CHUYỆN NGƯỜI LÍNH VỊ XUYÊN
*
Tôi trở về quê vào một chiều chớm đông. Cái nắng hanh
khô cuốn theo từng cơn gió, như rắc vàng lên đồng ải bên sông. Vẫn đàn
chim sẻ đang cần mẫn tìm sâu, bắt bọ trên những luống đất xốp thẳng
tắp, ngả màu. Nước đã mấp mé cửa sông. Có lẽ, cống ngoài đê sắp
mở để nước tràn vào đồng ngậm ải, và báo hiệu mẻ rươi đầu mùa đã
đến. Mùa của sự vần vũ, mà tạo hóa thiên nhiên đã ban tặng cho con
người một sản vật, một món ăn dân dã, nhưng dường như gói trọn cả
cái hương hoa tinh túy của đất trời…
Tiếng xe máy sau lưng chợt cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi
quay người, xe chồm đến trước mặt, tiếng phanh khô dầu như xiết vào
tai. Giật bắn cả người, tôi chưa kịp định thần, thấy Ân, ông bạn thời
trẻ trâu ngồi trên xe, cười khùng khục:
- Bú sữa Tây nhiều, tưởng đã quên nhau rồi!
Vỗ vai hắn, tôi cười:
- Thế ai về thăm ông đây?
Hắn đế tiếp:
- Nói vui vậy thôi, nghe tin ông về, trưa đến giờ tôi
cứ thấp thỏm. Lên xe đi. Hôm nay, giỗ mãn tang con gái đầu.
Mấy chục năm gặp lại, Ân vẫn vậy, vồn vã, ồn ào,
và yêu quí bạn bè. Định bảo Ân xuống xe cùng đi bộ, nhưng bất chợt
nhìn thấy chiếc chân gỗ của hắn, tôi đành phải lên xe.
Nhà Ân đã chuyển xuống cạnh nhà của vợ chồng chị
Hậu. Ngôi nhà tềnh toàng, lộn xộn, dường như thiếu bàn tay của người
phụ nữ. Mâm cơm cúng được đặt trên chiếc tủ chè mất cánh. Hương khói
đã tàn, cho tôi cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn. Nghe tiếng động sau nhà,
ngỡ là vợ hắn, tôi quay lại. Ân bảo:
- Anh Cu Lớn chồng chị Hậu đấy, vợ tôi vào Saigon làm
Osin, nuôi thằng út học đại học đã mấy năm rồi.
Nhà chị Hậu trước ở trung tâm xã, ngày Mỹ ném bom
miền Bắc, tôi có ở một thời gian. Hết chiến tranh, chị bị cán bộ,
chính quyền lừa chiếm đất, buộc phải đổi nhà xuống cuối làng, cạnh
khu nghĩa địa này. Chị kiện cáo khắp nơi, còn anh Cu Lớn chồng chị,
cứ rượu vào, giắt dao vào bụng đi tìm cán bộ, nhưng cũng chỉ như đá
tõm ao bèo. Sau đó, có lẽ quá uất ức, chị phát bệnh và qua đời.
Đứng ở cửa nhà, nhìn thấy tôi, anh Cu Lớn cầm chai
rượu và mấy chiếc bánh đa nướng, ngật ngưỡng đi tắt vườn sang. Tôi
chưa kịp chào, anh đã bảo:
- Chú nhắn hôm nay về, làm xong cơm cúng, anh bảo,
thằng Ân lòng vòng mấy lần ra đầu làng đón từ trưa đến giờ.
Tôi xúc động, cúi xuống nắn nắn vào đôi chân thương
tật của anh:
- Vậy là, chỉ còn hai ông, hai thế hệ múc nhau với
Mỹ và Tàu, trở thành thương phế binh què cụt ở nhà.
Anh Cu Lớn và Ân mắt đỏ ngầu, quay mặt đi, rồi cùng
cười:
- Không sao…không sao, quen rồi!
Thời chiến tranh, mảnh đất nơi đây, không có đàn ông,
mà chỉ còn phụ nữ và trẻ con. Rồi sau hòa bình mấy chục năm, dường
như đổi ngược lại, làng không còn đàn bà, thiếu tiếng trẻ thơ mà
chỉ còn lại những người đàn ông tật nguyền, thương phế binh. Và nhìn
anh Cu Lớn, nhìn Ân, chợt làm tôi nhớ đến câu thơ của Lưu Quang Vũ đã
vẽ ra hình ảnh, thân phận của những người lính nông dân ấy, ngay từ
ngày đầu của cuộc chiến tang thương nhất của dân tộc:
“Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô
Quang Trung trên bành voi, Người cầm giáo xông lên phía trước
Quang Trung lên làm vua, Người về nhà cày ruộng
Bị lão Trương tuần bắt nạt cũng run…”
Thấy tôi đứng ngẩn tò te, Ân vỗ vai:
-Thôi ngồi xuống làm chén rượu cho ấm cái bụng đã.
Tuy đói, nhưng quả thật, đồ cúng đã lạnh tanh, nhạt
nhẽo, khó nhai, không thể nuốt, tôi bảo Ân:
- Có đề nghị với ông đây, nhưng không được giận nhé!
- Không giận, có gì nói đi.
- Đồ cúng lạnh quá, hơn nữa ông đếch biết nấu, nên
không nuốt được. Bây giờ bê mâm xuống bếp, tôi sẽ nấu lại đồ ăn. Trải
chiếu ở đó, chúng ta trò chuyện, và nhấc lên nhấc xuống cho ấm áp.
Ân nhìn xéo tôi cười diễu:
- Mấy ông “Vịt Cừu“ hay nói phét lắm đấy. “Trông ngon
lành, cành đào“ thế này, bảo biết viết văn tôi tin, chứ vào bếp, và
những công việc nặng nhọc, làm thế quái nào được?
- Ông cứ đùa. Những thằng ở Đức càng lâu, nấu ăn
càng giỏi. Cái gì cũng phải học, phải biết. Và những thằng tự
hành nghề lâu năm như tôi, ở Đức gọi là: Những kẻ không được quyền
nghỉ ốm nhé!
- Vậy thì, tôi mang chậu thau với kiềng bếp lên giữa
nhà ngồi cho sạch. Củi than còn một đống ở góc sân, vô tư đốt hết
đêm nay.
Nhìn vẻ ngoài, và lần đầu tiếp xúc, có lẽ ai cũng
nghĩ, Ân là người cứng rắn, ăn to nói lớn. Vậy mà, mới vài tuần
rượu, con người hắn hoàn toàn đổi khác. Thấy hắn trầm ngâm, nhưng
rượu cứ nhát một, tôi buột miệng hỏi, nguyên do về cái chết của con
gái hắn. Hắn bảo:
- Chuyện đau đớn và rắc rối lắm, nếu muốn hiểu, thì
phải bắt đầu từ mấy chục năm về trước.
- Vậy thì kể đi, và khóc được thì cứ khóc, tức thì
chửi, tôi nghe. Đỡ ấm ức một chút cũng nhẹ người, có khi ông giảm
được nỗi đau, tôi lại viết được một truyện ngắn chứ chẳng chơi…
---
Tháng mười 1976, tròn mười bảy tuổi, hắn đã trở
thành người lính, và là một trong những người lính mới đầu tiên, kể
từ sau 30-4- 1975 của Sư 31 Quân đoàn 3. Đang theo các đàn anh đánh đấm
ở biên giới Tây Nam và Campuchia, được tin giặc Tàu bất ngờ tấn công
và tàn sát nhân dân sáu tỉnh biên giới. Chiến tranh bùng nổ. Đơn vị
hắn nhận lệnh hành quân gấp ra chi viện cho mặt trận phía Bắc. Sau
một thời gian phòng thủ tuyến bắc Sông Cầu, hắn nhận lệnh chuyển đơn
vị, và chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên. Và từ đó, hắn trở thành
một trung đội trưởng dạn dày kinh nghiệm, với những trận đánh kinh
hoàng trên các cao điểm 772, 685… được mệnh danh là đồi băm thịt, trong
cuộc phản công tái chiếm đất vào những năm 1984, 1985. Có trận trung
đội chỉ còn vài, ba người sống sót, trên mình găm đầy những vết
thương. Và hắn đã phát điên, nhưng nhắc đến tên đồng đội hắn giật
mình tỉnh lại. Trung đội được bổ sung quân, phần đông vẫn là lính
mới. Những người lính này, bước vào trận, mà dường như vẫn còn ngơ
ngác, vô tư như vừa xong một tiết học. Giữa năm 1985 Trung đoàn đã
chiếm lại được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám
chặt địch, giành giật với chúng từng tấc đất. Trung đội hắn cách
bộ binh của địch gần nhất, có lẽ chỉ chừng mười mét…
Đến đây, giọng hắn dường như hơi bị méo. Với chai
rượu, tôi chưa kịp mở nắp, hắn đã giằng lấy, tự rót, và ực liền
tù tì mấy ly. Anh Cu Lớn gật gù bảo: Những trận đánh của chú ở Vị
Xuyên kinh hoàng, tàn bạo không khác gì bọn anh ở Cổ Thành Quảng Trị
1972. Nhưng các chú hơn bọn anh là được nhằm thẳng vào kẻ thù, bọn
xâm lược mà bắn. Còn bọn anh, dù họng súng nào, viên đạn nào cũng
là của quân ta giết quân mình. Cái đau và day dứt là ở chỗ đó, tuy
cùng là những thằng lính.
Ân ngồi thu người lại, lặng im, lim dim hai tròng mắt
mọng như treo những bọng nước… Không gian chùng xuống. Về khuya, trời
sẫm đặc. Ngoài kia không xa, bãi tha ma với những vệt lân tinh vẫn
quẹt sáng lên, thập thò như ma trơi. Gió luồn vào ống luồng của kèo
nhà rít lên. Những cành cây, lá chuối đập nơi đầu hồi cứ phành
phạch.
Đột nhiên, hắn quay người, tháo chiếc chân gỗ đút
xuống gầm giường, miệng lẩm bẩm: Vì mày mà tao phải mất cái chân
này.
Nghĩa là sao? Tôi hỏi lại hắn.
Chụm thêm mấy nhánh củi vào bếp, không trả lời tôi,
nhưng câu chuyện của hắn lại được tiếp nối… như vậy…
Tuy đã chiếm lại được chốt, nhưng màu xanh của cây lá
đã bị đạn pháo phạt ngang, và thiêu rụi, chỉ còn lại núi đá thẳng
đứng, bị vạt bay mất chỏm. Trung đội Ân dường như phải treo mình vào
những hốc, vách đá để tránh pháo kích của địch. Từ trên đỉnh đồi
nhìn xuống, dưới chân trống trải như cánh đồng vừa gặt. Việc tiếp
tế thức phẩm, vận chuyển tải đạn dược, thương bệnh binh vô cùng nguy
hiểm dẫn đến bế tắc. Hỏa lực của địch mạnh, pháo kích dày như nan
rá, không kể giờ giấc ngày đêm. Đạn pháo cày nóng ran cả sườn núi,
đá vỡ vụn từng mảnh như sôi lên ùng ục, trắng xóa cả vùng đồi.
Nhìn vào, Ân nghĩ, trận chiến này chẳng khác gì cái lò nung vôi nơi
quê nhà.
Chưa tìm được con đường hậu cần, nên Ân nhận được
lệnh, tạm thời rút quân bảo toàn lực lượng. Đánh lên đã gian nan,
chết chóc khổ cực, rút xuống cũng hiểm nguy trùng trùng. Trung đội
được chia ra từng nhóm nhỏ, để vượt qua tầm pháo địch, và Ân vẫn là
người rút cuối cùng. Thật ra, vượt qua bãi trống, dưới tầm đạn pháo
của địch, ngoài kinh nghiệm chiến trường, số phận, may rủi quan trọng
không kém. Bởi, pháo kích của giặc Tàu hoàn toàn không theo giờ giấc
cố định. Nhưng có lẽ, người rút cuối, thường khó khăn, nguy hiểm hơn
chăng. Và đôi khi còn, mất chỉ bằng cảm tính của người lính lâu năm
thực tế trên chiến trường, chứ thật khó diễn tả được bằng lời.
Biết là vậy, nhưng bao giờ hắn cũng căn dặn anh em tính toán hết sức
cẩn thận, nhất là lính mới.
Về đến nơi tập kết, rất may chỉ có mấy người bị
thương, đã được đồng đội chuyển vào trạm phẫu thuật dọc đường. Và
khi điểm lại, hắn thấy vẫn còn thiếu Ngọc Con. Nghe người cùng nhóm
kể, khi nghe tiếng pháo nổ, mỗi thằng dạt ra một phía, nhưng không
nghe thấy tiếng kêu, hay gọi của nó.
Có lẽ, nó đã dính… rồi. Một đồng hương của Ngọc
Con, hai mắt đỏ ngầu, nói như vậy.
Ngọc người Nghệ Tĩnh trùng tên với Ngọc trung đội
phó, và là lính mới, nên đồng đội ghép chữ Con vào tên cúng cơm cho
dễ phân biệt. Ngọc Con được bổ sung vào đơn vị cùng với ba lính mới
cùng quê. Trận đầu Ân cho Ngọc Con đi cạnh để kèm cặp. Nhưng thấy
Ngọc Con run lên bần bật, lóng ngóng, đầu súng cứ chúi xuống, lại
ngỏng lên, hắn văng tục, quát:
- Đ.m! Thằng C nào không sợ chết. Bom đạn có chừa
thằng chó nào đâu. Tao cũng đang sợ ỉa ra quần đây. Nhưng không nhằm
thẳng vào nó mà bắn, nó sẽ bắn chết tao và mày, vậy thôi.
Sau vài trận như vậy, tuy còn một chút học trò tính,
nhưng Ngọc Con đã dạn, và khá bình tĩnh.
Bàn giao trung đội cho cấp phó, Ân và Hải Nghệ Tĩnh
quay lại tìm Ngọc Con. Trời rạng sáng, pháo kích của địch cũng thưa
dần, nhưng đạn còn vèo vèo trên đầu. Sương mù loãng hơn. Trăng hạ
huyền sáng đục, treo lơ lửng trên mỏm núi cao 1059 mờ mờ trước mặt.
Đến bãi trống, hắn và Hải căng mắt nhìn. Lúc sau có tiếng động,
hắn khẽ gọi, và như có tiếng trả lời. Xác định đúng là Ngọc Con,
hắn và Hải bò vào. Ngọc Con bị thương ở đùi khá nặng. Có lẽ, bò
về đến đây nó bị đuối sức rồi. Cả hai khoác tay Ngọc Con lên vai,
kéo bò nhích từng bước. Một tràng súng nổ, đạn xéo rát bên tai, và
hắn thấy lạnh nơi ống chân. Lết được vào con đường nhỏ hắn mới biết
đạn đã găm ở chân, máu ra nhiều. Băng bó xong, hắn và Hải dìu Ngọc
Con. Lúc này mới thấy đau, nhưng hắn vẫn nghiến răng bước đi. Được
một đoạn, mồ hôi vã ra, chân hắn như khựng lại. Rất may, đơn vị cho
thêm người đi tìm, cũng vừa đến nơi. Họ đưa hắn và Ngọc Con vào trạm
phẫu thuật.
Cứ nghĩ, chỉ điều trị vài ba tuần, Ân sẽ trở về đơn
vị. Nhưng không ngờ, vết thương tưởng là xoàng này, đã chấm dứt gần
mười năm lăn lộn trên chiến trường, và đưa hắn đến đường cùng, ngõ
cụt. Bởi, nơi chiến trường khốc liệt, thuốc men, phương tiện kỹ thuật
hoàn toàn thiếu thốn cùng với trạm phẫu thuật di động, dẫn đến chân
hắn bị nhiễm khuẩn nặng. Khi hắn được chuyển về Quân khu, thì đã
muộn. Bệnh viện không thể cứu được chân của hắn, nên buộc phải cắt
bỏ. Điều trị, an dưỡng, tập luyện mấy năm ở trại thương binh, Ân về
phục viên.
Tôi hỏi cắt ngang lời hắn:
- Sao ông không học tiếp, rồi học đại học, hoặc học
cái nghề gì phù hợp với sức khỏe. Theo tôi biết Bộ, các Sở thương
binh đều có trường văn hóa, và trường đào tạo nghề?
- Ông không thể hình dung được tâm trạng chán chường
của những thằng thương phế binh lúc đó. Đang chạy nhảy, đánh đấm ầm
ầm, tự nhiên cụt chân, cụt tay, tập đi, tập nói như một đứa trẻ. Đêm
đêm giật mình nghe những tiếng hú, tiếng kêu la, chém giết… rùng rợn
của những thằng nửa tỉnh nửa mê cùng phòng, hoặc đang cởi truồng
chạy nhông nhông ngoài sân, và có khi cũng là của chính mình. Ban
ngày, tôi cũng thấy đồng đội tôi, thằng mất đầu, thằng mất chân,
thằng bị phạt mất nửa người gọi cứu. Chúng khóc, chúng gào chúng
đòi về quê hương bản quán… nhưng tôi bất lực. Và dù lúc mê hay tỉnh,
tôi luôn muốn thoát, muốn từ bỏ tất cả hiện tại và dĩ vãng, để
trở về với lũy tre xanh, với những con rươi, con hến…
Tôi đờ đẫn ngồi nghe, bất chợt hắn chỉ tay vào anh Cu
Lớn:
- Và quả thật, đến bây giờ tôi không hiểu và cũng
không thể tin, cứ ngày 30-4 hàng năm, hoặc trận Cổ Thành Quảng Trị,
hay những ngày tết lễ, họ rầm rộ tổ chức mời gọi, tuyên dương công
trạng những thế hệ, người lính như anh Cu Lớn đây. Còn ngày 17-2-
1979, ngày 28-4- 1984 trên mặt trận Vị Xuyên họ quên, và quên hẳn những
thằng lính còn sống què cụt như chúng tôi. Và cả những thằng lính
bơ vơ, lạnh lẽo vĩnh viễn nằm lại nơi biên thùy. Không biết hồn cốt
họ giờ này trú ngụ nơi đâu…Cùng là thằng lính mà cũng có thứ hạng
sao?
Anh Cu Lớn đè sự xúc động của hắn xuống, an ủi:
- Chú nói thế chỉ đúng mặt nổi, mặt ngoài của
những kẻ đánh trống, khua chiêng. Còn sự thật, không riêng anh, bạn bè
anh, mà có lẽ cả một thế hệ muốn quên hẳn những ngày ấy. Nhớ lại
càng cảm thấy buồn và đau thôi. Những người lính chống giặc Tàu xâm
lược như chú, nhân dân và lịch sử chắc chắn không bao giờ quên.
Trời gần sáng. Tiếng đôi thạch sùng đuổi cắn nhau
chí chóe trên mái nhà, dường như làm cho Ân bực mình. Cầm chiếc dép
hắn ném thẳng lên đó. Rồi lắp chân gỗ, hắn đứng dậy, tập tễnh đi
tìm ấm đun nước pha trà. Khi quay lại, hắn giật giọng hỏi:
- Này, Đỗ Trường, đi nhiều, đọc nhiều, ông có tin vào
số phận cũng như luật nhân quả không?
- Thú thật với ông, trước đây tôi hoàn toàn không tin.
Nhưng từ sau 1993, tôi đã tin, và viết ngay truyện ngắn Qủa Báo, về
số phận, kết cục của những kẻ đã, đang cỡi lên đầu, lên cổ người
dân lương thiện, không chỉ ở Đức, mà còn cả ở trong nước. Kẻ gây gió
dứt khoát sẽ gặt bão, không trước thì sau thôi.
- Nói là vậy, nhưng cái ác ngày một sinh sôi nảy nở,
và những kẻ làm ác vẫn nhởn nhơ, thách thức xã hội, con người. Đến
nỗi người dân đếch phân biệt được ai là chính quyền, ai là xã hội
đen. Nó cứ chập chờn như một thứ ma trơi vậy. Câu chuyện của tôi và
gia đình là một ví dụ:
---
Tròn ba mươi, mẹ già thúc giục, mối lái, Ân mới lập
gia đình với cô gái làng bên. Rồi con cái lần lượt ra đời. Cái thiếu
cái đói quấn lấy vợ chồng hắn. Tiền trợ cấp thương tật không đủ cho
hắn mua thuốc khi vết thương tái phát, hoặc trái gió trở giời. Con
cái lớn, học hành cao, gánh nặng càng nặng thêm trên đôi vai lệch của
hắn. Khi Trâm, con gái đầu thi đỗ đại học, Ân mừng lắm. Công việc gì
hắn cũng làm, từ chạy xe chở hàng đến đan lát thủ công, miễn là có
tiền gửi cho con. Cũng từ tình yêu thương chiều chuộng hết mực này,
bước đầu hắn góp một phần đưa con gái mình đến chỗ đua đòi, hưởng
lạc. Khi nhu cầu, sự đòi hỏi quá khả năng của vợ chồng hắn, thì cô
con gái sinh viên từng bước trở thành gái bao, vợ hờ cho những kẻ
rửng mỡ lắm của, nhiều tiền là lẽ đương nhiên. Và từ đó, Trâm đã
vuột ra khỏi tầm tay của vợ chồng hắn.
Năm học cuối, Trâm có thai, nghe đâu với gã buôn đất,
gốc gác người Nghệ Tĩnh. Dù đã xác định trước điều này, nhưng hắn
vẫn sốc và đau. Cố nín nhịn, vợ chồng Ân về Hà Nội tìm con gái.
Đứng trước căn biệt thự có hai con Becgie to vật vã gác cửa gầm gừ,
như ăn tươi nuốt sống hắn. Tiếng cãi cọ, mạt sát nhau của con gái và
gã tình nhân vọt ra cửa, hắn cảm thấy như bị xúc phạm. Mấy lần
định bước đi, nghĩ đến con, vợ chồng hắn cố dằn lòng.
Trâm ngạc nhiên, và bối rối khi thấy bố mẹ đột ngột
đến. Có lẽ, nghe thấy tiếng người lạ, từ trên lầu gã tình nhân
huỳnh huỵch chạy xuống. Ân quay người, làm cho gã đứng khựng lại.
Ngẩn người một lúc, Ân cũng nhận ra, và sửng sốt chưa kịp kêu tên
Ngọc Con, thì gã đã đi như chạy ra cổng.
Vậy là, sau hơn hai chục năm, kể từ ngày cứu Ngọc
Con, rồi bị thương cụt chân, và trở về với đời thường, hắn không hề
gặp lại, hoặc có tin tức gì về nó. Để rồi, hôm nay gặp lại nó
trong hoàn cảnh tréo ngoe, thật khó khăn và nhục nhã này. Mãi đến
mấy tháng gần đây, gặp lại một số đồng đội cũ, hắn mới biết rõ
hơn về Ngọc Con. Hết thời gian an dưỡng ở trại thương binh, Ngọc Con
tiếp tục học đại học. Sau khi tốt nghiệp, gã về làm cho Chi cục Hải
quan Nghệ Tĩnh một thời gian, rồi bỏ việc, nghe nói, sang Lào buôn
bán, làm ăn. Không ai biết, Ngọc Con làm gì. Nhưng mấy năm sau, thấy
gã xuất hiện toàn với những tai to mặt lớn trong giới sang giàu, ôm
vai bá cổ tuốt tuồn tuột từ cấp trung ương đến các cấp lãnh đạo
đầu tỉnh, thành địa phương. Thế là đất đai, dự án rót cả vào túi
gã. Dọc đất nước này, trong giới bất động sản, có lẽ không ai, không
biết Ngọc Con, và cái tính bệnh hoạn của gã. Bởi, gã chỉ mồi chài
bồ bịch, bao nuôi nữ sinh viên đại học, và ở hầu hết các thành phố
lớn.
Khuyên con gái trở về quê sinh nở, năm sau sẽ học
tiếp, không được, vợ chồng Ân chán nản. Và dường như có linh cảm
chẳng lành, hắn nhiều lần liên lạc, muốn nói chuyện với Ngọc Con,
nhưng gã đều trốn tránh. Vài tháng sau, vợ chồng hắn đứng người, nhận
tin con gái bị chết đuối nước dưới hồ. Vậy là, một người chết hai
mạng đi. Hắn hoàn toàn không tin như vậy, bởi con gái hắn sinh ra lớn
lên trên miền sông nước, nên bơi lội rất giỏi. Mẹ hắn biết chuyện trở
nên lẩn thẩn, mấy tháng sau cũng qua đời…
Và đến đây, có lẽ quá xúc động hắn dừng lại, nhưng
vẫn quay sang tôi bảo:
- Con gái hư hỏng, sa đọa dẫn đến cái chết là lỗi
tại vợ chồng tôi thiếu quan tâm và quản giáo, có lẽ ân hận cho đến
chết ông ạ.
Trời sáng hẳn, tôi nhìn rõ hơn nước mắt còn chưa kịp
khô trên quầng mắt thâm nhăn của hắn, và chỉ biết an ủi:
- Ông không nên dằn vặt mình nữa. Cháu đã là sinh viên
đại học, đủ nhận thức, và trách nhiệm những hành động, việc làm
của bản thân. Mình làm sao theo nó mãi được.
Sao lúc đó ông không thuê luật sư làm rõ cái chết của
cháu?
Hắn im lặng, rồi trả lời nhát gừng:
- Chính quyền là nó, xã hội đen cũng là nó, kiện
vào mắt à…
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Cuộc chiến tranh
Biên giới 1979l
- Những bài thơ chống
giặc Tàul
- Chiến tranh biên
giới phía Bắc: những hình ảnh bi tráng không quênl
- Không được quên tội
ác của bá quyền Trung Quốcl
- Trận chiến cầu Khánh
Khê và giờ học lịch sửl
- Vị Xuyên ơi! Nỗi đau
không quên!l
- Gạc Ma - Nỗi đau
không được quênl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Leipzig ngày 08-03-2017
ĐỖ TRƯỜNG
Địa chỉ: Thành
phố Leipzig, tỉnh Leipzig,
Bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức.
Email: dotruong07@yahoo.de
.............................................................................................................
- Cập nhật từ messenger
facebook Vũ Thị Hương
Mai ngày 21.10.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu
tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện
quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét