TOP 15 VỤ ÁN OAN NỔI TIẾNG VIỆT NAM - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 


TOP 15 VỤ ÁN OAN

NỔI TIẾNG VIỆT NAM

*

Trong lịch sử tư pháp Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án oan sai nghiêm trọng, không những để lại hậu quả nặng nề cho người bị kết án oan và gia đình của họ mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nền tư pháp quốc gia. Chỉ khi số phận mỗi con người được tôn trọng, nền tư pháp cẩn trọng trước từng công dân thì lúc đó mới có cơ hội tránh được oan sai, công lý mới được thực thi. Còn bao nhiêu người bị oan sai chưa có cơ hội, điều kiện để kêu oan, thậm chí không dám kêu oan? Và dẫu cho được minh oan thì cả gia đình, dòng họ đã tan nát, cả cuộc đời đã bị lấy mất và phần đời còn lại khó có cơ hội được sống bình thường. Cùng Phong & Partners tìm hiểu về Top 15 vụ án oan nổi tiếng tại Việt Nam qua bài viết dưới đây.

1. Vụ án hình sự là gì?

Vụ án hình sự là vụ án có dấu hiệu của tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự đã được cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tratruy tốxét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật tố tụng hình sự.

 

2. Án oan là gì?

Theo định nghĩa tiếng Việt, “Oan” nghĩa là “bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý”.

"Án oan" - thuật ngữ được đề cập trong tố tụng hình sự - là việc một người trên thực tế không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội phạm nhưng đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

 

3. Án oan ảnh hưởng thế nào đến bị can, bị cáo và gia đình của họ?

Đối với người bị oan, sai thì hậu quả là vô cùng lớn và thực chất là không thể định lượng một cách chính xác. Nhiều trường hợp, hậu quả của án oan, đặc biệt là án oan với mức án cao nhất là tử hình hoặc chung thân, thì hậu quả thực sự không thể khắc phục. Hậu quả của các bản án này không chỉ gây thiệt hại cho bản thân người bị kết án mà còn với gia đình, người thân của họ. Chỉ vì những sai sót trong hoạt động tố tụng đã khiến cho bao người vô tội lâm vào cảnh tù tội, bao gia đình đã phải li tan, con cái không được đến trường vì sự kỳ thị của xã hội, tài sản tiêu tan, sức khoẻ giảm sút, tương lai không còn.

 

4. Án oan ảnh hưởng như thế nào đến xã hội?

Bên cạnh gây tác động cục bộ đến bản thân người bị kết án oan và gia định của họ, án oan còn gây tác động toàn diện đến xã hội, đơn cử một số hậu quả xấu như sau:

- Án oan – đồng nghĩa với việc bỏ lọt tội phạm. Tội phạm nguy hiểm vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, khiến lòng dân thêm hoang mang.

- Án oan – sự tắc trách, năng lực yếu kém hoặc vì một số các lý do khác đã gây hàm oan cho người vô tội. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về năng lực của người thực thi pháp luật trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã dẫn đến những bản án oan sai, gây nhiều hậu quả trầm trọng, không thể khắc phục được; đồng thời, thể hiện những điểm bất ổn trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, khiến dư luận bức xúc và hoài nghi về tính minh bạch, chính xác của hệ thống pháp luật.

- Án oan – xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Hệ lụy từ những năm tháng tù oan không thể bù đắp: tự do, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, những mất mát về tinh thần, tình cảm, thậm chí là mạng sống. Án oan còn đặt ra câu chuyện về bồi thường nhà nước nếu người hàm oan may mắn được minh oan. Khi đó, ngân sách Nhà nước sẽ phải gánh chịu số tiền rất lớn để bồi thường cho người bị oan.

 

5. Top 15 vụ án oan nổi tiếng Việt Nam

5.1. Trần Văn Thêm - Người đã mang thân phận “tử tù” hơn suốt 40 năm qua

Ngày 23/7/1970, trong một chuyến đi buôn, Trần Văn Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn dừng chân nghỉ tại một căn lều tạm cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) thì xảy ra vụ cướp. Trong lúc xô xát với nhóm cướp, ông Văn bị đánh chết còn ông Thêm bị đánh bị thương ở đầu. Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng ông đã dùng gậy đánh chết em họ để cướp tiền của nạn nhân. Sau đó, tự gây ra vết thương trên đầu mình.

Tại hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm (Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phú và Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội), ông Thêm đều kêu oan nhưng tiếng kêu của ông đều không được chấp nhận. Ông bị kết án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản.

Vào thời điểm năm 1973, mặc dù vụ án Trần Văn Thêm đã khép lại, nhưng tử tù Thêm vẫn kêu oan, viết bằng máu lên cả chăn, màn trong trại giam.

Năm 1975, sau khi hung thủ của vụ án là ông Phùng Thanh Nhàn đầu thú, ông Thêm được tha tù. Sau gần 6 năm ngồi tù, chưa một cơ quan nào xét xử và kết luận lại rằng ông Thêm vô tội. Ròng rã sau 46 năm, với bao công sức và tiền của, cuối cùng vào chiều 9/8/2016, Tòa án Nhân dân tối cao đã có cuộc họp liên ngành và công bố kết luận chính thức về vụ án của ông Trần Văn Thêm (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) kéo dài 46 năm là oan sai.

 

5.2. Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù 10 năm khiến gia đình tan nát

Đêm ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có xảy ra vụ giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan sinh năm 1972.

Trong qua trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập ông Nguyễn Thanh Chấn lên để thẩm vấn. Sau đó đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn từ ngày 28/9/2003.

Trải qua hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao đã tuyên ông Chấn phạm tội “giết người” có tính chất côn đồ với mức án xử phạt là chung thân tại trạm giam Vĩnh Quang, Bộ Công an.

Trong suốt 10 năm ở tù, vợ ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến liên tục gửi đơn kêu oan tới các cơ quan có thẩm quyền. Mãi đến ngày 09/7/2013, Phòng 1 cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp nhận đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Chiến, xem xét đơn của bà, Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới chính thức vào cuộc.

8h ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú tại cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đăklăk, thừa nhận giết chị Hoàn để cướp tài sản là 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng rồi bỏ trốn.

Ngày 02/11/2013, ông Nguyễn Thanh Chấn được Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định trả tự do sau hơn 10 năm bị tù oan. Đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được minh oan và được bồi thường thiệt hại. Bị cáo Lý Nguyễn Chung và những cán Bộ Tư pháp làm oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn đã được đưa ra xét xử.

 

5.3. Huỳnh Văn Nén là nạn nhân hai vụ án oan trong 18 năm tại Bình Thuận

Năm 1993, bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh) bị giết chết tại một vườn điều (còn gọi là vụ án vườn điều) thuộc xã Tân Minh. Sau một thời gian không tìm ra thủ phạm, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Đêm 23/4/1998, Nguyễn Thọ cùng Hồ Thanh Việt đột nhập vào nhà bà Bông tại xã Tân Minh định trộm tài sản thì bị bà Bông phát hiện. Vì nạn nhân quen biết cả hai nên để diệt khẩu, chúng dùng dây xiết cổ bà Bông đến chết rồi lấy đi chiếc nhẫn một chỉ vàng trong tay nạn nhân. Sau đó, cả hai về kể lại cho bạn là anh Nguyễn Phúc Thành nghe và nhờ gọi xe ôm chở sang huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) để bán vàng sau đó bỏ trốn.

Tháng 5/1998, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Nén, vì nghi Nén là thủ phạm giết chết bà Bông. Sau khi bị bắt, ông Nén còn bị ép cung để "tự khai" ra việc cùng 9 người thân trong gia đình giết bà Dương Thị Mỹ vào năm 1993 (kỳ án vườn điều). Từ lời khai của ông Nén, Công an tỉnh Bình Thuận đã phục hồi điều tra vụ án bà Dương Thị Mỹ.

Tại phiên toà xét xử sơ thẩm ngày 21/8/2000, Huỳnh Văn Nén bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên mức án chung thân.

Đến năm 2005, trải qua nhiều phiên tòa không kết tội được các bị cáo trong vụ giết bà Dương Thị Mỹ, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra bị can. Các cơ quan tố tụng đã phải xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho 9 người, riêng bản thân ông Nén vẫn phải ngồi tù đến cuối năm 2015 khi hung thủ giết bà Bông là Nguyễn Thọ ra đầu thú mới được giải oan.

Ngày 28/11/2015, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén, chấm dứt 17 năm 5 tháng ngồi tù oan của ông cho cả hai vụ án trên.

 

5.4. Trần Ngọc Chinh - Cụ ông chịu án oan gần 40 năm ở Vĩnh Phúc vẫn mòn mỏi chờ bồi thường

Ngày 28/01/1980, ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú, nay thuộc Vĩnh Phúc), được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ trên đồi sắn, với nhiều tình tiết đáng ngờ.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú khi đó đã khởi tố, bắt giam 4 bị can, gồm: ông Trần Ngọc Chinh; ông Trần Trung Thám (em trai ông Chinh); ông Khổng Văn Đệ và ông Nguyễn Đình Ký, đều trú tại xã Đồng Thịnh, để phục vụ điều tra.

Công an tỉnh Vĩnh Phú sau đó xác định ông Ký là thủ phạm và tuyên án chung thân vào ngày 15/6/1983; ông Chinh, ông Đệ được ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và trả tự do vào ngày 10/10/1982.

Đáng chú ý, sau khi được đình chỉ điều tra, trả tự do, chính quyền không tiến hành cải chính khiến 3 người vẫn mang tiếng giết người, bị dân làng dè bỉu; đến ngày 9/10/2019 mới tổ chức xin lỗi công khai 3 ông.

Sau đó, gia đình ông Chinh đã có đơn yêu cầu các cơ quan gây nên oan sai bồi thường 12,87 tỉ đồng;

Sau khi thương lượng về mức bồi thường nhưng không đi đến thống nhất, gia đình ông Chinh đã làm đơn khởi kiện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc để đòi quyền lợi cho suốt 40 năm ông phải chịu oan sai.

Ngày 29/10/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý hồ sơ vụ việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đưa vụ án dân sự này ra xét xử.

 

5.5. Bi kịch gia đình cụ bà Đặng Thị Nga (80 tuổi, trú tại Tuần Giáo, Điện Biên) 80 tuổi mang án oan giết chồng, giết cha

Đêm 17 rạng sáng 18/9/1998 không thấy chồng là ông Trịnh Huy Tùng về nhà, bà Nga cùng các con đi tìm. Cả nhà sau đó phát hiện ông chết dưới giếng của gia đình. 4 ngày sau, hai con của bà là Trịnh Công Hiến (khi đó 26 tuổi) và Trịnh Huy Dương (19 tuổi) bị Công an tỉnh Lai Châu cũ (sau tách thành tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đến nhà đọc lệnh bắt do nghi vấn giết cha. 10 ngày sau đó, bà Nga bị bắt với cáo buộc đã tiếp tay cho hai con. Ba mẹ con bà một mực không nhận tội nhưng khi được động viên “cứ nhận” sẽ được tại ngoại, bà đã đồng ý. Anh Hiến, Dương nhận đã "giết cha" để bà Nga "sạch tội" về chăm sóc ba con đứa con ở nhà. Sau bảy tháng bị tạm giam, người mẹ được tạm tha.

Năm 1990, Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm, kết án bà Nga 36 tháng tù treo về tội Che giấu tội phạm. Anh Hiến lĩnh 18 năm và Trịnh Huy Dương 12 năm về tội Giết người.

Sau phiên tòa, bà Nga bắt đầu hành trình đi kêu oan, tuy nhiên phải lén lút vì biết đang mang án treo không được rời địa phương. Bà sợ nếu chính quyền biết thì bắt giam, không còn cơ hội ở ngoài đi kêu cứu.

Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội khi xem xét lại vụ án đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tháng 1/1992, trong quá trình điều tra lại, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) đã hủy bỏ lệnh bắt với anh Hiến và Dương sau 28 tháng tạm giam.

Sau 28 năm, ngày 24/10/2017 được Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đọc lời xin lỗi tòa án đã kết tội oan, mẹ con bà Nga mới thấy nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cái chết của chồng bà vẫn chưa được giải mã.

 

5.6. Hàn Đức Long và những uẩn khúc chưa được làm rõ

Ngày 26/6/2005 ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án một cháu bé 5 tuổi bị hiếp giết rồi vứt xác ngoài cánh đồng. Tội phạm xảy ra lúc nhập nhoạng tối và không có ai nhìn thấy thủ phạm, cơ quan điều tra thu được ở hiện trường một số lông, tóc, tinh trùng nhưng giám định không cho ra kết quả vì chất lượng dấu vết kém.

Gần 4 tháng sau, hai mẹ con một gia đình ở thôn này có đơn tố cáo ông Hàn Đức Long từng hiếp dâm mình. Cơ quan điều tra bắt Long và Long khai nhận từng hiếp dâm hai mẹ con và thú nhận thêm là hung thủ vụ giết hại cháu bé.

Nhưng khi ra tòa, bị cáo Hàn Đức Long kêu oan, khai rằng đã bị đánh đập nhục hình buộc phải nhận tội. Tuy vậy, Hội đồng xét xử các cấp không chấp nhận lời khai tại tòa và tin vào những biên bản ghi lời khai có trong hồ sơ. Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Hàn Đức Long có tội với mức án tử hình. Nhờ gia đình và luật sư bào chữa liên tục kêu oan nên các bản án đã nhiều lần bị hủy bỏ để yêu cầu điều tra lại. Đến ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Hàn Đức Long.

Tương tự như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Hàn Đức Long đã được Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang xin lỗi 4 lần (bao gồm cả văn bản và công khai). Hiện nay chưa ai biết được ông ấy được bồi thường bao nhiêu, nhưng tính đến năm 2017 theo các nguồn tin của VTC, ông đã viết đơn và thậm chí còn đến tận trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang để kêu bồi thường. Số tiền tạm tính là hơn 20 tỷ đồng, là con số cao nhất trong ngành Kiểm sát Việt Nam về các vụ án oan. Hiện nay vụ án này không biết ai là hung thủ, và cũng không biết người nào đã mang án oan sai cho ông Hàn Đức Long.

 

5.7. Trần Văn Chiến - 16 năm 3 tháng ở tù oan vì bị buộc tội giết trưởng công an xã

Ngày 19/5/1979, Trưởng Công an xã Tân Điền bị giết. Lúc này ông Trần Văn Chiến (SN 1960, ở ấp Nam, Tân Điền, Gò Công Đông, Tiền Giang) đang ở cùng với những người thân của mình. Nghe tiếng kêu thất thanh, ông chạy ra ngoài thì thấy Trần Văn U chạy qua nói: “Tao vừa giết thằng Sên!” rồi chạy đi mất. Gia đình bị hại báo Công an huyện, ngày 21/5/1979 ông Trần Văn Chiến bị bắt tạm giam với tội danh giết người.

Ngày 20/3/1980, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, ông Trần Văn Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ thật sự là Trần Văn U. Tuy nhiên, tên này bỏ đi biệt tích và không có cách nào chứng minh mình bị oan nên ông Chiến vẫn bị tòa tuyên mức án chung thân.

Do thời gian chấp hành hình phạt tù ông Chiến cải tạo tốt nên được thả tự do ngày 21/8/1995 sau hơn 16 năm ngồi tù oan.

Năm 1997, Trần Văn U - kẻ sát hại vị công an xã của gần 20 năm trước mới xuất hiện và bị bắt.

Ngày 5/7/2001, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án giết người với bị cáo Trần Văn U. Tại tòa, Trần Văn U khai chỉ một mình thực hiện vụ án mà không liên quan gì đến ông Trần Văn Chiến nên tòa tuyên ông Chiến không phạm tội giết người.

Tại bản án phúc thẩm số 424 ngày 12/4/2002, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm: Ông Chiến vô tội.

Ngày 23/12/2004, ông Chiến được Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang giải oan, công khai xin lỗi trên 3 tờ báo trung ương và địa phương, nhưng cũng chỉ được đền bù oan sai 252 triệu đồng cho hơn 16 năm tù oan.

 

5.8. Nguyễn Minh Hùng hai lần bị tuyên án tử hình tội vận chuyển trái phép 25 bánh heroin.

Năm 2003, công an truy quét một đường dây mua bán, vận chuyển 300 bánh heroin xuyên quốc gia tại tỉnh Tây Ninh. Tháng 6/2003, anh Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, ngụ ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) bị bắt giam và quy kết là mắt xích trong đường dây này. Theo sổ giao hàng và lời khai của bà “trùm” cầm đầu đường dây, anh Hùng bị buộc tội về hành vi vận chuyển 25 bánh heroin.

