NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG KỂ CHUYỆN BÁC HỒ GÓP Ý SỬA THƠ - Tác giả: Kiều Mai Sơn (Hà Nội)

1 comment

 


NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG KỂ CHUYỆN

BÁC HỒ GÓP Ý SỬA THƠ

*

(Tác giả Kiều Mai Sơn)

Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi ngoài 80, nhà thơ Việt Phương đã hoàn thành tâm nguyện của mình là muốn kế thừa người anh ruột - nhà văn Từ Bích Hoàng, một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Khi mới 19 tuổi, Việt Phương đã được đồng chí Phạm Văn Đồng - bấy giờ là Đặc phái viên của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ - chọn về làm thư ký riêng. Từ đó, ông đã giúp việc cho đồng chí Phạm Văn Đồng suốt 53 năm trên các cương vị Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng… cho đến khi đồng chí mất năm 2000.

Nhà thơ Việt Phương cho tôi biết, là thư ký riêng giúp việc vị Thủ tướng lâu năm nhất của nước Việt Nam, ông phải "tự kiềm chế" và mất đi rất nhiều điều. Ông vốn lắm cá tính, có kiểu riêng, điệu riêng, cách riêng, thích thú riêng, và thậm chí cả ngang tàng riêng. Vì vậy, nếu ngay đến trong thơ cũng lại đưa cho thủ trưởng duyệt nữa, thì ông không còn gì, ông không còn là mình nữa. Nàng thơ là lĩnh vực của riêng Việt Phương.

Máu văn nghệ sĩ có sẵn trong căn cốt của mình, từ năm 1964, ông đã tham gia một nhóm thơ. Các thành viên trong nhóm đều làm thơ chuyên nghiệp, riêng có mình Việt Phương làm thơ nghiệp dư. Họ là Vũ Quần Phương, Bằng Việt, về sau thêm Phạm Tiến Duật ở trong miền Nam ra. Phái nữ có Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi...

Năm 1970, tập thơ "Cửa mở" của Việt Phương ra đời thu hút ngay được sự chú ý của dư luận, không phải chỉ riêng văn đàn mà cả chính giới.

Sau những dích dắc liên quan tới tập thơ "Cửa mở", Việt Phương vẫn là cán bộ giúp việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng thời tham gia nhóm cán bộ giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn, và là một thành viên cốt cán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Nghỉ hưu ở tuổi 65, ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định cử làm Ủy viên Thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Khi Tổ chuyên gia tư vấn mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục là Ủy viên Thường trực của Ban. Vừa làm kinh tế ông vừa làm thơ. Để rồi, sau "Cửa mở" là "Cửa đã mở" (2008), "Bơ vơ đông đảo" (2009) và "Cỏ dọc đường trần" (2010) ra đời.

Tôi ngồi hỏi chuyện một Việt Phương nhà thơ. Ông kể, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có một tâm hồn thơ nhưng không làm một câu thơ nào. Như đã thỏa thuận từ trước, nàng thơ là của riêng ông. Tuy không đưa thơ cho Thủ tướng xem, nhưng Việt Phương lại thỉnh thoảng được đọc thơ mình vừa làm để Bác Hồ nghe và cho ý kiến. Cuối những năm năm mươi (của thế kỷ trước) cho đến năm 1969, khi Bác qua đời, nhà thơ Tố Hữu làm thơ thường đọc cho Bác nghe trước khi công bố. Nhiều hôm đọc như thế, Việt Phương được dự.

Sau ngày Bác mất, Việt Phương đã công bố ngay bài thơ "Muôn vàn tình thương yêu trùm lên trên khắp quê hương" (1969) với những câu thơ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả: "Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ". Đầu năm 1970, ông có bài nói chuyện tại Hà Nội với cán bộ, đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, sau này được in thành sách "Một số mẩu chuyện về đời sống hàng ngày của Bác Hồ" (Lưu hành nội bộ - nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000).

Bằng chất giọng hào sảng, nhà thơ Việt Phương kể cho tôi nghe một kỷ niệm về thơ với Bác cách nay vừa đúng nửa thế kỷ.

Năm 1961, nhà thơ Tố Hữu viết một bài thơ xuân mang vào đọc cho Bác nghe. Khổ đầu của bài thơ như sau:

Tôi viết bài thơ xuân

Nghìn chín trăm sáu mốt

Lá bàng đỏ rụng ngoài sân

Cành dâu xanh rờn ngõ trước

Những câu thơ tả thực khuôn viên nhà riêng của nhà thơ Tố Hữu ở 76 Phan Đình Phùng: Sân sau có mấy cây bàng, vào mùa xuân lá bàng đỏ rụng, còn phía trước có cây dâu mùa đông ra lá xanh.

Nghe đọc xong Bác nói ngay:

- Chú viết sái lắm. Mới vào năm 1961 cái mà lá bàng đỏ rụng ngoài sân thế này, không được. Cành dâu mà có xanh rờn ngõ trước thì cũng không bù lại được.

Nhà thơ Tố Hữu tiếp thu. Trở về, ông chữa lại:

Tôi viết bài thơ xuân

Nghìn chín trăm sáu mốt

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt

Nắng soi sương giọt long lanh…

Rét nhiều nên ấm nắng hanh

Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?

Giã từ năm cũ bâng khuâng

Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường…

Những năm tháng ấy, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ ở chung với nhau. Vì vậy, nhiều lần nhà thơ Việt Phương sang giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi thì ông đọc cho Bác nghe những tài liệu trong nước và nước ngoài gửi đến để Bác duyệt; hoặc ông đọc những tài liệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn xin ý kiến Bác. Sau những lúc làm việc xong, trong tình thân Bác - cháu, nhà thơ lại đọc Bác nghe một bài thơ ông mới viết.

Nhìn vào cuộc sống thấy cả mặt sáng và mặt tối. Dù trong thâm tâm mình vẫn luôn hướng về ánh sáng nhưng ông không thể làm ngơ trước cái xấu. Ông làm bài thơ dài hai trang về đời sống xã hội. Làm việc xong với Bác, ông đề nghị:

- Hôm nay cháu có bài thơ mới viết, xin đọc Bác nghe.

Bác Hồ hưởng ứng: "Ừ, chú đọc đi".

Nhà thơ Việt Phương liền đọc khổ thơ mở đầu, trong đó có những ý so sánh sự ác độc của người đời với loài cầm thú, kiểu như "nhăn nhở như đười ươi", "rình mò như cú vọ", "nham hiểm như cáo già", "độc ác như báo hổ".

Nghe xong, Bác lắc đầu và bảo:

- Không phải thế đâu chú ạ! Loài vật không xấu xa thế đâu. Đó là định kiến sai lầm của con người gán cho loài vật. Loài vật không xấu xa thế đâu. Loài vật không có như chú viết: nhăn nhở, rình mò, nham hiểm, độc ác. Không phải thế đâu.

Kể xong câu chuyện, nhà thơ Việt Phương nói với tôi: "Ngay mở đầu đã hỏng, tôi bỏ cả bài ấy đi. Từ đó tôi rất là thấm thía học được bài học từ Bác. Sau này dần dần cho đến lúc lớn thêm nữa, trải nghiệm, tôi hiểu ra được sự sống: Sự sống rộng hơn sự người nhiều lắm. Sự người là từng người và cả loài người. Còn sự sống rộng hơn sự người nhiều. Trong sự sống còn nhiều những thành tố khác, những thành tố bình đẳng với con người mà con người cần tương kính, tương thân, tương ái…”.

Nhấp một chén trà ấm, nhà thơ Việt Phương trầm ngâm suy tư. Lát sau, ông lấy từng ví dụ để chứng minh cho tôi rõ.

Giáo sư Việt kiều Cao Huy Thuần đến chơi đã kể cho ông nghe câu chuyện có những nhà khoa học ở phương Tây dành cả một đời để nghe tiếng nói của từng loài cây. Trên một mảnh đất độ phì nhiêu như nhau, khí hậu như nhau, người ta trồng một loại cây cùng một lúc, ra cùng một thứ hoa, cùng một thứ quả. Người ta tưới bón chăm sóc giống y như nhau, chỉ có một điều khác duy nhất: Một cây họ cứ lặng yên chăm sóc, còn một cây trong khi chăm sóc thì họ nói chuyện với cây, tâm sự với cây vào lúc trời nắng, vào lúc trời mưa, vào lúc ra mầm mới, vào lúc rụng lá… Có điều gì trong cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn họ cùng tâm sự với cây. Kết quả là cây đó ra hoa sớm hơn hẳn và có quả ngọt hơn hẳn cây kia.

Vợ chồng giáo sư toán học Phan Đình Diệu lại kể cho ông nghe câu chuyện về hai cây cau vua cao to trong khoảnh vườn của mình: "Cây cau vua nhà tôi, hai vợ chồng tôi đếm đã 200 lần rơi lá, không có lần nào lá cây cau rơi xuống mà gây tổn thương hay làm hại, gây khó khăn gì cho cây ở dưới, cứ như là nó lựa chọn ấy. Nó chọn lúc nào thì rơi, theo chiều gió như thế nào, lá rơi xuống cách ra làm sao, đi theo những đường lượn thế nào, không bao giờ gây tổn hại cho ở dưới cả. Mà đến 200 lần. Có lẽ nào lại không có một tý ý thức nào? Tôi phải khấn và tôi phải khâm phục cây ấy. Nó tôn trọng các cây khác đến như thế".

Còn vợ nhà thơ Việt Phương, bà Trần Tú Lan, con gái đầu của hai nhà cách mạng lão thành Vũ Văn Tân và Nguyễn Thị Phương Hoa, có một con chó và một con mèo. Dường như có sự giao lưu giữa bà chủ với hai con vật nuôi đó rất rõ rệt. Bà nói cái gì hầu như nó hiểu cả. 

Cho nên dần dần tôi thấm thía được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không phải thế đâu chú ạ. Đó là định kiến sai lầm của con người. Loài vật không xấu xa như thế" - Nhà thơ Việt Phương kết thúc câu chuyện với tôi bằng một câu đúc kết đầy tâm đắc

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

VỚI PHÓNG VIÊN BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI:

*.

KIỀU MAI SƠN (tên thật: Kiều Văn Khải)

Địa chỉ: Tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam

14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

.

 

 

.  

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 21.05.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: