PHẠM LƯU VŨ LÀ AI MÀ DÁM SỬA LƯNG ĐỨC PHÁP CHỦ? - Tác giả: Lý Diện Bích ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 


PHẠM LƯU VŨ LÀ AI MÀ DÁM

SỬA LƯNG ĐỨC PHÁP CHỦ?

 

Ngày 15/5/2021, trên facebôk cá nhân của Phạm Lưu Vũ, có bài viết “Đại Lễ Phật Đản”, nhằm công kích Thông Điệp Phật Đản PL 2565 – DL 2021 của Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ (Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam).

Theo trong bài viết của ông: “Câu đầu tiên đã có vấn đề: Đức Phật hiện thân ra đời vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.” Quan điểm của Phạm Lưu Vũ là: “dùng từ số đông là trái với Phật giáo, hơn nữa tại sao lại chỉ vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Nên đây là lối viết bất bình đẳng”. Vì vậy, y không ngừng công kích: “số đông là số đông nào?…”

 

Ông Vũ viết: “Kinh Pháp Hoa, Đức Phật hiện thân ra đời vì một đại sự nhân duyên, đó là Khai Ngộ Tri Kiến Phật cho tất thảy chúng sinh. Sao lại phân biệt số đông với số ít ở đây? Vế sau còn có “vấn đề” nặng hơn: “vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. Thế còn súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục thì sao? Đức Phật mặc kệ họ à? Điều này hoàn toàn trái với tất thảy mọi giáo lý của Phật Đà.”

Qua lập luận trên, rõ là Phạm Lưu Vũ hoàn toàn không hiểu gì về Phật Pháp. Chỉ giỏi khua môi múa mép dùng ít sở tri gói lá mít của mình để quy chụp thông điệp Phật Đản của Đức Pháp Chủ. Nguyên văn của câu kinh này được trích dẫn từ Kinh Tăng Chi Bộ 1, Phẩm Một Người, Phần Như Lai, Tr.46 nói:

1. – Một người, này các Tỷ Kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ Kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Cho nên, thay vì dùng từ “đa số” như bản dịch của HT. Thích Minh Châu, thì thông điệp của HT. Thích Phổ Tuệ lại dùng từ “số đông” thuần Việt cho dễ hiểu. Điều ấy chứng tỏ Ông Phạm Lưu Vũ không hề đọc tạng Kinh Nikaya. Tư tưởng “Đức Phật ra đời vì lợi ích số đông” hoàn toàn phù hợp với kinh điển Phật Giáo. Nếu y dùng tư tưởng “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” của Kinh Pháp Hoa để đả phá thì lầm. Vì sao ở đây Đức Phật chỉ xác nhận ra đời vì lợi ích số đông? Vì Phật có “tam năng tam bất năng” đó là:

– Phật không bị ràng buộc bởi các tướng, thấu triệt hết vạn pháp “được” mà diệt định nghiệp tức thì (ngay trong một lúc) “không được”.

– Phật biết tất cả căn tánh của chúng sanh và những việc lâu xa cùng tội ức kiếp “được” mà hóa độ chúng sanh vô duyên thì “không được”.

– Phật độ vô lượng vô số chúng sanh “được” mà độ tận thế giới chúng sanh “không được”.

(Từ Điển Phật Học).

Vì tam bất năng “Phật hoá hữu duyên nhân”, nên Phật chỉ lợi ích cho số đông, dù tâm từ bi của Đức Phật trùm khắp tứ sanh, lục đạo. Do đó, khi Phật thuyết Kinh Pháp Hoa, đến phẩm Phương Tiện đoạn 14, ( HT. Thích Trí Tịnh dịch), “trong hội chúng có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, cả thảy năm nghìn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về”. Vì những người này là tăng thượng mạn, nên Đức Thế Tôn không ngăn cản. Trong Kinh Đại Bảo Tích cũng có một số Tỳ Kheo tăng thượng mạn bỏ thính chúng đi ra, vì Phật nói kinh Đại Thừa. Cho nên, Pháp Phật chỉ có lợi ích với những ai đủ duyên thọ trì. Dù giáo pháp của Phật ban bố lợi ích bình đẳng như trận mưa rào, nhưng tuỳ theo căn cơ của chúng sanh như các loại cỏ cây lớn nhỏ mà thọ nhận có sự sai biệt. Vì vậy, Phật chỉ nói Pháp Nhất Thừa mà phương tiện bày ra có Tam Thừa.

Đứng về phương diện thực tế, giá trị cống hiến của Phật Giáo là rất lớn cho hoà bình và lợi ích của nhân loại. Nhưng giá trị ấy chỉ được xác nhận thích đáng bởi những ai tin theo Phật giáo. Vì hơn 7 tỷ người trên hành tin này, có rất nhiều nền văn hoá, tôn giáo khác nhau, chứ không riêng gì đạo Phật. Nên nói “Đức Phật hiện thân ra đời vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông”, đó là cách nói khiêm cung và chuẩn xác nhất trong thông điệp Phật Đản của Đức Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Chẳng biết ông Vũ am hiểu đạo bao nhiêu mà dám viết: “Đó là một câu phản Pháp và ngô nghê. Tri kiến phàm phu cũng không đến nỗi ngô nghê như thế, đừng nói tri kiến Phật.”

Khi ông Vũ dùng từ tri kiến Phật để bài bác tại sao “chỉ có lợi ích cho chư thiên và loài người” thì càng bộc lộ cho thấy, chẳng hiểu gì về Kinh Pháp Hoa, tức Đại Thừa, rõ ràng ngay trong phẩm Hoá Thành Dụ, khi Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai thành tựu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì chư thiên các cõi đều hoan hỷ đến cầu xin Đức Phật Chuyển Pháp Luân, độ thoát chúng sanh mở đường Niết bàn, vì:

Chúng sanh nghe Pháp này.

Được đạo hoặc sanh thiên

Các đường dữ giảm ít

Bậc nhẫn thiện thêm nhiều”.

(Kinh Pháp Hoa)

Cho nên từ kinh Nikaya đến kinh Pháp Hoa đều nói Phật ra đời vì lợi ích cho trời, người. Vì đạo Phật lấy tính nhân bản làm trọng tâm của giáo pháp, là con đường giải thoát chúng sanh ra khỏi luân hồi, vãng sanh về thánh cảnh hay thiên giới chấm dứt sự khổ đau trong bốn đường ác: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh và A Tu La. Tuy không đề cập đến các cõi đó trong thông điệp Phật đản nhưng không có nghĩa là không có lợi ích đến tất cả chúng sanh. Do đó, chư Phật trong ba đời thị hiện đều vì mục đích Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến” cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, vẫn tùy theo căn cơ mà hoá độ. Chính vì mục đích tà kiến muốn quy chụp phương châm hành đạo của Đức Pháp Chủ, ông Vũ ráng sức “y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan”. Một người chưa từng đọc kinh Nguyên Thủy cũng không thể thấu hiểu Đại Thừa mà dám sửa lưng một bậc Đại Lão Hoà Thượng, quả thật không tự lượng sức mình, nên hành động xuyên tạc Phật Giáo của y suốt mấy năm qua, đều là tà kiến.

Kinh Tăng Chi Bộ 1, Phẩm MAKKHALI, Một Pháp, Tr.71, Phật dạy: “Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho đông người xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính người này … đưa lại bất hạnh cho đa số,…bất lợi cho đa số, đưa đến đau khổ cho chư thiên và loài người”.

Thì những người tà tri, tà kiến vong bản đang ra sức xuyên tạc Phật Giáo, ủng hộ ngoại đạo như Phạm Lưu Vũ mới là đáng lo ngại cho chính y và những người cả tin nông nổi.

Ông Vũ viết: “Tôi sở dĩ không bàn về những nội dung tiếp theo trong bản thông điệp, bởi vì ngay câu đầu tiên đã hỏng rồi, thì… bàn làm gì nữa”.

Thật ra, sở dĩ Phạm Lưu Vũ không bàn được nữa, vì ngay câu đầu tiên, kiến thức y đã bị hỏng. Mục đích duy nhất của y là dựa vào ba mớ suy diễn tầm thường, cỏn con: “chẻ sợi tóc ra làm tư”, để xuyên tạc Phật Giáo. Đây là thủ đoạn của ngoại đạo dựng lên một nhóm giả danh tri thức Phật Giáo nhằm đánh phá Phật Giáo, tuyên truyền Tăng Sĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện tại là Sư Quốc Doanh, tha hoá, để lôi kéo những thành phần bất mãn xã hội cùng triệt tiêu Phật Giáo. Bên cạnh kế hoạch mua chuộc, trà trộn nhân sự vào truyền thông chính thống để bôi nhọ Phật Giáo, làm suy vi văn hoá Dân Tộc và thực hiện mưu đồ đen tối của họ nhằm đẩy Phật Giáo vào thực trạng lũng đoạn như trước giai đoạn chấn hưng Phật giáo 1920.

Không những vậy, việc lập ra Hội Liên Tôn do ngoại đạo chủ trương, nhằm thúc đẩy một số Tăng Sĩ Phật Giáo tham gia chống đối nhà nước như chủ ý của họ, sẽ khiến Phật Giáo rơi vào thế lưỡng bề thọ địch. Vì chủ trương của Phật Giáo là “Đạo Pháp, Dân Tộc”, phụng sự tuỳ duyên, nên trở thành cái gai trong mắt bọn bút nô rẻ mạt. Đây là điều Tăng Ni Phật tử nên cảnh giác, vì chủ trương của đạo Phật là “Tuỳ duyên nhi bất biến”.

Trước tình hình đại dịch Covid 19, đang diễn biến phức tạp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam sát cánh cùng nhà nước để chống dịch đó là trách nhiệm lịch sử, nên thông điệp Phật Đản của Đức Pháp Chủ, cũng nhằm nêu cao tinh thần ấy.

Bằng trách nhiệm kế thừa sứ mạng Đạo Pháp, Dân Tộc tiếp tục tưới tẩm cội rễ tâm linh trong huyết mạch rồng tiên, rất mong đại chúng cùng nhau phát huy nội lực Phật Giáo, để phá tan pháp nạn truyền thông và âm mưu triệt tiêu Phật Giáo, độc tôn bành trướng của ngoại đạo.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời tham khảo NHÂN QUẢ VỚI QUAN ĐIỂM CỦA KHOA HỌC:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Lý Diện Bích - nguồn: chuaadida

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét