tàu Trung cộng
phải bị đánh chìm. Tôi còn nghi vấn về Hạm trưởng HQ-10 bị thương là do
đạn thời chỉnh của Trung cộng hay của HQ-5, HQ-4?
7.- Sau trận chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân hay
ít nữa là Bộ Tư Lệnh Hạm đội cần có một buổi hội gồm các cấp chỉ huy các đơn vị
tham dự trận chiến để mỗi người trình bầy những hoạt động của đơn vị mình, nói
lên những nhận xét để rút kinh nghiệm học hỏi, cùng những đề nghị nếu được áp
dụng thì trận chiến sẽ có kết qủa tốt hơn để mọi người cùng thảo luận. Đằng này
mọi chuyện đều choo trôi xuôi luôn.
Bài viết của tôi đến đây xem như đã trình bầy
xong trận chiến Hoàng Sa, nhưng cũng xin nối tiếp thêm về bài viết “Tường
thuật trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa” của Đại tá Hà Văn Ngạc.
Toàn bài viết của Đại tá Ngạc từ đầu đến cuối
là sai sự thật. Những điều ông nói khó mà kiểm chứng. Chỉ những người ở
trên HQ-16, HQ-5, HQ-4 và HQ-10 mới thấy là hoàn toàn do óc tưởng tượng dàn
dựng ra. Tôi chỉ nêu lên một số chi tiết mà tôi thấy vô lý hoặc có liên hệ đến
tôi mà sai sự thật.
Ông viết: “Bất thần về phía đông vào khoảng 11 giờ 25 sáng, cách xa chừng 8 đến 10
hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung cộng loại có trang bị mỗi bên một
giàn phóng kép hoả tiễn loại hải – hải đang tiến vào vùng giao tranh”. Cách
xa chừng 8 đến 10 hải lý khó mà thấy được mỗi bên một giàn phóng hỏa tiễn. Chỉ
tưởng tượng thôi!
Sau đó cũng chẳng thấy ông nói chiến hạm Trung
cộng này làm gì. Ngoài ra, ông còn lo sợ cả phản lực cơ và tiềm thủy đĩnh
Trung cộng. Vì quá lo sợ nên không còn tinh thần để chiến đấu nữa ! Ông Ngạc
viết: “Khoảng 7:00 sáng ngày 20 tháng 1,
1974 thì hai chiến hạm Phân đoàn I về tới căn cứ an toàn. Tuần dương hạm HQ-16
cũng đã về bến trước đó ít lâu…”. Sự thực, sáng ngày 20 tháng 11, 1974,
HQ-16 về đến quân cảng Đà Nẵng và sau đó chẳng thấy HQ-4 và HQ-5 ở Đà Nẵng. Chỉ
một mình tôi lên trình diện Tư Lệnh Phó Hải Quân trong Phòng hội của Bộ Tư Lệnh
Hải quân Vùng I Duyên Hải để trả lời những câu hỏi liên quan đến tổn thất giữa
địch và ta trong trận chiến.
Ông Ngạc viết: “Sau khi di tản các chiến sĩ thương vong và tử vong lên căn cứ thì chỉ
có ba vị Đô đốc cùng Hải Quân Đại tá Nguyễn Viết Tân, Chỉ huy trưởng Sở Phòng
Vệ Duyên Hải lên Tuần dương hạm HQ-5 và vào phòng Hạm trưởng để dự cuộc thuyết
trình về trận đánh. Ba vị Hạm trưởng (HQ-5, HQ-16 và HQ-4 – ghi chú của người
viết) đều có mặt để trình bầy chi tiết về chiến hạm của mình v.v…”.
Tôi (Hạm trưởng HQ-16) đâu có mặt trên HQ-5 như
Đại tá Ngạc viết.
Trong bài của ông có viết HQ-4, HQ-5 bị trúng
đạn, thiệt hại khá nhiều, định chạy về Subic Bay Phi Luật Tân để xin Hoa Kỳ sửa
chữa. Sao không chạy về Sài gòn cho gần mà lại chạy sang Subic Bay đã xa mà
chắc gì Hoa Kỳ chịu sửa chữa.
Sự thật HQ-4 và HQ-5 chẳng bị trầy một mảnh sơn
nào cả. Cả Hải quân đều biết. Vì thế cho nên chỉ một mình HQ-16 được tiếp đón ở
Sài Gòn và gắn huy chương chứ không có Đại tá Ngạc hay HQ-4 và HQ-5.
Trong bài viết “Biển Đông Dậy Sóng” của
ông Trần Bình Nam, có câu: “Đại tá Ngạc
biết có một cái gì đó sau lưng trận đánh nên đã dè dặt đôi lời trước khi viết
rằng vân vân…”. Cái gì sau lưng đó, nay được ông Trần Bình Nam nói ra: Đó
là chuyến công du Trung quốc ngày 10 tháng 11 năm 1973 của ông Henry Kissinger
mà nội dung ghi lại trong cuốn hồi ký chính trị “Years of Upheaval” và
được ông Trần Bình Nam trích ra trong bài viết của ông ta. Đại khái là Hoa Kỳ
bắt tay với Trung cộng để chống lại Nga sô và qua một vài câu dẫn chứng, ông
Trần Bình Nam kết luận có lẽ có sự thoả thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để
Trung quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam cộng hòa.
Ông Trần Bình Nam viết: “Một tháng sau khi ông Kissinger rời Bắc Kinh, hải quân Trung quốc lén
lút đổ bộ quân lên chiếm một số đảo trong quần đảo Paracels và vân vân…”.
Phần tiếp theo của đoạn này chỉ dựa vào những
chi tiết sai sự thật trong bài viết“Tường thuật trận hải chiến lịch sử Hoàng
Sa” của Đại tá Ngạc. Như trước ngày trận chiến xẩy ra, quân Trung cộng đã chịu
rời đảo mà họ đã chiếm khi có quân từ các chiến hạm Việt Nam đổ bộ chiếm lại
đảo (Trung cộng chỉ chiếm một đảo duy nhất là đảo Quang Hòa. Còn quân từ các
chiến hạm chỉ đổ bộ lên các đảo không có quân Trung cộng như Ạ đảo Cam Tuyền,
Vĩnh Lạc. Toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa nhưng bị bắn phải rút ra –
lời người viết).
Những điều ông Trần Bình Nam viết chỉ là những
phỏng đoán, chẳng có gì chứng tỏ được Hoa Kỳ ngầm thoả thuận cho Trung quốc
chiếm Hoàng Sa. Ngược lại, theo nhận xét của tôi, khi dự trận chiến Hoàng Sa,
tôi thấy Trung cộng rất dè dặt trong việc xâm chiếm Hoàng Sa. Trước sau họ chỉ
đưa ra vỏn vẹn có ba chiến hạm không thuộc loại tối tân, có thể vì họ ngần ngại
có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Họ không đưa ra một lực lượng hùng hậu để đánh
chiếm Hoàng Sa vì sợ nếu Hoa Kỳ phản ứng thì sẽ thành lớn chuyện khó xử. Ngoài
ra họ còn sợ dư luận thế giới nữa.
Ông Trần Bình Nam nói, nhờ Hoa Kỳ can thiệp nên
Trung cộng đã nhanh chóng trao trả (qua ngả Hồng Kông) số quân nhân và dân
chính trên đảo Hoàng Sa cùng một số ít thủy thủ đoàn của HQ-10 còn sống sót.
Tôi không chắc có phải do Hoa Kỳ can thiệp không. Theo tôi, Trung cộng đã chiếm
được đảo Hoàng Sa rồi thì sá gì mấy chục mạng người mà không trao trả. Giữ để
làm gì ? Không cần Hoa Kỳ can thiệp họ cũng tự động dàn xếp để trao trả, vừa
được tiếng nhân đạo vừa xoa dịu sự công phẫn của dân chúng Miền Nam Việt Nam và
có thể của cả dư luận thế giới nữa.
Có sự bắt tay giữa Hoa Kỳ và Trung cộng để hai
bên rảnh tay chống lại Nga sô nhưng không chắc có sự thoả thuận của Hoa Kỳ để
Trung cộng chiếm Hoàng Sa. Có thể một trong những lý do Trung cộng chiếm Hoàng
Sa là để thăm dò mức độ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sau khi đã ngầm bắt
tay nhau. Trung cộng chỉ cần đưa tới Hoàng Sa ba chiến hạm để thăm dò vừa
Hoa Kỳ vừa Việt Nam Cộng hòa.
Nếu Việt Nam Cộng hòa sợ oai hùm của anh khổng
lồ mà tháo lui thì họ không còn gì mong đợi hơn nữa. Còn nếu Việt Nam Cộng hòa
tận lực bảo vệ và đánh thắng thì họ sẽ chờ lúc khác, chắc cũng không lâu, nếu
Hoa Kỳ không tỏ thái độ trong lần này. Còn giả thử nếu có sự thoả thuận của Hoa
Kỳ để Trung cộng chiếm Hoàng Sa đi nữa thì con dân nước Việt chúng ta có đánh
hay không?
Nếu có ai hỏi Đại tá Ngạc hay ông Trần Bình Nam
là những người thức thời, nhìn xa hiểu rộng, thì tôi chắc hai người này sẽ dõng
dạc công khai tuyên bố: “phải đánh”.
Còn đánh như thế nào, đồng tâm hiệp lực mà đánh hay đánh chiếu lệ, nửa nạc nửa
mỡ, xem đồng đội như vật hy sinh, thì cái đó không phải là chuyện công khai…
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC
của Phạm Minh Tuấn qua tiếng hát Tùng Dương:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả: Lê Văn Thự - nguồn: sachhiem.com
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn:
internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét