PHÂN TÍCH MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - Nhiều Tác Giả

2 comments

 

PHÂN TÍCH MỘT SỐ BÀI THƠ

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

*

 

PHÂN TÍCH BÀI THƠ “NGẮM TRĂNG”

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tác giả: Loan Trương

 

Bác Hồ là một người yêu trăng và trong nhiều sáng tác của Người thì ánh trắng chính là nguồn cảm hứng chủ đạo để người bày tỏ tâm trạng, nỗi lòng của mình. Bài thơ Ngắm Trăng chính là một trong số đó.

Bài thơ được rút ra từ tập thơ Nhật Ký Trong Tù, một tập thơ được viết trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt đó chính là Người bị chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam. Chính vì thế hoàn cảnh Ngắm Trăng ở đây cũng rất đặc biệt đó chính là ở trong tù. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt với ngôn từ hàm súc đã cho ta thấy được vẻ đẹp trong thơ ca và phong cách sống của chủ tịch Hồ Chính Minh. Bài thơ được viết bằng chữ Hán và bản dịch hay nhất đó chính là:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Mở đầu bài thơ Bác đã giới thiệu về hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”

Nhà thơ đang sống trong cảnh tù đày nhưng vẫn không thể ngăn cản thi hứng của Người. Bác đã giới thiệu cho người đọc thấy đực hoàn cảnh đó là trong tù, là nơi chẳng có rượu cũng chẳng có hoa thơm. Ấy nhưng tất cả những điều đó không hề ảnh hưởng gì tới chủ thể thể trữ tình. Đứng trước cảnh đẹp thì Bác vẫn thấy lòng mình bồi hồi, xúc động. Đặc biệt đó là ánh trăng, một người bạn tri kỷ với Người từ bấy lâu nay. Đối với một người thi sĩ thì trăng, rượu, hoa là những tri kỷ gắn liền vớ cuộc sống hằng ngày. Đó là ngắm trăng, là thưởng hoa, uống rượu là những thú vui tao nhã của những vị ẩn sĩ nơi thôn dã. Với Bác Hồ thì ngay cả đang ở trong hoàn cảnh cơ cực, mất tự do nhưng Người vẫn có cảm hứng làm thơ.

Ở trong không gian chật hẹp cái mà nhà thơ thấy được đó chính là cảnh đẹp ban đêm ở ngoài khung cửa sổ. Trước cảnh đẹp ấy nhà thơ như tâm sự, giãi bày với thiên nhiên về hoàn cảnh trớ trêu của mình đó là “không rượu, không hoa”. Và trước cảnh đẹp ấy thì nhân vật trữ tình không khỏi “khó hững hờ” nên phải thốt lên lời khen ngợi đối với thiên nhiên. Chính nhờ cảnh đẹp ấy khiến cho nhà thơ vượt lên trên hiện thực khốc liệt, tăm tối để thưởng thức cái đẹp. Vốn chỉ có “ta với ta” nhưng là giữa Người với ánh trăng, điều này đã được thể hiện ở ngay trong hai câu thơ cuối:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng ra bên ngoài để ngắm vầng trăng đang tỏa sáng trên cao. Dù chỉ ngắm trăng qua ô cửa sổ nhỏ xíu nhưng cũng không ngăn được thi hứng và không làm giảm bớt được vẻ đẹp của vầng trăng. Dù cho nhà giam lạnh lẽo với những bức tường ngăn cách nhưng cùng không thể ngăn cách hai người bạn tri kỷ. Qua song cửa sắt nhà thơ ngắm vầng trăng đồng thời vầng trăng cũng đang nhòm qua khe cửa để nhìn ngắm nhà thơ. Phòng giam chật hẹp dường như được bừng sáng bởi ánh trăng và không gian lạnh lẽo như được sưởi ấm. Nỗi lòng của người xa quê hương, của một người đang chịu cảnh tù đày nhưng tâm hồn vẫn lo lắng chuyện quốc gia, đại sự. Có lẽ do chính nỗi lòng chứa đầy tâm sự nên trong đêm khuya Người mới thao thức không ngủ được. Cũng qua đó ta thấy được tấm chân tình của Người với ánh trăng, thấy được niềm lạc quan, yêu cuộc sống, yêu tự do của Bác Hồ.

Bài thơ Ngắm Trăng chính là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ phóng khoáng, tự do của Bác Hồ. Qua bài thơ ta thấy được một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt. Chính nhờ tình yêu ấy khiến Người có động lực vượt qua mọi hoàn cảnh tăm tối để thực hiện ước mơ,  khát vọng của mình.

 

PHÂN TÍCH BÀI THƠ “CHIỀU TỐI”

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tác giả: Phạm Văn Đồng

 

Chiều tối là bài thơ thứ ba mươi mốt trong tập Nhật kí trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác. Trên con đường khổ ải ấy, một chiều kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều.

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Câu thơ không giản đơn chỉ ghi lại cảnh vật mà còn bộc lộ mối tình cảm của nhà thơ. Làm sao biết rõ được là chim đang mỏi, và làm sao nói chắc được mục đích của chim là về rừng tìm chốn ngủ, như thể ở trong lòng chim mà ra? Câu thơ chỉ là tín hiệu cho thấy là trời đã chiều, mọi vật hoạt động ban ngày đã mỏi mệt, đã đến lúc tìm chốn nghỉ ngơi. Câu thơ tương phản với hình ảnh chòm mây cô đơn ở dưới.

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Câu thơ dịch tuy đẹp nhưng ý thơ có phần nhẹ hơn so với nguyên tắc chữ Hán. Nó bỏ mất chữ cô trong cô vân, nghĩa là chòm mây cô đơn, trơ trọi rất có ý nghĩa. Hai từ trôi nhẹ cũng không lột tả được ý của mấy chữ mạn mạn độ. Bởi vì độ là hoạt động nhằm đi từ bờ này sang bộ kia, ví như độ thuyền đi từ thuyền sang sông, độ nhật ở cho qua ngày, độ thiên không là chuyển dịch từ chân trời này sang chân trời kia, con đường của mây mới xa vời và vô hạn biết chừng nào!

Còn mạn mạn là dáng vẻ trì hoãn, chậm chạp. Chòm mây cô đơn đi từ chân trời này sang chân trời kia, mà lại còn chậm chạp, trì hoãn nữa thì không biết bao giờ mới tới nơi? Và hiển nhiên khi trời tối nó vẫn còn lửng lơ bay giữa tầng không là hình ảnh ẩn dụ về người tù đang bị giải đi trên đường xa vạn dặm, chưa biết đây là điểm dừng! Trong hình ảnh ấy hẳn còn gửi gắm tình cảm thương mình cô đơn sốt ruột và khao khát có một mái nhà. Chỉ hai câu thơ mà vừa tả cảnh, vừa tả người, tả tình người. Đó là cái hàm súc, dư ba của thơ cổ điển.

Nếu hai dòng đầu đã nói tới chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ và chòm mây cô đơn chưa biết dừng nơi nào, thì hai câu thơ của bài thơ sau hiện diện một chốn ngủ của con người:

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng.

Trong bản dịch, người dịch đã đưa vào chữ tối lộ liễu trong khi thi pháp thơ cổ chỉ muốn người đọc tự cảm thấy chiều tối phủ xuống mà không cần một sự thông báo trực tiếp nào. Điều đó làm lộ tứ thơ. Nhưng đó là cái khó của người dịch.

Điều đáng chú ý là một cảnh lao động gia đình, rất đỗi bình thường, dân dã: Cô em xóm núi xay ngô hạt, ngô hạt xay xong, bếp đã hồng. Cô em, bếp lửa tượng trưng cho cảnh gia đình. Ngô hạt xay xong, bếp đỏ hồng lại, tượng trưng cho công việc và nghỉ ngơi. Một không khí ấm cúng đối với người lữ thứ.

Điều đáng chú ý thứ hai là trong nguyên tác chữ hồng là ấm, nóng chứ không phải là màu đỏ, càng chứng tỏ điều nhà thơ nghĩ đến là sức ấm nóng, chứ không phải là ánh sáng hồng. Bếp lạnh, tro tàn là tượng trưng cho sự cô quạnh, lẻ loi.

Điều đáng chú ý thứ ba là nhà thơ đứng ở núi như thế, y như thể đứng gần gũi bên cạnh. Lại nữa, nhà thơ phải đứng rất lâu mới thấy được cảnh thời gian trôi trong câu: Cô em xóm núi xay ngô hạt – Ngô hạt xay xong bếp đã hồng. Đây chỉ là bài thơ trên đường. Vậy, đó chỉ là cảnh tưởng tượng trong tâm tưởng, trước xóm núi bên đường, xuất hiện như là biểu trưng của mái ấm gia đình, nơi đoàn tụ của những người thân thuộc. Cái này tuy không sáng bừng lên màu hồng lạc quan của cách mạng như ai đó hiểu, cũng vẫn ấm áp tình người, làm cho nỗi lòng người đi vơi bớt nỗi cô đơn, tĩnh mịch. Cùng với hình ảnh ấy, một ước mơ thầm kín về mái ấm gia đình thấp thoáng đâu đó. Nếu ta chú ý tới bài thơ trước bài này là bài Đi đường:

Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.

Một con đường vô tận, và bài sau đó là bài Đêm ngủ ở Long Tuyền, Đôi ngựa ngày đi chẳng nghỉ chân, món Gà năm vị: tối thường ăn; thừa cỏ rét, rệp xông vào đánh, oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần. Thì ta sẽ thấy sự xuất hiện của khung cảnh gia đình kia là rất dễ hiểu. Nó chứng tỏ trái tim của nhà cách mạng vẫn đập theo những nhịp của con người bình thường gần gũi với mọi người.

Nghệ thuật của bài thơ là một nghệ thuật gián tiếp cổ điển, nói cảnh để nói tình. Hình ảnh trong thơ cũng là tâm cảnh. Nếu chỉ phân tích nó như một bức tranh hiện thực đơn giản, chắc chắn ta sẽ rời xa thế giới nội tâm phong phú của nhà thơ.

 

PHÂN TÍCH BÀI THƠ “LAI TÂN”

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tác giả: Khuyết Danh

 

Lai Tân là một bài thơ nhằm tố cáo cái hiện thực xáu xa, thôi nát của xã Hội Trung Quốc thời ấy hay chỉ là tiếng cười châm biếm của nhà thơ về những  ‘con người ‘ trong đám chức sắc ở Lai Tân mà nhà thơ nhìn thấy? Một câu hỏi rất thú vị được đặt ra.

Đây là bản dịch bài thơ của Nam Trân:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, Cảnh trưởng kiếm ăn quanh,

Chong đèn Huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Lai Tân là một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Câu thơ thứ nhất nói về tên Ban trưởng - một tên cai ngục. Hắn không hung dữ, không quắt quay... như những tên chức ngục khác, mà chỉ  ‘ngày ngày đánh bạc‘ (thiên thiên đổ). Hắn đã biến nhà tù thành một sòng bạc giữa thanh thiên bạch nhật. Nhà tù không phải là cải tạo phạm nhân, không phải là nơi để thực thi luật pháp và công lí. Ban trưởng và tù nhân đều có vị thế như nhau: tất cả đều là con bạc, đều cùng Hội đỏ đen, đang sát phạt lẫn nhau, cùng máu mê như nhau. Câu thơ chữ Hán nghĩa là: ‘Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc‘ được dịch thành ‘Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc ‘ kể cũng hay. Ở đây tiếng cười bật ra ở cái nghịch lí của sự vật, của con người, của hiện tượng mà nhà thơ nói đến, nhà thơ nhìn thấy, tiếng cười khẽ, thâm trầm, sâu sắc giàu trí tuệ.

Vì đã trải qua ‘hơn trăm ngày ác mộng‘, bị giải lui giải tới mấy chục nhà lao tỉnh Quảng Tây, Người đã nhìn thấy bao nghịch lí, nghịch cảnh của bức tranh tù ngục,  ‘cái oái oăm của sự đời ‘:

Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,

Trong tù đánh bạc được công khai,

Vào tù con bạc ăn năn mãi:

Sao trước không vô quách chốn này!?

(Đánh bạc)

Mỗi bức tranh là một tiếng cười khẽ, châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thúy, bài thơ đánh bạc giúp ta cảm và hiểu sâu hơn, thú vị hơn bức chân dung Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc.

Câu thơ thứ 2, tác giả hình như nhìn thấy trên đường chuyển lao một cảnh sát trưởng, một ‘ông cò‘ huyện Lai Tân:

Cảnh trướng tham thôn giải phạm tiền.

Nam Trân đã dịch: ‘Giải người, Cảnh trưởng kiếm ăn quanh‘.

Nguyên tác: Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị giải.

Câu 1 đối xứng với câu 2, mỗi bức chân dung biếm họa có một nét riêng. Ban trưởng thì lo ăn chơi cờ bạc, Cảnh trưởng thì trắng trợn  ‘móc túi ‘ ăn tiền phạm nhân. Chuyện bọn cai ngục, cảnh sát trưởng ăn tiền phạm nhân đã thành  ‘lệ ‘ mà nhà thơ đã nhiều phen trở thành ‘nạn nhân‘. ‘Mới đến nhà giam phải nộp tiền - Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên‘ (Tiền vào nhà giam), ‘vào lao phải nộp khoản tiền đèn - Tiền Quảng Tây vừa đúng sáu nguyên‘ (Tiền đèn).

Bình diện không gian xã Hội trong bài thơ Lai Tân được mở rộng ở bức chân dung thứ ba:

Hiệu trưởng thiêu đăng biện công sự.

 ‘Thiêu đăng‘ là chong đèn, ‘biện công sự‘ nghĩa là làm việc công. Câu thơ dịch đã đảo việc công thành công việc. Những năm 60, nhiều bài viết về ‘Ngục trung nhật kí‘ đều cho rằng tên Huyện trưởng này chong đèn đêm hút thuốc phiện, từ đó nhân mạnh giá trị tố cáo hiện thực xâu xa, thôi nát của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Sự thật không phải như thế, chính Hồ Chủ tịch đã lấy mực đỏ gạch bỏ ba chữ  ‘hút thuốc phiện‘ trong

bức thư của nhóm dịch giả gửi hỏi ý kiến Người.

Trong xã Hội cũ, bọn quan lại tự cho mình là ‘phụ mẫu‘ của dân, là ‘đèn trời soi xét‘. Trong câu thơ chữ Hán có một chữ  ‘đãng‘ rất đặc biệt: Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự.

Không phải là ngọn đèn công lí tỏa sáng vầng trán Huyện trưởng, một vị quan to mặt lớn quang minh chính đại? Ông ta có vẻ ‘mẫn cán‘ lắm, lo công việc quan suốt ngày chưa đủ, đêm đêm còn chong đèn làm việc công? Nhưng đâu phải thế, ông huyện trưởng Lai Tân là một kẻ rất quan liêu! Chuyện đánh bạc của Ban trưởng, chuyện ăn tiền phạm nhân bị giải của Cảnh trưởng sờ sờ ra đó, sao ông ta không hay, sao ông ta không biết? Hay ông Huyện trưởng Lai Tân này là  ‘cái ố để bao che bọn thuộc hạ làm bậy ‘kiếm ăn quanh‘?. Ba bức chân dung biếm họa song hành, cùng nôi tiếp xuất hiện, mang một ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc, nó cho thấy một hệ thông quan lại Lai Tân là thế! Bộ máy quan liêu của chính quyền Quảng Tây thuở ấy là thế!

Trước những ‘gương mặt‘ ấy, thái độ nhà thơ như thế nào?

Câu cuối bài thơ, Người viết:

Lai Tân y cựu thái bình thiên.

(Lai Tân vẫn thái bình như xưa).

Câu thơ toát lên một nụ cười châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhà thơ như hỏi một cách bâng quơ: Lai Tân với hệ thông quan lại và chính quyền như vậy, thế mà ‘vẫn thái bình như xưa‘. Cách mỉa mai, châm biếm của tác giả Ngục trung nhật kí là thế! Tính  ‘hướng nội‘ của Nhật kí trong tù được thể hiện rất rõ về mặt đặc điểm thể loại, nó vừa là nhật kí lại vừa là thơ, chủ yếu là thơ trữ tình, tác giả viết cho mình, để mà suy ngẫm, để mà chiêm nghiệm, ‘Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do‘. Vì thế, bài thơ Lai Tân tuy có nêu ra ba chân dung về Ban trưởng, Cảnh trưởng, Huyện trưởng tiêu biểu cho cái xâu xa, đồi bại của bọn quan lại chính quyền Tưởng Giới Thạch thuở ấy, nhưng chỉ là để mỉa mai, châm biếm cái nghịch lí, nghịch cảnh mà nhà thơ đã và đang phải đối diện và cam chịu.

Đọc Ngục trung nhật kí, ta bắt gặp một số ‘quan chức ‘ nhân hậu, đáng yêu. Là Sở trưởng Long An họ Lưu ‘Ai ai cũng bảo bác công bình‘. Là Tiên sinh họ Quách ‘ân cần đối đãi ta‘. Là Trưởng ban họ Mạc  ‘chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân‘. Khoa viên họ Trần thì ‘nho nhã‘, Chủ nhiệm họ Hầu thì ‘anh minh‘... Cách nhìn của nhà thơ rất nhân hậu, trọng thị và công bằng, giữa cái xấu xa vẫn tìm thấy cái tốt đẹp, cái tình người mà trân trọng. Chính nhờ những con người này, tấm lòng này, mà ta hiểu thêm cảm hứng chủ đạo bài thơ Lai Tân: một nụ cười châm biếm tỏa rộng. Sau 3 chân dung biếm họa là một nhận xét trào lộng thâm trầm, sâu sắc. Nụ cười châm biếm trong bài thơ Lai Tân là nụ cười của một nhân cách văn hóa lớn: giàu trí tuệ và đạo đức cao đẹp.

Trong bài Một tiếng nói hướng nội: Thế giới nhà tù và con người kiên nghị - trữ tình của tác giả Trần Thị Băng Thanh và Nguyễn Huệ Chi có viết:

 ‘Có khi điều trái ngược đã vượt ra khỏi khung cảnh một nhà tù, trở thành tính chất tiêu biểu cho cả xã Hội Trung Hoa thời ấy ‘ (mà thật ra cũng chẳng riêng gì cho Trung Hoa và cho thời ấy): quan trên trì trệ, vô trách nhiệm, cấp dưới chỉ lo xoay xở kiếm ăn, mặc cho mọi tệ nạn cứ tự do hoành hành:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người Cảnh trưởng kiếm ăn quanh,

Chong đèn, Huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

{Lai Tân)

Tất cả những việc kỳ cục bày ra trước mắt như thế có ý nghĩa gì? Phải chăng đây không phải là một sự ‘lưỡng phân‘ tiếp tục trong nhận thức của nhà thơ ngay khi đã phải ‘nhập thân‘ vào thực tại như một hiện hữu không thể chôì bỏ, ông vẫn lần lượt đi tìm ý nghĩa của cái thực và cái giả ở từng khía cạnh khác nhau và trong các hình thức tồn tại khác nhau hiển nhiên của nó. Có khi điều rút ra là một nụ cười buồn... ‘.

 

PHÂN TÍCH BÀI THƠ “TIN THẮNG TRẬN”

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tác giả: Loan Trương

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà văn hóa, nhà chính trị mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Người đã để lại cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam nhiều sáng tác hay. Không chỉ có những sáng tác bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ mà Người còn viết rất nhiều bài thơ bằng chữ Hán. Tiêu biểu đó chính là bài thơ “Báo tiệp” (Tin thắng trận).

Cảm xúc của con người chính là khởi nguồn của thơ ca. Có khi là niềm vui lúc lại là nỗi buồn. Bài thơ Tin thắng trận chính là cảm xúc vui tươi của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là niềm vui của một người chiến sĩ, một người lãnh đạo trước chiến thắng. Thế nhưng người đọc lại bất ngờ được tham dự vào cuộc trò chuyện giữa Bác và ánh trăng:

“Nguyệt thôi song vấn thi hành vị

Quân vụ nhưng mang vị tố thi”

Ngay câu đầu là câu hỏi của trăng, một người bạn thơ của Bác mà chúng ta đã bắt gặp rất nhiều trong thơ Bác. Ánh trăng là niềm cảm hứng vô tận của Bác để viết nên những vần thơ hay, trăng là người bạn tri kỉ của Bác trong những đêm “bàn việc quân” như ta từng gặp trong bài thơ “Rằm tháng riêng”:

“Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Ở bài thơ “Tin thắng trận thì trăng quả thực càng giống như người bạn của Người. Trăng giống như thực hiện hành động đẩy cửa vào hỏi “thơ xong chưa”, giống như một người bạn trông ngóng được đọc bởi vì yêu thơ Bác. Trả lời, hồi âm lại cho người tri kỉ của mình, Bác đã chia sẻ hoàn cảnh thực tại của mình đó là: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Câu trả lời của Bác hoàn toàn là hợp lý. Việc quân bận là sự thật và câu nói như muốn giãi bày, mong rằng trăng sẽ chờ khi mình có thời gian sẽ đáp trả mong muốn thơ của trăng. Đặt vào bối cảnh nước ta lúc bấy giờ, năm 1948 khi mà đất nước đã bước sang năm thứ ba trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bấy giờ quân và dân ta đang phải chịu bao khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến đấu. Lúc này đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến. Chính vì thế việc quân, việc nước đã khiến Người chưa thể dành thời gian, có tâm trí để viết nên những bài thơ.

Những ai yêu thơ Bác chắc hẳn sẽ không thể không biết đến những vầng trăng trong thơ Bác. Bác yêu trăng đến nỗi khi ở trong tù chỉ có ánh trăng Người cũng có thể viết nên vần thơ:

“Trong tù không rượu cũng hoa

Cảnh đẹp hôm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng dòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Ngắm Trăng  – Nhật kí trong tù)

Trong thơ xưa thì trăng hay được thi nhân ưu ái, Bác cũng không ngoại lệ nhưng người đọc lại cảm nhận được một nét riêng với thơ Bác. Trăng trong thơ Bác giống như một người bạn tâm giao vậy. Chính vì thế nên việc đòi thơ của trăng với chiến sĩ cách mạng và được cáo lỗi là một hình ảnh hết sức giản dị, đời thường. Nó giống như một sự thấu hiểu giữa hai người bạn. Trăng thấu hiểu sự trằn trọc, suy tư của Bác như ta đã từng thấy:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

(Cảnh khuya, 1947)

Hai câu thơ đầu là không khí thật lãng mạn, không cần miêu tả ánh trăng nhưng lại khiến người ta cảm nhận được ánh trăng đang bao trùm cả bài thơ. Tiếp nối không khí ấy chính là âm thanh tiếng chuông và tin thắng trận:

“Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng

Chính thị liên khu báo tiệp thì”

(Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu

Ấy tin thắng trận liên khu báo về)

Giữa lúc đang lo lắng việc quân thì nghe được âm thanh của tiếng chuông ngân. Tác giả sử dụng từ “kinh thu mộng” nhưng cũng không thể hiểu là bác bị đánh thức bởi như chúng ta biết Bác thường xuyên thao thức, trằn trọc không ngủ được vì việc dân, việc nước. Nên chúng ta có thể hiểu câu thơ trên rằng trong không gian tĩnh lặng thì đột ngột tiếng chuông ngân khiến cho thi sĩ như giật mình. “Thu mộng”còn được hiểu là sự mơ mộng, giấc mộng chiến thắng của người chiến sĩ, của người làm Cách mạng. Chính tin thắng trận ấy khiến cho đêm trăng trở nên đẹp, trở nên lung linh hơn. Trăng, người bạn tri kỉ như muốn chia vui cùng Bác, mà Bác cũng có thời gian để giãi bày niềm vui với người bạn của mình. Cảm hứng thơ đến một cách bất chợt khiến cho lời thơ càng thêm thoải mái, giản dị.

Bài thơ “Báo tiệp tuy ngắn nhưng lại để lại cho người đọc nhiều cảm xúc, sự đồng cảm. Sự đối thoại giữa thi nhân và vầng trăng mang theo một vẻ đẹp trữ tình, trong sáng và hồn hiên. Bài thơ còn là sự báo tin, dấu hiệu sự chuyển mình của một giai đoạn kháng chiến mới.

 

PHÂN TÍCH BÀI THƠ “CẢNH RỪNG VIỆT BẮC”

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tác giả: Khuyết Danh

 

Bài thơ Cảnh Rừng Việt Bắc được Bác Hồ viết vào mùa xuân năm 1947, sau một năm quân ta tạm rút khỏi thủ đô Hà Nội để lên núi rừng bạt ngàn Việt Bắc, lập căn cứ làm cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp. Đây là lần thứ hai, Bác Hồ và Trung ương Đảng sống, làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc để lãnh đạo cách mạng.

Lần thứ nhất là trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Nói vắn tắt đôi lời để thấy trong bối cảnh như vậy mà vị lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh vẫn luôn dạt dào niềm xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, với một tứ thơ tức cảnh hàm xúc và tràn đầy lạc quan, mà có lẽ chỉ những người cách mạng mẫu mực như Bác Hồ mới có trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy.  

Mở đầu bài thơ, Bác đã như reo lên trước cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ: "Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay". Nhưng lạ là ở chỗ, cái hay ấy không phải là cái gì xa vời, lại càng không phải những cái gì gợi sự tò mò, kiểu như võ sĩ vào rừng săn tìm sự lạ lùng và khơi gợi trí tò mò. Ở đây, cái hay chính là thiên nhiên,  nói cách khác, là sự gắn kết thiên nhiên với con người, con người với thiên nhiên ở một nơi thiên nhiên vẫn như còn nguyên sơ và con người vẫn nguyên vẹn tình yêu tha thiết với thiên nhiên.

Thế nên, dẫu có suốt ngày vượn hót, chim kêu mà có ai đó khó tính cảm thấy đinh tai, nhức óc, thì với Bác Hồ, đến cỏ cây hoa lá đất trời xanh cũng làm cho lòng Người rưng rưng tha thiết, thì ngày ngày được nghe tiếng vượn hót, chim kêu ấy càng như nhắc nhở, giục giã công việc và khơi gợi suy nghĩ vì non sông, đất nước. Chỉ với hai câu mở đầu đã cho người đọc thấy nhà thơ yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên đến mức nào; hay nói rộng ra, lòng yêu nước ở Bác Hồ không phải là cái gì xa vời mà chính là từ tình yêu thiên nhiên, yêu những gì gắn bó,  thiết tha, gần gũi với cuộc sống thường nhật của chính mình và đồng loại, mà vì nó có thể hy sinh tất thẩy để phụng sự suốt đời. Hơn nữa, trong hoàn cảnh thực tại của cuộc kháng chiến chín năm muôn vàn khó khăn, gian khổ thì thiên nhiên ở đây không chỉ "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" (thơ Tố Hữu), mà còn thực sự góp phần giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt đời thường, nuôi dưỡng sức lực cho quân ta đánh giặc. Cái thực tại ấy được Bác Hồ khắc hoạ bằng nét mộc mạc, giản dị, chân thực trong bốn câu thơ đặc tả sinh hoạt đời thường rất gợi:

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay.

Non xanh, nước biếc tha hồ  dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.  

Chỉ bốn câu thôi, mà làm người đọc thấy được cuộc sống của những người đi kháng chiến ở núi rừng. Không phải là một cuộc sống hoàn toàn sung sướng "cơm gà, cá gỡ", nhưng cũng không phải là một cuộc sống túng bấn đến mức "cơm không có mà ăn", như hồi ấy có kẻ lầm tưởng những người kháng chiến ở rừng xanh núi ngàn. Cảnh sống ấy thật đơn giản mà lịch sự biết nhường nào, bởi cái tình người  với nhau chan chứa, mặn nồng, tha thiết đến cái bắp ngô, củ sắn cũng bẻ đôi:

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay.

Chỉ có thế, nhưng thật là thịnh soạn, với một từ "chén" đủ làm người đọc thấy niềm lạc quan của những người đi kháng chiến bất chấp khó khăn ở rừng xanh núi ngàn. Với niềm lạc quan ấy thì trước phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, có thể thả bộ thư giãn sau những giây phút làm việc căng thẳng, hay ngồi ngâm nghi giây lát bên chén rượu, ấm trà cũng là điều rất hợp lẽ, rất đời thường:

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.

Đến đây, người đọc càng thấy sự bình dị và niềm lạc quan ở Bác Hồ gấp bội phần. Nhất là ở hai câu kết:

Kháng chiến thành công ta trở lại,

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Thì ta càng thấy sự bình dị, lạc quan ở Bác Hồ trong một hoàn cảnh khó khăn như năm 1947 giữa núi rừng Việt Bắc biết chừng nào.

-------------

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Bài thơ “Vấn Thoại” của Hồ Chí Minh và quan hệ giữa tòa và bị canl

- Hồ Chí Minh và người Mỹ trong cách mạng tháng 8l

- Đọc lại bài thơ “Cảnh Khuya” của Hồ Chí Minhl

- Đêm Nay Bác Không Ngủ” và 10 bài cảm nhận mẫul

- Đọc thơ Bác Hồl

Mời thư giãn với nhạc phẩm BÁC HỒ MỘT TÌNH YÊU BAO LA

của Thuận Yến, qua tiếng hát Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền:


 

 

 

 

 

- VŨ THỊ HƯƠNG MAI giới thiệu -

(Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 06.07.2021.

Ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.)

.


2 nhận xét:

  1. Trang nhà dạo này đăng nhiều bài ca ngợi Hồ Chủ Tich quá? Có lẽ nào....

    Trả lờiXóa
  2. thơ của Bác Hồ thì tuyệt vời rồi, khỏi phải bàn

    Trả lờiXóa