BÀ TÔI - VÔ THỨC CÙNG TỨ THƠ - Tác giả: Hoàng Thị Thu Thủy ; Đinh Hoàng Long giới thiệu

Leave a Comment

 


BÀ TÔI -

VÔ THỨC CÙNG TỨ THƠ

 

Thật lạ, khi Ngô Mậu Tình vừa đăng bài thơ Bà tôi lên facebook, tôi chợt giật mình bởi dấu ấn của vô thức đã làm nên thi tứ rất rõ, không thể không đọc kĩ bài thơ.

BÀ TÔI

 

trần nhà như cánh đồng

khô cong luống cày

mắt bà lần tìm cuống nhau ánh sáng

đang vơi dần mỗi ngày

 

gỡ thời gian ra khỏi mái tóc

ra khỏi những nếp nhăn quen thuộc

bà đi qua từng ruộng lúa

với chiếc áo may bằng cơn mưa

 

gom màu mỡ từ mặt đất

bà vung lên bầu trời

đo gió bằng lóng tay

bà nhẩm đường bay vàng ruộm

 

trong thì thầm giấc mơ của bà

mùa màng vùn vụt lớn dậy

ấm và thơm

dọc triền sông nắng.

 

NGÔ MẬU TÌNH

Cái nhìn của bà tôi hay cái nhìn của thi sĩ? Dường như không có ranh giới, người bà khi đã vượt qua cái tuổi hiếm, cực hiếm, trên cả một thế kỷ để vui cùng con cháu thì quả là đại phúc. Phúc nhà còn ấm thêm bởi khi mắt bà không còn tỏ thì có người cháu nội đã mang đến nguồn sáng cho bà bởi cái nhìn thấu tỏ, cái nhìn từng trải, cái nhìn soi chiếu… cái nhìn vô thức.

Sống thọ là mơ ước của nhiều người, dù quy luật thì bất di bất dịch: sinh, lão, bệnh, tử. Nhiều lần tôi thấy hình ảnh em bên bà, khi thì chăm bà bón sữa, khi thì trò chuyện cùng bà, người ta thường nghĩ thế giới facebook là ảo, riêng tôi khi đã kết bạn với nhau, mỗi hình ảnh bạn bè đưa lên tôi đều thấy rất thật. Tôi cũng đã đọc nhiều bài thơ của em, nhưng chưa có bài nào gây ấn tượng mạnh với tôi như bài này. Có lẽ vì tôi cũng sống bên bà ngoại từ bé cho đến khi bà qua đời, gánh hàng của bà ngoại tôi nuôi chị em chúng tôi từ bé đến lớn…

Nhưng ấn tượng hơn không phải là lời kể lể về bà, mà cái nhìn thẳm sâu của em, em đã nhìn thấy bà qua cái nhìn của người già, cái nhìn lồng ghép giữa cái tôi thi sĩ và con mắt trải đời của con người thế kỷ.

Cảm giác như cái nhìn vô thức đã cấu tứ nên bài thơ thật kì lạ: “trần nhà như cánh đồng/ khô cong luống cày/ mắt bà lần tìm cuống nhau ánh sáng/ đang vơi dần mỗi ngày”. Trong tư thế và tâm thế của người già, thật lạ khi hình ảnh so sánh xuất hiện: “trần nhà như cánh đồng”, tác giả không kể lể về một đời lam lũ, tảo tần của bà mà qua hình ảnh thơ ta như thấy cả một đời lam lũ, tảo tần nuôi con, chăm cháu của bà. Thơ ca kiệm lời, súc tích và đa nghĩa là vậy. Hình ảnh “cuống nhau ánh sáng” gợi lại biết bao nếp gấp của thời gian qua cái “lần tìm” trong ánh mắt của bà. Cái nhìn vô thức của tác giả như cùng bà đi ngược thời gian về một cuộc đời dài thật dài, nhớ thật nhớ.

Rồi dường như sực tỉnh ra khỏi giấc triền miên, Ngô Mậu Tình viết: “gỡ thời gian ra khỏi mái tóc/ ra khỏi những nếp nhăn quen thuộc/ bà đi qua từng ruộng lúa/ với chiếc áo may bằng cơn mưa”. Tác giả có cái nhìn sắc sảo qua ngôn từ chắt lọc: mái tóc, nếp nhăn. Con người thường sợ già đi từ mái tóc, từ nếp nhăn. Giờ em đã “gỡ thời gian” qua khỏi các dấu tích, trả lại cho bà hình ảnh trẻ trung khi đặt từng bước chân qua cánh đồng bằng “chiếc áo may bằng cơn mưa” – hình ảnh ẩn dụ thật tuyệt vời. Tôi như nhìn thấy cánh cò chấp chới trong cơn mưa, hình ảnh cánh cò lặn lội, hình ảnh tảo tần của mẹ, của cha, của bao thế hệ người nông dân cần cù trên ruộng lúa, bờ đê. Tứ thơ bay bổng diệu kì như cánh sáo diều trong nắng hè của những chú bé vắt vẻo trên lưng trâu…

Cái vô thức thổi hồn thơ của em đến tận cùng bay bổng: “gom màu mỡ từ mặt đất/ bà vung lên bầu trời/ đo gió bằng lóng tay/ bà nhẩm đường bay vàng ruộm/ trong thì thầm giấc mơ của bà/ mùa màng vùn vụt lớn dậy/ ấm và thơm/ dọc triền sông nắng”. Thơ ca là vậy, tôi nhớ nhiều lần nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nói với tôi, hễ viết trong vô thức là hay. Cái vô thức trong thơ Ngô Mậu Tình đã chiếm trọn hồn thơ của cả bài, đến hai khổ cuối, hình ảnh thơ bay bổng, vừa nâng cao tâm thức người đọc, vừa nhẹ nhàng cuốn hút bởi thi ảnh có phần phóng đại trong không gian ba chiều ngờm ngợp nắng, gió, triền sông, bầu trời, cánh đồng… Cái tung hoành, cái phóng khoáng, cái bay bổng thật phù hợp với bà, bởi bà sống đến tuổi ấy cùng con cháu – nhất là người cháu có tài, có tâm Ngô Mậu Tình, xem như cũng là thỏa chí bình sinh.

Ngắn gọn, súc tích, gợi cảm… bài thơ “Bà tôi” thực sự lay động tâm hồn   chúng ta với văn hóa gia đình – giá trị cốt lõi của văn hóa con người Việt Nam. Hy vọng bài thơ sẽ lan tỏa trong mỗi chúng ta một sự đồng cảm, một sự mơ ước và hơn cả là vòng tay yêu thương ấm áp bởi tình cảm gia đình thật đáng trân trọng.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Đinh Hoàng Long giới thiệu

Tác giả: Hoàng Thị Thu Thủy - nguồn: vanhocsaigon

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét