NGHĨ GÌ VIẾT ẤY:
TRẦN ĐĂNG KHOA... “CUỘI”!
Trần Đăng Khoa là người khá thú vị. Anh ít tuổi hơn, đôi khi nói
chuyện, tôi hay dùng lối kẻ cả, nhưng anh không giận, và có vẻ như anh quí tôi
thật, ít ra là kính trọng tôi với tư cách là người dịch và nhà văn.
Nếu tin được lời Khoa, tôi nói thế vì ông này là chúa nói lông
bông, thì anh đã tìm mua tất cả tất cả các cuốn sách của tôi ngoài cửa hàng, và
hiện có “một tủ sách riêng” cho chúng. “Có đọc không?” “Có
chứ. Và rất hay! Khoản dịch thơ thì bác nhất!”
Cách đây mấy tháng Khoa đến chơi, mang theo mấy cuốn của mình
tặng tôi, trong đó có cuốn về dòng họ anh. Hóa ra họ Trần Đăng cũng một thời
rất oanh liệt. Lúc về, anh mượn hai tập lớn gồm toàn bộ truyện ngắn của tôi,
trừ những truyện “phản động” tôi không cho ai đọc, cũng hơn 2300 trang, và tập
thơ sáng tác hơn 1200 trang.
Khoa bảo đã đọc hết tất cả. Tất cả! Và đã viết một bài về tôi,
không hiểu để in báo hay cho vào tập kiểu “Chân dung và đối thoại”.
Nhiều lần trước đấy anh nói sẽ viết về tôi, nhưng tôi bảo cái ấy tùy Khoa, cá
nhân tôi tôi không quan tâm, và đừng coi làm thế là làm ơn cho tôi. Với người
khác tôi cũng nói vậy. Như đã nói, tôi quan niệm giá trị đích thực của nhà văn
nằm trong tác phẩm để lại chứ không phải được người ta nhắc nhiều hay ít trên
báo đài.
Tôi không tin Khoa đã “đọc hết” chừng ấy nghìn trang, mà cũng
không nhất thiết phải đọc. Đơn giản tôi nghiệm thấy nhiều lần anh nói thế mà
thực chất chẳng làm thế. Thí dụ anh bảo “Tối em nay sẽ đến chơi nhà bác”
thì cứ tin chắc chắn tới 90% là không đến. Một lần tôi cần mấy truyện của tôi
đã in ở Văn nghệ Quân đội, nhờ Khoa tìm hộ. Anh nói tìm được rồi, gửi rồi qua
ai đấy, đâu đấy, nhưng thực ra chưa tìm gì cả. Tôi không cho đây là nói dối,
nhưng quả nhiều người vẫn có thói quen nói đại đi như vậy. Chỉ mấy lần tiếp xúc
nhưng tôi thấy ông anh của Khoa là Trần Nhuận Minh ở Hạ Long, cũng có thói quen
tương tự, là điều khiến tôi vừa mỉm cười vừa nghĩ hay đây có yếu tố di truyền.
Ông Nguyễn Đình Chính cũng na ná như thế. Còn tôi thì lại quá cứng nhắc. Tôi đã
nói với ai điều gì thì nhất định sẽ làm đúng như vậy. Nếu không, sẽ thấy bứt
rứt, xấu hổ. Chắc không ngẫu nhiên người ta gọi Khoa là Khoa Cuội.
Trần Đăng Khoa đã từng là một hiện tưọng, với nghĩa đẹp của từ
này. Anh là thần đồng thơ khi còn nhỏ. Thế mà sau thơ anh lại chán, không những
không hay mà còn yếu, thật tiếc. Chắc tự anh cũng thấy điều đó nên thời gian
gần đây chuyển sang văn xuôi, loại đàm văn, nửa ký nửa phê bình chứ không phải
sáng tác thuần túy.
Khoa tính hồn nhiên, hay tếu đùa, và anh đã hồn nhiên, có thể
chủ ý, đưa sự tếu đùa ấy vào văn. Cuốn “Chân dung và đối thoại”
không đến nỗi, nhưng chưa tới mức để người ta làm rùm beng như vừa rồi. Nó có
giá trị tư liệu và thử gợi ý thay đổi những ý kiến định hình về văn học và một
số tác giả cây đa cây đề. Nếu giọng văn nghiêm túc hơn một chút, chứ không phải
chốc chốc lại cù để bạn đọc cười lên, thì sẽ đáng quí hơn rất nhiều. Tôi bảo: “Cậu
dở hơi. Không ai bắt mà tự biến mình thành anh Xuân Hinh trong văn học!”
Lại nữa, lấy vợ lấy chồng là chuyện bình thường, chuyện riêng
tư, thế mà Khoa đưa lên mặt báo An ninh thế giới, kèm theo nhiều chi tiết và
ảnh cưới cô dâu chú rể. Thế chẳng khác muốn khẳng định với người ta em cũng là
đàn ông bình thường chứ không phải “trục trặc” như thiên hạ đồn!
Ông giáo sư Trần Quốc Vượng cũng bị dư luận chê cười vì cho đăng
báo cuộc hôn nhân vốn chẳng mấy đẹp đẽ của mình. Báo còn chơi xỏ, kèm theo
những câu bình luận, những lời “tâm sự” của cô dâu, những bức ảnh không
hề làm ông vinh quang thêm. Trước đây ông có thỉnh thoảng đến nhà tôi chơi, nay
thì cả hai đều bận nên đã lâu không gặp. Ông còn là chủ tịch hội ẩm thực Việt
Nam. Một lần vợ chồng tôi phải ngồi tiếp chuyện ông trong bữa ăn kéo dài đến ba
tiếng đồng hồ.
Về chuyện đưa viêc riêng lên mặt báo, tôi nghĩ với Khoa, đó là
cái ấu trĩ của người trẻ chưa kinh nghiệm. Còn với ông Vượng thì là sự lẩm cẩm
của người già.
Thêm chút nữa về sự lẩm cẩm của người già.
Một lần tôi nhờ Trần Quốc Vượng cùng tôi đi Thuận Thành Bắc Ninh
xem đất xây lăng cho cụ tổ Thái Thuận. Dọc đường, ông hồn nhiên khoe con gái
ông nói cả thế giới chỉ có khoảng vài chục bộ óc kiệt xuất, trong đó có bố cô
là giáo sư Trần Quốc Vượng.
Còn ông Lê Đạt, một người đáng kính bị oan ức hàng chục năm trời
về vụ Nhân văn Giai phẩm, khi một lần ở 65 Nguyễn Du tôi hỏi sao không sang
Pháp chơi một chuyến, ông đáp, giọng buồn buồn: “Sang làm gì, bên ấy còn ai
nữa mà sang, khi bạn bè tớ như Jean Paul Satre và Camus đều đã chết”. Điều
đáng ngạc nhiên là ông nói rất chân thành.
Ông cũng rất chân thành khi nghĩ bằng cách sáng tác ra loại thơ
con cóc nhảm nhí của mình, ông đang làm một cuộc cách mạng thơ và khai sáng cho
lớp trẻ tăm tối.
Thi sĩ Xuân Diệu, một lần đến nhà xuất bản Tác Phẩm mới, tặng
tôi cuốn Tuyển tập thơ vừa in, rồi lắc lắc đầu như thường làm, ông nói: “Tân
ạ, cậu giúp tớ in một tập thơ dịch về tình yêu, in thật chuẩn, để coi như khép
lại một mảng, sau này mọi người khỏi phải dịch và in thơ tình thế giới nữa!”
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:
Đinh Hoàng Long giới thiệu
Tác giả: Thái Bá
Tân - nguồn: facebook Thái Bá Tân
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét