TÌM LẠI QUÊ HƯƠNG - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

Leave a Comment

 


TÌM LẠI QUÊ HƯƠNG

*

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Sau cái ngày cầu Xóm Bóng bị ném bom, mẹ tôi vội vàng tìm tàu để đưa chị em tôi về quê. Chị Hai bàn với mẹ:

- Không biết ở quê đã ổn chưa?

Mẹ tôi đáp:

- Họ đã vào tới đây, chắc ngoài đó đã yên ổn rồi. Nhưng không biết ở đây có được yên không. Dù sao hòa bình rồi, về quê hương, ban đêm thả cái nong xuống đất nằm ngủ cũng vui hơn. Vả lại mả mồ của cha con mấy năm nay không ai thăm viếng, không biết cỏ có mọc lu lấp không?

Thế là ngay chiều hôm sau, mấy chị em tôi lại làm cuộc hải trình ngược lại cách đó ba năm. Lần này chỉ có chị Hai, chị Bảy và tôi. Các chị khác người có gia đình, người bận công việc phải ở lại. Em trai tôi, và thằng cháu, con chị Hai cũng ở lại chờ về sau với mẹ. Tối hôm đó chúng tôi tạm biệt mẹ và xuống chiếc tàu đang đậu ngay trên dòng sông Cái để về quê. Tàu nhổ neo, chỉ có chị em tôi và mấy người thủy thủ, không có hành khách nào khác. Tạm biệt Nha Trang, miền đất hạnh phúc. Tạm biệt!

Lần này, tôi cũng say sóng li bì như lần trước. Chủ tàu không đưa chúng tôi về cửa Mỹ Á mà ghé vào Sa Huỳnh. Họ cho lên bờ ở một bãi ngang. Lúc đặt chân lên bãi cát tôi còn thấy chếnh choáng. Bước đi liêu xiêu. Mặt đất trồi lên hụp xuống. Đầu óc mơ hồ như người say rượu.

Sa Huỳnh, mảnh đất của rất nhiều kỷ niệm đau thương, Cha tôi đã ra đi mãi mãi từ nơi đây. Nơi mẹ tôi khóc đến ngất lịm khi nghe được hung tin. Nơi tôi lần đầu tiên cảm nhận được thế nào là một đứa trẻ mồ côi cha. Nơi chị tôi đã đổ những giọt máu đào của tuổi thanh xuân.

Chúng tôi ở tạm tại một gia đình người quen vài hôm. Sau một ngày nghỉ ngơi, khi thấy trong người đã hoàn toàn tỉnh táo tôi đi vòng quanh xóm để xem thử có thứ gì nơi đây quen thuộc với mình không. Tất cả đều xa lạ. Trước kia, gia đình tôi sống ở xã Phổ Châu, nay về trú ngụ ở Phổ Thạnh cho nên cũng không nhìn được cảnh xưa lối cũ bây giờ thay đổi như thế nào.

Tôi đang lò dò thả bộ men theo con đường cát trắng trong xóm, bỗng nghe tiếng ê a đọc bài. Tôi bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên đi học. Thế là tôi cắm cổ chạy nhanh về phía đó. Đến nơi thì ra là một lớp học. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn vào. Cô giáo còn trẻ măng đang gõ thước lên bảng cho khoảng mười mấy đứa học trò nom còn bé hơn tôi đọc theo. Ký ức xưa hiện về. Không biết sao tôi cảm thấy vừa hồi hộp vừa thích thú. Hình ảnh ông giáo già có cái búi tóc và bộ áo dài trắng hiện ra trước mặt. Tiếng đọc bài đứt đoạn của cả lớp. Nỗi sợ kinh hoàng khi cánh cửa tôn bị khóa trái. Bóng dáng mẹ tôi hiện ra phía ngoài khung cửa lúc tôi đang vô cùng tuyệt vọng như một bà tiên diệu hiền! Bần thần đứng im ngoài cửa sổ nhìn vào một lúc, rồi tôi lặng lẽ bỏ đi.

oOo

Chiếc ca-nô không thể cập sát bờ vì mực nước quá cạn. Thủy thủ chỉ còn cách thả thúng đưa chúng tôi vào. Đang giữa buổi trưa, trời nắng gắt. Ngọn gió Nồm thổi hây hây cũng không làm dịu được cái nắng nóng mùa hạ của miền nhiệt đới. Từng con sóng lăn tăn sủi bọt trắng xóa trườn mình liếm vào bãi cát. Nước biển mát lạnh chạm vào chân làm tôi tỉnh hẳn người sau bốn, năm tiếng đồng hồ mệt lử vì bị sóng nhồi. Nắm chặt tay dẫn chúng tôi lội nước bì bõm đi vào bờ, chị Hai vừa cười, vừa nói giọng đầy phấn chấn:

- Rồi, Chúng ta đã về tới quê nhà! 

Chị Hai không xắn ống quần lên mà cứ lội băng băng qua con lạch sát bờ. Bước chân hối hả. Cả người chị toát lên sự mạnh mẽ và hăng hái của một người chỉ huy. Hình như chị đã trở thành con người khác hẳn, như vừa gặp được người thân sau nhiều năm xa cách. Đúng rồi! Nơi đây chính là mảnh đất quê cha! Nơi chị em tôi đã được sinh ra. Nơi cha tôi đã chôn cuống nhau của chúng tôi vào lòng đất. Trên mảnh đất này có giọt máu từ cuống rún của tôi. Thế nhưng sao lòng tôi không chút mảy may rung động? Bãi cát dưới chân tôi vô cùng xa lạ. Trong tâm trí non nớt của tôi, cái xã Phổ Quang chưa bao giờ tồn tại. Cái ngày gia đình tôi bỏ quê di cư vào Sa Huỳnh tôi còn bé lắm, bé đến nỗi chẳng có một ký ức nào còn lại. Với tôi, quê hương là mảnh đất Sa Huỳnh kia! Còn không, Nha Trang cũng được!  Những nơi đó tôi đã có vô vàn kỷ niệm. Nơi tôi đã sống những tháng ngày khó quên bên cạnh người thân và bạn bè. Nơi đã khắc vào tâm trí thơ ngây của tôi những hình ảnh thân yêu như ngôi nhà sàn có cái cầu thang, gánh hàng rong  của mẹ... Mái trường ngói đỏ của tôi. Còn nơi đây không hề có bất cứ hình ảnh gì thân thuộc. Tất cả đều mới mẻ, tất cả đều xa lạ. Nó cũng như là một vùng đất khách nào đó đang chờ tôi khám phá. Lòng tôi chỉ có nỗi háo hức vui thú của một đứa bé sắp được thỏa mãn trí tò mò nơi chốn mới đến chứ không như chị Hai được trở về mái nhà xưa.

Chị em tôi tạm thời cư ngụ ở nhà chú thím Bảy. Nhà chú ấy ở ngoài rẫy, gần dông biển.

Hằng ngày, ăn sáng xong chúng tôi kẻ xách liềm, người cầm rựa vào trong khu vườn của ông nội để dọn dẹp. Trong xóm vườn tược bị bỏ hoang rất nhiều. Con đường chính của xóm chạy ngang trước vườn nhà ông tôi chỉ là một cái truông nhỏ hẹp. Cỏ tranh, cỏ chỉ cao đến ngực. Cây cối rậm rạp, um tùm. Mỗi lần vào vườn chỉ Hai luôn dặn tôi coi chừng dẫm phải rắn lục. Loài rắn có sắc xanh như màu lá, nhỏ bằng ngón tay nhưng rất độc.

Đến vườn. Hai chị mỗi người làm một việc. Người cắt cỏ, kẻ chặt cây cành. Tôi nhặt nhạnh những nhánh cây khô gom thành một đống để làm củi. Trong vườn có cây đào lộn hột to cao, nhưng không có hoa hay trái gì. Chị Hai bảo cây đó do chính tay ông nội tôi trồng. Cạnh cây đào là một gốc khế cũng to không kém, nhưng thân cây đã bị gãy đổ, nằm dưới lớp đất và cỏ, bên cạnh là ụ mối to tướng. Thân cây đã mục nát nhưng lạ lùng thay, phần gốc còn lại mọc lên mấy tược khế to bằng bắp tay người lớn, suôn đuột và bụ bẫm. Tán lá xanh biêng biếc, cao hơn đầu tôi. Chúng quây quần lại với nhau tạo thành một lùm to. Tôi đếm cả thảy được năm cây. Theo lời chị Hai đây là cây khế ngọt, trái rất lớn, hiếm có ở xóm. Những cây khế làng này đa phần là khế chua. Duy mỗi cây khế nhà tôi cho trái ngọt. Nghe nói ông nội lúc trồng đã đổ gần cả tạ vôi xuống dưới gốc nên trái mới to, nước nhiều, và vị ngọt thanh. Chị Hai phát cỏ xung quanh nhưng không động gì đến ổ mối và mấy cây khế. Sát góc hàng rào sau vườn có lùm duối lớn, cành lá xanh dày, rờ vào ram ráp cả tay. Tôi đi vòng quanh khu đất và khám phá thêm một cây thị ở bên bờ rào phía tây. Dưới gốc, cạnh bên có cái gò đất cao, cỏ cú (cỏ gấu), cỏ tranh mọc xanh um. Chị Hai cho biết gò đất là dấu tích của cái hầm tránh pháo. Cửa miệng hầm bị lấp, cỏ tranh bi bít. Trong vườn có nhiều thứ cây ăn quả như xoài, ủ ma, chay, trâm núi... nhưng không thứ nào có trái. Chỉ vài cây ổi sẻ là ra được mấy quả nhỏ cằn cỗi, nhăn nheo. Tre và bụi lưỡi hùm mọc dày ken theo chu vi khu vườn, làm thành một thứ hàng rào tự nhiên kiên cố.

Mỗi ngày hai buổi chị em chúng tôi vào vườn để dọn dẹp. Sau nửa tháng, quang cảnh đã thoáng đãng hẳn lên. Chị Hai bắt đầu chặt những cây tre già chất đống để chuẩn bị làm nhà. Chặt tre đối với đàn ông con trai đã không phải là chuyện dễ, huống hồ chi đàn bà, Người ta có câu “nhất đốn tre nhì ve gái” để chỉ sự khó khăn này. Ve cho được gái đâu phải là chuyện đùa! Các đấng mày râu anh nào cũng biết rõ điều này. Nhưng ve gái vẫn đứng thứ nhì thôi! Đốn tre mới là khó. Muốn chặt được một cây tre để sử dụng, trước hết phải lựa xem cây tre cho đủ tuổi. Tre quá già hoặc quá non đều không dùng làm gì được. Vì quá già gỗ tre sẽ bị khô. thiếu độ dẻo dai. Còn quá non rất mềm yếu, không đủ cứng cáp. Tre vừa đủ tuổi cũng dễ nhận biết đối với người có kinh nghiệm.Thân cây chỉ hơi bóng loáng, và dưới gốc có vài chỗ màu sắc chuyển từ xanh sang hơi vàng ráng chiều. Cành lá chưa bạc màu, tuy không còn xanh mướt, nhưng không bạc thếch hoặc lốm đốm trắng. Những cây tre này thường có vô số cây tre non bao bọc xung quanh, gai sắc nhọn, cành lá chằng chịt, nên rất khó chặt. Nhưng với những phụ nữ lớn lên từ làng quê như chị tôi thì việc đó chỉ như ăn một bát cháo nóng.

Gần một tháng sau khi chúng tôi trở về, một buổi trưa có một tay xã đội phó du kích thân hình cao lớn, vai u thịt bắp, trông rất bặm trợn. Trên  vai hắn  mang khẩu AK47 báng xếp, tay xách chiếc đài radio hiệu National, đi từ dông biển vô, ghé nhà chú tôi nghỉ ngơi uống nước. Đang ngồi nghe đài nơi cái bàn giữa nhà, bỗng hắn bật đứng lên reo to, mừng rỡ:

- Sè Gòn giải phóng rồi! Sè Gòn giải phóng rồi bà con ơi!   Hắn cầm lấy cái đài đặt lên vai, một tay giữ chặt lấy để nghe cho rõ, rồi chạy ra sân,

Tôi buộc miệng hỏi:

- Giải phóng gì?

Hắn quay mặt lại, trợn mắt nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống, quát:

- Tao đập mày chết bây giờ! – Quát xong, hắn tiếp tục lóng tai chăm chú lắng nghe radio.

Không phải tôi hỏi khích bác gì hắn. Tôi chưa đủ tầm cỡ hiểu biết để nói khích như thế. Tôi chỉ buộc miệng hỏi vì hắn nói từ Sè Gòn làm tôi nghe lạ lùng, không hiểu đó là nơi nào. Một lat sau tay xã đội phó thông báo cho chú tôi biết:

- Dương Văn Minh đã đầu hàng! ... Hô...hô... hô... – Mỗi lần gào lên một tiếng “hô” như thế hắn lại nhảy cẫng lên, hai chân búng ra phía sau như một con ếch khổng lồ.

Hơn một tháng rưỡi sau khi chúng tôi rời Nha Trang, mẹ tôi cũng dẫn em trai và thằng cháu về đến quê. Bà cho chở theo tàu bốn tấm tôn, một số cây gỗ, cái đi-văng và những vật dụng linh tinh khác. Ngôi nhà sàn để lại cho anh chị tôi ở.

Lúc này, khu vườn đã được dọn dẹp tinh tươm. Một đống tre mới đốn chất ngay ngắn dưới gốc đào. Cái ngõ ra vào được phát rộng, giẫy sạch cỏ. Mẹ tôi dùng mấy tấm tôn và tre gỗ dựng một căn lều ở tạm. Ban đêm hun trấu và củi đốt khói để đuổi muỗi.  Do nhà cửa thưa thớt, cây cối rậm rạp nên muỗi rất nhiều. May mà mẹ đã chu đáo mang mấy cái mùng tuyn xanh từ Nha Trang về nên cũng không có gì đáng ngại.

Đã có chỗ để che mưa tránh nắng, một buổi sáng mẹ bảo chị em tôi thay đồ mới chỉnh tề để đi viếng mộ cha tôi. Từ ngày về cho đến nay chúng tôi không biết mộ cha ở đâu nên chẳng thể làm tròn trách nhiệm của người con hiếu thảo. Lúc chôn cất cha chỉ có mỗi mẹ tôi, các chị lớn đều ở trong Sài Gòn. Chị Bảy và tôi thì còn quá nhỏ không cùng đi với mẹ trong bữa an táng cha được. Các chú tôi cũng không ai biết. Ngày cha tôi mất chú Bảy đang ở tù tại Côn Đảo, còn chú Sáu ở Nha Trang đang đi biển nên cũng không về được.

Mặt trời vừa mọc, mẹ đã thúc giục mọi người ra khỏi lều. Chúng tôi đi qua một cái trảng cát rộng, có nhiều gò mả, đến cuối con dốc thì tới nơi an nghỉ của cha tôi.

Ngôi mộ là một gò đất cát hơi trệt. Vô số bụi cỏ chân tượng mọc bốn chung quanh nên gió mưa cũng không làm cho xói mòn nhiều. Chỉ đôi chỗ bị khuyết lõm cạn trông như những ổ gà. Chính giữa mộ cỏ một chùm cỏ dại xanh um. Vị trí ngôi mộ không xa con đường cái tơ ích là mấy. Mộ yên vị theo hướng đông bắc - tây nam. Phía đầu mộ được vun cao, lưng tạo hình yên ngựa. Cuối mộ có ba ụ đất nhỏ sắp xếp theo hình bán nguyệt. Nhìn ngôi mộ ai cũng thấu hiểu rằng mẹ tôi thương yêu cha tôi biết chừng nào! Giữa thời buổi tên bay đạn lạc mà mẹ đã lo cho cha tôi một nơi yên nghỉ đúng quy cách, chỉnh tề chứ không hề tạm bợ, sơ sài.

Chúng tôi đi xung quanh, nhổ những bụi cỏ dại và vốc cát bồi đắp vào những chỗ khuyết ổ gà. Mẹ tôi quỳ bên chân mộ. Bà lấy tay bang đất cho bằng phẳng, rồi đặt mấy cái đĩa lên. Lần lượt lấy trong cái giỏ nhựa mang theo một nải chuối và mấy xấp tiền vàng mã bà đặt trên mấy cái đĩa. Chiị Hai thắp một bó nhang cắm bên nải chuối. Chúng tôi quỳ cả xuống phía sau lưng mẹ, và chấp tay trước ngực. Bà bắt đầu khấn vái lầm thầm trong miệng, rồi dập đầu cúi lạy. Chị em tôi làm theo. Mẹ vái lạy ba lần như thế, lúc an vị trở lại nước mắt bà đã rưng rưng. Mấy chị em tôi cũng sụt sùi khóc theo. Mẹ bảo chị Hai đốt xấp giấy vàng mã. Lúc lửa vừa tắt, một làn gió nhẹ cuốn mớ tàn tro bốc lên cao, rồi tan loãng vào không gian buổi sớm. Chúng tôi nhìn theo, có cùng cảm nghĩ rằng cha tôi trên trời linh thiêng đã thấu hiểu được nỗi niềm thương nhớ kính yêu mà chúng tôi đã dành cho Người. 

Mẹ lau nước mắt, bảo chị em tôi đứng lên, vái ba vái nữa tạm biệt cha, rồi mới ra về. Mặt trời vừa lên đến ngọn tre đầu làng. Những tia nắng vàng ong lung linh trên con đường cát trắng. Trước mặt tôi bóng mẹ ngã dài cao lớn nhưng gần gũi và thân yêu.

Mẹ tôi là một mẫu người phụ nữ chịu thương chịu khó, suốt cuộc đời khổ nhọc thờ chồng nuôi con. Cha tôi mất sớm, khi đó mẹ chỉ mới 44 tuổi. Bà đã ở vậy nuôi nấng 5 đứa con (chị Hai và chị Ba đã có chồng), và một đứa cháu ngoại. Đứa nhỏ nhất 5 tuổi, đứa lớn nhất 17 tuổi cho đến lúc chúng tôi trưởng thành.

Cũng như nhiều cô gái thôn quê Việt Nam hồi đầu thế kỷ trước, mẹ lấy chồng rất sớm, từ năm mười bảy tuổi. Nhà ông bà ngoại nghèo, chỉ có được vài sào đất thổ cằn cỗi, trồng khoai mì, khoai lang, chứ không có ruộng.  Ông ngoại và mấy cậu tôi làm nghề mành sơn. Năm nào biển giả bị mất mùa. Thời tiết  hạn hán thì bị đói kém. Từ lúc còn nhỏ, mẹ đã phải theo bà ngoại trồng khoai thuê, gặt lúa mướn, để phụ giúp gia đình. Tuy cuộc sống vất vả, dãi nắng dầm sương nhưng mẹ tôi cũng khá xinh đẹp. Dáng  người bà nhỏ nhắn, cao dong dỏng, nước da trắng, mái tóc hơi dợn sóng. Cho dù năm nay mẹ đã 95 tuổi nhưng bà vẫn đi đứng thẳng boong, lưng không còng, chân không run. Tâm trí vẫn còn minh mẫn.

Theo lời mẹ kể lại thì ông bà nội tôi khá khó tính nên bà làm dâu cũng không mấy vui vẻ. Cha tôi thứ Tư. Bác Hai (theo cách gọi ở quê tôi là lớn nhất, không có bác Cả) mất khi còn bé. Cô Ba là con gái, nên cha tôi thành trai trưởng trong họ tộc.

Cô Ba tôi đã đi lấy chồng. Cha là người con lớn nhất nhà nên phải đảm đương trọng trách gánh vác gia đình. Dưới cha tôi còn bốn người em trai. Mẹ tôi làm dâu không những phải phụng dưỡng cha mẹ chồng mà còn kiêm luôn việc thờ tự của họ tộc. Bà luôn thức khuya đạy sớm, để lo chợ búa cơm nước, giặt giũ cho mọi người. Bà nội tôi tuy tính tình hiền lành, không chửi bới mẹ tôi, nhưng mỗi lần hai mẹ con có gì xích mích lại méc với ông nội. Ông là người nóng tính lại gia trưởng hễ nghe bà vợ nói con dâu thế này thế kia thì gọi mẹ tôi đến mắng cho một trận. Mẹ tôi chỉ còn biết chịu trận chứ nào dám cãi! Tủi thân nên mẹ luôn khóc một mình trong thầm lặng.

Ông bà nội rất mực cưng chìu cô Ba vì chỉ có một người con gái. Được thể cô cũng hiếp đáp mẹ tôi. Mỗi lần cha tôi đánh lưới được nhiều cá nhiều mực, ông bà lại sai mẹ gánh đến nhà biếu cô muối mắm, để dành ăn quan năm. Có lần cô tôi về thăm nhà khi quay lại bên chồng, ông bà sai mẹ tôi gánh theo một gánh nông sản cho cô. Vì bận bịu con nhỏ mẹ chưa đi được cô la rầy mẹ nặng lời. Bực mình mẹ tôi cãi lại. Cô tức tối đi méc chuyện với ông nội. Lúc đó ông đang uống rượu ngà ngà nghe nói mẹ tôi hỗn hào với cô Ba, liền xách gậy đánh mẹ tôi. Mẹ bỏ chạy quanh vườn. Ông tôi già yếu không đuổi kịp quăng gậy, ngồi thở hổn hển. Sau đó mẹ xin lỗi ông, ông cũng bỏ qua.

Ông nội rất kỳ vọng cha sớm sinh được một cậu con trai để nối dõi tông đường. Oái ăm thay, mẹ tôi sinh cả thảy sáu cô con gái (chị Tư đã mất lúc chưa đầy tháng). Ông bà nội rất buồn, cứ chì chiết cha mẹ tôi vô phúc tuyệt hậu. Cha tuy không hất hủi mẹ, nhưng cũng không mấy vui. Để chấm dứt tình trạng sinh con gái mãi, ông nội đã đặt tên cho bà chị thứ bảy một cái tên không mấy đẹp là Thôi. Có nghĩa là đừng đẻ con gái nữa! Mà quả thật, không hiểu sao điều mong ước ấy lại linh nghiệm. Sau đó, mẹ đã sinh ra tôi, một cậu con trai. Mẹ kể lại, lúc bà chuyển bụng đẻ thì cha đang ở ngoài biển. Được tin sinh con trai, cha hối hả chạy về để quạt than, đun nước cho mẹ hơ (xông). Công việc mà từ trước đến nay cha chưa hề làm khi mẹ sinh các người chị. Ông nội vui mừng khôn xiết tả. Hôm ấy, uống cả nửa lít rượu đế, rồi ông cười nói: “Ta có cháu đích tôn rồi!” Ông mất, khi tôi vừa tròn một tuổi.

Những năm 1967-1972, ở quê tôi chiến tranh vô cùng ác liệt. Đạn bom cày xới từng tấc đất. Xe tăng san phẳng cả xóm làng, Dân chúng bỏ xứ sơ tán khắp mọi nơi. Gia đình tôi di cư vào Sa Huỳnh. Tại đây cha tôi mất. Mẹ tôi không nỡ để cha nơi ‘đất khách, quê người’ nên đích thân bà đưa cha về mai táng ở làng tôi. Đoạn đường từ Sa Huỳnh ra Đức Phổ chỉ dài độ 25km mà xe lam đi hơn nửa ngày trời vì bị băm nát như tương bởi những quả mìn của Việt cộng. 

Sau khi cha yên nghỉ, mẹ đưa chị em tôi vào Nha Trang sinh sống. Trước khi đi bà đã bán tất cả sản nghiệp ghe thuyền, lưới chài của cha để lại. Vào Nha Trang bà lặn lội tìm kiếm chỗ ở, lo giấy tờ để hợp thức hóa cho chúng tôi được đi học. Hàng ngày, bà dậy từ lúc ba giờ sáng để đến chợ đầu mối mua hàng về bán lại các chợ nhỏ. Mỗi ngày hai buổi chợ không ngày nào nghỉ. Lúc bấy giờ chỉ có tôi và thằng em trai là còn chơi rông chứ các chị đều phải nghỉ học đi làm. Sau vài năm, cuộc sống đã dần dần ổn định, đi vào nề nếp. Nhưng đâu có ai ngờ biến cố lại xảy ra một lần nữa. Đầu tháng Tư năm 1975, Cộng quân tiến chiếm Nha Trang. Lần này thì mẹ quyết định không chạy đi đâu mà quay trở về làng xưa. Thế là tôi cùng hai chị gái lên ghe về quê. Hơn tháng sau mẹ tôi cũng về nốt. Trong những năm tháng ly hương về quê luôn là tâm nguyện của mẹ tôi.

Bây giờ thì những đứa con mà mẹ một đời vất vả nuôi lớn đã thành gia lập thất. Cuộc sống của mẹ đã được thư nhàn. Các chị tôi đều muốn tổ chức Lễ Đại Thọ 90 tuổi cho Mẹ, nhưng bà cương quyết không cho, sợ con cháu tốn kém. Mẹ vốn thích sống giản dị, suốt cuộc đời không hề phô trương, rườm rà. Mẹ chỉ mong mỏi một điều duy nhất là con cháu sống hạnh phúc, hòa thuận.Với chị em tôi - có người đã có chắt - mẹ luôn luôn là Người Mẹ đáng kính nhất trần gian.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 KLEINBURG DR

London, Canada

Email: ducphot946@gmail.com


 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét