VIỆC TỐT KHÔNG KHI
NÀO MUỘN
Lão Triệu từ khe nước
về. Vẻ mặt bần thần như người mất hồn, lão đứng một hồi lâu bên cầu nước, chưa
chịu lên nhà.
Ngôi nhà sàn mái lợp
bờ lô xi măng vừa thay vài tấm mới. Trận mưa đá kinh hoàng chiều hôm trước đã
làm thủng mái nhiều chỗ. Trừ những tấm bị vỡ miếng to lão mới thay. Những tấm
thủng lỗ chỗ dăm ba chỗ lão hòa xi măng đặc trám vào. Hì hụi cả sáng nay hai bố
con mới tạm dẹp yên mối lo nhà dột.
Giá như cứ để mái lợp
lá cọ như hồi nào có nhẽ mưa đá to thế chứ to nữa cũng chẳng hề hấn gì.
Nhưng “mốt” bây giờ
mà. Cả bản thi nhau bỏ mái lá, lợp tôn, lợp bờ lô. Có nhà còn mua hẳn ngói Hạ
Long, thứ ngói men đỏ cực đắt để lợp nữa cơ chứ. Trận mưa đá vừa rồi chả biết
cái thứ ngói đẹp mà đắt ấy có chịu nổi không?
May mà tấm lợp nhà
lão mua là loại một, loại tốt, chứ loại hai hay loại ba hoặc tấm lợp cũ thì đã
vỡ hết rồi.
Ngay trong xóm này
nhiều nhà đến tận bây giờ vẫn loay hoay chưa dọn xong mái nhà vì các loại tấm
lợp vớ vẩn ấy.
Nhiều nhà tân trang
theo lối mới. Vẫn là nhà sàn nhưng lắp thêm cửa kính, khung nhôm. Trần nhà lát
tấm chống nóng bằng thạch cao, cột nhà bào nhẵn đánh vẹc ni. Công phu thế mà
cái mái lại không cẩn thận, vẫn lợp tôn mỏng. Cỡ đá bằng nắm tay giáng xuống
chả khác gì giấy mỏng gặp nước.
Mới biết các cụ ngày
xưa có lý khi lợp nhà bằng lá gồi. Mái có khi dầy cả nửa thước, mươi, mười lăm
năm mới phải lợp lại một lần mà ở thì cực mát. Mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát
không nóng bức như lợp tôn hay tấm lợp như bây giờ. Mà ngày trước thiên tai đâu
có ghê gớm như bây giờ?
Lão nhớ không nhầm,
hồi lão còn thanh niên, cách đây ba chục năm cũng từng có trận mưa đá như thế
này. Nhưng năm ấy rừng già còn nhiều, tai họa không nặng nề như trận chiều qua.
Chỉ nát vài đám lúa, đổ mấy vạt ngô, không có nhà đổ hay chết trâu chết bò.
Trận mưa đá chiều qua
thực khủng khiếp, lão nhớ lại vẫn chưa hết sợ. Ngồi trong nhà mà cứ như đứng
ngoài trời. Gió tạt ngang tạt ngửa rú rít như đang có bão. Mái nhà đá choảng
xuống choang choang, lão vội lấy cái mũ bảo hiểm đi xe máy đội vào. Bà vợ lão
lấy cái thúng che đầu, thực là che lá khoai! Lão quát vợ con mới sực tỉnh chạy
xuống cầu thang, núp dưới gầm sàn. Nước mưa qua lỗ thủng trên mái nhà chảy
xuống thành vòi. Quần áo chăn màn ướt không chừa chỗ nào. Bếp lửa cũng tắt
ngấm, củi đóm ướt nhèm nhẹp.
Trông ra ngoài trời
trắng xóa một mầu. Nhìn vườn cây nghiêng ngả như đang cơn lên đồng. Cây đổ, lá
rụng bay tới tấp vào nhà. Đàn lợn, đàn gà run như cầy sấy chúi vào góc chuồng,
không một con nào kêu lên được một tiếng.
May mà trận mưa không
lâu, độ chừng nửa tiếng thì dứt. Vậy mà cảnh vật trông thật tan hoang, muốn
khóc mà không khóc được.
Vườn cam mới buổi
sáng còn lúc lỉu quả non, lão đã hí hửng mừng, bây giờ không còn sót lấy một
quả. Đám chuối quanh nhà gục gãy ngang cây, lá rách bươm đổ ngổn ngang. Cây
xoài quả sai như thế bây giờ chỉ còn trơ những chùm cành, lá cây như có ai vò
nát không còn lá nào nguyên vẹn.
Dọn dẹp hết buổi
sáng, mới tạm ổn quanh nhà. Đám lúa non mới cấy sau tết coi như bỏ, đành phải
cấy lại không còn cách nào để được.
Trận mưa đá vẫn để
lại trắng xóa ngoài vườn từng đống đá thành viên. Có viên vẫn to như quả trứng
gà chưa kịp tan.
Đám trẻ có đứa chạy
ra nhặt vào định pha nước đường, lão phải quát chúng mới chịu vứt đi.
Ngày trước mưa đá như
thế này trẻ con rất thích. Chúng thường nhặt đá ngậm vào miệng lấy làm khoái
trá.
Nhưng ngày xưa khác,
ô nhiễm không như bây giờ, đá có đem ngậm, uống nước không sao.
Bây giờ biết thế nào
được? Nhỡ có a xít trong đó thì sao? Chả từng có những trận mưa a xít, mưa xong
cây chết từng đám, héo hết cả ngọn là gì?
Lão Triệu nhớ đến
vườn cây của mình ở trên khe nước. Đấy là một thung lũng không rộng lắm nhưng
cũng trồng được vài nghìn khóm chuối. Nguồn thu không nhỏ của lão hàng năm.
Trận mưa đá này chắc gì đã còn?
Cơm trưa xong, bỏ cả
thói quen nghỉ một lúc giấc trưa, lão ngược lên khe nước, lòng nóng như lửa
đốt.
Thấy chồng chân duỗi
chân co ngồi im phắc bên ấm trà nguội, bà vợ nhắc:
- Không xuống ăn cơm
cho các con nó dọn dẹp còn ngồi đấy đến bao giờ? Tối nay chưa chắc đã có điện
ông nè!
- Bà và chúng nó cứ
ăn đi, tôi không thấy đói.
- Dầm mưa cả buổi,
không ăn một tí vào, ốm thì chết né!
Lão Triệu không nói
gì, lẳng lặng lên giường nằm. Mùi ẩm ướt từ chăn màn chưa khô hẳn khiến lão hắt
hơi liền mấy cái.
Tầm này, mọi khi sáng
bừng ánh điện, tiếng ti vi, tiếng người ríu rít. Hôm nay như thể nhà có đám,
lặng thinh không một âm thanh, một tiếng động nào. Cây đèn dầu “dự phòng” mọi
khi lại được thắp lên, chỉ le lói một góc nhà.
Lão trở mình hết bên
này lại bên khác mà không chợp mắt được. Mùa màng năm nay coi như xong, chả cần
nhẩm đoán, lão cũng biết kết cục nó như thế nào.
Lúa thì có thể cấy
lại, tuy chệch vụ, có kém, vẫn còn hơn không. Nhưng vườn cây mất đứt. Không nhẽ
chặt bỏ trồng cây khác?
Nắng mưa, bão bùng là
việc của trời, nhưng con người không phải vô can. Nếu cánh rừng già khi xưa
trên khe nước vẫn còn, trận mưa đá đã không tai hại, khốc liệt như thế. Lão nhớ
đã từng có những trận bão, trận mưa đá chả kém ngày hôm qua, nhưng thiệt hại
cũng không tệ đến như thế.
Nhà nước kêu gọi
trồng rừng năm nào cũng nhắc, cũng nói đi nói về mà chả mấy người thấm thía. Cứ
như chuyện không phải của mình, chuyện ở đẩu đâu chả liên quan đến ngôi nhà
mình ở, ruộng lúa mình cấy, bát cơm mình ăn. Đến bây giờ rừng mất hết, nói cho
đúng là vẫn còn, nhưng chưa phải là rừng, mới thấm, lại là sự đoạn rồi.
Người ta giao đất
giao rừng cho từng hộ, nhiều người chỉ trồng làm vì, chưa thực tâm, cốt làm cho
có, để chủ yếu trồng màu. Ngô đậu thu được nhiều hơn, chuối bán được tiền mà
rừng chưa thành rừng. Cũng trồng cho đủ diện tích, nói là xen canh, kỳ thực chủ
yếu trồng màu. Cây nào lơn lớn một tí, sợ cớm ngô đậu không lên được. Thế là
giết dần giết mòn cho chết dần đi.
Một vài năm sau, đám
đất nhận trồng rừng vẫn chưa thành rừng.
Tiền đầu tư cây
giống, công chăm, phân bón nhà nước đưa về, nhà nào nhà nấy vẫn nhận hết.
Cán bộ xã vẫn báo cáo
lên trên “Trồng đủ và vượt mức diện tích rừng được giao”!
Trên có về kiểm tra,
các ông ấy chỉ đi vè vè ngoài đường lộ. Từ xa trông rừng vẫn lên xanh, vẫn bạt
ngàn. Có biết đâu rừng chỉ tốt lối ven đường, cốt đối phó với kiểm tra, kiểm
soát.
Ừ thì đi khắp rừng,
ai đi khắp núi được?
Cán bộ bận trăm công
ngàn việc, bố trí xuống cơ sở vài lần thế cũng là cố gắng lắm rồi, trách gì họ?
Cái chính vẫn là dân
mình chưa thấy nó là việc sát sườn, thiết thực. Chỉ đến khi trời dở chứng, “dạy
cho một bài học” như hôm nay mới tỉnh ngộ. May mà chưa có người chết, nhà đổ...
người ta động viên nhau thế và làm lại từ đầu!
Chỉ những người biết
lo xa mới thấy trăn trở, mới thấy buồn.
Nhưng mà buồn lo có
giải quyết được gì không? Hay vẫn phải tính toán, vẫn phải cố công làm lại.
Năm này mất còn năm
sau, đâu chỉ mỗi kỳ này?
Cái nhà lão Cần thế
mà sâu cay, dày hạt. Đất rừng được giao lão không làm như mình. Rừng lát lão ấy
trồng chả mấy mà được thu, từ ấy đến giờ đã hơn hai chục năm, cây đã cả vòng
tay ôm. Thứ gỗ ấy bây giờ thành đặc sản không mấy người có. Tương lai tiền tỷ
trong tay lão ấy không còn là chuyện xa xôi gì.
Chiều nay đi qua vạt
rừng trồng lát, trồng tếch của lão ấy mà phát thèm. Trận mưa đá vừa rồi qua khu
rừng lão Cần chả nhằm nhò gì, chỉ làm gãy một số ít cành nhỏ, coi như tỉa bớt
cành cho lão ấy để vạt rừng thêm thoáng.
Mưa đá như này, sau
mưa là cây mọc rất tốt, kinh nghiệm người già bảo vậy.
Thế mà mình đã có lúc
chê lão ấy là người không “năng động”, uyển chuyển. Vận động trồng cây chỉ biết
trồng cây, không biết vận dụng trồng màu để thu nhanh, thu nhiều.
Mới thấm vài chục
triệu mỗi năm trồng chuối cuối cùng lại thua, không bằng trồng lát, trồng
tếch.
Có gặp trận mưa đá
như này mới biết mèo nào cắn mỉu nào. Người ta nói: “Đừng để trứng vào cả một
giỏ” xem ra rất có lý.
Làm ăn mà chỉ trông
vào cái ăn ngay trước mắt, không tính chuyện đường dài là rất sai lầm.
Nhưng việc tốt không
bao giờ là muộn.
Bây giờ mới đầu xuân,
vẫn còn kịp, chưa muộn gì.
Vườn chuối của lão
vẫn phải dọn dẹp, sửa sang lại. Thay vì chỉ trồng toàn thứ cây ăn ngay, lão sẽ
trồng xen kẽ giống cây có giá trị để mai này không thua gì nhà lão Cần.
Lão hình dung khu khe
nước năm nào lại bạt ngàn những cây là cây. Chim rừng sẽ lại tìm về. Tầm này
lại rộn tiếng tắc kè, tiếng nai tác vào xuân... Sau trận mưa như hôm qua, cua
đá lại bò ra lổm ngổm đầy đường. Dòng nước chảy thành thác trên khe nước sẽ lại
chảy quanh năm, để khe nước không bị gọi là khe cạn như bây giờ!
Đột nhiên ánh điện
bừng sáng.
Công nhận. Ngành điện
bây giờ làm ăn khác hẳn. Dù có mưa bão thế nào, dòng điện vẫn không để mất lâu.
Cứ nghĩ phải mất vài ngày mới khôi phục lại đường dây, vậy mà chưa đến một
ngày. Tất nhiên là công nhân cán bộ của họ phải lặn lội mưa gió vất vả mới có
được kết quả.
Mà ở đời việc gì làm
cũng có cái khó của nó, chẳng cái gì dễ dàng. Chỉ có điều sau mỗi khó khăn,
người ta phải biết rút kinh nghiệm, vỡ vạc ra thêm điều bổ ích.
Lão Triệu vùng dậy,
đi đôi ủng vào chân, sang nhà lão Cần.
Vợ lão hỏi đi đâu?
Lão nói:
- Giờ hãy còn sớm,
tôi đi có tí việc!
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
*
DOÃN
HỒNG GIANG
Địa chỉ: Thôn Vông Vàng II, xã Xuân Vân,
huyện
Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày 28.06.2017.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét