KỲ LẠ TÍNH CÁCH CỦA NHÀ VĂN FRANZ KAFKA - Tác giả: Trần Hậu ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 

KỲ LẠ TÍNH CÁCH CỦA NHÀ VĂN

FRANZ KAFKA

*

Franz Kafka (1883 - 1924) là nhà văn  người Do Thái chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỉ 20.

Các tác phẩm chính của ông, như “Hóa thân”, “Vụ án”, “Lâu đài” sử dụng những chủ đề và nguyên mẫu về sự ghẻ lạnh, tàn bạo về thể xác và tinh thần, mâu thuẫn cha - con và những sự biến đổi kỳ bí.

Nghiên cứu tiểu sử của nhà văn, có thể hiểu vì sao ở ông lại xuất hiện những chủ đề này.

 

Vừa yêu vừa ghét tổ quốc mình

Franz Kafka chào đời trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức thuộc tầng lớp trung lưu ở Praha (nay là thủ đô của Cộng hòa Séc), khi ấy là một phần của Đế quốc Áo - Hung. Quốc tịch của Kafka đã gây cho ông nhiều rắc rối vì ở Praha, vào thời đó thường diễn ra các cuộc tàn sát người Do Thái.

Kafka viết trong một bức thư: “Suốt ngày tôi ở trên những con phố tắm trong hận thù chống người Do Thái”, và nói rằng sự giải cứu duy nhất là thoát khỏi thành phố.

“Đồ máu bẩn. Người ta gọi dân Do Thái như vậy trước mặt tôi” - ông viết. Trong hoàn cảnh ấy, thật tự nhiên khi Kafka rời khỏi Praha, thế nhưng ông vẫn ở lại, đánh đồng “lòng dũng cảm” của mình với “lòng dũng cảm của một con gián, loại sinh vật không thể xóa khỏi phòng tắm”- như Kafka đã viết trong nhật ký.

Sự phi lý còn ở chỗ ông là một người Do Thái Séc viết bằng tiếng Đức, vốn bị nhiều người căm ghét ở Séc. 

Hơn nữa, Kafka thậm chí trở thành biểu tượng của Praha - thành phố mà ông yêu mến, nhưng đồng thời ông đồng nhất nó với cái ác đã vắt kiệt sức lực của ông.

Sau khi Kafka qua đời, một nhà văn Đức đã viết: “May mà ông chết vì bệnh lao sớm như vậy và không thấy những người anh em mình bị tống vào trại tập trung, bị thiêu sống, chôn sống trong các ngôi mộ tập thể”.

 

Trở thành nhà sáng chế... mũ bảo hiểm

Suốt đời Kafka bị phân thân giữa văn học và luật học. Như ông từng viết, tất cả những gì không liên quan tới văn học đối với ông hoàn toàn vô nghĩa, vô ích, vớ vẩn. Nhưng người cha khắc nghiệt đã bắt đứa con trai khiếp nhược, cái gì cũng sợ của mình phải học luật và thậm chí lấy bằng tiến sĩ.

Tốt nghiệp ĐH xuất sắc, Kafka trở thành viên chức của một công ty bảo hiểm. Ông căm ghét công việc của mình, nhưng do được chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn lao động xảy ra tại các công trường và trong ngành công nghiệp, Kafka đã sáng chế và áp dụng chiếc mũ bảo hiểm cứng cho công nhân.

Với đóng góp này ông đã được thành phố trao tặng huy chương lưu niệm. 

 

Những tính cách kỳ lạ

Mặc dù ông nội của nhà văn, Jacob Kafka, làm nghề mổ thịt heo, nhưng bản thân Franz Kafka lại thích ăn chay. Ông sợ xác động vật chết, hễ nhìn thấy chúng là ngay lập tức bị trầm cảm.

Các nhà nghiên cứu viết, dòng họ Kafka ai cũng to khỏe, ông nội nhà văn có thể dùng răng nhấc bổng một bao bột mì. Trong gia đình này tất cả mọi người đều cao lớn, kể cả các em gái của Franz.

Trong khi đó, nhà văn lại xấu hổ về chiều cao của mình, nó khiến ông cảm thấy mình không mạnh mẽ, mà ốm yếu, vụng về và buồn cười. Nhà văn bị huyết áp thấp, đau đầu, mất ngủ, táo bón, ông rất mặc cảm về cơ thể mình.

Mối quan hệ của Kafka với phụ nữ hết sức kỳ quặc. Mặc dù nhà văn rất hay phải lòng phái đẹp, nhưng lại sợ phụ nữ. Đến năm 26 tuổi, ông vẫn là một trai tân. Sau đó, trong cuộc đời ông xuất hiện Felice Bauer, một cô gái không nhan sắc, người họ hàng của nhà văn Max Brod, bạn thân của Kafka, Felice làm đại diện cho một công ty máy ghi âm ở Berlin (Đức). 

Suốt bốn năm quen nhau, Kafka ngỏ lời cầu hôn Felice hai lần. Cả hai lần bà đều đồng ý, nhưng rồi Kafka lưỡng lự, không dám kết hôn.

Cuộc sống thực tế với một người phụ nữ không hấp dẫn Kafka, ông thích sự lãng mạn trong văn chương hơn. Họ viết cho nhau những bức thư tràn đầy tình cảm, nồng nhiệt và mơ mộng, vì vậy đối với nhiều cô gái trẻ, những bức thư của họ còn hay hơn cả một cuốn tiểu thuyết lãng mạn.

Trong thời gian yêu Felice Bauer, Franz đã sáng tác nhiều tác phẩm như “Thợ đốt lò”, các chương trong tiểu thuyết “Nước Mỹ”, “Hóa thân”, “Vụ án”.

Tiếc thay, chỉ một mình nhà văn say mê sự lãng mạn, còn Felice nói thẳng ra muốn có gia đình và con cái. Tuy nhiên, quan hệ của họ kết thúc không phải vì Kafka không muốn kết hôn. Brod khẳng định trong thời gian Kafka biết Felice Bauer, ông có một chuyện tình với một người bạn của cô này, Grete Bloch, một phụ nữ Do Thái đến từ Đức.

Brod còn tiết lộ, Bloch đã có một đứa con trai với Kafka, nhưng Kafka không bao giờ biết về đứa trẻ. Tuy nhiên, theo nhà viết tiểu sử Kafka là Peter-André Alt, kể cả khi Bloch có một đứa con, Kafka cũng không phải là bố nó vì hai người này chưa bao giờ chung sống với nhau. 

 

Những ngày cuối đời

Năm 40 tuổi, Kafka quyết định kết hôn với Dora Diamant, một thiếu nữ Do Thái 19 tuổi ông gặp tại buổi lễ hội của người Do Thái. Sau 3 tuần, họ bắt đầu sống cùng nhau ở Berlin.

Sau đó, Dora cùng Franz đến ngoại ô Vienna, nơi Franz đang điều trị bệnh lao tại một bệnh viện.

Kafka viết thư cho bố vợ, cầu xin ông chúc phúc cho cuộc hôn nhân của họ càng sớm càng tốt. Nhưng những người thân của Dora lại nghĩ, một nhà văn 40 tuổi sắp chết vì bệnh lao không phải là một đám tốt nhất đối với một cô gái trẻ. 11 tháng sau khi gặp Dora Diamant, nhà văn qua đời trong vòng tay yêu thương của cô.

Trước khi mất, Kafka đã chuyển tất cả các tác phẩm chưa được xuất bản của mình cho Max Brod và yêu cầu ông tiêu hủy. Những trang viết này phản ánh sự sợ hãi, nỗi ám ảnh của nhà văn và nỗ lực đương đầu với những cảm xúc dằn vặt ông.

Brod không những không thực hiện yêu cầu của Kafka mà còn tìm mọi cách thúc đẩy việc công bố và quảng bá di sản văn học của Franz Kafka. Do đó, hầu hết các tác phẩm của Kafka đều được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Ngày nay ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc có Bảo tàng Kafka, nơi lưu giữ tất cả các tác phẩm của ông. 

Kafka cũng chuyển một phần bản thảo của mình cho vợ và yêu cầu bà đốt đi. Khác với Max, Dora đã thực hiện nguyện vọng của nhà văn, chỉ để lại hơn 30 bức thư của Kafka và 20 cuốn sổ ghi chép. Tất cả chúng bị thất lạc năm 1933, khi ngôi nhà của Diamant ở  bị bọn mật thám Gestapo lục soát và tịch thu tất cả tài liệu của bà.


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CUỒNG YÊU:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Trần Hậu Nguồn: Giáo dục & Thời đại

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét