CHUYỆN VUI BÊN LỀ CUỘC CHIẾN THƠ CŨ VÀ THƠ MỚI - Tác giả: Huyền Viêm ; Đinh Hoàng Long giới thiệu

Leave a Comment

 


CHUYỆN VUI BÊN LỀ CUỘC CHIẾN

THƠ CŨ VÀ THƠ MỚI

*

Điều đáng chú ý là cụ Phan Khôi (1887-1959) - cháu ngoại của cụ Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu - vốn xuất thân là nhà cựu học, đã từng đỗ tú tài chữ Hán năm 18 tuổi nhưng lại cổ vũ cho phong trào thơ mới. Năm 1928, trên Đông Pháp thời báo, cụ Phan Khôi đã dám táo bạo chê luật thơ cũ của ta la trói buộc, tù hãm. Sau khi bài thơ Tình già xuất hiện trên báo, phái thơ cũ phản ứng mạnh mẽ. Thi sĩ Tùng Thành viết bài thơ Nhàn ngâm đả kích nặng nề:

"Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối,

Noi gương Hồ Thích (1) làm thơ mới

Câu dài, câu ngắn chẳng ra sao,

Vần đụp, vần đơn nghe thật thối,

Hăng hái, Thị Kiêm (2) diễn thuyết khen,

Nhiệt thành, Thế Lữ lao công mãi.

Phải chăng muốn diễn ý tân kỳ?

Hay tại làm thơ cũ kém giỏi?".

Thật ra không phải Phan tiên sinh làm thơ cũ kém giỏi, thơ Đường của cụ cũng rất hay (như bài Ngẫu cảm, Viếng mộ ông Lê Chấu) nhưng vì cụ không muốn gò bó trong phép làm thơ nên mới đề xướng ra cách làm thơ mới.

Sau Phan Khôi, hàng loạt nhà thơ mới có tài bắt đầu xuất hiện trên thi đàn làm cho vị trí của thơ mới ngày càng vững: Thế Lữ (tức Lê Ta), Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp... Trước tình hình ấy, phái thơ cũ không tiếc lời chỉ trích, chê bai thơ mới:

"Nghĩa lý vơ vơ rồi vẩn vẩn,

Thanh âm ngẩn ngẩn lại ngơ ngơ.

So với Á học như dưa đắng,

Sánh với Âu văn tựa mít xơ..."

Họ cho rằng những người làm thơ mới đều bất tài, không làm nổi thơ luật nên mới phải làm thơ mới, là một loại thơ dễ dãi về kỹ thuật, đó là những người chẳng hiểu gì về thơ cả:

"Lạy bác xin đừng nói đến thi,

Nghĩa thi chưa hiểu, hãy im đi".

và họ gọi những nhà thơ mới là bọn mù và dốt:

"Chẳng khác anh mù lại nói mơ,

Chẳng qua một bọn dốt làm thơ".

(Những bông hoa trái mùa của Tường Vân và Phi Vân)

Dần dần, báo chí bị lôi vào cuộc và hình thành hai phe rõ rệt. Phe bênh vực thơ cũ có các báo: An Nam tạp chí, Văn học tạp chí, Văn học tuần san, Công luận, Tiếng dân, Tin văn... Phe bênh vực thơ mới có: Phong hoá, Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Loa, Hà Nội báo..., trong số này, báo Phong hoá là "hùng hổ" nhất. Và nhóm Tự lực văn đoàn vốn chủ trương theo mới dĩ nhiên đứng vào hàng ngũ của những nhà thơ mới.

Tản Đà lúc đầu rất thận trọng, có ý muốn đứng ngoài. Tuy chẳng ưa gì thơ mới nhưng ông không để cơ quan ngôn luận của mình là tờ An Nam tạp chí tấn công thơ mới. Mãi đến cuối năm 1932, thấy báo Phong hoá làm quá, ông mới cho đăng lên báo An Nam tạp chísố 6 một bài thơ Ông Tản Đà nhắn bạn Phong hoá (Tửu nhập thi xuất) nhưng tuyệt nhiên không đề cập gì đến thơ mới cả:

"Mấy lời nhắn bảo anh Phong hoá,

Báo đến như anh thật láo quá!

Từ tháng đến năm không ngớt mồm,

Sang năm Quí Dậu (1993) phải kiếm khoá.

Ông nỉnh ông ninh có liệu mà...

Tái tứ tái tam đừng trách nhá!

Chút tình đồng nghiệp bảo cho nhau,

Nhờ gió thổi đi mong cảm hoá".

Gặp dịp tốt, lập tức báo Phong hoásố 28 (30/12/1932) phản ứng ngay bằng cách đăng bài hoạ nguyên vận để đả kích Tản Đà:

"Anh lên giọng rượu khuyên Phong hoá,

Sặc sụa hơi men khó ngửi quá.

Đã dạy bao lần, tai chẳng nghe,

Hẳn còn nhiều phen mồm bị khoá.

Thân mềm chưa chắc đứng ngay đâu,

Lưỡi ngắn thì nên co lại nhá!

Phong hoá mà không hoá nổi anh,

Tuý nhân quả thật là nan hoá!"

Sau bài thơ hoạ nguyên vận trên đây, báo Phong hoá còn đăng nhiều bài đả kích Tản Đà vì coi Tản Đà là lãnh tụ của phái thơ cũ như bài Ông Hiếu với thầy Nhan Hồi của Tứ Ly (HoàngĐạo), bài thơ của Vân Dương nói xỏ xiên Tản Đà, vở hài kịch Tuồng cổ tân thời của Tứ Ly chế giễu không chỉ Tản Đà mà cả các ông Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tiến Lãng, Dương Bá Trạc, Nguyễn Công Tiến, Trịnh Đình Rư, Lê Công Đắc... là những nhà văn nhà thơ cũ.

Sau Tản Đà, đến lượt Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà thơ lừng danh thời trước, cũng bị Việt Sinh lôi ra làm bia chế giễu. Việt Sinh viết:

"Trong sách Chơi xuân của Nam ký, ông Á Nam vì xuân làm bài thơ xuân rất hay, rất mới: "Một đời dược mấy gang tay, Một năm được mấy mươi ngày là xuân./ Gặp xuân ta phải chơi xuân,/ Kẻo mai hạ tới là xuân không chờ".

Hay tuyệt! Câu đầu cả ý lẫn chữ là câu sáo cũ. Câu thứ hai cũng hay như câu thứ nhất. Câu thứ ba cũng hay như câu thứ hai. Còn câu thứ tư không hay thì là của ông Á Nam!".

Năm 1934, khi cuộc bút chiến đã đến hồi gay gắt, trên báo Phụ nữ tân vănsố xuân năm ấy, Tản Đà có một bài "hài đàm" nói móc Phan Khôi vốn là người đã từng "đụng độ" với ông mấy lần về vụ Nho giáo, vụ "Cái cười của con Rồng cháu Tiên". Bài hài đàm mở đầu bằng một đoạn văn xuôi rồi kết thúc bằng một bài "thơ mới":

"Đờn là đờn

Thơ là thơ

Thơ thời còn có chữ, đờn có tơ

Nếu không phá cách, vứt điệu luật

Khó cho thiên hạ đến bao giờ/ Bá Nha xa

Lý Bạch khuất

Thơ có họ Phan, đờn họ Quách

Thơ có chữ

Đờn có tơ

Đờn thì ngớ ngẩn, thơ vẩn vơ

Tài tử văn nhân thường rứa rứa

Bút huê ngao ngán bận đề thơ".

Không thấy Phan Khôi trả lời. Điều đáng chú ý là tờ Phụ nữ tân văn trước nay vẫn đứng về phe bệnh vực thơ mới, đã từng đăng bài thơ Tình già của Phan Khôi mà nay lại đăng bài của Tản Đà móc Phan Khôi.

Các nhà thơ mới thường hay chê các nhà thơ cũ ưa dùng những từ ngữ và hình ảnh cũ kỹ sáo mòn: hễ mùa xuân thì trăm hoa đua nở, mùa hạ có tiếng cuốc tiếng ve, mùa thu thì sương sa gió thổi, láng ô đồng rụng, mùa đông thì tuyết phủ, tuyết ngậm mặc dù ở Việt Nam chẳng bao giờ có tuyết. Nhân Tản Đà cho đăng bài Cảm thu, tiễn thu trong đó có những chữ: gió thu hiu hắt, sương thu lạnh, lá thu rơi rụng đầu ghềnh, cỏ vàng cây đỏ..., Tú Mỡ bèn làm một bài hát nói khôi hài để chế giễu lối làm thơ sai sự thực, trong đó có mấy câu:

"Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt,

Bói đâu ra lác đác ngô vàng.

Trên đường đi nóng dẫy như rang,

Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ!"

Trên báo Phong hoá số 31, Nhất Linh chế giễu thơ của Phương Lang, một nhà thơ cũ:

"Vậy tôi chỉ nói đến bài thơ của ông Phương Lang và xin chép lại bài thơ ấy ra đây lần nữa: Mặt bẩn sao chưa lau?/ Con ra lấy cái thau./ Đổ nước, mang khăn mặt,/ Mau!

Thơ như thế sao gọi là thơ được? Đó chỉ là mấy câu sai con mà có vần. Nó cũng như thơ con cóc mà thôi. Nhất Linh lại xin bắt chước ông Phương Lang làm bài thơ theo lối ấy:

"Trông vào nồi, cơm hết/ May còn miếng cháy giòn/ Ăn với cá kho mặn,/ Ngon! (Lạc quan)

"Tay tôi mụn ghẻ đầy,/ May sao gặp thuốc hay./ Bôi được một tuần lễ,/ Khỏi ngay!" (Mừng khỏi bệnh)”

Trên tờ Hà Nội báo ngày 19/2/1936, Lưu Trọng Lư "nở một nụ cười kiêu hãnh" đăng bài thơ thất ngôn sách hoạ chế giễu các nhà thơ cũ:

"Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho,

Thơ thẩn, thẩn thơ, khéo thẫn thờ.

Nắn nót miễn sao nên bốn vế,

Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ!"

Không thấy ai hoạ lại, có lẽ hoặc là vì xem thường, hoặc là vì tự ái.

Phong trào thơ mới lên rầm rộ, lấn át hẳn thơ cũ, chiếm địa vị ưu thắng trên thi đàn. Nhưng bên cạnh những bài thơ hay cũng có không ít những bài thơ dở. Khái Hưng, một cột trụ của báo Phong hoá - tờ báo nhiệt liệt bênh vực thơ mới - có bài đăng trên báo này đả kích những người làm thơ mới quá dễ dãi với mình, cho ra đời những đứa con thiếu tháng. Sau khi vờ tự hỏi "làm thơ dễ hay khó?", ông đã mỉa mai "chỉ độ vài giờ thôi" rồi viết:

"Vì thế kỳ báo này/ Tôi lại/ Viết một câu văn vui đại khái/ Cũng bằng thơ mới/ Nói thơ tự do thì có lẽ phải hơn, vì cứ mỗi lần/ Gặp vần là tôi tự do xuống dòng, bất kỳ câu ngắn/ Hay dài, từ một đến mười hai chữ/ Như thế hẳn/ Chẳng khó khăn gì/ Mà bỗng mình trở nên một nhà thi/ Sĩ/ Rồi các nhà phê bình sẽ/ Tìm ra những cái hay của mình và có lẽ/ Tôn bừa mình lên bậc thi hào/ Thì mình cũng đành nhận chứ biết sao!"

Trong khi đó, nhà thơ Thế Lữ không tranh luận ồn ào, chỉ cặm cụi làm thơ và cho ra đời những bài thơ hay, có chất lượng rất cao như: Nhớ rừng, Tiếng sáo Thiên Thai, Giây phút chạnh lòng..., xây dựng một nền tảng vững chắc cho thơ mới.

Cuộc bút chiến ấy kéo dài đến năm 1936 thì nhạt dần rồi tàn hẳn. Thơ mới nghiễm nhiên chiếm ưu thế trên thi đàn rồi đi vào lớp học, đẩy lùi thơ cũ vào dĩ vãng để nằm im dưới lớp bụi thời gian. Nhưng khi thơ mới đã thắng thế rồi, người ta bắt đầu nghĩ lại và cảm thấy ân hận về những điều đã làm trước đó. Trước kia, ai nấy đều đổ xô vào mỉa mai, châm biếm, chế giễu Tản Đà thì từ năm 1938, Tản Đà được coi như vị thánh sống của làng thơ. Nhất là sau khi Tản Đà từ trần (1939), người ta đua nhau viết bài ca tụng ông như là người có công lớn đối với nền thi ca của dân tộc. Và Hoài Thanh, khi viết cuốn Thi nhân Việt Nam, đã kính cẩn đặt Tản Đà ở đầu trang sách với những lời cung chiêu sang trọng.

Ngay cả nhóm Tự lực văn đoàn trước kia công kích Tản Đà là thế mà nay cũng cho đăng nhiều bài của Văn Bình, Xuân Diệu, Khái Hưng trên báo Ngày nay ca tụng công lao và sự nghiệp văn chương của Tản Đà. Tinh thần hoà giải ấy đã dần dần xoá đi sự hiềm khích giữa hai phái thơ cũ và thơ mới.

Từ đó đến nay cũng đã ngót bảy mươi năm, thơ mới ngày ấy nay đã trở thành thơ cũ. Một thời đại trong thi ca đã khép lại, nhưng dư âm của những ngày sôi động ấy hẳn sẽ còn vang vọng mãi trên  thi đàn.

--------------------

(1) Hồ Thích (1891-1962): nhà trí thức nổi tiếng của Trung Hoa đã từng du học ở Mỹ và suốt đời nỗ lực vận động cho nền tân văn học.

(2) Cô Nguyễn Thị Kiêm, một kiện tướng của nền thơ mới, đã hai lần đăng đàn diễn thuyết để bênh vực cho thơ mới tại Hội khuyến học Sài Gòn ngày 26/7/1933 và 9/1/1935.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:

Đinh Hoàng Long giới thiệu

Sưu tầm: Huyền Viêm - nguồn: nslide.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét