CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG CHÚ CHÓ - Tác giả: Trịnh Thị Nhâm (Quảng Ninh)

Leave a Comment

 

CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG CHÚ CHÓ

*

(Tác giả Trịnh Thị Nhâm)

Cách đây ít ngày xem bộ phim Mỹ “The call of the wild” (Tiếng gọi nơi hoang dã ,dựa theo truyện của nhà văn Mỹ lừng danh Jack London). Truyện kể về chú chó có tên Buk. Một chú chó dũng mãnh, thủy chung, yêu thương đồng loại, chia sẻ, chở che và bảo vệ người chủ của mình, khi ông bị kẻ ác tấn công. Chợt ký ức ùa về, tôi lần lượt nhớ lại những chú chó mà bố mẹ tôi và tôi đã nuôi nấng, sống cùng.

 

Câu chuyện chú chó thứ nhất

Năm ấy, Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Nhà tôi rời căn hộ 36 phố Chợ Cũ vào sơ tán ở Núi Xẻ. Bố tôi mua một con chó về nuôi giữ nhà. Nói là giữ nhà cho oai chứ ngày ấy nhà tôi nào có tài sản gì ngoài một chiếc máy khâu cũ. Con chó có bộ lông đen tuyền. Bọn tôi đặt tên nó là Mực. Mực có đôi mắt nâu dịu hiền. Hai tai to rủ xuống. Mông nở, bốn chân ngắn vững chãi. Tôi vốn ghét những chú chó khi khách đến, chủ ra đón tận nơi mà chúng vẫn sủa dữ dội rồi xông ra. Nhưng con Mực thì không. Nó không sủa bậy. Bọn tôi bảo gì nó răm rắp làm theo, tôi đồ rằng nó hiểu được tiếng người. Nó điềm đạm, ăn uống cũng nhẩn nha, chậm rãi như cô gái nết na được dạy dỗ cẩn thận. Đặc biệt nó cần mẫn, chu toàn, kỷ luật như một chiến binh. Những đêm thời tiết bình thường đã vậy, nhưng còn những đêm mưa lạnh, rét buốt, thương nó bọn tôi trải chiếc bao tải gai vào trong nhà bảo nó nằm. Nhưng không, nó vẫn làm đúng chức phận canh gác, bảo vệ, ra nằm ngoài bờ hiên mái tranh không nề hà hứng trọn mưa gió, rét buốt.

Chiến tranh bắn phá miền Bắc chấm dứt. Nhà tôi về lại phố. Kẹt một nỗi ở phố xá không được nuôi chó. Bố mẹ bàn nhau phải bán nó thôi. Nó hiểu. Nó bỏ ăn hai ngày. Nằm run rẩy, co ro, gầy gò ở một góc. Nước mắt tuôn rơi. Nó khóc, tôi cũng ôm nó vuốt ve và khóc. Tôi xin với bố mẹ: sẽ giấu, xích nó vào góc khuất, đảm bảo khâu vệ sinh sạch sẽ. Bố mẹ tôi không đồng ý. Hôm sau, bố tôi gọi người mua. Tôi không chịu được, khi hình dung ra cảnh họ chằng xích vào cổ và lôi nó đi xềnh xệch. Chiếc xích xiết vào cổ nó đau điếng. Tôi vùng chạy, lang thang vô định. Nước mắt tuôn trào. Trưa muộn , tôi về con chó đã đi rồi. Tôi ngồi đúng chỗ nó nằm và lại khóc. Cảm giác trống rỗng như có gì vỡ vụn trong tôi. Đau đớn, tiếc thương, bất lực và phẫn uất. Cho đến bây giờ nhớ lại ,lòng tôi vẫn rưng rưng.

 

Câu chuyện chú chó thứ hai

Năm 1986 vợ chồng tôi mua lại căn hộ chung cư cũ. Tầng 1 lô 6 Phố Mới,  phườngTrần Hưng Đạo (nay đã phá dỡ). Ở đó nhà ai cũng nuôi chó. Tôi nhờ người bạn tìm hộ một chú chó vì tôi rất thích và quý chó. Khoảng hai tuần sau, ông bạn tìm được. Thoạt nhìn tôi đã mê mẩn. Nó là nòi chó săn. Dáng trường cao, bụng thon, chân dài. Đôi tai to vểnh cao. Trên lưng chạy dài từ đầu đến hông là mảng lông màu hung đen, hai bên lườn lông vàng nhẹ, dưới bốn gót chân gắn thêm bốn cựa to sắc. Cả dáng vẻ nó toát lên sự kiêu hãnh hùng dũng như chú ngựa nòi Hoàng Gia. Anh bạn kể: “Nhượng lại nó từ hàng cầy tơ 7 món gần nhà”. Có vẻ như nó bị săn trộm. Nó đã tuổi trưởng thành. Kiệm lời và khó gần. Tôi đặt tên nó là Ki Ki (ngày ấy có mốt đặt tên chó như tên ngoại quốc). Khoảng gần 5,6 ngày đầu cho ăn, tôi phải cầm chiếc thanh tre dài đun bát cơm vào sát nó, nó vẫn im lặng tới khi tôi quay lưng nó mới ăn. Sau tuần đó, tôi đã làm quen được, bắt ve và tắm rửa hàng ngày cho nó. Có một sáng thức dậy ra quét hè cổng, thấy xác 2 con chuột cống được đặt ở đó. Bực quá tôi kêu lên: “Nhà ai đánh bả chuột mà vô ý thức”. Nhưng hôm sau lại thấy 2 xác chuột bày ra đấy. Lần này nó ngồi ở cạnh nhìn tôi, cái lưỡi thè dài, cặp mắt sáng long lanh với vẻ đắc thắng, như có ý bày tỏ: đây là chiến công của nó. Vui quá thì ra cả đêm nó lùng sục săn chuột, sáng ra nó ngoạm lôi để ở đó. Tôi ào tới ôm nó và thưởng cho cu cậu 3 chiếc bánh quy. Có lần một con chuột cả gan chạy vào sân ,rúc sau những chậu cây cảnh. Con Ki Ki ngồi yên nhìn nó chằm chằm như kiểu: Hãy đợi đấy. Con chuột cũng nhìn nó, nhưng chỉ lát sau run rẩy như lên cơn sốt rồi khuỵu xuống. Việc cuối cùng cần làm là tiến đến, ngoạm con chuột đem đến trước tôi. Từ đấy chẳng thấy bóng dáng con chuột nào dám bén mảng tới sân nhà tôi. Đúng là hung thần của chuột.

Đặc biệt thính lực và khứu giác của nó cực kỳ nhạy bén. Trong nhiều âm thanh, xe gắn máy qua cửa nhà tôi , nó nhận ra tiếng xe của ông xã tôi hàng mấy chục mét. Chưa nhìn thấy người đâu nó đã đứng dựng hai chân sau kêu ríu réo như reo vui. Cái đuôi như cành lau già vẫy rối rít, phải mấy phút sau mới có tiếng xe vào sân. Ngạc nhiên quá. 

Thế rồi điều bất hạnh đã xảy đến. Đau đớn thay lại do lỗi của tôi. Một điều đơn giản, nhưng do sự xuẩn ngốc, không tìm hiểu mà tôi đã hại tôi và hại nó. Đó là gần giao thừa Tết năm 1990. Tiếng pháo nổ vang động đất trời, rồi pháo sáng. Vừa từ ngoài sân vào tôi thấy con KiKi chui tọt vào gầm giường, kêu ăng ẳng như bị đánh. Tôi không biết rằng: tiếng pháo nổ váng tai đã làm kinh động nó. Tôi tưởng nó bị làm sao bèn kéo, xua nó ra. Khi tôi lôi được ra, nó giật khỏi tay tôi và phi ra đường chạy như ma đuổi. Tôi hộc tốc chạy theo nhưng không kịp. Cả đêm đó tôi đi mọi ngõ ngách tìm,  kêu tên nó.

Nhưng hỡi ôi nó không về. Có lẽ do  hoảng loạn, nó chạy quá xa rồi bị bắt mất. Tôi lặng đi thất thần, buồn khổ, dằn vặt. Cả năm sau mỗi khi nhìn thấy con chó nào có bộ lông và dáng vẻ giống nó, tôi lại ngơ ngẩn đi theo để làm quen, nhưng vô vọng. Tôi đã mất nó, mất đi người bạn tôi vô cùng yêu quý.

 

Câu chuyện chú chó thứ 3

Hơn năm sau, cô em gái ở Uông Bí tặng tôi một chú chó đầu đàn trong đàn chó 4 con của nhà cô, được hai tháng tuổi. Nó đẹp như một chú gấu bông. Nó rất khôn còn bé mà đã biết nghe. Hôm đưa về, tôi cho vào chiếc túi ôm trong lòng, đi trên xe khách hơn 30 km mà không ai biết tôi mang theo một chú cún con. Nó ăn rất khỏe, chỉ 3 tháng sau nó đã cao lớn vạm vỡ. Bộ lông màu hung xám, bốn mắt, lưỡi dài điểm những vệt đốm đen. Từ dưới mắt đến xung quanh mõm viền một vòng lông trắng ngà. Trông mặt của nó có gì đó hài hài rất đáng yêu. Tôi gọi nó là chú chó có bộ mặt cười. Bọn trẻ con đặt tên nó là Bin. Nó đặc biệt rất tình cảm và hiểu chuyện. Hai trẻ nhà tôi một đứa học lớp 6, một đứa học lớp 5. Chúng đều học sáng. Khoảng 6h30’ phải đánh thức chúng dậy, ăn sáng, sắp xếp sách vở, quần áo tới trường. Việc đó đã có Bin lo. Nó vào giường, lấy chân cào cào đầu hai đứa trẻ qua lớp màn tuyn mỏng, rồi sủa lên những tiếng nhẹ nhàng từng hồi ngắn như van vỉ, động viên: Dậy đi không muộn học đấy!

 Tôi nhớ hồi còn nhỏ, chị em tôi hay chành chọe nhau. Mẹ tôi hay mắng: “Chúng mày cứ như chó với mèo ấy”. Câu này sai 180o với con Bin nhà tôi. Nó đặc biệt thân thiết với con mèo. Mỗi khi đang ăn, thấy con mèo đi tới nó liền lấy chân đẩy bát cơm của nó tới mèo. Mặc dù con mèo vừa ăn xong đĩa cơm cá, thấy vậy cũng liếm liếm. Riết thành quen. Cứ mỗi khi nó ăn xong phần mình lại ra bát cơm chó la liếm. Chưa hết, có lẽ kiếp trước Bin là nô tỳ hoặc có nợ nần gì chú mèo đen khoang trắng này, mà cứ mỗi khi con mèo lười nhác lững thững đi đến là nó quỳ mọp xuống như xun xoe mời chào, như tuân lệnh , con mèo lại nhảy phốc lên vênh vang ngự trị trên mình con chó, có khi nó còn say sưa đánh một giấc ngủ dài trên tấm lưng ấm, mềm của Bin. Cảnh tượng hết sức bất công.

Con Bin rất thông minh và tuân lệnh chủ. Nhưng ngặt một nỗi nó có tư tưởng phân biệt đẳng cấp. Nếu khách đến nhà mà ăn diện, chải chuốt và có xức thêm chút nước hoa thì thôi rồi, thay vì cảnh giác, soi xét nó lại nhảy cỡn lên mừng rỡ ,cái đuôi ngoáy tít mặc dù chưa hề quen biết. Đó là cái lần hai chị em con cô bạn tôi đến chơi. Cả hai đứa đều xinh đẹp, thơm tho, đúng mốt. Tôi mắng nó nhưng sao nhỉ ? có gì sai sai, vì ai chả thích cái đẹp, sự sang trọng và hương thơm. Chả lẽ chỉ có con người mới có quyền hưởng thụ còn loài chó thì không? Ngẫm ngợi thế cũng cảm thông được, nhưng ở đây nó lại phân biệt sang giàu, hèn kém. Một lần bà chị họ hơn tôi 20 tuổi ở trong Trới (Hoành Bồ) ra chơi. Chị là nội trợ nên trang phục giản dị, xuyền xoàng. Vừa trông thấy, nó sủa oang oang rồi cắn gấu quần chị vừa giằng vừa lôi. Tôi ngượng và giận tím người, liền quất cho nó 2 roi. Song lại thấy thương. Nó vốn thích sự chỉn chu lịch lãm mà. Dù vậy, nó vẫn là chú chó rất tuyệt. Nó ngoan và rất tình cảm. Mỗi lần bọn trẻ phạm lỗi, bị quát mắng thôi, nó đã chạy đến đứng chắn đằng trước với vẻ mặt như kẻ biết lỗi, ăn năn như muốn van xin, muốn chuộc  lỗi thay bọn trẻ. Vậy là hai đứa nhỏ được cho qua. Ông xã tôi làm thêm việc trang trí, kẻ biển, cắt chữ. Mỗi khi ngồi làm việc nó đến sát và gối đầu của nó lên đùi ông xã, khi nào xong việc nó mới đứng lên.

Nhưng rồi một hôm đi vệ sinh không để ý ,nó la cà ăn phải bả chuột. Nó vật vã, nôn mửa, người oằn hộc lên từng cơn. Tôi mời y sỹ thú y đến tiêm và cho uống thuốc. Nhưng quá nặng, nó không qua khỏi. Cả nhà tôi buồn như có đám. Hàng xóm bảo cho nó vào bao và vứt nó vào xe rác. Thật bất nhẫn sao có thể đối xử với người bạn mình hết lòng yêu quý như thế chứ.

Tôi đã đọc ở đâu đó, chuyện kể về chú chó thủy chung khi người chủ qua đời, nó hàng ngày nằm kề bên và nhịn ăn cho đến chết. Tôi và ông xã đào cái hố ở đầu sân, chôn nó và nói lời từ biệt thật ngay ngắn.

Đó là câu chuyện về ba chú chó tôi muốn kể, muốn được chia sẻ với các bạn những người yêu động vật, yêu cún cưng của mình. Chắc tôi sẽ nhận được sự đồng cảm. Xin cảm ơn các bạn!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Trịnh Thị Nhâm0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn 

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRỊNH THỊ NHÂM

Địa chỉ: Tổ 9 khu 3, số 14/04 tòa A

chung cư Trần Hưng Đạo Plaza

thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Email: trinhnham52@gmail.com

.  

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.01.2022

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét