TÂM THẾ TRƯỚC THẾ SỰ THƠ CA - Tác giả: Trần Quang Quý (Hà Nội)

Leave a Comment

TÂM THẾ TRƯỚC THẾ SỰ THƠ CA

*

(Tác giả Trần Quang Quý)

Tôi nghĩ, chủ đề “Thơ hiện đại Việt Nam nhìn từ miền Trung” là một chủ đề lớn, hàm chứa trong nó hàng loạt những vấn đề từ quá trình phát triển, thành tựu của thơ Việt nhiều thập kỷ qua, những đòi hỏi về thơ với cuộc sống, nhà thơ với sự sáng tạo, đặc biệt là sự đổi mới thi ca đương đại từ sau 1975 đến nay, thực chất là đụng đến những vấn đề vừa tổng thể, vừa cốt lõi của thơ Việt Nam, mà nó cần một sự đánh giá công phu, sâu sắc, khách quan… sau một chặng đường dài của thơ Việt, kể từ Thơ mới 1932 - 1945, nhằm thấy được bản diện của thơ Việt trong quá trình xây dựng, bồi đắp những đặc trưng nghệ thuật, khuynh hướng nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân bản mà thơ đã và đang vươn tới; thực trạng của thơ hôm nay, thơ với công chúng.

Cả thơ Việt trong mối tương quan hội nhập thế giới ra sao, ở thời đại của của hội nhập và toàn cầu hóa, nền thơ Việt cũng có dịp soi nhìn. Và vì vậy, nhân cuộc hội thảo này, cùng chung với nhiều băn khoăn về cách đề cập thế nào về thơ miền Trung, hay thơ Việt nhìn từ miền Trung, và rất cần thời gian để tích hợp và soi chiếu, tôi chỉ muốn nói góc tự sự rất nhỏ của mình trước câu chuyện của thơ hôm nay, chủ yếu là thách thức mà thơ đang phải đối mặt, trên cơ sở sâu chuỗi một số hiện tượng, những gì mà mình biết, mình đọc, và thái độ tiếp nhận của công chúng, do có liên quan đến việc theo dõi công tác nhà văn văn trẻ của Hội, và công việc xuất bản mà nghĩ ngợi, chẳng hạn.

Ai cũng biết, đời sống, kể cả những hiện hữu và cõi huyền vi không chỉ là nguồn gốc xuất sinh mà là mối tương tác, là động lực và mục đích sáng tạo của thi ca. Bầu sinh quyển của thơ, cũng chính là bầu sinh quyển của một thế giới mà tạo hóa đã ban tặng, vừa có nhịp thở riêng vừa hòa khí trong cơ thể thống nhất sự sống, vừa có sự vận động trong qua trình tồn sinh, phát triển. Và đời sống và sự tồn sinh mà thi ca hướng đến ở đây, chính là sự hưởng thụ thi phẩm của người đọc. Vì vậy, sức hút của thi ca với người đọc, sự quan tâm của đọc với thi ca là thước đo giá trị quan trọng nhất của xứ mệnh thơ.

Như trên đã nói, những trở lực, thách thức phải đối mặt của thơ trước hiện tượng ngày càng xa vắng công chúng của mình như thế nào?

 

1. Trông người để ngẫm đến ta:

Không chỉ đến bây giờ, từ vài thập niên trước, bạn đọc thơ giảm sút ở các nước Âu - Mỹ như một tín hiệu báo động trong việc đọc và hưởng thụ thơ trong công chúng. Nghe nói ở Pháp, một trong những hội thụ tinh hoa thơ thế giới nhưng từ lâu rồi, số người yêu thơ, đọc thơ, thông qua số lượng in thi phẩm của các tác giả chỉ còn rất ít. Ngay cả những nhà thơ đoạt giải Nobel, như Wislawa Szymborska, nữ nhà thơ Ba Lan, giải Nobel 1996, tác phẩm thơ của bà cũng chỉ dám in đến vài trăm bản, mặc dù cả sự nghiệp sáng tác thơ của bà suốt 51 năm, kể từ 1945 đến đoạt giải năm 1996 chỉ có chừng hơn hai trăm bài thơ, chứng tỏ bà coi trọng chất lượng thơ và bạn đọc đến mức nào. Bà bảo: “Tôi có một chiếc sọt giác ở trong phòng. Bài thơ viết đêm nay sáng mai tôi mới đọc và không phải lúc nào nó cũng vượt qua được thử thách của một ngày, của thời gian…Tôi quan tâm tới bạn đọc, người mà khi về tới nhà cố tìm cho mình được một chút thời gian và sự thích thú để cầm lên tay cuốn sách nhỏ và đọc thơ tôi” (Tạ Minh Châu). Bà lo lắng khi khi thấy những giá trị tinh thần đảo lộn, người ta say sưa đến ngây ngất khi kéo đi xem đấm bốc, sức mạnh của cơ bắp, còn thì lác đác vài người đi dự đêm thơ của tác giả.

Ấy là châu Âu, bây giờ ở Mỹ, người ta nói nhiều về việc “Nàng thơ đã chết”. Những con mắt bi quan cho rằng thi ca Mỹ đã tàn lụi, đã chết từ thập niên 90, thế kỷ XX. Không còn thời vàng son của thi ca, khi mà Thi bá Robert Frost được trang trọng mời đọc thơ trong ngày lễ nhậm chức tổng thống của John F. Kennedy. Thơ ca Mỹ, từ quan niệm của William Butler Yeats (1865 - 1939): “Những gì có thể giải thích được thì không còn là thi ca”, đến việc người đọc đương thời không còn đủ kiên nhẫn để giải mã những biểu tượng, tính ẩn dụ, ảo huyền…rắc rối của thơ (Trần Ngọc Cư). Cũng mối quan tâm tương tự, tôi có hỏi một số nhà thơ Mỹ, những người Mỹ còn quan tâm đến thơ đang làm việc ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng, chỉ còn lại rất ít người còn đọc thơ, thường là giới sáng tác đọc của nhau, thì thật là một nỗi buồn lớn.

Từ hiện tượng suy giảm bạn đọc thơ, thay đổi thói quen đọc, tiêu chí cảm thụ, ngó sang lĩnh vực truyền thông như báo in truyền thống, cũng gặp phải sự suy giảm lượng phát hành chưa từng có. Công ty New York Times, tập đoàn báo chí hàng đầu ở Mỹ và thế giới, đã phải giảm cả ngàn nhân viên trên toàn cầu và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, năm 2010 phải tuyên bố gây sốc, rằng báo in The New York times, một tờ báo có lịch sử quan trọng bậc nhất ở Mỹ, qua 150 năm tồn tại (thành lập năm 1851), với gần 100 giải thưởng Pulitzer, và người ta đặt tên cho quảng trường mà tờ báo này hiện diện tại New York là quảng trường Thời đại (Times), sẽ đóng cửa vào năm 2015. Những sự kiện tương tự đã gióng lên hồi chuông của văn hóa đọc, đặc biệt là ở giới trẻ, đang bị chi phối bởi các trang mạng và nhiều loại hình truyền thông, nghệ thuật giải trí khác. Tất nhiên, báo chí là lĩnh vực truyền thông, không phải là loại hình nghệ thuật có thiên chức đặc biệt liên quan đến cảm thức và thế giới nội tâm, giải mã thế giới mà nó quan tâm thông qua biểu tượng và nghệ thuật ngôn từ, như thơ. Ví dụ chỉ là một sự tham chiếu vì có phần liên quan đến văn hóa đọc. Và văn hóa đọc đang biến động lớn trên thế giới. Tất nhiên, mức độ diễn ra ở các nước khác nhau, phụ thuộc vào môi trường xã hội, thiết chế văn hóa, dân trí khác nhau, kể cả tính đặc thù của từng nước; điều mà các cơ quan xuất bản, ngay cả các nước láng giềng như Trung Quốc, cũng đang phải đối mặt, đặc biệt là với sách, báo in truyền thống, sách văn học.

 

2. Trông ta để biết thực ta:

Nàng thơ chết hay không còn phải kiểm chứng. Khởi nguyên của thơ ca và quá trình luân chảy đã có từ nhiều ngàn năm, song hành với đời sống tâm hồn của con người. Đó là một bề dày văn hóa, một bề dày huy hoàng không dễ khuất lấp. Xét cho cùng, thơ ca là tín âm, tín ngữ, là điệu thức của tâm hồn, nó tồn tại bởi những sẻ chia, khỏa lấp hụt hẫng của tâm trạng, xoa dịu những bi kịch của nhân thế, hướng tới những khát vọng tương lai. Và vì vậy, cuộc sống trong quá trình hoàn thiện và vươn lên phía trước, có bao giờ hết những mâu thuẫn, những bi kịch mới phát sinh? Nó có thể chỉ bị chia sẻ, trên nền dân chủ của xu hướng và tâm thế thời đại mà nó được quyết định. Ở đây, có lẽ là thời xã hội công nghiệp, công nghệ hiện đại và nền kỹ trị lên ngôi, tác động đến một số loại hình nghệ thuật, như sự lay lắt của chèo và cải lương, vốn là món ăn tinh thần ưa thích của nông thôn và làng xã Việt Nam chẳng hạn. Ví như bầu sinh quyển mà thơ đang sống, một lỗ đen vũ trụ hay hiệu ứng nhà kính cũng tác động ngay đến đời sống, trong đó có đời sống thi ca; càng lộ rõ hơn khi đời sống đã không còn bế quan tỏa cảng như quá vãng, thế giới ngày càng liên quan đến nhau hơn. Và tất cả những hệ lụy ấy tác động rất lớn đến sáng tạo của nhà thơ, kể cả yếu tố ngoại phối, là một thực tế, nó cũng nhập cảng vào nền thơ Việt, cùng các khuynh hướng, các chủ thuyết nghệ thuật thơ một cách nhanh chóng khi Việt Nam mở cửa, hội nhập.

Công chúng của thi ca, trước hết, và vì vậy sẽ là câu hỏi ngược lại, thơ ca đến với công chúng thế nào, trong những thăng biến của vận động xã hội, kể cả những khủng hoảng văn hóa, mà thơ phải tìm được sự tương đồng về cảm thụ, qua những liệu pháp nghệ thuật mới, những thức ngộ cho quá trình thay đổi. Sự vơi dần công chúng thi ca ở nước ta là câu chuyện hiển hiện những năm tháng này. Nhưng không phải cho đến bây giờ, ngay từ đầu thập niên 90, tức là khi thơ Việt sau 1975 đang có những đổi mới mạnh mẽ, những bước đi quan trọng với xu thế cách tân, ngày càng hiện đại, nâng lên tầng bậc mới của thơ Việt; sự đổi mới người ta cho rõ nhất là sự đa dạng về phong cách và phong phú về giọng điệu. Thơ Việt, với những cảm quan, tư duy nghệ thuật mới, những khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, những tìm tòi cách tân trong thi pháp, cấu trúc nghệ thuật, ngôn ngữ thể hiện; sự đa dạng, đa chiều những vấn đề của đời sống, cả đời sống tâm linh, siêu hình, huyền vi…mà thơ quan tâm. Thơ cũng đang giã từ nhiều hình thức truyền thống; thơ đã bớt sự véo von, lãng mạn, đại ngôn, ngoa ngôn…thay vào đó là sự tăng trưởng ngôn ngữ đời thường, những băn khoăn và khát vọng thường nhật, gần gũi, muôn vẻ của đời sống là chủ đạo. Cái tôi, trong mối quan tâm của chính nó, và những khát vọng bản thể lên ngôi…Nhưng dù thế, những cuốn thơ hay cũng bán được rất ít. Phần lớn các tác giả thơ tự in tự phát hành, và ngày càng in ít, in vài trăm bản để tặng, mà tặng không biết người ta có đọc cho không, chủ yếu là in để có đầu sách vì cái nghiệp chót đa mang, với biết bao câu chuyện bi hài về in thơ, bán thơ, tặng thơ.

Không nhà thơ nào sống được bằng thơ, dù đó là nghiệp mình tôn thờ, dấn thân, hy sinh cả đời vì nó. Đó là một nghịch lý thật kỳ lạ, như là số phận của một ngành nghệ thuật, vốn được cho là đặc biệt, đã từng rất linh thiêng, có xứ mạng cao quý, phải gánh chịu. Ấy là chưa kể có những nhà thơ “lạc đường” để đến cuối đời, thấy thơ mình cũng chỉ là mẹt thơ, chiếu thơ manh mún, đơn côi thì thật bi kịch, khi không còn có thể làm lại mình được nữa. Nhưng ít nhất, loại bỏ lý do vật chất, cơm áo của đời sống, thì sự tiếp nhận của bạn đọc, thái độ bạn đọc với nhà thơ, nghiệp thơ là nguồn cổ vũ quan trọng nhất đối với chủ thể sáng tạo. Dù không muốn tin vào những hiện trạng tiêu cực, và có một niềm tin, sự kiên trì về con đường thơ của mình, ta vẫn không thể quay mặt trước việc nhiều bộ phận công chúng đang xa dần thơ, kể cả một bộ phận không ít người sáng tác không còn vượt được mình, hoặc bỏ nghề, hoặc sáng tác cầm chừng, kiếm việc làm khác vì sự sống, đặc biệt là ở giới trẻ. Nhìn sâu rộng hơn, tiên lượng hơn, ta vẫn nghe về tình hình học văn ở nhà trường, tức những bạn đọc tiềm năng, bạn đọc tương lai của thơ, với không ít lo âu về sự ngại ngùng, thậm chí hãi sợ của một bộ phận không nhỏ học sinh, khi phải thẩm thấu môn văn. Mỗi kỳ thi đại học, lại rộ lên những câu chuyện bi hài về không ít bài văn ngô nghê, nhầm lẫn tệ hại, cảm thụ kỳ quặc đến cười ra nước mắt. Và ta cũng nghe sự lựa chọn ngành học và nghề nghiệp của sinh viên ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngày càng co hẹp. Có trường đại học tuyển sinh năm học 2011 vừa rồi, đăng ký vào một ngành học, thi tuyển khối C, thì chỉ duy nhất có một thí sinh. Đó là những người trẻ, có học hành, đào tạo cơ bản, trong đó có học văn, là những bạn đọc hy vọng của thơ, hiện trạng còn như vậy, sao có thể không làm cho những nhà thơ nhiệt huyết khỏi băn khoăn?

Nhân một bài viết về tình hình xuất bản thơ của tôi gần đây, khi trao đổi với một số nhà thơ có uy tín, người thì cho rằng thơ đang ở thời kỳ “hỗn mang”, chưa biết chọn lối nào. Nhà thơ Lê Thành Nghị thì cho rằng tình hình thơ không phải là gay mà là “lâm nguy”. Theo ông, chất lượng thơ cứ bạc nhạc mà số lượng sách thơ ngày càng tăng trưởng. Dù người ta bây giờ cũng chẳng mấy người quan tâm tới thơ. Ngay cả những cuốn sách có dư luận, ông  muốn ra nhà sách mua đọc nhưng đi mỏi chân ở phố sách Nguyễn Xí mà không tìm được. Dễ hiểu là các nhà sách bây giờ không bán thơ, hoặc rất hiếm nhà sách còn mặn mà với thơ. Khác với thời vàng son của thơ Việt, người làm thơ chỉ cần in một chùm ba bài thơ trên tạp chí Tác phẩm mới là coi như có “vi-za” vào Hội Nhà văn Việt Nam đàng hoàng, không nhao nhác, trông đợi như bây giờ.

Câu chuyện về sách thơ vẫn tăng trưởng, thậm chí năm 2010 còn bội thu vì hàng loạt các tập thơ cá nhân, thơ góp nhiều tác giả, thơ tuyển xin cấp phép (Nhà xuất bản lâu nay không kinh doanh được sách thơ, chỉ cấp phép), vì nhân cớ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho có kỷ niệm để đời, cho “oách”, thậm chí sách để đặt lên chỗ linh thiêng nhất trong tư gia, nghệ thuật thơ là véo von, vần vè, vè hóa kiểu như: “Nay mai khi khuất tuổi già/Ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân”… cũng là câu chuyện hiện hữu ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Chỉ có điều, có đến chừng hơn 80% số sách ấy cũng là sách thơ “bạc nhạc”, vì nó là thơ phong trào, thơ câu lạc bộ của những người yêu thơ, chủ yếu là các tác giả cao tuổi, đến từ địa chỉ của hàng loạt câu lạc bộ thơ nở rộ trong những năm gần đây, mà các nhà xuất bản chuyên về sách văn học, phải tự lo nuôi mình, khó có thể từ chối cấp phép, nếu không muốn “mất mùa”, rỗng bụng trông đợi vào cái chỗ rất hẻo mười lăm, hai mươi phần trăm thơ không bạc nhạc, thơ chuyên, thơ “hàng hiệu”… của các nhà thơ đích thực. Mà thơ đích thực, mới lạ, gây sửng sốt vốn đã khan hiếm lắm thay!

Thực trạng của việc xuất bản thơ như vừa dẫn, cũng cho những tín hiệu vừa tích cực, vừa tiêu cực. Tích cực ở chỗ, chưa hết những người còn yêu thơ, thậm chí mê mẩn về thơ; coi thơ là những giá trị tinh thần, là sự cảm thông, chia sẻ, giao lưu trong đời sống văn hóa, và có một bộ phận bạn đọc của phẩm cấp thơ ấy; có lẽ chủ yếu ở một bộ phận người cao tuổi, từng sống qua thời hưng thuận của thơ. Và như vậy, chứng tỏ người Mỹ, người Tây phương chưa thể nhập cảng “Nàng thơ đã chết” vào Việt Nam được. Nhưng sẽ vẫn là những băn khoăn lớn, nếu cán cân về số lượng xuất bản sách và chất lượng thơ bất thường kia (?), tác động thế nào đến mọi đối tượng, lứa tuổi và năng lực cảm thụ thơ, khi mà “thơ chuyên”, tạm gọi như vậy, cũng còn đang vật vã vì sự tồn tại của nó. Người đọc còn yêu thơ, có đủ kiên nhẫn tìm trong một hỗn độn thi phẩm để tìm ra những cuốn sách của mình không, dù là sách chỉ để tặng?

 

3. Cách tân để cứu rỗi thơ và những phản biện:

Đổi mới và sáng tạo mang ý nghĩa sống còn của quá trình phát triển, với số phận mỗi dân tộc. Cuộc sống luôn vận động, nó đòi hỏi khách quan sự vận động, sáng tạo và mới mẻ của mỗi nhân tố cấu thành. Sự trì trệ, thiếu năng động, nghèo nàn sáng tạo là lực cản, triệt tiêu động lực qúa trình phát triển. Tốc độ và những thay đổi nhanh chóng của nền công nghệ, xã hội công nghiệp hiện nay buộc những nhân tố trong nó phải kích hoạt, năng động hơn để thích ứng. Thơ ca cũng vậy, trong tâm thế xã hội ấy, lối sống cộng đồng ấy, nền tảng văn hóa ấy…những lý do, tiềm lực thúc đẩy sự cách tân thơ của những thế hệ các nhà thơ trẻ kế tiếp nhằm tìm được giọng điệu, vóc dáng thơ của thời đại mình là tất yếu. Trong một hội thảo thơ gần đây, Thi Hoàng cho rằng, cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai họa. Mà tai họa ở đây là cái gì khác, nếu không phải là sự đổ vỡ tín thơ, giá trị của thơ trong lòng công chúng? Cùng với việc can đảm giã từ những điệu thức cũ mòn, những điệp khúc véo von cứ lặp đi lặp lại quen tai là việc tích cực hoặc thầm lặng tìm tòi, cả thể nghiệm, cả những “phá phách” có thể cực đoan của những tư duy nghệ thuật mới, nội hàm cảm nhận và phản ánh mới, những cấu trúc thơ và ngữ nghĩa mới của ngôn từ, những khuynh hướng nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại, những hình thức tiếp cận khác nhau của thơ với công chúng như trình diễn thơ, thơ mạng, thơ photocopy truyền tay…ở thế hệ các nhà thơ trẻ.

Sự va đập giữa những khuynh hướng tìm tòi, phương cách thể hiện, những tuyên ngôn về thơ ca cách tân và hiện đại, cả những tuyên ngôn ồn ào, to tát, hoang tưởng từ những năm chuyển giao thế kỷ cũng là lẽ thường tình của những trào lưu mới. Cơ bản, những tìm tòi cách tân cần được ủng hộ, khích lệ. Thời gian chính là những trải nghiệm, kiểm chứng và chỉ cho người ta biết cách điều chỉnh cho những thức nhận, những chủ thuyết, những tuyên bố cực đoan, mâu thuẫn hoặc ảo tưởng, huyễn hoặc, nóng vội. Có nhà văn nói với tôi rằng, một trong những đại diện khá tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ, sáng tác theo lý thuyết Hậu hiện đại, đã từng tu nghiệp sáng tác thơ một vài tour ngoại quốc, thơ anh có đủ tuyên ngôn, triết lý triền miên; có cả siêu hình, tượng trưng, ấn tượng; sự bí hiểm, rắc rối, khó hiểu của ngôn ngữ, đến những miểng cắt ghép đời sống, và không thiếu cả những câu thơ tục tĩu, tình dục nhảy chộp, không phải là ngôn ngữ tiết sinh từ vô thức hay trực cảm …Nhưng trong lần ông gặp gần đây, nhà thơ hậu hiện đại đã phải thốt lên, thơ gì thì thơ mà người ta không nhớ được là bại. Chính tâm sự kia, lại gợi ra vấn đề sống còn, muôn thuở của thi ca, là thơ trong tâm hồn, trong cảm thức, trong trí nhớ của người đọc thế nào. Và các phản biện, cũng xoay quanh cái trục căn cốt ấy. Vậy thơ cách tân, có cần đánh đố ( Xin nhắc lại là “đánh đố” chứ không phải những câu thơ huyền ảo, từ cơ chế xuất sinh của vô thức) cảm nhận, tiếp thu của người đọc sau cái vỏ ngôn ngữ bưng kín, hoặc những kiểu chơi chữ cầu kỳ, đối với ý nghĩa người đọc phổ biến nhất, chứ không phải người đọc là các nhà nghiên cứu, phê bình? Đó có phải là một trong những lý do để bạn đọc ngày càng xa rời thơ? Thơ có cần gây sốc bằng những phô diễn, tuyên ngôn tính dục một cách tục tĩu, sống sượng? Thơ có cần chỉ là những mảng miếng đời sống dang dở, sắp đặt tình huống, để gợi mở người đọc tiếp tục đồng sáng tạo ra tác phẩm của mình? Trừ số ít người đọc cũng có năng khiếu sáng tạo, và cũng phải rảnh rỗi thời gian và thích khám phá nữa, nếu không phải lao ra hội nhập với cái nền kinh tế thị trường, bươn trải cạnh tranh này; còn số đông bạn đọc, với nghĩa bạn đọc hưởng thụ thi phẩm thì, như Thi Hoàng hài hước, rằng ông “nghi ngại cái ý vừa thách đố vừa có tính mị dân này”. Và, như những thực khách đến nhà hàng để ăn, hà cớ gì lại bắt người ta phải vào bếp cùng nấu nướng?

Những vấn đề thơ với bạn đọc, về tự do sáng tác, thơ tuyên ngôn hay không tuyên ngôn, cách tân thế nào là quan trọng, tính tư tưởng, tính xã hội của thơ…lại một lần nữa được đưa ra một cách thẳng thắn, tại hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc lần XIII, với niềm hy vọng về một dòng chảy mãnh liệt, khỏe khoắn, mang nhiều khát vọng mới của thơ Trẻ. Miêu tả cho chặng đường vừa qua, Nhà thơ Hữu Thỉnh có ba nhận xét rất căn bản, về tác phẩm của các tác giả trẻ: “Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng/Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa/Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”. Giọng lĩnh xướng vang xa là kỳ vọng về các đỉnh cao nghệ thuật, nó tác động, lay thức mạnh mẽ tới những dụng công cho thiên hạ, tức vai trò xã hội, vai trò công chúng của thi ca, thì quả khan hiếm, nếu không muốn nói là còn ở thì chờ đợi. Trả lời cho câu hỏi về chất lượng, sự sâu sắc, tầm vóc của tác phẩm chính là công cuộc tìm tòi, sáng tạo cái mới cho thơ, cái mới ấy không lệ thuộc nhiều vào Tân hình thức, hay Hậu hiện đại, hay hình thức cụ thể nào. Những nhà thơ có kiến văn, có bản lĩnh luôn biết tìm ra phong cách, thi pháp, nội hàm nghệ thuật của mình. Chúng ta lý giải được một lý do sự xa vắng người đọc, tức là tìm được một câu trả lời cho những nỗ lực sáng tạo của mình. Tất nhiên, để làm nên những bản lĩnh xướng vang xa, vang sâu, vang đúng nhịp, lay thức cộng đồng, luôn cần không chỉ tài năng mà còn là tâm huyết, sự xả thân, vì nó. Ngoại trừ những nương tựa thi ca vì mưu cầu cho những mục đích khác, hoặc coi thi ca như một cuộc chơi khoan nhặt, véo von, tự phỉnh, thù tạc…với nhau thôi.

Và nếu bảo thơ không cần công chúng, thơ làm xong chỉ để trong tủ, không ai biết thì làm thơ để làm gì? Hay thơ chỉ còn là tiếng nói thì thầm đơn lẻ, ú ớ, mộng mị, mê muội trong góc khuất của chính nó?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*.

TRẦN QUANG QUÝ

Địa chỉ: Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Email: tranquangquy9@yahoo.com

Điện thoại: 090.345.83.45

 

 

 

 

.................................................................................................

- Cập nhật từ email: thanhlam.tho@gmail.com ngày 13.12.2015

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.  

0 comments:

Đăng nhận xét