MƯU SINH NƠI QUÊ NGHÈO - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

Leave a Comment

 


MƯU SINH NƠI QUÊ NGHÈO

 

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Đức Phổ là một huyện phía Nam của Tỉnh Quảng Ngãi, được bao bọc bởi nhiều con sông, và có chiều dài bờ biển khoảng 40 km. Có hai cửa biển Sa Huỳnh và Mỹ Á cùng nhiều ao, đầm nên món ngon về thủy hải sản không hiếm. Các món ăn chính từ nguồn cá, tôm, cua, sò, ốc… rất phong phú. Đặc biệt ở Quảng Ngãi có một loại hến nhỏ, con lớn nhất cũng chỉ to bằng móng tay, người dân địa phương gọi là con dăn dắt. Chúng sinh sống dưới đáy cát vùng hạ lưu của các con sông như: Trà Khúc, sông Vệ, sông Thoa….

Muốn bắt được con dăn dắt cũng không phải là một việc đơn giản. Dăn dắt sinh sống ở vùng nước lợ, vùi sâu dưới đất cát gần cửa sông nên để bắt được chúng, người dân phải đợi con nước ròng, và cần có dụng cụ đặc biệt. Đó là một cây sào tre dài độ 2m5, đầu gốc chẻ tách làm đôi và căng ngang bằng một lưỡi thép mỏng có độ dài khoảng 30-40cm và rộng chừng 3-4 cm. Một tấm lưới thật dày chỉ đủ để lọt cát và những hòn sỏi nhỏ, mắc vào lưỡi thép và hai thanh tre chẻ đôi của cây sào, làm thành một cái bọc như cái vợt.

Hễ nước sông ròng vào lúc nào (có khi nửa đêm có khi gần sáng) thì đi cào lúc đó. Người đi cào dăn dắt lội ra giữa sông thả cái vợt lưới xuống nước, thân sào tì vào vai, kéo đi giật lùi. Cứ đi một đoạn lại nhấc cái vợt lên cho cát, sỏi rơi ra chỉ để lại những con dăn dắt xinh xinh be bé còn nằm lại trong vợt. Khi vợt đã căng đầy, người ta đổ chúng vào một cái thau đang được cột dây thả trôi bên cạnh hoặc vào cái bao tải mang theo bên người. Nghề cào dăn dắt thật là vất vã. Ngày nào cũng phải ngâm mình dưới sông.

Những thúng dăn dắt đem về ngâm qua nước lạnh một đêm để chúng nhả hết chất bùn, cát mịn trong ruột ra. Sau đó, người ta đem trụng (luộc) qua nước sôi, đãi vỏ, chỉ để lại cái ruột đem bán ở chợ.

Ruột dăn dắt mua về, phi hành mỡ cho thật thơm đổ vào xào, nêm nếm cho vừa ăn, cho thêm một ít hành ngò, rau húng quế và dăm lát ớt đỏ là đã có một món ăn vừa rẻ tiền, vừa ngon. Dùng miếng bánh tráng còn đang nóng xúc vào đĩa dăn dắt đang bốc hơi thơm nức mùi đưa vào miệng mà thưởng thức thì không còn gì khoái khẩu hơn. Miếng bánh tráng giòn rụm đi kèm với cái dai dai rắn chắc của thịt dăn dắt. Cộng với cái béo, cái cay cái ngọt hòa quyện vào nhau thành một kết hợp hoàn hảo. Hương vị từ từ thấm dần vào vị giác tạo nên một sự thích thú khó tả. Nếu ăn món này mà có thêm một ly rượu đế thì trên cả tuyệt vời!

Tôi thường nghe người ta hay đọc một câu vè mà không biết nó có từ lúc nào:

Ai ăn bánh ít lá tra

Lấy chồng Quảng Ngãi bám cây chà mành sơn!

Bánh ít lá tra? Tôi chưa từng ăn. Tôi đã ăn bánh ít lá gai, bánh ít trần. Còn bánh ít lá tra chỉ nghe người ta nói đến trong câu vè chứ chưa từng thấy ngoài chợ. Nhưng cây chà mành sơn thì tôi quá rành rẽ. Bởi thuở nhỏ vào những dịp nghỉ hè, tôi đã nhảy theo những chiếc thuyền mành để làm thủy thủ tập sự. Xã tôi ở nằm dọc theo bờ Biển Đông, từ đầu này đến đầu kia của xã dài hơn chục cây số.

Ngoài vài mươi con tàu chạy bằng dầu có chỗ đậu ở cửa Mỹ Á, dọc theo bờ là bến bãi của nhưng chiếc thuyền và những cái mủng nan. Loại phương tiện này nhiều vô kể, lớn nhỏ đủ kích cỡ. Người dân quê tôi không gọi là thuyền mà gọi là ghe. Chiếc ghe bé nhất dài chừng 3-4 mét, bề ngang chừng 1.8 mét; còn ghe lớn nhất cũng chỉ dài và rộng gấp đôi. Ghe được đan đát bằng tre cật già, đủ độ bền và dẻo dai để chịu sóng gió. Khi đan xong còn phải trát ba lần phân bò bên ngoài và trong cho kín các khe hở. Sau đó chờ cho khô lại phết thêm hai lớp dầu rái chống thấm nước. Những chiếc ghe lớn theo phong tục ở quê tôi khi làm xong đều phải điểm nhãn. Mắt ghe được vẽ ở đầu mũi. Mỗi bên một con, kiểu mắt phượng, đầu tròn đuôi dài và nhọn. Lòng mắt sơn hai màu đen trắng. Vành mắt đôi khi viền đen hoặc xanh đậm. Bên mỗi be thuyền có một hàng ba cái cọc quay chèo, phía trái thêm cọc chèo lái. Các cọc chèo được xếp theo hàng dọc so le nhau. Chính giữa ghe là cột buồm, chỉ khi nào đi lưới ngoài khơi mới cần căng buồm lên. Ghe ở làng chài tôi không thả neo ngoài biển, không về cửa đậu mà được dùng đòn khiêng xoay vần lên bãi cát trong bờ sau mỗi buổi ra khơi. Tờ mờ sáng hôm sau lại khiêng xuống nước. Có lẽ vì là bãi ngang nên sóng gió bất ngờ, ghe neo ngoài khơi không người trông coi dễ bị sóng đánh chìm hoặc vỡ. Còn về cửa Mỹ Á thì đi lại bất tiện.

Vì sống với sóng gió, tai ương không thể lường trước được nên ngư dân ở đây rất kiêng cữ. Có khi những điều kiêng cữ ấy quá phi lý đã trở thành mê tín dị đoan nhưng không ai dám bất tuân. Ví như lúc sắp khởi hành không ai được đi ngang qua trước mũi ghe, hoặc bước ngang qua cây chèo lái. Không được đem trái thị có mùi thơm của cô Tấm ra biển. Không được nói “chạy tuốt” mà phải nói “chạy tắp” v.v...  Tất cả những điều  kể trên đều bị cho là xúi quẩy. Kẻ nào lỡ vi phạm tuy không bị đánh đòn nhưng sẽ bị mắng là “Đồ ở núi!” Đó là một câu chửi rất nặng nề ở quê tôi. Có ý nghĩa như thứ dân mọi rợ chẳng biết gì.

Tuy là mặt biển rộng mênh mông, không ranh giới nhưng các vùng nước cách xa bờ vài hải lý đều có chủ quyền sở hữu cả. Dưới mặt nước xanh kia là những rặng san hô ngầm. Thật ra các chủ ghe không sỏ hữu mặt nước mà là các rặng san hô này. Mỗi một rặng đều có tên gọi hẳn hòi, và được xác định tọa độ bằng cách lấy vị trí của các ngọn núi trong bờ làm chuẩn. Hàng năm các ông chủ rạng phải xuống Ủy ban xã đăng ký quyền sử dụng và đóng thuế cho nhà nước rồi mới được khai thác. Để sử dụng các rặng san hô cho có hiệu quả người ta tìm cách dụ hải sản quanh vùng về rạng của mình. Cách làm cũng đơn giản giống như  thả chà ở sông. Nhưng về mặt kỹ thuật hơi khác chút đỉnh. Cụ thể, ngư dân dùng một cây tre đằng ngà to và dài, xung quanh có buộc bốn sợi dây thừng cũng rất dài đối xứng nhau. Những sợi dây thừng này được đánh bằng ruột tre chuốc thành sợi nhỏ, đem se lại với cọng cỏ lát khô cho tăng thêm độ bền. Dây thừng được đánh thật săn chắc, cứ mỗi đoạn cách nhau một cánh tay lại cột vào đấy mấy rẻ chà là đã phơi khô. Một đầu thừng buộc vào cây tre đằng ngà; đầu còn lại buộc vào cái giỏ cần xé to đùng có lót rơm xung quanh, và dồn cát biển vào trong ruột thật chặt. Tất cả những thứ ấy được chở ra biển và thả xuống rạng để làm “nhà” cho cá ở. Cứ vài ba tháng ngư dân lại phải làm một căn nhà mới để bổ sung. Những cái cây tre trụi lá do người tạo, mọc trên biển như thế được gọi là “cây chà mành sơn”.

Phương thức đánh bắt hải sản cũng có rất nhiều cách. Chẳng hạn như đi câu, thả bóng (một loại lờ bắt cá, cua, mực... ở biển có dạng khối vuông, mỗi cạnh chừng 2m), đánh lưới... Nhưng thịnh hành nhất ở quê tôi là nghề mành sơn. Mỗi chiếc ghe mành gồm một ông chủ, luôn luôn là người cầm chèo lái, và sáu người bạn chèo. Cứ tờ mờ sáng là cùng nhau đẩy ghe ra biển. Đánh bắt đến xế trưa quay trở lại bờ. Sản phẩm thu được đem về chia phần ghe và giàn mành chiếm một nửa. Phần còn lại chia đều cho bạn chèo và chủ ghe.

Thuở thiếu niên tôi cũng đã từng theo ghe mành vài lần vì muốn biết cái nghề mành sơn nó như thế nào. Khi mặt trời còn chưa ló dạng, phương đông chỉ mới ửng hồng, mọi người đã lục tục quay ghe xuống mép nước. Thủy thủ chia ra hai bên mạn thuyền “gay” chèo vào cọc, sẵn sàng nghe lệnh. Khi có một con sóng ngã vào bờ, chờ đúng lúc làn nước rút ra, chủ thuyền hô “Đẩy!” thì tất cả mọi người cùng khom lưng dồn hết sức đẩy mạnh cho chiếc ghe lao xuống nước. Khi ghe bắt đầu nổi lên khỏi mặt cát cũng là lúc mọi người thót nhanh lên thuyền, cầm vội lấy cây chèo, chèo thật cật lực. Bình thường sóng êm gió nhẹ chiếc ghe sẽ lướt phăng phăng rời bờ. Nhưng nhiều hôm có gió to, biển động ghe bị sóng đánh  xoay ngang, nước biển tràn vào khoang thì vất vả vô cùng. Thủy thủ phải nghiêng ghe đổ nước hoặc dùng gàu tát cạn rồi mới tiếp tục cuộc xuất hành. Bởi thế khi biển hơi có sóng thủy thủ chỉ mặc có mỗi một chiếc quần cộc và để lưng trần. Nếu sóng lớn quá biển động mạnh tạm nghỉ một vài bữa.

Khi đã đến vùng để đánh bắt, hai cái chèo ở khoang giữa được gỡ ra. Giàn mành sơn bằng sợi ny lông (thời xưa hơn là sợi gai) được hai người cầm chèo giữa thả xuống nước. Những người khác vẫn tiếp tục chèo vì ghe không thả neo. Giàn lưới từ từ chìm xuống mặt biển xanh. Tấm lưới mành xòe ra trông giống như một cái đãy lớn, miệng rộng đuôi túm lại để chứa cá tôm. Miệng lưới có cột ba hòn đá tảng vuông vức kích thước chừng một gang tay mỗi cạnh, cách quãng nhau để cho mau chìm. Ba sợi dây ny lông lo bằng ngón tay cái cột ở ba hòn đá được giữ lại nơi be thuyền, để lát sau kéo mành lên.

Mẻ lưới đầu tiên thả xong, ông mặt trời cũng vừa hiện ra nơi đường chân trời. Những tia nắng hồng ấm áp chiếu rọi khắp nơi. Thủy thủ gác chèo lên be, mở những gô cơm đem theo ra ăn sáng. Chủ ghe vẫn đứng cầm lái, chốc chốc lại khua chèo khuấy nước một lần để giữ cho chiếc ghe khỏi trôi xa vị trí thả lưới. Chỉ khi nào có ai đó cầm chèo thay thì ông ta mới nghỉ ngơi để ăn sáng. Nếu cần ông cũng có thể buộc ghe vào cây tre chà.

Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, sáu thủy thủ xúm lại kéo mành lên. Giàn lưới từ từ lộ ra dưới làn nước trong xanh. Dù còn cách mặt nước khá xa đã thấy những con cá đang bị tấm lưới dồn ép quây quần lại với nhau thành đàn. Lưới được kéo lên cao chừng nào đàn cá càng túm tụm lại với nhau chừng nấy. Ở rặng san hô có nhiều loại cá khác nhau, đủ các loại màu sắc đen, vàng, hồng, cam, trắng... bị lùa về phía cuối đãy mỗi lúc một nhanh. Tôi thấy chúng thật tội nghiệp, nhưng đám thủy thủ thì reo hò vui vẻ. Cá nhiều quá! Chủ ghe sợ cái đãy chứa không hết, cá sẽ tràn ra ngoài nên sai một anh thủy thủ trẻ tuổi nhảy xuống nước, dùng một khúc tre dài làm phao nắm lấy cái dây ở miệng đãy mà kéo lên để giữ cho cá khỏi tràn ra ngoài. Hai người đàn ông lực lưỡng hè hụi nâng đãy cá lên khỏi mặt biển và đổ cái ào vào khoang. Mọi người không ngớt nói cười, đánh giá mẻ lưới đầu tiên như thế là quá tốt. Chiếc ghe lúc kéo lưới bị luồng nước và gió trôi đi hơi xa vùng san hô nên ai nấy vội vàng vung chèo vòng lại chỗ cây tre chà. Mẻ lưới thứ hai được tiếp tục thả xuống. Cứ đánh bắt như thế mãi cho đén lúc không còn thu hoạch được gì chiếc ghe mới rời đi đến vùng rạng khác. Thường thì mỗi chủ ghe sở hữu hai ba khu rạng. Hôm nay có cá nhiều đến xế trưa họ mới trở vào bờ.

Buổi trưa phụ nữ và các cô gái đem cơm ra biển cho chồng con, ngồi đợi trong những cái chòi rơm trên dông biển. Sau khi ghe đã được đưa lên bãi, thủy thủ khiêng những sọt cá lên chòi. Cá được đổ ra trên một tấm liếp lớn, và hai anh ngư dân phụ trách đong chia cho mọi người. Trong lúc đàn ông nghỉ ngơi ăn cơm thì đàn bà nhận phần cá của chồng con mình, gánh đến chợ bán hoặc san lại cho những người chạy rỗi (bạn hàng mua bán cá).

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn

CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 KLEINBURG DR

London, Canada

Email: ducphot946@gmail.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét