CỦA THAI SẮC
NGỦ Ở QUÊ
Về quê ngủ giấc trong
veo
Đêm gột sạch những bọt
bèo cặn tâm
Vườn khuya như một xứ
câm
Ôm ta lặng giữa âm thầm
đất xưa
Về quê ngủ mấy cho bưa
Bờ sông nghiêng sóng
nhặt thưa ru về
Ta nằm lọt giữa bốn bề
Thiêng liêng tiếng vọng
hồn quê dâng đầy
Về quê ngủ dưới tình
cây
Lá hiền thanh lọc tháng
ngày bụi chan
Vạc sành gọi vách đêm
tan
Ta nghe giai điệu thời
gian rụng buồn
Về quê ngủ phía cội
nguồn
Tóc phai từng phiến
lặng tuôn sáng bừng
Giường bên nhiều tiếng
lật lưng
Mẹ nằm trong cõi vô
chừng thực hư
Về quê ngủ thực đó ư
Mà sao mắt cứ thức như
sao trời
Đất hiền trọn những
kiếp người
Từng đêm ru nặng đầy
vơi nỗi niềm.
*.
THAI SẮC
LỜI BÌNH(Tác giả Hà Huy Hoàng)
Lần đầu tiên tôi được
biết đến người thi sĩ với bút danh Thai Sắc, và được đọc thơ của ông trên Tuần
báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh là năm 1993 khi tôi hành nghề... bán hủ tíu
gõ ở Sài Gòn. Chùm thơ với 3 bài khá hay và ấn tượng: "Khúc Luân Vũ",
"Hoa Vùng Vằng" và "Thi Sĩ Chí Phèo".
Mãi sau này tôi mới
được biết thi sĩ là Chuyên viên của Sở Giáo dục Đào tạo Đồng Tháp, là Thầy của
các bạn thơ tôi tại xứ sở thơm ngát hương sen này.
Và hôm nay, tình cờ qua
một nữ nhà thơ xinh đẹp, bạn tôi, tôi lại được đọc bài thơ "Ngủ Ở
Quê" của ông. Bài thơ được viết ở thể thơ lục bát thật hay và điêu
luyện.
"Ngủ Ở Quê"
đã làm cho tôi... mất ngủ một đêm vì xúc động. Và tôi lặng lẽ cảm thấu, trải
nghiệm cùng thi nhân về một đêm "ngủ ở quê" sau bao ngày xa
cách, cảm giác của ta nó sẽ thế nào:
"Về
quê ngủ giấc trong veo
Đêm gột
sạch những bọt bèo cặn tâm
Vườn
khuya như một xứ câm
Ôm ta
lặng giữa âm thầm đất xưa"
Vâng, là người con của
quê hương Quảng Bình yêu dấu, sau bao năm sống ly hương, lập nghiệp tại vùng
đất phương Nam, thi sĩ đã có một chuyến hành hương về thăm quê, và quê hương
yêu thương đã ban tặng cho đứa con ở xa những giấc ngủ "trong veo"
không muộn phiền, vẩn đục. Những giấc ngủ được gột rửa mọi bụi bặm, thị phi và
sân si bởi cuộc làm người. Mà những bụi bặm, sân si và thị phi nếu không là
"cặn tâm" thì sẽ là gì?
Hỏi như thế để chúng ta
thấy rằng thi sĩ dùng từ "cặn tâm" ở đây sao mà hay, sao mà đắc địa
đến không ngờ.
Ngủ ở quê là ngủ trong
vòng tay của mẹ, của quê hương. Đêm lặng lẽ, thanh vắng "như một xứ câm"
còn gì thích, còn gì sướng bằng nào:
"Về
quê ngủ mấy cho bưa
Bờ sông
nghiêng sóng nhặt thưa ru về
Ta nằm
lọt giữa bốn bề
Thiêng
liêng vọng tiếng hồn quê dâng đầy"
Con sông Nhật Lệ huyền
thoại đã chảy vào thơ, đã lưu dấu và để lại trong ta biết bao vần thơ mê đắm,
yêu thương đến nghẹn ngào của bao thi nhân, bao đứa con của vùng đất thiêng
liêng này: Hàn Mặc Tử, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Trần Quang Đạo, Hoàng Vũ
Thuật..., và một Thai Sắc rất đỗi tài hoa.
Cái "bờ sông
nghiêng sóng" cũng khiến cho ta liên tưởng đến con sông Đuống nghiêng
nghiêng trong thơ của thi sĩ Hoàng Cầm. Chỉ có thi sĩ mới nhìn, mới cảm nhận
được sông nghiêng, sóng nghiêng chứ một nhà doanh nghiệp, một tỉ phú tầm cỡ như
ông Phạm Nhật Vượng kia cũng chả thế nào nhìn thấy được.
Với thơ, có vô vàn cái
vô lý nhưng bỗng dưng có lý, đầy thuyết phục, là như thế!
Kể ra, được làm thi sĩ
dẫu có nghèo đi chăng nữa cũng thú vị, cũng phê quá đi chứ, phải không nào?
Ngủ ở quê, trong tâm
thức của thi nhân nghe tiếng vọng của hồn quê xao xác, nghe tiếng vạc sành khắc
khoải trong khuya, nghe tiếng lật lưng ở những giường bên của những người thân
yêu, ruột thịt. Và mẹ, mẹ ơi sao con dường như thấy mẹ cứ hư hư thực thực trong
cõi đời này. Phải chăng, dù mẹ đang còn hiện hữu ở trần gian hay mai kia mốt nọ
mẹ về bên kia thế giới, con vẫn luôn thấy mẹ trong đời, hồn mẹ cứ âm thầm lẩn
quất bên con?
"Mẹ nằm trong
cõi vô chừng thực hư" - câu thơ không hề có từ "thương"
từ "yêu"... gì cả, nhưng ta vẫn dễ dàng cảm nhận thi sĩ thương
mẹ biết nhường nào. Lòng ta bỗng xúc động cùng người con đang "ngủ ở
quê".
Khổ kết của bài thơ, tứ
thơ bỗng dưng đảo chiều đột ngột, tạo hiệu ứng nghệ thuật thật ngoạn mục, bất
ngờ:
"Về
quê ngủ thực đó ư
Mà sao
mắt cứ thức như sao trời
Đất
hiền trọn những kiếp người
Từng
đêm ru nặng đầy vơi nỗi niềm"
Thì ra, mặc dù "ngủ
ở quê" nhưng thi nhân nào có ngủ được đâu, mắt người vẫn cứ "thức
như sao trời", lạ nhỉ? Dù người thơ không nói ra, nhưng dường như ta
thấy rõ mồn một đôi mắt người đang nhòa lệ. Người lặng lẽ nghe "điệu
thời gian rụng buồn" trong bao nỗi nhớ thương...
Vì sao người thi sĩ yêu
dấu của chúng ta "ngủ ở quê" mà hồn vẫn thức, vẫn nghe được
bao thanh âm thực thực hư hư?
À phải rồi, đơn giản vì
thi nhân là người nặng lòng với quê và yêu quê da diết. Ôi, những ngày "ngủ
ở quê", quê hương ơi cho con được thức trọn bên Người: thức cùng con
sông Nhật Lệ, thức cùng mẹ, thức với Mai Thủy, Lệ Thủy, thức với Quảng Bình
ngàn năm thương nhớ khôn nguôi...
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê bình, cảm
nhận thơ0
- Các bài viết về Chuyện
làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm
nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận
thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:
*.
Quảng Ngãi, 12/05/2022
HÀ HUY HOÀNG
Địa chỉ: Thôn Nga Mân, xã
Phổ Cường,
huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng
Ngãi.
Điện thoại: 098 328 26
79
.............................................................................................................
- Cập nhật nguyên bản từ
sách tác giả gửi tặng tháng 10 năm 2023.
- Ảnh dùng minh họa cho
bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét