CHUYỆN THỊ DÂN VÀ TRIẾT LÝ BÌNH DÂN CỦA TRẤN THÀNH - Tác giả: Lê Hồng Lâm (Nghệ An)

1 comment

 

CHUYỆN THỊ DÂN VÀ TRIẾT LÝ BÌNH DÂN

CỦA TRẤN THÀNH

*

(Tác giả Lê Hồng Lâm)

Phim Tết năm nay rôm rả quá, dù chỉ có 2 phim Việt nhưng đè bẹp tất tần tật phim Hollywood, phim Hàn, phim Thái - những kẻ ngang nhiên chiếm hết thị phần điện ảnh nội địa năm rồi.

Thị trường bùng nổ trở lại, khán giả xếp hàng dài mua vé, nhà rạp cười không khép được miệng, báo chí - mạng xã hội cũng đua nhau lên bài phân tích khen chê, bới bèo ra bọ... đủ cả. Một thị trường điện ảnh như thế là thị trường sống chứ gì nữa.

Hồi cuối năm ngoái tôi viết một bài nhận định về thị trường phim Việt chạm đáy, có trích dẫn một câu rất khí khái của anh Charlie Nguyễn: "chạm đáy xong thì phải bật lên thôi". Ai dè ứng liền. Tưởng bật nhè nhẹ thôi, ai dè phim Tết năm nay bật tanh tách như tôm sống luôn

Tôi xem hai phim Việt này trong hai buổi chiếu premiere trước Tết, chưa muốn viết gì cả, nhưng chat với chúng bạn thì bảo đây sẽ là một cuộc chiến 7/3, và dự đoán Nhà Bà Nữ sẽ vượt 200 tỷ. Ai dè cả tỷ số và doanh số đều có vẻ cao hơn. Giờ thì đã rõ ai mới là đạo diễn của phim Bố già rồi.

Báo chí và mạng xã hội của chúng ta luôn có xu hướng chỉ trích và vùi dập phim Việt. Tôi nghĩ điều này không có gì sai khi khán giả phải chứng kiến vô số thảm họa và những bộ phim non kém về mọi mặt. Nó là hệ lụy của một nền điện ảnh bao cấp đã bị giải thiêng, trong khi điện ảnh giải trí thì ăn xổi, nông cạn hời hợt. Tôi hay ví von đó là một nền điện ảnh luôn ở trạng thái "quá độ", không bao giờ trưởng thành và giống như con kiến bò quanh miệng chén, mãi không thoát được ra ngoài. Thế nhưng, ở thời điểm nào cũng có những nhà làm phim giỏi, nắm bắt được thị hiếu khán giả và có những tác phẩm lập kỷ lục phòng vé. Và tôi nghĩ đây là thời điểm để chúng ta phân tích những "case study" này để xem chúng có gì hấp dẫn khán giả, đánh trúng vào thị hiếu của họ và khiến họ phải bỏ tiền vào rạp xem phim giữa thời buổi phim ngoại tràn lan, phim trực tuyến nở rộ và khán giả có quá nhiều lựa chọn? Thậm chí các nhà sản xuất, đơn vị phát hành, hội điện ảnh... cũng nên tổ chức luôn những workshop mà phân tích xem tại sao nó thắng? "Taste", "gout" của khán giả Việt là gì để làm phim cho trúng, thay vì cứ làm ba cái nhảm nhí rồi đốt tiền phung phí.

Ở góc độ truyền thông, tôi nghĩ cũng nên fairplay với phim Việt. Khi phim Hollywood, phim Hàn, phim Thái đè bẹp phim Việt, báo chí hồ hởi dập phim Việt tơi bời. Đáng không? Đáng lắm, phải tát thật mạnh cho tỉnh ngộ, phải "thanh trừng" thẳng tay để loại bỏ phim rác, phim thảm họa. Nhưng khi phim Việt thắng, mà thắng giòn giã, đè bẹp tất tần tật phim ngoại, thì cũng nên nhìn nhận tại sao nó thắng, thay vì ngồi bới bèo ra bọ, vạch lá tìm sâu vớ vẩn như cái bài gì chỉ trích về ngôn ngữ chửi tục, chửi thề trong phim Nhà Bà Nữ rồi ồn ào này nọ. Phim về tầng lớp thị dân, lại là "dân chợ", dân lao động mà cứ đòi văn hoa kính ngữ với "đi nhẹ nói khẽ cười duyên" sao được hở các bạn?

Quay trở lại với Nhà Bà Nữ. Tại sao cái phim này nó thắng đậm đến vậy? Có ngày thu đến hơn 30 tỷ, vượt mặt cả kỷ lục cũ của Bố già và đến cả Avenger: Endgame với Avatar: The Way of Water cũng xách dép?

Vì cái tên Trấn Thành? Tôi chỉ sức hút của Trấn Thành cũng lắm chiếm 3/10, chưa kể anti-fan của anh này đông như kiến.

Phim mà dở, mà không đáp ứng được thị hiếu của đại chúng thì có 10 Trấn Thành cũng ế chỏng chơ. Hollywood cũng vậy thôi, hai cái phim Amsterdam và Babylon gom cả dàn sao bự hạng A, đạo diễn thắng hay ôm cả mớ đề cử Oscar vẫn chết thẳng cẳng như thường.

Với tôi, hai kỷ lục phòng vé chưa từng có của Bố GiàNhà Bà Nữ nói một cách ngắn gọn, là nhờ Trấn Thành khai thác được những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại, chạm vào được những vết thương kiểu "vô thức tập thể" rồi tìm cách chữa lành và để lại những bài học vừa vặn. Nói cách khác, phim của anh ta là dòng phim về thị dân và đưa ra được những triết lý bình dân gần gũi. Làm được điều này, tức là anh ta chạm vào được 80% người Việt Nam rồi. Thế nên khán giả cứ thế rồng rắn đến rạp xem phim thôi.

Cả hai phim đều có lối kể chuyện đậm chất tự sự, nói theo kiểu chuyên môn của Tây là "personal narratives"; cho phép kẻ dẫn chuyện được quyền thể hiện cái tôi cá nhân, góc nhìn đậm tính chủ quan. Bố Già đơn giản chỉ là chuyện cha con, là tình phụ tử, Nhà Bà Nữ là chuyện mẹ con/tình mẫu tử. Cả hai đều là góc nhìn của hai đứa con trong mối quan hệ bất hòa, xung đột thế hệ với bố, mẹ của chúng. Thầy Thích Nhất Hạnh nói "hiểu rồi mới thương", thì cả hai phim này đều phô ra cái tình thương đầy "toxic" giữa cha mẹ với con cái, tức là tình thương "độc hại", nhưng đó mới chính là cái vết thương, cái "vô thức tập thể" của người Việt từ đời này sang đời khác. Thế nên không bao giờ hết chuyện để kể. "Hiểu rồi mới thương", 4 cái từ đơn giản ngắn gọn của thầy Thích Nhất Hạnh nhưng đôi khi chúng ta phải trả giá thật đắt mới nhận ra. Cả hai phim của Trấn Thành đều cho khán giả thấy được điều đó.

Theme hay rồi, chủ đề bắt trúng "sóng" rồi, nhưng kể sao cho duyên, cho "đời" lại là một chuyện khác. Cái này thì nó phụ thuộc vào cái biệt tài kể chuyện của mỗi đạo diễn. Và với tôi, Trấn Thành là một "storyteller" giỏi và khôn ngoan.

Anh ta giỏi ở chỗ anh ta kể chuyện từ trải nghiệm cá nhân của mình nhưng nó cũng là câu chuyện phổ quát mà hàng triệu người Việt Nam cũng đã và đang trải qua. Anh ta thông minh khi biết cách để biến hóa chúng thành những chi tiết rất "đời", rất sống động với những nhân vật cứ như từ một cái hẻm lao động hay quán ăn nào đó lên phim. Tôi đồ rằng nhiều người xem Bố Già sẽ nhận thấy cái hẻm phố lao động ồn ào hỗn tạp rất giống với cái phố mình ở, cái tình cha con khắc khẩu giữa ông Sang và thằng Quắm từa tựa chuyện nhà mình. Tương tự thế, cái quán bánh canh cua "chửi" của bà Nữ, cái livestream bán kem trộn của con Như chửi chồng như hát hay... cũng thấy đâu đó cái quán ăn mình thường ghé qua hay mấy cái món hàng biết rởm mà mình mua vì bị "thao túng tâm lý"...

Cả hai phim đều phơi bày ra một thực trạng của rất nhiều gia đình Việt Nam hiện tại, đặc biệt là tầng lớp thị dân: bố mẹ áp đặt con cái, áp đặt không được thì chửi, "tao đẻ mày ra", "trứng mà đòi khôn hơn vịt", "thương cho roi cho vọt".... Vợ chồng thì quen hơi bén mùi xong là mất hết "tương kính như tân", "tao", "mày" búa xua, lỗi lầm nhất định thuộc về đứa khác... Muốn nhìn một gia đình hạnh phúc hay bất hạnh cứ nhìn vào mâm cơm của họ. Bố Già có cảnh bữa tiệc đại gia đình tổ chức ngay giữa con hẻm lao động, kết quả thằng em mất dạy phang luôn cái chai bia vào đầu ông anh chảy máu. Nhà Bà Nữ có cảnh bữa ăn 5 người trôi qua trong câm lặng nặng nề khi ai cũng nghĩ những kẻ khác là người có lỗi. Thế cho nên anh đạo diễn mới tung ra một cái triết lý bình dân bắt đúng thóp của hầu hết chúng ta khi ở trong một mối quan hệ đổ vỡ: "ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân".

Tại sao lại quán bánh canh cua mà không phải là cơm tấm hay hủ tiếu, hai món ăn phổ biến ở miền Nam hơn? Đơn giản là con cua đưa vào có ẩn ý cả, nhất là cú máy đặc tả ở đầu phim. Con cua tám cẳng hai càng, triết lý của cua là... "bò ngang", một con thì thoát và cả bầy là kiểu gì cũng chết vì cứ bám vào nhau mà kéo xuống. Trong Nhà Bà Nữ, các nhân vật trong phim đều... ngang như cua, cứ phải cào cấu, cắn xé nhau cho đến khi rơi xuống đáy mới tỉnh ngộ. Và may mà tỉnh ngộ.

Một thế mạnh nữa của Trấn Thành qua hai bộ phim này là khả năng xây dựng tâm lý nhân vật. Hầu hết nhân vật trong hai bộ phim này đều đầy khiếm khuyết, đều mắc sai lầm, đều ích kỷ và đều rất "annoying. Và cách đạo diễn "bắt" họ phải trải qua những bài học cuộc sống với những cái giá khá đắt là cách để bọn họ thức tỉnh và trưởng thành. Ông Ba Sang và bà Nữ là đại diện cho một thế hệ phụ huynh kiểu "tao luôn đúng". Thằng Quắm và con Nhi lại là những hình mẫu của bọn trẻ ích kỷ, tự tin thái quá, đến khi bị đời tát cho mấy cái lật mặt mới tỉnh ngộ rồi mới rút ra bài học kiểu "trường học và trường đời". Ngoài hai cặp bố con, mẹ con đầy "toxic", cả hai phim đều xây dựng những nhân vật phụ rất đời, rất "chợ", từ má Ngọc Giàu đóng hai vai trong hai phim quá duyên, đến hai đứa con dâu "mỏ hỗn" (Lan Phương và Khả Như), từ thằng Quý mất dạy kiểu đứa con "cừu đen" trong gia đình đến thằng Nhuận ở rể kiểu "chó chui gầm chạn"... Mỗi nhân vật được tung ra đều có câu chuyện để kể, đều ngấm ngầm gửi gắm một thông điệp nhân sinh nào đó. Thế nên khi thằng Quý, cái thằng hư hỏng đốn mạt tưởng vứt đi rồi lại chấp nhận hiến thận cứu ông anh, ta chợt thấy xúc động vì sự thức tỉnh của nó. Hay khi thằng Nhuận khi bị phát hiện ngoại tình và bị cả nhà vợ chửi rủa, hắn thừa nhận hết lỗi lầm của mình nhưng nhất định ra đi để sống cho tử tế với tư cách một thằng đàn ông có tự trọng, ta cũng thấy ở gã đàn ông hơi "hèn" này cũng có một sự thức tỉnh từ bên trong... Xem hai phim này, tôi đồ rằng dù thích hay ghét, khán giả cũng khó lòng quên được nhân vật, ngay cả những nhân vật phụ. Tôi cho đó cũng là một biệt tài của đạo diễn.

Khen đã rồi giờ chê nha, dù tôi không thuộc phong cách khen một chút chê một chút và hòa cả làng. "Chê" ở đây là những điểm hạn chế cần khắc phục để tác phẩm sau tốt và hoàn thiện hơn thôi. Điểm hạn chế rõ nhất trong hai phim của Trấn Thành là tính kịch, tính sân khấu còn quá nặng. Lối diễn "overacting", "overemotional" kiểu sân khấu hay lạm dụng những phân đoạn hài nhây kiểu tấu hài làm giảm hiệu quả và giảm tính điện ảnh của cả hai phim. Trong Nhà Bà Nữ, nhân vật youtuber của Lê Dương Bảo Lâm hoàn toàn thừa thãi và gây khó chịu.

Nhiều người chê cả hai phim đều thoại quá nhiều, chửi bới ầm ỹ, ồn ào náo loạn... Tôi thì thấy không vấn đề gì với những thứ đó, bởi đơn giản là nó hợp lý với câu chuyện, với chất liệu, với cách kể nói trên. Thoại nhiều không có nghĩa là không điện ảnh hay mất tính điện ảnh. Hãy nhìn vào những bộ phim của Woody Allen, của Quentin Tarantino, của David O.Russell, của Richard Linklater... để thấy những đạo diễn hàng đầu này dùng thoại, dùng voice-over để kể chuyện mà vẫn đậm đặc tính điện ảnh như thế nào...

Nói tóm lại, hai thành công kỷ lục tại phòng vé của Bố Già/ Nhà Bà Nữ chắc chắn khó có ai vượt qua được (ít nhất trong 5 năm nữa) ngoại trừ chính Trấn Thành (như anh ta từng phát ngôn "đối thủ của tôi là... chính tôi") - cho thấy chúng hoàn toàn không phải ăn may và khán giả cũng không phải dễ dãi. Chinh phục khán giả Việt Nam luôn khó và ở thời điểm này lại càng khó khi mà định kiến và sự kì thị dành cho phim Việt luôn khá nặng nề.

Thành công của hai bộ phim này, với tôi, đơn giản là chúng chạm vào được một chủ đề lớn, gần gũi, phổ quát, đậm đặc chất thị dân và đưa ra những triết lý bình dân có tính chữa lành của người Việt Nam đương đại.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- “Em và Trịnh” - Bộ phim gây nhiều tranh cãil

- Nói lại chuyện phim “Xích lô” bị cấml

- Tản mạn chuyện giới tính của “sao”l

- Tản mạn chuyện nghệ danh của các “sao” Việtl

- Kỷ niệm khó quên thời là lính văn nghệl

- Nghệ sĩ Cải lương Hồ Minh Đươngl

- Ca sĩ Thanh Lam và 15 ca khúc thể hiện thành côngl

- “Huyền thoại” của Phan Mạnh Quỳnh và những cảm nhậnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

LÊ HỒNG LÂM

Địa chỉ: Quận Bình Thạnh,

thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 29.01.2023

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét:

  1. FR phim lộ liễu quá!
    Viết phê bình phim mà toàn tán hươu tán vượn, thế này mà cũng gọi là nhà phê bình điện ảnh. Ông Trần Mạnh Hảo còn tụng ca Lê Hồng Lâm là nhà phê bình tầm cỡ nữa mới sợ chứ

    Trả lờiXóa