Tại hai lần xét xử sơ thẩm, anh bị tuyên tử hình cùng với 5 người. Phải đến phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 4/2007, tòa mới phát hiện các chứng cứ buộc tội anh Nguyễn Minh Hùng có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, khi đó kẻ đứng đầu đường dây, người từng kéo anh vào vòng lao lý, mới phản cung. Bị cáo Nguyễn Thị Anh Thư đã một mực xin tòa minh oan cho anh Hùng với lý do trước đó khai không đúng sự thật và "không muốn phạm thêm tội ác nữa".

Cuối cùng, sau khi điều tra lại đến lần 3, công an tỉnh Tây Ninh vẫn không có đủ chứng cứ buộc tội đối với Hùng, thêm vào đó, vợ anh Hùng đã cung cấp thêm bằng chứng là giấy xác nhận của một nhà nghỉ nơi vợ chồng anh trọ vào đúng ngày bị cáo buộc là đi giao heroin. Sau hơn 4 năm bị tù oan và phải đối diện với 2 bản án tử hình thì vào ngày 13/6/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với anh Nguyễn Minh Hùng.

Vào ngày 19/11/2008, anh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai nhưng chỉ được bồi thường số tiền 130 triệu đồng cho hơn 4 năm tù oan.

 

5.9. Giám đốc Đinh Quang Điền ngồi tù oan 240 ngày tại Buôn Mê Thuột

Do nhu cầu mở rộng sản xuất hàng mộc dân dụng, vào năm 2007 và 2009, Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Quang Điền do ông Đinh Quang Điền làm giám đốc thế chấp tài sản vay ngân hàng hơn 13 tỉ đồng.

Đầu tháng 6/2011, Công an thành phố Buôn Ma Thuột nhận được đơn tố cáo nặc danh, đề nghị điều tra làm rõ để thu hồi vốn bị thiệt hại cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Chi nhánh Nơ Trang Long (Ngân hàng Nơ Trang Long).

Ngày 21/6/2011, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với ông Điền về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 22/6, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã phê chuẩn các quyết định trên; đồng thời ra quyết định kê biên tài sản của ông Điền, thu giữ một số vật chứng liên quan. Vụ án sau đó được được chuyển lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk.

Qua quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định, hành vi của ông Đinh Quang Điền không cấu thành tội phạm.

Ngày 15/10/2012, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, trả tự do cho ông Điền. Tổng thời gian ông Điền bị tạm giam là 243 ngày.

Ngày 31/1/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức buổi lễ xin lỗi công khai với ông Điền tại Ủy ban Nhân dân phường Tân An (thành phố Buôn Ma Thuột - nơi ông Điền cư trú), đồng thời đã có quyết định chấp nhận giải quyết bồi thường cho ông Điền tổng cộng 267 triệu đồng. Ông Điền không đồng ý và khởi kiện ra tòa.

Hội đồng Xét xử sơ thẩm đã tuyên buộc Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột bồi thường tổng số tiền hơn 2,8 tỉ đồng. Ngay sau đó, ông Điền đã kháng cáo một phần bản án yêu cầu bồi thường thiệt hại tổng số tiền gần 6 tỉ đồng, còn Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột kháng cáo toàn bộ bản án, chỉ chấp nhận bồi thường hơn 260 triệu đồng và xin xét xử vắng mặt.

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng Xét xử đã tuyên buộc Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột bồi thường tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

 

5.10. Trương Bá Nhàn là nạn nhân vụ án oan sai do dấu vân tay oan nghiệt

Vào 12h ngày 12/12/2001, bà Hoàng Thị Kim A (ngụ quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) được phát hiện chết trong phòng ngủ với nhiều vết thương ở đầu và mặt, vật dụng trong nhà bị lục tung. Gia đình nạn nhân cho biết, khoảng 60-80 triệu đồng và 5-6 lượng vàng bị mất. Qua khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện được dấu vân tay ở một hộc tủ gỗ trong phòng ngủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Trương Bá Nhàn (một người anh em họ của chồng nạn nhân). Ngoài dấu vân tay trùng khớp, số tiền vàng mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra thu giữ tại nhà ông Nhàn cũng gần bằng số tài sản mà chồng nạn nhân khai mất trước đó.

Ngày 03/01/2002, ông Nhàn bị bắt giữ cùng với số tiền vàng trên. Đến ngày 10/01/2002, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Hồ Chí Minh quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nhàn để điều tra về hai hành vi giết người và cướp tài sản.

Ông Nhàn liên tục kêu oan ngay từ khi bị khởi tố, bắt giam về hai tội danh trên. Ông nói trước ngày xảy ra chuyện, ông có đến nhà nạn nhân chơi và được nhờ kê lại cái tủ nên còn lưu dấu vân tay ở đó. Còn số vàng thu ở nhà được ông Nhàn khai là do mẹ vợ ông bán đất và gửi giữ. Mẹ vợ ông cũng khai vậy.

Năm 2006, ông Nhàn sau khi hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, đã gởi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu được xin lỗi công khai tại nơi cư trú, đăng cải chính trên báo và bồi thường gần 900 triệu đồng là những khoản tổn thất tinh thần, sức khỏe, mất thu nhập … trong gần 4 năm bị bắt giam.

 

5.11. Bùi Minh Hải - Án oan tù chung thân vì chiếc đồng hồ đánh rơi

Sáng 25/1/1998, tại vườn điều của một người dân ở ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, chị công nhân Trần Thị Thanh Dung, sinh năm 1976, ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân được phát hiện chết trong tình trạng toàn bộ áo bị dồn lên ngực, quần tụt xuống dưới.

 Cùng ngày, có người cho biết khoảng 6h thấy Bùi Minh Hải (43 tuổi, ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhân viên bảo vệ) đến tìm chiếc đồng hồ bị mất tại khu vực hiện trường. Hải bị cơ quan điều tra bắt ngay sau đó. Bùi Minh Hải kêu oan, nhưng cơ quan điều tra cho rằng có cơ sở xác định Hải là hung thủ gây án.

Tháng 18/7/1998, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai có cáo trạng truy tố Bùi Minh Hải tội danh giết người, hiếp dâm và cướp tài sản.

Ngày 23/11/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử sơ thẩm. Đại diện Viện Kiểm sát tỉnh đề nghị mức án tử hình, Hội đồng Xét xử thấy chứng cứ có gì đó “chưa ổn” nhưng vẫn kết án tù chung thân đối với Bùi Minh Hải. Tại phiên tòa, Bùi Minh Hải một mực kêu oan. Trong cơn tuyệt vọng, Bùi Minh Hải thông qua luật sư đề nghị người thân làm đơn gửi đến một số cơ quan báo chí kêu oan và làm đơn kháng cáo.

Tháng 2/1999, khi Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh chưa kịp đưa vụ án của Hải ra xét phúc thẩm thì cơ quan chức năng bắt được Nguyễn Văn Tèo trong một vụ án giết người, hiếp dâm khác và Tèo khai anh ta giết chết chị Trần Thị Thanh Dung, đồng thời là hung thủ của nhiều vụ án giết người, hiếp dâm xảy ra tại huyện Nhơn Trạch.

Sau 16 tháng bị tù oan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định trả tự do cho ông Hải mà không cần chờ tòa xét xử phúc thẩm và được bồi thường 59,9 triệu đồng cho việc khởi tố, truy tố và kết án oan. Nhưng hậu quả mà gia đình ông Hải phải hứng chịu cũng vô cùng đau đớn như gia đình ông Chấn, đó là 4 đứa con phải bỏ học. Cả gia đình phải hứng chịu bao điều tiếng của xóm làng. Có 11 cán bộ của cơ quan pháp luật liên quan, thụ lý vụ này bị đình chỉ công tác hoặc cách chức.

 

5.12. Phạm Văn Thành vừa mang án oan giết con vừa mất trắng cả trăm cây vàng

Chuyện bắt đầu từ khi Phạm Thanh Tuyền (con trai ông Thành, sinh năm 1973, lúc đó 16 tuổi) mất tích. Vợ chồng anh Phạm Văn Thành tìm kiếm khắp nơi mà không thấy con nên đi trình báo công an. Bỗng có tin đồn Thành lỡ tay đánh chết con rồi chôn xác phi tang trong vườn nhà.

Sáng 17/8/1989, chính quyền xã Hòa Tịnh đến nhà khống chế Thành và thông báo với bà con chung quanh là Thành giết chết con trai, giấu xác phi tang, nên chính quyền xã tạm giữ, chờ Công an huyện điều tra làm rõ. Sau đó, Công an huyện Chợ Gạo đến bắt giam Thành.

Trong khi vụ án đang được điều tra, thì cán bộ Ủy ban Nhân dân xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) buộc ông Thành thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Lê Văn Trung, vì nghi ông Thành giết con nên phải thu giữ tài sản của ông Thành, tổng số tài sản lên đến hàng trăm lượng vàng, dù không liên quan đến tình tiết vụ án.

Với cam kết khi nào ông Thành tìm thấy con thì sẽ trả lại số tài sản đã kê biên. Không tìm được con, ông Thành bị bắt bởi tội vu khống cán bộ, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân.

Ngày 25/8/1990 vụ án được đình chỉ nhưng đến năm 1995 ông Thành lại bị bắt tạm giam thêm 5 tháng, cải tạo lao động cho ba tội danh trên.

Khoảng 10 giờ sáng 27/12/1992, người dân ở ấp Hòa Ninh giật mình khi thấy Tuyền đi bộ từ ngoài đường lộ vào làng. Theo lời kể lại của Tuyền “Có một số người lạ rỉ tai nhau, nếu xuống Mộc Hóa, Long An làm việc một thời gian ngắn là được chủ trả vàng, trâu và gả cho vợ xinh đẹp”, mừng quá nên Tuyền đi theo nhóm người này mà quên báo cho gia đình biết. Làm sau 4 năm không nhận được những gì anh đã nghe trước đó, nhờ sự giúp đỡ của một người phụ nữ, Tuyền đã trở về với gia đình. Ông Thành dắt con trai đến chính quyền địa phương trình báo, chứng minh mình vô tội.

Ngày 7/6/2004, Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định kết luận vụ việc của anh Phạm Văn Thành “là oan sai, do nóng vội, yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật”. Ngày 26/7/2004, lãnh đạo Công an Tiền Giang công khai xin lỗi ông, trước sự chứng kiến của hơn 200 người dân địa phương và bồi thường 85 triệu đống.

Mặc dù công lý đã được trả lại, nhưng theo ông Thành, từ khi ông bị bắt tạm giam, người dân khu vực chiếm của ông 29.600m2 đất, toàn bộ tài sản mà ông giao nộp tước đó cho nhà nước đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa trả lại cho ông.

 

5.13. Sóc Trăng: 7 thanh niên bị bắt oan vì tội giết người

Vụ án xuất phát từ vụ án mạng xảy ra vào đêm 6/7/2013 khi anh Lý Văn Dũng (ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) bị sát hại.

Ngày 21/7/2013, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 7 bị can gồm: Nguyễn Thị Bé Diễm, Trần Hol, Trần Cua, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Thạch Sô Phách và Trần Văn Đỡ về tội “giết người” và “không tố giác tội phạm”.

Trong suốt quá trình điều tra, 7 thanh niên trên đã bị một số điều tra viên dùng nhục hình, ép cung, do quá đau đớn mà phải nhận tội “giết người”.

Tuy nhiên, khi vụ án sắp đưa ra tòa xét xử, bất ngờ Lê Thị Mỹ Duyên và Phạm Thị Kim Xuyến (ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi giết anh Lý Văn Dũng để cướp tài sản. Sau khi xác minh điều tra hành vi phạm tội của Duyên và Xuyến, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam Duyên và Xuyến.

Đồng thời, ngày 25/1/2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra với 7 bị can bị bắt trước đó. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã bồi thường cho 7 người bị oan sai với số tiền gần 500 triệu đồng.

 

5.14. Bà Hà Ngọc Bích là người phụ nữ bị truy tố oan tại Đồng Nai

Tháng 5/2011, bà Bích ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trang trại (gồm ba thửa) và tài sản trên đất ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai) với giá 1,3 tỉ đồng. Người mua đặt cọc 650 triệu đồng. Hai bên ra văn phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán, người mua chưa đưa số tiền còn lại nên hai bên có mâu thuẫn trong việc trả tiền. Hai bên xảy ra tranh chấp, bà Bích đã làm đơn ra Ủy ban Nhân dân xã Tà Lài, nơi này đã tổ chức hòa giải nhưng không thành.

Tháng 3/2012, thấy căn nhà xuống cấp, bà Bích làm đơn gửi Ủy ban Nhân dân xã xin phép sửa chữa nhà và được chấp thuận. Thế nhưng khi bà Bích thuê người vào dỡ bỏ căn nhà cấp 4 và tháo hàng rào thì bị Công an huyện Tân Phú khởi tố, điều tra (cho tại ngoại) về tội hủy hoại tài sản với thiệt hại được xác định gần 215 triệu đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm sau đó (được tổ chức lưu động ngày 17/5/2013), Viện Kiểm sát Nhân dân huyện đề nghị tòa tạm hoãn để giám định lại thiệt hại. Tòa đồng ý hoãn xử và trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trong thời gian vụ án được điều tra lại, bà Bích nhiều lần khiếu nại kêu oan nhưng sau đó Viện Kiểm sát Nhân dân huyện vẫn tiếp tục ra cáo trạng truy tố bà.

Ngày 10/12/2013, Tòa án Nhân dân huyện đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án với lý do Viện Kiểm sát Nhân dân huyện đã “rút quyết định truy tố” với bà Bích.

Bà Bích đã làm đơn yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân huyện bồi thường oan sai và xin lỗi công khai.

Sau đó, vào ngày 13/8/2015, tại buổi xin lỗi công khai bà Hà Ngọc Bích vì đã truy tố oan về tội hủy hoại tài sản, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Phú, ông Trương Khắc Thiện, đã công khai thừa nhận cơ quan này có sai phạm khi nóng vội, thiếu chặt chẽ, đánh giá sai tính chất vụ việc khi truy tố bà Bích.

 

5.15. Bà Trần Thị Nga - hành trình hơn 30 năm đi tìm công lý cho mình cùng mẹ đẻ và em trai

Tối 7/2/1988, Thượng úy Lê Danh Tân (công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) trên đường trả phép có ghé nhà cụ Nguyễn Thị May ở phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng ngủ nhờ. Khoảng 4h sáng ngày hôm sau, Thượng úy Tân dậy đi vệ sinh cá nhân thì bị ai đó đánh ngã xuống hố phân heo, dẫn tới tử vong.

Ngày 18/3/1988, Viện Kiểm sát Quân sự tỉnh Cao Bằng khi đó đã khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hùng (là con trai cụ May) về tội giết người. Hai tháng sau, cụ Nguyễn Thị May và con gái là bà Trần Thị Nga (sinh năm 1964) cùng bị khởi tố bắt giam về tội giết người.

Khi hết thời hạn điều tra, do không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can, ngày 4/3/1991, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu I đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với ba mẹ con cụ May. Ba mẹ con cụ May được trả tự do sau khi cụ May bị tạm giam 5 tháng, ông Hùng 22 tháng và bà Nga 2 tháng.

Tuy nhiên, mặc dù được trả tự do, nhưng bà Nga cùng mẹ đẻ và em trai lại không nhận được quyết định đình chỉ điều tra và các giấy tờ liên quan từ các cơ quan có thẩm quyền của Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu I xác định 3 người không phạm tội.

Từ năm 1991, bà Nga cùng mẹ đẻ và em trai đã gửi đơn thư đi khắp nơi kêu oan và yêu cầu bồi thường nhưng không có kết quả.

Sau nhiều lần đối chất, hoà giải, đến tháng 4/2022, dưới sự điều hành của Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu I đã thừa nhận những sai sót trong quá trình thực thi tố tụng vụ án.

Vụ án được khép lại và nỗi oan khuất của bà Nga cùng mẹ đẻ và em trai được giải quyết bằng Quyết định số 04/2022/QĐST-DS, ngày 19/8/2022, của Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc công nhận thỏa thuận đương sự giữa nguyên đơn là 3 mẹ con bà Nga và bị đơn là Viện Kiểm sát Quân khu I.

Án oan luôn luôn là nỗi nhức nhối của xã hội và là nỗi đau thương của người bị oan cùng gia đình. Văn phòng luật sư Phong & Partners sẵn sàng đồng hành với Quý khách hàng trong các vấn đề pháp lý. Vui lòng gửi email, điện thoại hoặc đến trực tiếp Văn phòng để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và tận tâm.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:


Mời nghe AudioBook Chọn Lọc đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Nguyễn Hùng giới thiệu

Tác giả: Phong & Partners - nguồn: Phong & Partners

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét