VÌ SAO CÓ SỰ ĐÁNH GIÁ KHÁC NHAU
VỀ VAI TRÒ CỦA TRIỆU ĐÀ
Người Việt Nam từ xưa đã có đánh giá trái ngược
về vai trò của Triệu Đà đối với dân tộc ta. Một quan điểm cho rằng Triệu Đà là
người sáng lập vương triều chính thống đầu tiên của Việt Nam, một quan điểm
khác cho rằng Triệu Đà là kẻ đầu tiên xâm lược Việt Nam, bắt đầu thời kỳ Bắc
thuộc. Hai quan điểm này hiện vẫn đối chọi nhau, không bên nào chịu thua.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề trên, tôi nhận
thấy mấu chốt ở chỗ cái gọi là “người Việt” (Việt nhân, chữ Hán viết là 粤人 hoặc
越人) có phải là người Việt Nam hay không.
Trước hết nói qua về “Người Việt” là tộc người
sống ở vùng Lĩnh Nam, và tộc Hoa Hạ sống chủ yếu ở vùng Trung Nguyên. Hai vùng
này cách nhau bởi dãy Ngũ Lĩnh hiểm trở. Trung Nguyên, còn gọi Hoa Hạ, là tên
gọi chung vùng trung-hạ lưu Hoàng Hà, là vùng đất thiêng, nơi sinh ra nền văn
minh Trung Hoa. Người Trung Quốc xưa nay đều coi Trung Nguyên là Trung tâm
thiên hạ, coi chính quyền cai trị Trung Nguyên là chính quyền Trung ương, nhiều
sử sách viết theo quan điểm của chính quyền này.
Trong lịch sử Trung Quốc, các thế lực tranh giành
quyền lực đều muốn chiếm được Trung Nguyên. Chính quyền Trung ương dường như
được “Trời” trao cho quyền đánh chiếm (gọi là “bình định”) bất cứ vùng lãnh thổ
nào xung quanh Trung Nguyên. Thời gian 230 TCN – 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đánh
chiếm 6 nước xung quanh, dù vô cớ giết hàng triệu nhân mạng nhưng lại được coi
là có công “thống nhất Trung Quốc”.
Tiếp đó năm 218 TCN, nhà Tần cho quân đánh Lĩnh
Nam. Chiến dịch Lĩnh Nam mở ra một thời kỳ lịch sử quan trọng đối với các bộ tộc
xưa nay định cư ở vùng này (gọi gộp là “Bách Việt”) cũng như đối với cá nhân
Triệu Đà.
Triệu Đà người Hà Bắc vốn là tướng nhà Tần, theo
chủ tướng Đồ Thư (sau chết trận, thay bằng Nhâm Hiêu) đánh Lĩnh Nam, năm 214
TCN chiếm được Lĩnh Nam, Nhâm Hiêu được phong Nam Hải Uý, cai quản toàn bộ vùng
Lĩnh Nam, Triệu Đà làm Huyện lệnh Long Xuyên. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết (210
TCN), Trung Nguyên bắt đầu rối loạn. Năm 206 TCN, nhà Tần bị nhà Hán diệt.
Lợi dụng tình hình rối loạn của chính quyền trung
ương, Triệu Đà sau khi tiếp quản chức Nam Hải Uý do Nhâm Hiêu trao lại, năm 205
TCN chiếm thêm hai quận Quế Lâm và Tượng quận (đều trên đất Trung Quốc). Năm
204 TCN, Triệu Đà tự xưng Triệu Vũ Vương, thành lập nước Nam Việt tức Nam Việt
quốc 南 越 国 hoặc 南 粤 国. Đà làm vua cho đến khi chết (137 TCN). Nam Việt Quốc
thời Triệu Đà có 60 vạn dân, gồm người Việt tộc (越 族 hoặc 粤 族) và người Hoa Hạ
tộc (từ Trung Nguyên di cư tới).
Nhà Hán (chính quyền mới lập ở Trung Nguyên) coi
nhà Triệu là chính quyền cát cứ địa phương và luôn tìm cách “bình định”. Nam
Việt quốc của nhà Triệu tồn tại 93 năm với 5 đời vua, năm 111 TCN bị nhà Hán
diệt.
Ngày xưa hai chữ Hán 粤 và 越 hoàn toàn như nhau về
ý nghĩa và âm đọc, do đó nhiều người hiểu lầm từ “người Việt” tức “Việt nhân” (粤人
hoặc 越人) là người Việt Nam. Thực ra đó là người tộc Hoa Hạ (sau này gọi là tộc
Hán) ở Quảng Đông, tức người Quảng Đông, một tập hợp bộ lạc thuộc tộc Hoa Hạ
nhưng nói tiếng Quảng Đông (mà người Trung Nguyên nghe không hiểu). Theo định
nghĩa hiện nay, đó là tập hợp 3 đại dân hệ Hán tộc là Quảng Phủ, Triều Sán và
Khách Gia: 粤人即广东汉族人,主要由广府、潮汕和客家三大汉族民系组成. “Người Việt” là thành phần chính của dân
nước Nam Việt.
Tóm lại, sách sử Trung Quốc (và cả Việt Nam) nói
Nam Việt quốc là nước của người Việt, Triệu Đà là vua Nam Việt quốc thì dĩ
nhiên là vua của người Việt rồi.
Vấn đề ở chỗ “người Việt” ấy là người Hoa Hạ
Quảng Đông, họ nói tiếng Quảng Đông (là một phương ngữ của tiếng Hán) và dùng
chữ Hán. Thủ lĩnh của người Việt Lĩnh Nam là Lữ Gia (?-111 TCN) thuộc tầng lớp
trên của xã hội vùng này, từng học ở Trung Nguyên, rất giỏi chữ Hán. Khi thành
lập nước Nam Việt (204 BC), để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, Triệu Đà đã
mời Lữ Gia làm Thừa tướng. Lữ Gia trung thành phò nhà Triệu, khôn ngoan cho con
cháu mình đều kết hôn với quan lại nhà Triệu. Khi quân Hán chiếm Phiên Ngung,
Lữ Gia đưa vua Triệu Kiến Đức chạy trốn không thoát, cả hai bị quân nhà Hán
giết (212 BC).
Sách sử Trung Quốc nói cương vực Nam Việt quốc có
cả Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam nhưng chưa hề nói có người Việt Nam nào làm quan
trong triều đình nhà Triệu suốt 93 năm tồn tại.
Sách “Nam Việt quốc sử” nói thời Triệu Đà, phần
lớn Quảng Châu còn là biển, Biểu đồ “A Historical Sketch of the Landscape of
the Red River Delta. Sự tiến hoá lịch sử của đồng bằng châu thổ sông Hồng” do
Tana Li (ĐH quốc gia Australia) công bố· cũng cho thấy 2000 năm trước tỉnh Thái
Bình còn dưới mực nước biển. Như vậy lấy đâu ra làng Đồng Sâm với bà Trịnh Thị
Phương Dung – bà vợ Việt Nam của Triệu Đà?
Theo ông Vũ Thế Khôi, chữ Hán chỉ vào Việt Nam
sau khi Triệu Đà chiếm Âu Lạc (tức Việt Nam) của An Dương Vương. Từ đây suy ra
Việt Nam thời Triệu Đà chưa thể có người giỏi tiếng Hán và chữ Hán tới mức có
thể làm quan trong triều đình nhà Triệu. Hiển nhiên Lữ Gia là “người Việt” với
ý nghĩa là người Hán Quảng Đông chứ không thể là người Việt Nam.
Mong rằng sẽ có nhiều người phản biện lại mấy ý
kiến thô thiển nói trên.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
*
NGUYỄN HẢI HOÀNH
Địa chỉ: phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh
quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà
Nội.
........................................................................................
- Cập nhật từ
email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 19.01.2022
- Ảnh dùng minh
họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét