VÀI LỜI CÓP NHẶT DÔNG DÀI VỀ CỤ PHAN KHÔI - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nhà văn, nhà báo PHAN KHÔI
Ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 ở Quảng Nam
Mất ngày 16 tháng 01 năm 1959 tại Hà Nội.)
VÀI LỜI CÓP NHẶT DÔNG DÀI
VỀ CỤ PHAN KHÔI
*
Ngày 19/ 3/ 2016,  bác Nguyễn Khôi chuyển cho từ Mayhoanghon mail bài viết. Đọc xong, tôi xin thưa các bác:
Viết về cụ Phan Khôi, nếu chỉ nói: Phan Khôi, Nhà văn, nhà báo, nhà lý luận xuất sắc thì bài của Huyền Viêm là một bản tóm tắt khá gọn và tạm coi là đầy đủ cho những người đọc bình dân. Nhưng nói về cuộc đời của cụ Phan Khôi thì phầnPhan Khôi rời bỏ cõi trần chỉ với 199 chữ là quá sơ lược, không đem lại hiểu biết và cảm xúc gì cho những người đọc ngày nay đối với một nhân vật mà như chính Huyền Viêm đã nói “Cuộc đời của Phan Khôi gặp nhiều lao đao lận đận cho đến lúc lìa đời”. Bây giờ, nếu có một việc làm để tỏ lòng thành kính trước vong linh cụ Phan Khôi, thiết tưởng cần mạnh dạn nói thẳng nói thật về việc cụ bị đày ải, bôi nhọ cho đến lúc lìa đời ra sao.
Tôi có thói quen đọc được gì, nghe được gì, thấy sợ quên thì lưu
(Tác giả Nguyễn Bàng)
lại
 trong mục cá nhân: CÓP NHẶT DÔNG DÀI. Nhiều bài viết, nhiều thiên hồi ký, nhiều cuộc phỏng vấn về chuyện cụ Phan Khôi đã được đăng tải trên báo hoặc trên các trang mạng, thiết tưởng không cần phải sao lục lại cho bận mắt mọi người. Tiện đây, chỉ xin trích lại một số đoạn đã cóp nhặt được mà tôi cho là cần thiết để nhớ lại một thời xa vắng về cụ Phan Khôi.
1/ Trần Duy, họa sĩ đã tham gia phong trào Nhân Văn- Giai Phẩm, Làm thư ký tòa soạn báo Nhân Văn, sau đó bị kỷ luật đình chỉ công tác. Trong cuốn Hồi ký Cha tôi - Họa sĩ Trần Duy mới công bố năm 2015, kiến trúc sư Trần Yên Nguyên, con gái họa sĩ Trần Duy, có đoạn:
Tôi đã được gặp cố nhà văn Phan Khôi có lẽ là cuối 1955 đầu 1956 ở xưởng vẽ của bố thuê ở 55 Trần Quốc Toản, khi đó chỉ nhớ ông cho tôi cái bút nguyên tử (có lẽ là bút bi) thích lắm cứ hí hoáy vẽ mãi bằng cây bút đó - Nhưng thú thật khi đó còn quá nhỏ nên tôi ít có ấn tượng về Ông, mãi cho tới năm 2007 Bố viết bản thảo đưa tôi đánh máy giúp bố: “Tưởng niệm về nhà văn Phan Khôi” tôi mới biết cụ Phan Khôi có ảnh hưởng rất lớn với bố tôi. Ông vô cùng kính trọng cụ Phan Khôi, bao năm nay bố tôi vẫn đau đáu về nỗi oan khiên của cụ Phan. Bố viết: “Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất đời ông vẫn chưa có người giải!”.
Cũng Trần Yên Nguyên viết về bố mình với bác Phan Khôi những ngày ở cùng lán thời kháng chiến chống Pháp:
Bố tôi kể: Có hôm bố tôi sốt, nằm bẹp mấy ngày liền, có thể là sốt rét, ông Phan Khôi tỏ vẻ lo lắng vì mấy ngày liền bố tôi không ăn uống gì. Ông chép miệng:
- Nếu có một ít đường pha với chanh uống thì tốt.
Nhưng khi ấy lấy đâu ra đường và chanh! Suốt ngày hôm ấy bố tôi nằm liệt cho tới sẫm tối mới tỉnh. Thấy ông Phan Khôi đi từ bếp lên bưng một cái bát – ông bảo bố tôi:
- Phở Đất đó - cố gắng ăn đi.
Ông chủ hàng phở ở Tuyên Quang tên là “Đất” nổi tiếng vì bán một thứ canh bánh đa khô, thêm một ít thịt gà hoặc thịt lợn, ông Phan cười:
- Phải lấy một cái ống nứa để đựng nước phở! Vì tên gọi là phở thì cứ phải ăn như ăn phở!
Bố tôi vẫn biết, ông Phan không có tiền và nếu có ông cũng không bao giờ cho ai vay mượn, ông không làm phiền ai và cũng không bao giờ muốn ai làm phiền mình nếu không có gì cần thiết, và cũng từ ngày ấy bố tôi đã nợ ông một món nợ ân tình khó trả.
Còn  họa sĩ Trần Duy, sau khi bị kỷ luật đình chỉ công tác, không công ăn việc làm, không nhà cửa, thì con gái ông kể lại:
Tôi nhớ buổi tối hôm đó trong nhà các cậu và các dì tôi nói chuyện to tiếng ồn ào lắm, có vẻ là đuổi bố tôi, vì nói là “phản động” về ở ảnh hưởng gia đình, và bắt mẹ tôi phải ly dị với bố. May sao ông ngoại tôi là một người rất thấu tình, Ông rất thương bố mẹ tôi, sau này nghe bố mẹ kể hôm đó ông nói: “Ở được với nhau hay không ở được với nhau là việc của Duy và Tuyết, cả nhà không nên áp đặt”.Và thế là may mắn gập được người bố vợ tốt bụng đồng ý cho bố tôi “chui gầm chạn” là căn gác nhỏ 18m2 nhà 62 Khâm Thiên - là nhà của ông bà ngoại cho chúng tôi ở nhờ - gian nhà chất chứa bao kỷ niệm buồn vui của gia đình mà mới đây bố tôi đã thanh thản trút hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.
2/ Và đây là lời của chính Trần Duy viết về Phan Khôi sau những ngày ấy:
"Cũng từ dạo ấy, tôi thấy sức khoẻ của ông Phan Khôi sa sút. Có lúc thấy ông đi không vững. Có lúc thấy ông khó thở. Ông nói với tôi ông bị sốt thường xuyên, xin được đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy giới thiệu. Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo.
Người này quát lớn:
"Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!"
Vợ ông, bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói:"Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!" ( Tưởng niệm về Phan Khôi)
Bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, Phan Khôi dọn về số 10 Nguyễn Thượng Hiền, rồi 73 Phố Thuốc Bắc và mất ở căn nhà này. Về cái chết và đám ma của cụ, xin đọc Cát bụi chân ai của Tô Hoài, Hồi ký của Lâm Bích Thủy, con gái nhà thơ Yến Lan, người một thời đã cùng gia đình ở kề vách gia đình cụ Phan ở 73 Phố Thuốc Bắc và những bài viết của chính các con cụ Phan như Phan Cừ, Phan An, Phan Thị Thái, Phan An Sa…
Phần tôi, xin chỉ chép lại mấy mục nhỏ sau đây:

1/ PHAN KHÔI BỊ NÉM ĐÁ HỘI ĐỒNG:
Cụ Phan Khôi bị bôi nhọ một cách bỉ ổi. Sự bôi nhọ Phan Khôi được chuẩn bị một cách hệ thống, chắc chắn phải do lệnh từ trên cao nhất của lãnh đạo. Phan Khôi bị nện bằng đủ mọi cách, bằng những bịa đặt rất là bẩn thỉu, để chứng minh rằng ngay từ khi còn thiếu niên, Phan Khôi đã là người không ra gì. Chiến dịch này dùng những học giả, nhà văn, nhà báo lão thành như Hồng Quảng, Nguyến Đổng Chi, Nguyễn Công Hoan, Phùng Bảo Thạch, Trần Văn Giáp… trong đó ta thấy có người nổi tiếng có cá tính bướng bỉnh và có tinh thần phê phán rất ghê gớm như Nguyễn Công Hoan.
Xin không nhắc lại từng lời bôi nhọ của các nhà kể trên. Chỉ xin trích lại ít lời của Nguyễn Huệ Chi, con trai học giả Nguyễn Đổng Chi viết về hậu trưòng của một thời đại đen tối mà chính phụ thân ông đã bị người ta đặt cục đá vào tay và bắt phải đánh hôi Phan Khôi ra sao.
Nguyễn Huệ Chi tự giới thiệu về tình cảm bố con của mình:
Tức là kể từ thuở tôi còn là sinh viên, tôi và ông bố của tôi đã đối xử với nhau như bạn bè, có gì trong học thuật cũng trao đổi với nhau…”
Rồi kể lai:
Thời kỳ ấy, tôi nhớ vào khoảng tháng 3 năm 1958, hai bố con tôi, nhân ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi, từ Ô Đống Mác đi lên Tràng Tiền. Đến ngã tư Tràng Tiền, rẽ về phía Nhà Hát Lớn, tới gần hiệu Bodéga, nhìn thấy hai bên đường có những tờ báo treo thòng xuống, vì ở đấy có chỗ bán sách báo, thì ông ấy hình như sực nhớ lại, mới nói với tôi thế này: "Ông Liệu, - tức là nhà sử học Trần Huy Liệu, thủ trưởng của bố tôi, Trưởng ban nghiên cứu Văn sử địa lúc bấy giờ -, ông Liệu có nói với bố là: Phan Khôi thì rõ là sai rồi, bởi vì tự dưng lại đứng ra làm Chủ nhiệm báo "Nhân Văn", để cho những anh em trẻ nhân danh đòi tự do cho văn nghệ mà thoát ly đường lối lãnh đạo của Đảng, cho nên Phan Khôi phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Thế nhưng đối xử với Phan Khôi như thế là không được, như thế là nặng, bởi vì Phan Khôi là một học giả nổi tiếng và là một trí thức lão thành, không thể đánh đồng với những người khác". Tôi nghe bố tôi nói vậy, cũng chỉ biết vậy. Rồi hai bố con đi trở về.
Nhưng sau đó khoảng chưa đầy một tháng, tự nhiên một hôm bố tôi đi làm về, buổi chiều tôi nhận thấy ông có một thái độ lặng lẽ khác thường, đi đi lại lại trên sân đình (hồi ấy chúng tôi còn phải ở nhờ một túp lều dột nát bên cạnh đình An Cư trong xóm Thanh Nhàn, trời mưa thì nước giọt tứ tung, và ban ngày tối như hũ nút và chật chội, đến nỗi hầu như cả nhà phải thường xuyên "tản cư"  lên sinh hoạt tạm trên hè và sân đình) mà không nói gì. Tôi mới hỏi: hôm nay có chuyện gì mà bố có vẻ ưu tư thế? Bố tôi đáp: Bố mới nhận được một nhiệm vụ khó nghĩ quá. Tôi hỏi việc gì. Ông nói: Phải phê phán Phan Khôi. Tôi nghe hơi ngạc nhiên, bèn nói: Ủa, thế hôm trước bố đã nói thế rồi cơ mà? - Nhưng hôm nay thì yêu cầu đặt ra là tờ tập san Văn sử địa phải có một bài phê phán Phan Khôi mà bố được lãnh cái trách nhiệm ấy.
 Vài hôm sau thì thấy bố tôi bắt đầu đi thư viện, đi lục lọi, sưu tầm ở thư viện rất miệt mài. Và độ chừng 15 ngày sau nữa thì nghe bố tôi bảo: "Bố sẽ cố gắng chỉ nói về Phan Khôi trong giai đoạn từ 1945 về trước thôi. Còn giai đoạn sau, bố không nói, bởi vì xem ra, những bài ông ấy viết trên các tờ "Giai Phẩm", tờ "Nhân Văn", thì không có gì để nói được, là bởi vì ông ấy phê phán lãnh đạo văn nghệ, mà việc ông ấy phê phán một cái tập thể đứng ra thẩm định giải thưởng, đồng thời lại đưa tác phẩm vào để xin được trao giải, thế thì cái tập thể ấy có còn đạt được tiêu chuẩn gì gọi là dân chủ, gọi là công bằng nữa hay không? Thì bố thấy ông Phan Khôi nói chuyện ấy rõ là được chứ. Cho nên bố chỉ khoanh lại, nói về ông ấy từ 45 trở về trước cho tiện". Sau đó thì bố tôi bắt đầu viết và tôi cũng tin là bố tôi sẽ nói một cách chừng mực thôi. Nhưng khi bài viết xong, đưa cho tôi, phải nói tôi có hơi choáng người, vì những lời lẽ ông ấy viết rất nặng. Nhưng vì kính trọng bố cho nên tôi không nói gì, vả chăng lúc bấy giờ tôi cũng nghĩ là Phan Khôi sai, tuy rằng thật tình tôi chưa biết nhiều lắm về cụ Phan Khôi, nhưng tôi vẫn nghĩ là cụ Phan Khôi sai lầm, cho nên bố tôi đã nói thế chắc là phải đúng.
 … Thế mãi về sau, hai bố con không nói với nhau về chuyện ấy nữa. Nhưng có một lần nhân câu chuyện gì đó bố tôi có nói lại là: "Bố ân hận quá, đã nói những chuyện không đúng về cụ Phan Khôi, bởi vì cụ Phan Khôi từ trước Cách mạng đã được dư luận coi là Ngự sử văn đàn, là một người rắn rỏi, cứng cỏi, thẳng thắn. Ngay với chính quyền Pháp từ thập kỷ XX ông ấy đã dám nêu lên nhiều vấn đề xã hội, chính sách cai trị của họ mà không sợ. Cho nên những điều ông ấy viết bao giờ cũng có tính chất đối thoại với người khác. Mà đối thoại chính là cái biểu hiệu của sự dân chủ. Vì thế mà bố nghĩ, bố đã phê phán trúng vào chỗ đó chính là bố đã theo đuôi để góp phần đưa đến không khí mất dân chủ trong cái bài của bố."Bố tôi chỉ nói một lời ngắn gọn như thế rồi trầm ngâm rất lâu.
Mãi cho đến trước khi mất, tức là năm 1984, cụ Nguyễn Đổng Chi mới dặn người con:
"Sau này nếu có điều kiện thì con cố gắng làm thế nào sửa được cái sai lầm của bố".    
Và đây là cảm nhận cùng sự thực thi của ông Nguyễn Huệ Chi về lời căn dặn đó của của bố ông:
Quả thật về sau tôi càng ngày càng thấy là những điều bố tôi nói rất đúng, và sự ân hận của ông là sự ân hận của một người có lương tri, có tư cách của một trí thức. Gần đây có nhiều người gợi ý nên làm toàn tập cho bố, rất nhiều chứ không phải ít, nhưng tôi chỉ cười mà không nói gì, bởi vì tôi nghĩ rằng chưa thể làm được. Vì làm toàn tập thì nhất định là phải đưa hết các bài nghiên cứu của ông ấy vào dù hay dù dở, mà trong đó lại có một bài không vẻ vang gì cho bố tôi cả, là bài phê phán cụ Phan Khôi. Nhưng rất tiếc là... bài ấy đã được in ra trên giấy trắng mực đen. Đó là bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích, trên tập san Văn Sử Địa, số 41, tháng 6 năm 1958. Tôi không giấu giếm ai hết, mà xin nói rõ xuất xứ như thế, để bạn đọc thấy cái bài đó đã làm cho bố chúng tôi xấu hổ như thế nào. Cũng gần đây, trong thời gian biên tập bộ Từ điển Văn học-bộ mới, có nhận lời ủy thác của người bạn quá cố là anh Văn Tâm - một người cũng lao đao trong thời Nhân văn-Giai phẩm - tôi đã bổ sung và chỉnh sửa lại mục từ "Phan Khôi" do Văn Tâm viết từ nhiều năm về trước; về sau, anh Văn Tâm rất muốn sửa mục từ ấy đi, cho đúng thực chất, giá trị của đối tượng mình viết, nhưng bệnh tật khiến anh không làm được việc ấy nữa, nên anh ủy thác cho tôi. Tuy rằng nhận lời ủy thác của anh, nhưng trong thâm tâm chính là tôi muốn thực hiện cái di chúc của bố tôi để rửa mối nhục mà chính bố tôi đã tự gây cho mình.
Chỉ một số lời của Nguyễn Huệ Chi như trên ta thấy cái chiến dịch bôi nhọ Phan Khôi đã cuốn theo rất nhiều người có danh có giá nhưng vì sợ hãi đã bán danh ba đồng để lao vào đánh hôi kẻ bị người ta lu loa là phản động.

2/ MỘT  NGƯỜI KHÔNG NÉM ĐÁ NHƯNG PHẢI GIẢ CÂM GIẢ ĐIẾC
Đó là Vũ Ngọc Phan, một học giả danh giá từ thời còn trẻ với bộ Nhà Văn hiện đại đồ sộ 1650 trang.
Những năm cuối đời, có đủ thì giờ, ông Vũ Ngọc Phan viết hồi ký rất tường tận. Trong cuốn Những Năm Tháng Ấy, ông dành riêng gần 100 trang để tả lại cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ông được gặp người yêu của ông và sau ông cưới làm vợ. Đó là cô Hằng Phương mà Vũ Ngọc Phan đã gọi là: “Hằng Phương, Mỵ Cơ của lòng tôi".
Giờ trong cuốn hồi ký, ông kể về cô gái đẹp như tiên, ông tả Hằng Phương tóc dài mượt. Cái gì cũng đẹp cả. Nhưng bố cô Hằng Phương là ai? Đọc hết cả tập hồi ký 432 trang, người đọc vẫn không biết ông ấy tên là gì!
Bởi vì, ông ấy là nhà văn Sở Cuồng, tên thật là Lê Dư, một thời làm chủ bút, giữ phần Hán văn của Nam Phong cho Phạm Quỳnh, người đã bị Việt Minh bắt giam ngày 23 tháng 8 năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế rồi bị giết sau đó cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi).
Và chính vì thế, sau khi Cộng Sản lên cầm quyền, Lê Dư bị coi gần như là một người phản cách mạng. Phần nữa, vợ ông Lê Dư tức bà mẹ cô Hằng Phương vợ của Vũ Ngọc Phan là em ruột cụ Phan Khôi.
Cho nên Lê Dư cũng bị một số phận - tuy không nặng bằng Phan Khôi, nhưng cũng gần như thế. Điều ấy khiến Vũ Ngọc Phan vốn luôn tiềm ẩn nỗi sợ hãi, mặc dù Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã qua đi 30 năm mà trong cuốn hồi ký của mình,suốt mấy chục trang nói về ông bố của người con gái mà mình sắp đến xin cưới, không dám nói tên là Lê Dư  mà chỉ nói khơi khơi ông cụ làm ở Bác cổ!
Cũng trong cuốn hồi ký đó, khi phải nói về tên ông ngoại của vợ mình, tức cụ thân sinh ra Phan Khôi, bác ruột của Hằng Phương, Vũ Ngọc Phan cứ gọi cụ là cụ Phan Trần khi tên cụ là Phan Trân! Đây không phải là lỗi của thằng đánh máy mà là sự cố ý cũng bởi vì nỗi sợ hãi!
Sau khi dẹp xong Nhân Văn, Giai Phẩm,  Hội Nhà Văn chấn chỉnh nội bộ, triệu tập một cuộc họp ở ấp Thái Hà để thảo luận và kiểm điểm. Tô Hoài viết về cuộc họp dài ngày này:
Cái tổ 18 có Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân và một số nhà văn vững vàng làm nòng cốt. Trêu ngươi ai , Kim Lân lại mới in truyện ngắn Con Chó Xãu Xí. Con chó cũng như con hổ hiền lành, không ai tin con chó chỉ là con chó, lại xấu xí nữa. Nguyễn Huy Tưởng đã về làm nhà xuất bản Kim Đồng. Đương bi tơi bời kiểm tra nhau mấy cái bản thảo, trong có truyện đồng thoại ao cá ao rùa chi chi của Sao Mai, lại con cá, con rùa, con ba ba, lắm con quá. Cũng chẳng ai bảo người vào tổ 18 ấy là một bọn hay khác cánh, nhưng cứ ang áng biết thế (Cát Bụi Chân ai).
Giờ các ông Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan cũng đã rời cõi tạm như cụ Phan. Không ai trách cứ các ông là hèn nhát vì cái thời nó thế, cái thời mà không ai tin con chó chỉ là con chó, lại xấu xí nữa,…, lại con cá, con rùa, con ba ba, lắm con quá!

3/NHỮNG MẨU CHUYỆN ĐỒN ĐẠI TRONG DÂN GIAN:
Sau năm 1954, nhiều cán bộ làm công tác văn hóa của Sở Văn hóa Hà Nội chưa có gia đình và không có nhà riêng được bố trí ở dưới tầng hầm của văn phòng sở (47 phố Hàng Dầu). Do số người sống tại tập thể hầm tăng lên nên lãnh đạo sở lúc đó quyết định thành lập "Khu tập thể đền Ngọc Sơn". Nó là một căn phòng rộng chừng hơn chục thước, trước đó người ta dùng làm nơi ngồi chờ cho những người đến đây rút quẻ xem bói.
Sau này một số nhà văn bị cất bút, không đất sống cũng đến đền Ngọc Sơn tá túc nắng mưa qua ngày như  Hoàng Công Khanh, nạn nhân của vụ Nhân văn giai phẩm sau khi ra tù phải đi làm thợ mộc rong, cực nhọc với công việc tay chân hay Nguyễn Dậu sau sự kiện Mở hầm phải chuyển sang nghề cúp tóc ở đền Ngọc Sơn, hồ Gươm, có khi thay tên đổi dạng thành một thầy lang đi bắt mạch, bốc thuốc ở các vùng quê…
Tôi có một thời kiếm sống bằng công việc bốc nứa ngoài sông Hồng Hà Nội, chiều tối thường lê la ở gần khu tập thể đền Ngọc Sơn để hóng chuyện của các ông văn nghệ sĩ dưới đáy thời ấy.
Một lần tôi nghe thấy một người nói:
Riêng cụ Phan Khôi, bản thân bị đày ải, bôi nhọ cho đến chết. Đau nhất là đứa con trai bất hiếu của cụ là Phan Thao, đã "đấu bố" đúng tinh thần "con người xã hội chủ nghĩa" nên vẫn là đảng viên cộng sản lại còn được làm tổng biên tập báo Thống Nhất. Nhưng một hôm Phan Thao đi làm về qua hồ Thuyền Cuông thì tự nhiên ngã xuống lè lưỡi, trợn mắt mà chết. Dân Hà-nội thì kháo nhau đó là hồn cụ Phan Khôi bóp cổ cho chết đứa con bất hiếu.
Rồi một người khác tiếp lời:
 Cụ bà Phan Khôi tuy không viết một chữ nào về văn nghệ nhưng sau đó làm việc phục vụ nước nôi, quét dọn văn phòng cho các ông quan văn nghệ trong đó cóBảo Định Giang tập kết ra Bắc được cung cấp đầy đủ từ nhà ở, điện, nước cho đến giường nằm, tủ quần áo, xe công máy thu thanh. Bảo Định Giang giờ thôi làm thơ mà cả ngày viết báo cáo "đồng kính gửi" Tố Hữu và Dương Thông về thái độ của từng văn nghệ sỹ "khả nghi". Ông ta lưu ý cấp trên đến cả việc Nguyễn Tuân vắng mặt trong ngày "viếng" đại tướng Nguyễn Chí Thanh là biểu hiện cụ thể của hành động "chống đảng
Một ông hỏi bâng quơ:
Trông cụ Phan Khôi giông giống cụ Hồ. Hay vì giống cụ Hồ mà cụ Phan mới nên nỗi?
Một ông khác nói không hẳn là để trả lời:
Cụ Phan Khôi lớn tuổi hơn cụ Hồ mà lại có uy tín thì xem như gặp hạn rồi..
Thời ấy, tôi chưa một lần được gặp cụ Phan Khôi mà ảnh cụ cũng xuất hiện không nhiều trên báo chí nên không có cảm nghĩ gì.

4/ LỜI KẾT:
Gần đây được xem nhiều bức chân dung cụ Phan Khôi ở nhiều nơi nhiều lúc khác nhau, tôi thấy họa sĩ Trần Duy viết về sắc diện cụ rất đúng:
Vì tôi làm nghề vẽ, nên nhìn người thiên về cái đẹp của sắc diện, do đó tôi nhìn nét mặt Phan Khôi đẹp như một tác phẩm điêu khắc tạc vào đá, như đồng bộ nói lên cái khí tiết, cái cương nghị, cái quắc thước của con người Phan Khôi, nhưng nếu sống gần ông, vẫn thường nghe tiếng chép miệng, thở dài của một tâm hồn nhậy cảm.
Cóp nhặt đến đây, tôi chợt nhớ lại đám tang cụ Phan Khôi qua lời kể của Tô Hoài trong Cát bụi chân ai: “Đám ma bác Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương - cháu gọi bằng cậu
Một người có nét mặt đẹp như một tác phẩm điêu khắc tạc vào đá như cụ Phan Khôi mà sao đám tang thê thảm thế? Không, chắc hẳn cụ Phan Khôi cũng như Giăng Vangiăng trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo khi nhắm mắt xuôi tay: “Đêm không sao và tối thăm thẳm. Dĩ nhiên trong bóng tối, một thiên thần hùng vĩ đang dang đôi cánh, đón đợi linh hồn ông”!
*
Sài Gòn, 20 Tháng 03.2016
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.







  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 20.03.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét