VỀ ĐÂU KÊNH THƯƠNG NGHỀ CHẰM NÓN LÁ - Tác giả: Trần Hiền (Quảng Trị)

Leave a Comment

 


VỀ ĐÂU KÊNH THƯƠNG NGHỀ

CHẰM NÓN LÁ

*

(Tác giả Trần Hiền)

Từ sân bay Ái Tử đi qua cầu An Mô, rẽ theo hướng tay trái đi theo con đường đổ nhựa chạy sóng đôi cùng dòng Thạch Hãn, ta sẽ nhìn thấy ở khoảnh đất đầu làng hiện lên tấm bia chữ rất đẹp : Làng Đâu Kênh. Ngôi làng gần 600 năm tuổi, dặt dìu đón gió mát từ dòng sông quê mẹ thổi tạt lên sau lũy tre già mỗi độ trưa hè. Làng Đâu Kênh xanh bóng cây, đan hòa nhiều kênh rạch bàu hói, đất chật bị kênh rạch tản chia thành những khoảnh đất nhỏ thấp chật hẹp. Có lẽ vậy nên cùng với những thửa ruộng vạt rau không đủ rộng để sải thẳng cánh cò bay, thì người dân quê tôi ngoài hạt lúa củ khoai, còn phải tự vươn mình vượt khó, bền bỉ tỉ mẩn bên những liếp nghề thủ công. Đó là nghề làm giường tre, nghề làm chổi, nghề đan giỏ, nghề chằm nón lá…Và điều làm tôi trăn trở bao lâu nay vẫn là nghề chằm nón thủ công của chị em phụ nữ làng mình.

Chiếc nón lá không chỉ đơn thuần là một vật dụng che nắng che mưa, chiếc nón lá còn là quốc hồn của dân tộc, nó là biểu trưng cho đất nước Việt Nam xứ đai nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều. Nhất là nơi eo thắt miền Trung nắng rát mưa dầm, là đòn gánh giang sơn Việt Nam hình chữ S, trĩu nặng vai gầy như bóng mẹ từ ngàn xưa. Chiếc nón lá còn mang vẻ đẹp thẩm mỹ cho dáng hình cô thiếu nữ nước Việt trong tà áo dài, lan tỏa vẻ đẹp Việt đi khắp nơi trên thế giới. Cũng như hoa sen quốc hoa, chiếc nón lá trở thành quốc phục gắn trong mình vẻ đẹp tự ngàn xưa mãi mãi không bao giờ vơi cạn.

Chiếc nón lá có từ thế kỉ XIII, thời nhà Trần, do thời tiết nắng lắm mưa nhiều nên tổ tiên ta đã lấy lá kết vào nhau để làm vật dụng đội lên đầu che nắng che mưa. Dẫu có nhiều cách tân, thì nó vẫn là nó, vẫn được làm nên từ lá nón chỉ thêu, được chằm thủ công từ đôi bàn tay tỉ mỉ của nghệ nhân làng nghề. Chiếc nón lá chấp chới trắng giữa cánh đồng vàng lúa chín tạc nên một vẽ đẹp hồn quê bất diệt ngàn đời. Chiếc nón lá thường được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá dứa,… nhưng chủ yếu làm bằng lá nón. Nón hình chóp nhọn hoặc thỉnh thoảng ta còn thấy chiếc nón rộng bản và phẳng đỉnh, nhưng hình nón muôn thuở đi vào hồn cốt dân tộc vẫn là hình chóp nọn cổ truyền.

Ở làng Đâu Kênh, người thợ chằm nón từ lá nón, lá nón được mua từ làng Bố Liêu. Tôi nhớ mạ tôi khi còn trẻ, mỗi khi hết lá bà lại bảo tôi về làng Bố Liêu mua lá, ở đó người ta thường bán đủ các loại nguyên vật liệu để chằm nón, gồm có lá tra, lá non, sợi cước, chỉ màu khâu, kim khâu, nan tre được vót sẵn và cả khuôn nón. Khuôn nón của mạ tôi được truyền lại từ thời ông bà ngoại, khung nón làm bằng tre cứng, hình chóp nhọn, có kích thước bằng chiếc nón và có 16 dấu khấc để kiềng lên đủ 16 vành. Khi tôi mua đủ lá về, mạ tôi thường ngồi vằn lá, phân ra lá tra, lá non, để xuống gầm giường chỗ có nền đất cho dịu lá. Khi vằn lá phải tinh tế, tỉ mỉ và cẩn thận để nhận biết gân lá và xếp vào nhóm lá thích hợp.

Mỗi sáng sớm tinh mơ, khi gà vừa gáy sớm, mạ tôi sẽ thức dậy để ủi lá. Mạ nhen bếp lửa đỏ hồng cháy rụi ra than, những viên than nóng ran lêu hêu vài ngọn lửa nhỏ là độ lửa chín nhất để ủi lá. Trên bếp than mạ để lên đó một tấm sắt dày nặng trịch bằng phẳng, một tay mạ cầm lá, tay kia cầm một nằm giẻ thật dày, rồi lui hui ủi lá. Mạ cúi người vào độ nóng của than, bàn tay cầm lá và cầm giẻ phối hợp nhuần nhuyễn, khéo léo, mồ hôi đầy mặt đầy trán, khuôn mặt đỏ hồng vì than lửa. Cứ thế mạ ủi từng mảnh lá nhỏ, mạ thường nói ủi lá cũng phải chắt chiu từ những cảm nhận hun đúc qua nhiều kinh nghiệm, khi nhanh khi chậm, khi nhặt khi khoan, khi ít khi nhiều, cái này không phải tay năm miệng mười là có thể dễ dàng truyền đạt được. Thỉnh thoảng tôi thức dậy sớm, ngó ngọn lửa bập bùng cuối gian bếp củi, thấy bóng mẹ lom khom ùa cả khuôn mặt và đôi tay vào ủi lá, như ngó thấy cả một ân tình nồng đượm quê xưa.

Lá được ủi xong thì mạ xếp lá thành từng xấp mỏng, xấp lá tra, xấp lá non, xấp lá để vằn trong, xấp lá để vằn ngoài, xấp lá hỏng còn dùng được, xấp lá đẹp, xấp lá thơm. Mạ để nguội hẳn, chia lá và cất vào bao ni lông để chằm dần, một lần mua lá như vậy mạ có thể chằm được vài chiếc nón. Rồi lại bằng đôi bàn tay tỉ mẩn của mình, mạ vót vành nón, vót nhọn, mỏng tắp, đều đẹp và uyển chuyển. Mười sáu chiếc vành ngắn dài khác nhau nhưng cùng chung kích thước đã được vót đều đẹp đẽ. Sau đó mạ sẽ ngồi trên một chiếc đòn con, đặt khuôn nón trước mặt, xếp đều lên nó mười sáu vành trên mỗi khấc đã có sẵn nơi khuôn. Mười sáu chiếc vành mỏng đều như mười sáu vành trăng non khuyết, màu trắng của vành vừa đẹp đẽ vừa chắc chắn, gợi lên tất thảy những chắt chiu đời mạ.

Sau khi kiềng mười sáu vành lên khuôn nón, mạ khéo léo sắp lá vào khuôn. Đây có lẽ là công đoạn đòi hỏi tính thẩm mỹ nhiều nhất, độ tinh tế và tỉ mỉ khi xây lá và xoay lá sau khi đã cắt tỉa thích hợp độ dài ngắn khác nhau của từng miếng lá. Đầu tiên là xây lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp lá tra, tận dụng những mảnh lá còn đẹp và thích hợp, cuối cùng là xây lớp lá bên ngoài. Có lẽ khó nhất chính là lúc này, người thợ đòi hỏi phải có mắt thẩm mỹ và kinh nghiệm, xoay tròn lá để cân đối các mặt lá, cân đối hình thể chiếc nón, kiểm tra các lớp lang của lá, sao cho chiếc nón vuông thành đều cạnh. Tài năng và nét riêng của mỗi người thợ cũng được thể hiện rõ nhất ở công đoạn này. Sau khi xây lá và xoay đầu nón xong, mạ thường dùng một cái vành cứng, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, mạ đeo vào ngón tay trỏ một miếng cao su dày, xâu chỉ (cước) vào kim rồi tỉ mỉ chằm nón. Những mũi kim đều tăm tắp, khoảng cách giữa các mũi kim đều đặn, thẳng hàng thẳng lối, không được chặt quá cũng không được mảnh quá. Những mũi kim thưa hoặc dày cũng là một trong những tiêu chí đập vào mắt người mua khi chọn nón lá. Những chiếc nón có mũi kim dày đều đẹp thường bền hơn những chiếc nón có mũi kim thưa và khoảng cách xa. Vành vót dày và nhỏ cũng là yếu tố làm nên độ bền của chiếc nón.

Tỉ mẩn và duyên dáng nhất chính là bàn tay mạ khi thêu hoa văn dưới đỉnh nón và nức vành nón. Đỉnh nón thường được thêu bằng chỉ đỏ, thêu hình ngôi sao hoặc hình bông hoa rất đẹp. Sáng tạo thêm có khi là hình con chim bồ câu được họa hình bằng vài sợi chỉ, hay chiếc nút áo được mặc áo chỉ dày mềm làm nên những ngôi sao lấp lánh nơi đỉnh nón, dưới những vành vón mỏng mảnh đều đặn trông thật thích mắt. Công đoạn nức vành là công đoạn cuối cùng, mạ sẽ vót một đến hai cọng nan có thân dẹp, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Chỉ màu được buộc khéo léo vào hai bên vành nón để móc quay nón. Và chiếc quai nón được sáng tạo từ những dải vải mềm hay tơ lụa nhiều sắc màu đẹp đẽ, tôi thì thích nhất quai nón làm từ những dải vải rẻo mà tôi xin được ở chị thợ may đầu xóm đem về, những dải màu đủ các hình ảnh thật đẹp. Cuối cùng là mạ sẽ thoa dầu nón lên cho bóng lá, vừa là lớp bảo vệ lá cho bền lâu và phơi nón dưới nắng trưa. Nắng Quảng Trị giòn rang, chỉ phơi một lúc vừa đủ là phải đem nón vào. Ngay cả độ nắng khi phơi cũng phải chắt chiu từ muôn đời kinh nghiệm thủ công lưu truyền. Người nóng vội và nông cạn chưa chắc đã học được.

Chiếc nón lá được ra đời như thế, chắt chiu từ những miệt mài hôm sớm, những đôi tay bền bỉ, những đôi mắt cần mẫn tỏ tường. Ấy thế mà người chằm nón cứ ít dần rồi mai một lấy cái tài thủ công muôn thuở ấy đi. Người chằm nón bây giờ đôi lần gác khung lên chạn bếp, lại mơ hồ tìm kiếm một người hậu bối để truyền nghề, thảng thốt hỏi trong muôn người: Ai lại ngồi tỉ mẩn chằm nón đầu hè? Ai sẽ thổi hồn vào từng sợi cước, nắn nót từng nét chằm? Khi mà một ngày chằm nón không đủ tiền để mua vài lạng thịt heo ăn xổi qua ngày. Mà mỗi lần đổ xăng cho chồng đi làm ban sớm cũng đã tốn vài ngày chằm tay. Máy móc rập bao khuôn hình, hàng trăm chiếc nón hiện hình trong vài giờ, thế nhưng hồn cốt muôn năm thuở, bàn tay người ủ ấp từng đường nét, chiếc nón thủ công dày thơm hương lá, hương than, hương chỉ, hương quai lụa, hương quê, hương đất, hương người, vẻ đẹp đích thực của hồn cốt dân tộc? Biết tìm đâu? Rồi sẽ tìm đâu? Như những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“Ôi nón bài thơ của xứ nhà

Có bàn tay nhỏ nở như hoa

Có thành phố cổ giàu mưa nắng

Bóng nón đi về thêm thiết tha.”

Ngày nay, mỗi nếp nhà tranh nơi miền quê thôn dã đều có ít nhất một chiếc nón lá. Trong những thước phim về quê hương đất nước đều chấp chới những hình nón lá trắng nhấp nhô, nơi thảm đỏ xa xôi của những sàn diễn thời trang vinh danh đất nước, chiếc nón lá vẫn hiện diện, sánh đôi cùng những biểu tượng của mọi quốc gia. Vậy thì hà cớ gì ta không đưa làng nghề truyền thống của làng Đâu Kênh sánh vai với các làng nghề chằm nón khác, để những bàn tay miệt mài chằm nón hôm nay không chỉ vì miếng cơm manh áo, còn tự hào vì họ là những chứng tích tuyệt vời của truyền thống quê hương. Để những em gái đang lớn lên hôm nay, sẽ luôn sáng mắt sáng lòng hãnh diện khi học nghề thủ công chằm nón từ mái hiên dưới mỗi lũy tre già. Để từ khi mệ bày lại cho mạ, mạ lại bày lại cho con, con gái, con trai, con dâu, con rể, bày lại cho cháu, cho chắt chút chiu. Để mãi mãi sau những bộn bề, vẫn còn đó nếp nhà vang bóng cổ truyền nghề thủ công xưa.

Bà con Đâu Kênh nơi mọi miền đất nước, có thể chăng lưu giữ chuyện làng, quảng bá và kết nối, phát triển và lan tỏa một ngành nghề thủ công mãi mãi không bao giờ mai một : Nghề chằm nón lá truyền thống của xứ sở quê hương!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe AudioBook Chọn Lọc đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN HIỀN (Trần Thị Hiền)

Địa chỉ: Thôn Đùng Hói Bàu, xã Triệu Long,

huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Điện thoại: 091.833.73.69

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 05.11.2022.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét