HOÀNG
CÁT - CUỘC ĐỜI
CỦA
MỘT THI NHÂN
Nghe tin nhà thơ Hoàng Cát đã về miền mây
trắng, bao nhiều kỷ niệm về anh trong tôi lại ùa về. Một lần nói về dự định
xuất bản tập thơ Thanh thản, anh cười rưng rưng:
- Cả đời anh chỉ mong ước được thanh thản
mà khó quá. Bây giờ anh thanh thản rồi, anh hạnh phúc và vui lắm. Xung quanh
anh có bao nhiều bạn bè, anh mãn nguyện lắm, anh sung sướng lắm… kha kha.
Tôi nhìn nụ cười của anh, lòng se sắt hiểu
rằng nếu một ngày còn cầm trên tay cây bút viết anh còn trăn trở mãi với trái
tim yêu với cuộc đời. Làm sao thanh thản được đây khi cuộc đời anh như một thước
phim sống về cái mà người ta hay gọi là “vạ văn chương”. Đã hơn ba chục năm
trôi qua nói đến Hoàng Cát là người ta nói ngay đến tác phẩm Cây táo ông Lành
của anh.
Ngay từ lần đầu tiên gặp anh Hoàng Cát tôi
đã thấy hai tố chất trái ngược nhau luôn tồn tại trong anh. Một Hoàng Cát với
tâm hồn trẻ trung, bất diệt, không gục ngã trước bất kỳ hoàn cảnh nào và một
Hoàng Cát đâu đó thoảng qua những phút cô đơn đến yếu mềm.
- Không yêu anh không sống được, còn một
giây phút nào trên đời anh còn yêu. Anh thường nói vui với bạn bè như vậy.
Yêu -
là khổ!
Phải
rồi yêu là khổ!
Nhưng
– Thà khổ - còn hơn vô vị cả kiếp người!!!
(Yêu là khổ - Thanh thản - Nhà xuất bản
Hội Nhà Văn)
Bạn bè nói về thơ Hoàng Cát khá nhiều, một
dòng thơ hiền lành giàu cảm xúc. Đọc thơ của anh không chỉ là câu chữ mà phải
đọc bằng chính trái tim mình hoà cùng với cuộc đời người viết. Tôi đã đọc thơ
tập thơ của anh khi nghe rõ tiếng mưa rơi lộp bộp gõ vào khuya lơ khuya lắc,
lúc lòng mình bình lặng nhất. Thế hệ tôi đã khác thế hệ anh một quãng đường
dài, tôi không dám bàn nhiều về thơ anh vì có những điều sâu xa mà tôi chưa
hiểu được. Tôi chỉ muốn nói về anh, một Hoàng Cát, một thi nhân với một số phận
quăng quật đến nghiệt ngã…
Hoàng Cát trong ngôi nhà tập thể nhỏ và sơ
sài ở ngõ 103 Nguyễn An Ninh. Nó chật chội như chính chỗ của cuộc đời dành cho
anh vậy, chỉ có phòng văn của anh lấp lánh một điểm sáng trí tuệ. Trên tường
treo những tấm ảnh của những người bạn tri âm tri kỷ của anh Hoàng Cát như cố
thi sỹ Xuân Diệu, anh Nguyễn Trọng Tạo và ảnh của Hoàng Cát trong những thời kỳ
khác nhau. Các bức ký hoạ chân dung do bạn bè vẽ tặng, ai vẽ nổi một chân dung
Hoàng Cát nhỉ, tôi băn khoăn tự hỏi mình. Trong tủ có rất nhiều sách, sách văn
học trong nước, sách văn học nước ngoài và cả sách bằng tiếng Pháp nữa. Nhà thơ
tóc đã bạc phơ và để dài như tóc một ông tiên, anh già hơn nhiều so với tuổi
chỉ còn nụ cười tươi và giọng nói sang sảng là tài sản quý giá của anh sau bao
nhiêu gian nan thăng trầm …
Anh đọc cho tôi nghe bài thơ của anh Xuân
Diệu viết tặng anh khi chia tay, bài thơ như viết cho một người tình.
EM ĐI
(Thơ Xuân Diệu tặng Hoàng Cát)
Em đi,
một tấm lòng son mãi,
Như
ánh đèn chong, như ngôi sao;
Em đi,
một tấm lòng lưu lại;
Anh
nhớ thương em, lệ muốn trào!
Ôi
Cát! Hôm vừa tiễn ở ga,
Chưa
chi ta đã phải chia xa,
Nụ
cười em nở, tay em vẫy;
Ôi mặt
em thương như đoá hoa!
Em
hỡi! Đường kia vướng những gì,
Mà anh
nghe nặng bước em đi.
Em ơi!
Anh thấy như anh đứng
Ôm mãi
chân em, chẳng chịu lìa!
Nhưng
bóng em đi đã khuất rồi,
Đứt là
khúc ruột của anh thôi!
Tình
ta như mối dây muôn dặm,
Buộc
mãi đôi thân, dẫu cách vời.
Em hẹn
sau đây sẽ trở về,
Sống
cùng anh lại những say mê;
Áo
chăn em gửi cho anh giữ,
Xin
giữ cùng em cả hẹn thề!
Một
tấm lòng em , sâu biết bao;
Anh
thương em mãi, biết làm sao!
Em đi
xa cách, em ơi Cát!
Em chớ
buồn nghe, anh nhớ, yêu!
1965.
Có lẽ mãi về sau này giới văn chương vẫn
cứ hoài nghi về “mối tình” giữa hai chàng thi sỹ ngất men say này. Giọng của
Hoàng Cát đọc thơ ấm lắm mà sao nghe muốn khóc vô cùng:
“Mười
hai tuổi con đã cày đã cuốc
Đã tự
nuôi thân. Đã phải sống xa nhà
Thời
“cải cách” cả nhà không hạt thóc
Không
củ khoai. Không mảnh bát cái niêu
Anh em
chúng con phải ra đồng đi mót
Chỉ
mấy rễ khoai lang – cũng là bữa ăn chiều!!!”
(Tạ từ - Thanh thản - Nhà xuất bản Hội Nhà
Văn)
Sinh ra trên mảnh đất miền Trung nghèo khó
“chó ăn đá gà ăn sỏi”, lớn lên vào bộ đội, một cái chân của Hoàng Cát đã gửi
lại chiến trường. Anh thương binh trở về một nhà máy cơ khí làm việc, anh viết
văn từ khi còn rất trẻ. Tai bay vạ gió rơi xuống đầu thi nhân từ khi truyện
ngắn "Cây táo ông Lành" đăng trên báo Văn nghệ thời bấy giờ.
Nựng cu Ten tìm cho ông ngoại cái kính
đen, anh Hoàng Cát mang xuống một tập báo đã úa vàng, giữ như báu vật từ năm
1974. Cả bài viết trong tạp chí Học tập (tên của Tạp chí Cộng sản ngày xưa) mà
mới chỉ liếc qua đã thấy rụng rời: “một truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần
báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết
theo kiểu “biểu tượng hai mặt” truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng
đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, reo rắc tư tưởng chống đối lại đường lỗi cách
mạng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng
ta...”
Tôi hỏi:
- Rồi sau này cuộc sống của anh ra sao,
anh có nhận hình thức kỷ luật chính thức nào không?
- Không em ạ, chỉ là treo bút không chính
thức 14 năm rưỡi thôi. Thời đó không có báo nào dám đăng bài của Hoàng Cát cả.
Mãi đến đầu năm 1988 báo Nhân dân mới đăng lại bài đầu tiên của anh. Vài năm
sau khi bài báo có truyện ngắn Cây táo Ông Lành ra đời, anh được nhà máy cho về
nghỉ mất sức năm đó anh mới 36 tuổi. Là thương binh với đồng lương mất sức từ
đó anh phải ra vỉa hè để kiếm sống trong một sự phong toả vô hình…
Chợt đau đáu hiểu ra tại sao có những câu
thơ thế này trong thơ anh:
“Tôi
chưa chết - đấy mới là chuyện lạ!
Mười
bảy nghề tủi nhục nắng mưa,
Hăm ba
Tết: đập tanh bành quán cóc,
Kẹo
bánh hất tung, tôi ôm mặt khóc oà!...
Dẫu là
vậy – chỉ tủi buồn. Không giận
Chỉ
xót xa thân phận CON NGƯỜI;
Và thương
lắm! Kế mưu sinh lầm lụi
Bao
cuộc đời cùng chịu kiếp như tôi…
(Tôi đang sống - Thanh thản - Nhà xuất bản
Hội Nhà Văn)
Con người Hoàng Cát là thế! Khi bị ức hiếp
chỉ tủi buồn không oán trách ai, có lẽ bởi lòng bao dung nhân hậu anh đã vượt
lên được chính mình. Mọi trắc trở trong cuộc đời được nhìn dưới góc độ nhân văn
nhất hoà chung với bao thân phận nghèo và có lẽ chính nhờ thời gian này mà anh
đã có tập thơ “Cảm ơn vỉa hè”…
Anh kể: “đã bao lần định bẻ bút thôi không
viết nữa, nhưng cái nghiệp thi nhân là do “trời đầy” không sao gỡ ra. Viết rồi
xé, rồi đốt, nhưng điều anh ân hận nhất là trong lúc bi quan cùng cực nhất anh
đã đốt đi hơn một trăm lá thư của Xuân Diệu gửi cho anh về văn, về đời”. Tôi
nhìn thấy nỗi buồn nhớ Xuân Diệu đến quay quắt trong mắt anh.
Gần mười lăm năm “vạ văn chương” của anh
có giống như thân phận lưu lạc của nàng Kiều mà xót xa đến vậy. Phải có một
nghị lực phi thường lắm, sức sống dẻo dai lắm mới vượt qua được dư luận và
nghèo hèn ngần đó năm trời. Vậy mà đôi lúc tôi bắt gặp một Hoàng Cát yếu đuối,
cô đơn đến mềm lòng:
Làm
thi nhân – là khổ lắm nghe em
Tim ta
bé. Mà địa cầu quá lớn!
Ta có
thể cho nhau màu năm tháng
Nhưng
làm sao cho hết cả thiên hà?
(Gửi người phương xa - Thanh thản - Nhà
xuất bản Hội Nhà Văn)
Những khi đêm về một mình với phòng văn
tĩnh lặng anh trò chuyện với con dế, con chim sâu, con mèo hoang, sao mà cô đơn
đến thế. Tôi bỗng hiểu rằng người ta yêu thương nhiều bao nhiêu, cô đơn bấy
nhiêu mà thôi.
Về đi
dế!... Mày đi đâu lâu thế?
Mấy
đêm nay trăng rải đầy thềm,
Sao
không thấy tiếng đàn mi réo rắt,
Tao
một mình trống trải cả trời đêm
(Nói với con dế - Thanh thản - Nhà xuất
bản Hội Nhà Văn)
Trong nỗi cô tịch anh dàn trải lòng mình
với thiên nhiên, với những con vật nhỏ bé như tri âm tri kỷ. Ta có cảm giác
rằng tâm hồn anh như một cung đàn, chỉ tiếng gió nhẹ cũng làm rung lên cung
bậc.
Trái
tim ta là sợi dây đàn
Khao
khát ngân rung – dưới bàn tay người đẹp
Bất
chợt gió tràn qua – cơn bão xiết
Muôn
ngàn âm thanh rạo rực trào dâng!
(Lời của sợi dây đàn – Thanh thản - Nhà
xuất bản Hội Nhà Văn)
Tôi đã gặp chị Tâm người vợ có dáng lam lũ
và nhẫn chịu của anh, người đã cùng anh san sẻ bao nhiêu cực nhọc của cảnh cơ
hàn. Yêu một người đàn ông đã khó, yêu và làm vợ một người đàn ông thi nhân khó
hơn nhiều. Cuộc đời Hoàng Cát sẽ ra sao nếu không có chị, nhưng trong khi tâm
hồn thi sỹ của anh vẫn chấp chới những bóng hồng. Trai tài gái sắc không yêu
nhau mới lạ, nhưng không phải người đàn bà nào cũng chịu san sẻ tình yêu. Thảng
hoặc nếu có thì cũng đắng đót trong lòng. Anh là người đam mê thơ ca, hoa lá và
phụ nữ đẹp, Hoàng Cát luôn nói thật lòng mình rằng anh không yêu chỉ một người:
Tóc
anh trắng rồi. Em có biết chăng
Đêm
thăm thẳm, nhưng khi lòng chợt lắng:
Nhớ da
diết nụ cười em toả nắng
Anh
mắt trong – vời vợi khoảng trời yêu
Đà lạt
ơi! - Ta khắc khoải sớm chiều
Có
phép thần nào đưa em về Đà lạt?
Cho ta
được lần cuối đời dào dạt
Một
lần yêu – Yêu cho cả cuộc đời!...
Đà lạt
không em – Đà lạt lạnh. Trời ơi!
(Đà Lạt không em – Thanh thản - Nhà xuất
bản Hội Nhà Văn)
Có lần anh tâm sự:
- Em đừng bao giờ tranh luận nếu có người
khen hoa hồng đẹp hơn hoa cúc hay ngọc lan. Hoa hồng có cái đẹp của hoa hồng,
hoa cúc có cái đẹp của hoa cúc. Phụ nữ nào cũng đẹp, có phụ nữ đẹp lung linh
như trăng rằm, có phụ nữ đẹp đằm thắm dịu dàng, có phụ nữ đẹp chân chất mộc
mạc. Đó chính là điều làm thi vị cuộc sống này và anh yêu tất cả những người
phụ nữ.
Cũng như bao nhiêu thi nhân trong đời, họ
sống một phần đời thực một phần là ảo ảnh trong thơ. Hoàng Cát không phải là
một ngoại lệ, nhưng bên cạnh các nàng thơ anh luôn trân quý người vợ hiền thục
của mình. Có cả một tập thơ Ngôi sao biếc anh viết tặng chị. Có những bài viết
vô cùng cảm động và tôi chợt có ý nghĩ rằng sao mình không viết gì về chị nhỉ?
NGÔI SAO BIẾC
(Yêu thương tặng vợ tôi)
Cảm ơn
em đã truyền lửa cho anh,
Để năm
tháng không trở thành băng giá,
Để khổ
đau không quật anh gục ngã.
Anh như
cây trơ trọi giữa mùa đông,
Xơ xác
lá, toác cành, trốc rễ,
Em
lặng lẽ làm mưa, dịu nhẹ.
Sẽ ra
sao cuộc đời anh, em nhỉ,
Nếu
không em làm điểm tựa tháng ngày?
Xin
cảm tạ trái tim em tri kỷ,
Đã
cùng anh san sẻ mọi đắng cay.
Em
thân yêu! – Em là Ngôi sao biếc,
Dẫn
anh qua sa mạc mịt mùng,
Để sớm
mai nay bất ngờ nắng rạng,
Anh
được bàng hoàng, ngơ ngác trước dòng sông…
1990.
Các nhà thơ viết thơ cho tình nhân nhiều
lắm, những bài thơ đẹp như áng mây trời nhưng viết về vợ và gọi vợ là ngôi sao
biếc như thế này thì thật hiếm hoi. Và người phụ nữ như chị Tâm sẵn sàng đổi cả
đời mình để yêu anh chắc cũng hoàn toàn mãn nguyện. Cái cách thi nhân trả nghĩa
cho vợ khôn khéo làm sao.
Hoàng Cát không chỉ viết thơ tình, anh
viết thơ tặng bạn bè, con gái, các cháu. Bài nào cũng đầy yêu thương từ một
người đã trải qua bao nhiêu biến động của cuộc đời, nên hạnh phúc với cháu con
anh yêu quý vô bờ:
Cháu
về bên nội cuối tuần,
Mà ông
đã nhớ bần thần cháu ơi!
Ông
như nghe tiếng cháu cười
Và
nghe cả tiếng cháu vòi vĩnh yêu;
Nhà
ông bỗng trống ra nhiều,
Sân
vườn càng rộng, vắng teo – thật buồn!
(Cháu về bên nội – Thanh thản – Nhà xuất
bản Hội Nhà Văn)
Ông sẽ
hoá thành hoa, cho cháu hái
Hoá
thành kem, cho cháu buổi chiều hè
Hoá
chăn ấm đêm đông, cho cháu cuộn
Hoá êm
đềm – tay mẹ cháu vuốt ve!...
(Là thi sỹ – Thanh thản – Nhà xuất bản Hội
Nhà Văn)
Anh luôn nói rằng anh sung sướng, anh mãn
nguyện, anh hạnh phúc nhưng đến bao giờ ký ức của những ngày cơ cực mới vĩnh
viễn rời xa. Anh đã đạt được cái ước nguyện lớn nhất của đời mình là trở thành
thi nhân. Tuổi già anh có niềm vui chơi đùa cũng các cháu, vậy là thanh thản.
Anh cũng thật may mắn có những người bạn luôn luôn là chỗ dựa cho anh cả vật
chất lẫn tinh thần như các anh Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Trần Quang Đạo….
Âu đó cũng là cuộc đời trả nghĩa cho anh.
Đã bao lần cận kề với cái chết anh dường
như đã chuẩn bị cho sự ra đi của chính mình. Anh viết lời tạ từ, lời chào bè
bạn:
Thì
hãy sống
Như là
Nắng sớm
Như là
Hoa chớm nở
Như là
Hương;
Như nụ
cười
Trong
vòng ôm bè ban:
Như
bữa cơm chiều bên cháu bên con
(Chết – Thanh thản – Nhà xuất bản Hội Nhà
Văn)
Cuộc đời Hoàng Cát với bao nhiêu là thăng
trầm như vậy nhưng cuối đời ước nguyện của anh trở thành văn nhân, thi sỹ đã
toại nguyện. Đôi khi tôi cứ tự hỏi nếu không có Cây táo ông Lành thì liệu có
một Hoàng Cát – Thi nhân ngày nay hay không?. Con người đã trải qua tôi luyện
đã trở nên cứng rắn, vượt quá mọi trớ trêu của số phận, tôi luyện nên một bản
lĩnh văn nhân, để rồi thanh thản vì đã sống hết mình, yêu hết mình và vắt kiệt
hết mình cho những vần thơ. Tôi rất thích bài thơ:
MỖI BÌNH MINH
Mỗi
bình minh thức dậy với mặt trời
Ta lai
thấy một chùm hoa khế nở
Màu
tím biếc như sắc trời chớm mở
Gió
dịu dàng hôn lên chùm hoa
Ta
biết rằng ta sắp sửa đi xa
Xa mãi
mãi vào vô cùng vô tận
Khế
vẫn nở hoa – trước hiên nhà mỗi sớm
Lũ
chim trời vẫn về đây ríu ran
Là thi
nhân – ta yêu hoa vô vàn
Yêu
cuộc sống gia đình
Yêu bè
bạn
Yêu
cháu, thương con
Như là
Ánh sáng
Trước
mỗi bình minh
Ta vẫn
tự yêu mình
Giờ
trái tim bỗng trở chứng – mong manh
Có thể
vỡ bất kỳ trong khoảnh khắc
Trước
mỗi ban mai ta càng yêu da diết
Cuộc
đời ơi!
NGƯỜI
ĐẸP đến thắt lòng!...
Những lần trò chuyện với anh, cuộc đời
Hoàng Cát như một thước phim quay chậm lại trước mắt tôi. Có thể nói rằng tôi
đã may mắn đã được gặp một thi nhân Việt Nam, mà sau này sẽ còn có nhiều người
viết về thi nhân Hoàng Cát như một huyền thoại văn học, được anh coi là một
người em, một người bạn văn chương.
Anh đã dạy tôi rằng cuộc đời không phải
lúc nào cũng như ta mong muốn, nhưng không được phép gục ngã trong bất kỳ hoàn
cảnh nào cho tới khi đến đích. Có gặp khó khăn mới trở thành người từng trải,
có yêu thương mới hiểu làm sao người ta có thể nhớ đến cháy lòng.
Và hôm nay thi nhân Hoàng Cát, người thơ
ấy đã thực sự bay về miền thanh thản, vui đùa với gió với mây, gặp lại những
tri âm của ông như cố thi sỹ Xuân Diệu, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả Đoàn
Văn Huyến và rất nhiều những tên tuổi nổi như cồn trong làng văn học Việt Nam.
Thương tiếc anh, tôi đặt bút viết dòng chữ
đầu tiên trong bài viết này “Hoàng Cát – cuộc đời của một thi nhân “
---------
Nguồn:https://www.facebook.com/100002120277604/posts/7810044705742794/
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Anh Tuyến0
- Các bài viết của
(về) tác giả Vũ Thị Hương Mai0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trịnh Thị Nhâm0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Khôi0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Toàn Thắng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Thanh Lâm0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Xuân Dương0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Đăng Hành0
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Đinh Như Quang giới thiệu
Tác giả: Nguyệt Vũ -
nguồn: facebook
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét