ĐỌC: THÍM HAI VUI CỦA TRẦN NHUẬN MINH - Tác giả: Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐỌC: THÍM HAI VUI
CỦA TRẦN NHUẬN MINH
*
THÍM HAI VUI 

Những năm chú ra trận
Thím buồn vui một mình
Thím bảo những năm ấy
Là những năm hoà bình

Có tin đồn chú mất
Thím thầm cắn chặt môi
Nuôi hai con ăn học
Cấy cày đến quắt người

Bỗng đột nhiên chú về
Tung huân chương đầy chiếu
Thím cười mà như mếu
Nước mắt chả buồn lau

Thế rồi... biết vì đâu
Yên lành không chịu được 
Vợ con, chú đánh trước
Xóm giềng, chú đánh sau

Chớ dại mà can chú
Chú nhất cả huyện rồi
Giặc nào chú cũng thắng
Có thua, thua ông trời!

Chỉ thương thím Hai Vui
Mặt mũi luôn thâm tím
Đến bây giờ chiến tranh 
Mới đến thật với thím

Chú đòi phải ly dị 
Mỗi con về một nơi
Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại thành cười

Nghe đâu thím lên tỉnh 
Rửa bát cho người ta
Thấy ai quen cũng lánh
Những mặt phấn quần hoa...
*
Bồ Hòn, 10-1999 
TRẦN NHUẬN MINH
(Tác giả Đỗ Trọng Khơi)
LỜI BÌNH:
Thơ dựng tấm chân dung một người vợ quê, có tên là Hai Vui. Thím Hai Vui chờ chồng (và thờ chồng) trong chiến tranh, cuộc sống chịu nhiều gian khổ. Đây là một câu chuyện được kể sống động như thật, giầu lòng hy sinh, thấm đẫm nhân tình. Nhờ vậy mà cái nền sự thật đã không hề níu kéo hồn thơ xuống, ngược lại, từ sự thật về số phận con người hồn thơ đã trổ lên một đoá hoa thơ. "Cái đẹp là vẻ rực rỡ của sự thật" (Platon).
Những năm chú ra trận
Thím buồn vui một mình
Thím bảo những năm ấy
Là những năm hoà bình...
Một hiện thực mờ. Như một phức hợp trùng giao không biên chia phúc họa. Nhân vật thím Hai Vui là mẫu người chinh phụ chờ chồng, nuôi con, thuỷ chung, chẳng quản bao khó nhọc: Có tin đồn chú mất/ thím thầm cắn chặt môi/ nuôi hai con ăn học/ cày cấy đến quắt người... Rồi giặc giã tan nhưng cảnh hoà bình trớ trêu thay lại như chừa riêng một thím.
Vì sao?
Phải vì chiến tranh vốn có đời sống riêng, cách xác định giá trị riêng và khi chiến tranh chấm dứt thì cái cấu trúc đời sống đặc biệt riêng đó tất phải đổi thay, vì thế mà những "giá trị" như sự đảm đang, lòng thuỷ chung của hình mẫu về người phụ nữ ở hậu phương một thời, nay đã trở nên lỗi thời, lỗi mốt? Cái "gương mặt hoà bình" trong gia cảnh thím Hai Vui nhoè ướt, chênh vênh khi nó đối diện và đặt nền tảng gia đình trong cảnh sống mới, ấy là cảnh tình một bên là người nhiều chiến công: Huân chương tung đầy chiếu, một bên là người vô danh nơi quê mùa: Cày cấy đến quắt người... Có đối diện với thực cảnh trớ trêu này mới thấy hết cái di hoạ chiến tranh gieo lại cơ thể, cơ cấu đất nước thời hậu chiến là đau đớn đến chừng nào.
Đó chính là mặt trái của tấm huân chương và số phận gia đình Hai Vui.
Xót xa thay:
Chú đòi phải ly dị
Con mỗi đứa một nơi
Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại thành cười...
Sự lệch chuẩn hay đây đã là sự suy đồi đạo đức xã hội dồn ép người nông dân Hai Vui đến cảnh tan nhà nát cửa? Chưa thoả nó còn phát triển đến cỡ đẩy người nông dân Hai Vui phải đi làm tôi tớ. Qủa là cả một cuộc biến đổi về bản chất:
Nghe đâu thím lên tỉnh
Rửa bát cho người ta
Thấy ai quen cũng lánh
Những mặt phấn quần hoa…
Chốn "mặt phấn quần hoa!", không đâu gây thương tổn sâu sắc hơn cho phụ nữ, trong trường hợp này là người chinh phụ, đã chịu hy sinh, đã đánh mất tuổi trẻ, nhan sắc bằng nơi chốn này. Nghiệt ngã thay đó lại là nơi cần thiết được xây dựng nên của xã hội thời bình! Điều xảy ra như thách đố, như bỡn cợt con người nhưng nó lại là một quy luật, tất yếu sẽ đến, nó không chừa riêng một ai. Chỉ có điều lâu nay người như thím Hai Vui không tiên lượng trước được mà thôi.
Đâu đó người ta từng lên tiếng "Trong mọi cuộc chiến tranh, nhân dân đều là người người chiến bại…" Bài thơ Thím Hai Vui của nhà thơ Trần Nhuận Minh sẻ chia tâm sự sâu sắc đó.
***
Bao nàng chinh phụ đó sao
Mang hồn ai oán nhập vào hồn thu....
Ấy là lời ta thán của Thi hào - Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đất Việt mấy nghìn năm nếm trải bi kịch chiến tranh mà vẫn toả sáng, trường tồn bởi vẫn có những tấm lòng lương dân, những lớp người chinh phụ thuỷ chung son sắt như trong thơ các hiền sỹ đó chăng...
*
ĐỖ TRỌNG KHƠI
Địa chỉ: Nhà số 10, ngõ 329, đường Nguyễn Trãi,
phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình
Điện thoại: 0169.327.62.94
                                          






…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét