*
Có lẽ câu nói “gây hấn” nhất về mối quan hệ giữa nhà văn và nhà
phê bình là của Nguyễn Tuân: “Khi tôi chết hãy chôn theo tôi một nhà phê
bình để còn tiếp tục cãi nhau.” Câu nói có vẻ hài hước của Nguyễn Tuân đã
“định nghĩa” tình bạn giữa nhà văn và nhà phê bình trong một thời gian dài.
Mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình thường là “cơm chẳng
lành, canh chẳng ngọt.” Và dường như sự phàn nàn thường đến từ phía các nhà
văn. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Vì chẳng phải tác phẩm và cuộc đời của
các nhà văn là đối tượng của các nhà phê bình đó sao. Những người chuyên nghiên
cứu về tác phẩm của mình, cuộc đời mình lại bị ghen ghét bởi chính những người
được nghiên cứu! Câu trả lời nằm ở việc đánh giá của nhà phê bình đối với tác
phẩm của nhà văn - đối tượng lao động của họ.
Tôi lí giải vấn đề ở những điểm cụ thể hơn. Tôi thường nghe một
số nhà văn phàn nàn rằng, các nhà phê bình không hiểu tác phẩm của họ. Họ viết
về vấn đề A thì nhà phê bình lại bàn về vấn đề B. Ý tưởng của họ là xuôi chiều
thì nhà phê bình đánh giá ngược chiều. Nhà văn dụng công ở những vấn đề lớn thì
nhà phê bình lại chú trọng ở những điểm nhỏ, vân vân và vân vân!
Nhưng có đúng là các nhà phê bình không hiểu các nhà văn? Tôi
cho rằng điều này cơ bản là sai lầm. Một tác phẩm được viết ra, người đọc (bao
gồm cả nhà phê bình) có vô vàn cách hiểu khác nhau. Nhà văn viết theo chủ ý của
anh ta nhưng người đọc có thể không nhận thấy hoặc không đánh giá cao điều ấy.
Hoặc nhà văn có những ý tưởng riêng nhưng ý tưởng của anh ta không thành công
và nhà phê bình cũng như bạn đọc không quan tâm hoặc có cách hiểu khác. Câu hỏi
mấu chốt đặt ra là người đọc (bao gồm cả nhà phê bình) có nhất thiết phải hiểu
đúng ý tưởng của nhà văn không? Câu trả lời là “không cần”.
Tôi là nhà văn và cũng là một người đọc. Tôi khẳng định rằng,
người đọc không nhất thiết phải hiểu chính xác suy nghĩ, ý đồ của nhà văn. Vì
như thế sẽ rất khiên cưỡng và ép buộc. Văn bản văn học là một tác phẩm nghệ
thuật, nó không phải là khoa học chính xác nên không thể áp đặt một cách hiểu
duy nhất. Ví dụ thế này, với một đám mây trắng bay trên trời, người đầu tiên
trông thấy thì bảo nó giống con chim đại bàng, người thứ hai bảo giống ngọn
núi, người thứ ba cho rằng đó là chiếc máy bay, người thứ tư quả quyết đó là
con rùa… Có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu cách hiểu về tác phẩm. Những
cách hiểu này đồng nhất với tác giả hoặc hoàn toàn khác biệt thì cũng không có
gì nghiêm trọng. Điều ấy tạo nên sự hấp dẫn, đa nghĩa của văn chương cũng như
cộng hưởng với trí tưởng tượng, kinh nghiệm, cảm xúc, tầm đón đợi của độc giả.
Nhưng nhà văn sẽ tiếp tục phản bác rằng, nhà phê bình là nhà
khoa học, đã là khoa học thì anh phải chính xác và chuẩn mực.
Đúng thế, nhưng thưa rằng đây là khoa học về sự cảm thụ cái đẹp
và nghệ thuật. Nhà phê bình cũng chỉ là một độc giả mà thôi, anh ta hoàn toàn
có thể diễn giải tác phẩm theo cách hiểu của mình và người viết không thể phật
lòng. Nhà văn Nguyễn Khải từng kể câu chuyện mà tôi cho rằng nó không mang chút
tiếu lâm nào hết. Con trai nhà văn đi học và cô giáo giao cho cậu bé phân tích
tác phẩm “Mùa lạc” của ba mình trong sách giáo khoa. Cậu bé mang bài về hỏi ba.
Nguyễn Khải đã dành một buổi tối để phân tích tác phẩm giúp con trai. Khi cậu
bé mang bài đến lớp, cô giáo đọc bài và phê rằng: “Dùng từ sai, không phân
tích đúng ý tác giả!”
Tôi nhắc lại rằng câu chuyện này không có gì đáng cười. Cô giáo
kia, ở một thời điểm nào đó cũng giống vị thế của một độc giả, một nhà phê
bình. Cô giáo đã không sai. Nguyễn Khải là tác giả và ông hiểu tác phẩm theo ý
của mình và cô giáo hiểu tác phẩm theo ý cô và cả hai có cái lí của mình. Nhà
văn sau khi đã hoàn thành tác phẩm anh ta cũng chỉ còn là một độc giả và sở hữu
cách hiểu của riêng mình.
Tôi đã từng rơi vào trường hợp này. Nhiều nhà nghiên cứu, phê
bình đã phát hiện ra những ý hàm ẩn trong tác phẩm của tôi mà trong quá trình
viết tôi không hề nghĩ đến nó. Không phải anh ta bịa đặt ra điều đó mà trong
quá trình sáng tác, có sự điều khiển của vô thức hoặc bởi sự hữu hạn của mình,
chính tác giả đã không nhận ra. Tiểu thuyết “Sương mù tháng Giêng”
của tôi từng được một nhà phê bình gọi là “tiểu thuyết ngôn tình” nhưng
tôi chẳng sững sờ về điều ấy, đó là một cách hiểu và tôi chấp nhận điều ấy.
Vậy những nhà phê bình-đã-có-thể-không-hiểu nhà văn thì anh ta
giúp ích gì? Bất chấp sự không hài lòng của đối tượng bị phê bình, không thể
phủ nhận rằng các nhà phê bình đã giúp cho tác phẩm văn học có nhiều người đọc
hơn, mở rộng các chiều kích và chiều sâu của tác phẩm, giúp cho nhà văn và tác
phẩm của anh ta trở thành bất tử nếu nó thật sự xứng đáng như thế.
Tôi cho rằng nếu không có những công trình nghiên cứu phê bình
công phu và giá trị của M. Bakhtin “Sáng tác của François Rabelais và nền
văn hóa dân gian thời Trung cổ - Phục hưng” và “Thi pháp tiểu
thuyết Dostoevski” thì Dostoivsky và Rabelais đã không sớm bước lên đài
bất tử cao vọi như thế. Tất nhiên nếu không có Bakhtin thì hai nhân vật trên
vẫn vĩ đại nhưng chính Bakhtin đã làm cho họ rực rỡ, tỏa nhiều hào quang hơn.
Và ảnh hưởng của M. Bakhtin là không nhỏ và vì thế, đối tượng nghiên cứu phê
bình của ông, Dostoivsky và Rabelais tiếp tục hành trình bất tử của mình.
Còn ở Việt Nam, đã có người lên tiếng đánh giá lại cuốn phê bình
lừng danh “Thi nhân Việt Nam” của anh em Hoài Thanh - Hoài Chân.
Nhưng một sự thật rõ ràng không thể phủ nhận, những tác phẩm, tác giả được Hoài
Thanh chọn đưa vào cuốn sách phê bình đã khiến nó sống lâu hơn. Rất nhiều tác
giả được trích dẫn trong đó, nếu không có “Thi nhân Việt Nam” thì
người ta đã lãng quên từ lâu hoặc thậm chí không biết những người ấy là ai. Các
nhà phê bình đã có công rất lớn trong việc chọn lựa, định hướng, tôn vinh tác
phẩm ở một khía cạnh nào đấy.
Tất nhiên ta phải công nhận rằng vẫn có sự phê bình ác ý hoặc xu
nịnh của một nhóm người nào đấy. Vì thù hằn cá nhân, nhất là sự khác biệt về
quan điểm ý thức hệ, tầm nhìn và những mục đích khác, có những nhà phê bình đã
cố tình làm méo mó, hiểu sai tác phẩm nhằm mục đích hạ bệ, chối bỏ và phủ nhận.
Chính điều này góp phần dẫn đến mâu thuẫn, hiềm khích giữa nhà văn và nhà phê
bình. Và thêm một sự thực là, bất cứ ai cũng thích được khen ngợi, kể cả các
nhà văn, khi thấy đứa con tinh thần của mình được tụng ca (vài trường hợp là
giả dối) thì họ vẫn thấy hài lòng; còn khi bị chỉ trích, phê phán (vì nó xứng
phải như vậy) thì buồn bực, tức giận. Nhiều người viết cũng ảo tưởng về tác
phẩm của mình mặc dù giá trị của chúng ở mức rất thấp.
Cho nên có một thực tế, nhiều nhà văn tuyên bố rằng, họ không
quan tâm nhà phê bình viết gì, nghĩa là nhà phê bình khen chê thế nào cũng mặc
kệ. Tôi cho rằng đây là một thái độ rất tiêu cực vì bất cứ tác phẩm nào cũng
cần những người đọc, rất là những “siêu độc giả”, tức là các nhà phê bình trung
thực. Nhà văn có thể không quan tâm đến đánh giá của nhà phê bình, chủ yếu là
do anh ta cho rằng nhà phê bình hiểu sai và không tôn vinh tác phẩm của anh ta
nhưng bất cứ sự phê bình nào, dù có khó nghe đến đâu hay chứa đựng những phê
phán tiêu cực, nó có cái lí nhất định. Những đánh giá của nhà phê bình có thể
không tác động đến nhà văn, anh ta tiếp tục viết theo ý thích của mình nhưng
người sáng tác cũng nên biết rằng, có một bộ phận, hoặc rất đông độc giả đã
đánh giá tác phẩm của anh ta theo hướng ấy. Tác phẩm văn học là một sản phẩm
tinh thần dành cho công chúng và anh ta phải chấp nhận những đánh giá khác nhau
của thị trường. Ở mặt nào đó, các nhà phê bình cũng là những người tiêu dùng,
họ có quyền và năng lực đánh giá chất lượng tác phẩm, để thậm chí khuyên nhủ,
tác động đến người khác có nên mua và sử dụng hay không. Nếu nghĩ rộng được như
vậy thì có lẽ, khi nhận được bất kì ý kiến đánh giá thế nào, người viết sẽ bình
thản và thoải mái hơn.
Còn về phần tôi và những thế hệ người viết trẻ cùng thời, tôi có
quan hệ khá hữu hảo với những nhà phê bình. Đơn giản là tôi nghĩ thế này, trong
thời buổi văn học đang mất giá, ít người đọc, ít người quan tâm thì có những
người bỏ công sức và thời gian ra đọc tác phẩm của mình (tất nhiên một phần
chính là công việc của anh ta) thì đó chẳng phải là điều đáng quý hay sao. Tôi
coi các nhà phê bình là các độc giả khó tính và có nghề. Chẳng phải sẽ thích
thú khi có những người không bỏ qua một thứ gì mình viết ra, từ ý tưởng, bút
pháp, thậm chí cả đến từ ngữ, dấu chấm, dấu phẩy... Ở góc độ đó tôi thấy lao động
của mình được tôn trọng và quan tâm. Ở khía cạnh nghề nghiệp, tôi đôi khi nhờ
một vài nhà phê bình đọc bản thảo của mình và nhận xét. Tất nhiên tôi không
nhất thiết phải nghe theo anh ta, đúng thì tôi công nhận, chưa đúng thì tôi giữ
lại tham khảo.
Nói cho cùng, nhà văn và nhà phê bình nên là những người bạn
thẳng thắn và trung thực của nhau hơn là trở thành kẻ thù. Vì điều ấy có lợi
cho cả nhà văn và nhà phê bình, thậm chí cả nền văn học.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm
của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc
bài thơ CẠN LÒNG:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến
đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:
Nguyễn Đình
Văn giới thiệu
Tác giả: Uông Triều
- nguồn: facebook Thầy Uông
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét