VÀI CẢM NHẬN VỀ 2 BÀI THƠ VIẾT VỀ CHIỀU 30 TẾT - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

1 comment

VÀI CẢM NHẬN VỀ 2 BÀI THƠ

VIẾT VỀ CHIỀU 30 TẾT

*

Tôi đọc bài thơ "Chiều Cuối Năm" của nhà thơ, nhà giáo Đồng Duy Toại cũng khá lâu rồi, cách đây chắc cũng vài năm.

CHIỀU CUỐI NĂM

 

Chiều ba mươi tết về quê

Mẹ còn tất tả nón mê ra đồng

Ruộng còn một thửa chưa xong

Mạ non mẹ cấy lưng còng chiều đông

 

Bao nhiêu công việc nhà nông

Chìm trong giá buốt, còn trông tới mùa

Một đời vất vả nắng mưa

Một đời cơm áo sớm trưa... một đời

 

Con đi xa đã lâu rồi

Dù thương không nói nổi lời tri ân

Đàn cò mỏi cánh phân vân

Xà xuống bờ ruộng cho gần mẹ ta

 

Cấy xong trời đã xế tà

Bước chân xiêu vẹo về nhà cúng cơm

Hương, hoa, cơm mới ngát thơm

Dâng lên tiên tổ ghi ơn đức dày

 

Hôm nay con trở về đây

Mẹ không còn nữa hao gầy nén nhang

Khói bay bảng lảng mơ màng

Rước mẹ về đón xuân sang, lệ nhoà ...

*

ĐỒNG DUY TOẠI

Ngày đó định viết đôi lời giới thiệu về bài thơ nhưng rồi lấn cấn việc nọ việc kia nên tôi chưa làm được.

Chiều nay, 04/12/2020, gặp bài thơ "Chiều Ba Mươi Tết" của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hưng Hải trên trang facebook nhà thơ đại tá Quân đội Nguyên Hà, tôi tò mò đọc vì thấy mấy câu ở khổ thơ đầu khá giống với khổ thơ đầu bài thơ "Chiều Cuối Năm" của nhà thơ, nhà giáo Đồng Duy Toại:

CHIỀU BA MƯƠI TẾT

 

Chiều ba mươi tết ở quê

Mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng

Vội vàng cấy nốt cho xong

Mấy đon mạ mót ở trong sương mù

 

Cánh đồng chia khoảnh, chia khu

Vẫn liền chân mạ, vẫn như bao đời

Gió ơi đừng thổi rỗng trời

Đồng không ai biết mẹ tôi nhọc nhằn

 

Ngày cùng tháng tận bao năm

Còn lo manh áo, cái ăn xuân về

Bao người như mẹ ở quê

Chiều ba mươi vẫn nón mê ra đồng

 

Một đời cấy mãi chưa xong

Mẹ đi lui đến lưng còng còn lui

Nhẹ nhàng đon mạ ấy thôi

Mà bao gồng gánh, khóc cười đăm đăm

 

Tháng mười vui với tháng năm

Nào ai gặt hái xa xăm có nhìn

Đồng quê bóng mẹ hút chìm

Chiều ba mươi vẫn đi tìm mùa xuân

 

Cho sang năm hết nợ nần

Mẹ tin rảnh mạ đang cầm trên tay

Là bình minh của một ngày

Là giao thừa của xưa nay giao thừa

*

NGUYỄN HƯNG HẢI

Ở khổ đầu của 2 bài thơ này, không những giống ý 100% mà có những câu còn giống nhau gần tuyệt đối. Thời điểm ra đời của 2 bài thơ lại khác nhau nhưng không vì thế mà nói chuyện "đạo" thơ ở đây được vì ý (trong trường hợp này) giống nhau 100% cũng là điều bình thường, và sự giống nhau đến 99% của câu "Chiều ba mươi tết về quê" với "Chiều ba mươi tết ở quê" hoặc “Mẹ còn tất tả nón mê ra đồng” với “Mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng”... cũng không thể lấy làm căn cứ để quy kết ai "đạo" thơ ai, vì nếu gạt những câu đó ra ngoài bài thơ thì chúng chỉ là những câu giao tiếp thông thường, tựa như: "bố tôi", "mẹ tôi", "sáng nay", "chiều mai"....

Tôi lan man đôi chút bởi thi thoảng trên mạng xã hội (facebook chẳng hạn) có chuyện tố nhau "thằng này ", "đứa kia"... "đạo thơ" của xyz...

Trở lại 2 bài thơ "Chiều Cuối Năm" của Đồng Duy Toại và "Chiều Ba Mươi Tết" của Nguyễn Hưng Hải.

Với "Chiều Cuối Năm" của nhà thơ, nhà giáo Đồng Duy Toại thì cảm xúc chân thực và câu chữ giản dị là điểm sáng của bài thơ. Những câu thơ giàu thi ảnh, thi tứ như: "Đàn cò mỏi cánh phân vân / Xà xuống bờ ruộng cho gần mẹ ta" / "Bao nhiêu công việc nhà nông / Chìm trong giá buốt, còn trông tới mùa" hay những câu thơ gợi nhiều cảm xúc được viết bằng tình cảm chân thực của người con hiếu đễ: "Chiều ba mươi tết về quê / Mẹ còn tất tả nón mê ra đồng / Ruộng còn một thửa chưa xong / Mạ non mẹ cấy lưng còng chiều đông"... đã có sức nặng ghim "Chiều Cuối Năm" trong trí nhớ bạn đọc.

Với "Chiều Ba Mươi Tết" của Nguyễn Hưng Hải thì anh cũng dùng thể thơ lục bát để viết về Mẹ và mẹ của anh cũng là người mẹ nông dân của nắng mưa tần tảo.

Những câu thơ thật hay, thể hiện kỹ thuật tay nghề cao và tài sử dụng câu chữ của Nguyễn Hưng Hải trong bài thơ "Chiều Ba Mươi Tết" khá nhiều: - "Gió ơi đừng thổi rỗng trời / Đồng không ai biết mẹ tôi nhọc nhằn" / "Một đời cấy mãi chưa xong / Mẹ đi lui đến lưng còng còn lui / Nhẹ nhàng đon mạ ấy thôi / Mà bao gồng gánh khóc cười đăm đăm" / "Đồng quê bóng mẹ hút chìm /Chiều ba mươi vẫn đi tìm mùa xuân"…

Đọc những câu thơ tinh tế, giàu thi ảnh, thi tứ như thế tôi lại thấy tiếc khi đã vô tình đọc phải những câu "thơ" không biết nên gọi là phá thơ hay giết tiếng Việt, kiểu như anh đảo chữ: "Giữa chang chói Người là dòng nước mát" hoặc những câu anh viết lấy được: “Bác cũng giống Lê nin, Cac Mac / Làm đổi thay thế giới, mỗi con người / Trong đêm đen có được ánh mặt trời / Không có Bác không đường đi, chân lý”....), trong bài thơ: "Khai Sinh Ra Đảng".

-------------

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Bạn đọc cảm nhận về bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về 46 bài thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

-------------

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

Mời nghe nhạc phẩm XUÂN NÀY CON VỀ MẸ Ở ĐÂU

của Nhật Ngân, qua tiếng hát Quang Lê:

*.

Hà Nội, chiều 04 tháng 12-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


1 nhận xét:

  1. Bài viết hay và khéo quá!
    Bài "Chiều Cuối Năm" được tác giả đánh giá là cảm xúc chân thực (2 lần trong một đoạn ngắn), câu chữ giản dị và "đã có sức nặng ghim "Chiều Cuối Năm" trong trí nhớ bạn đọc".
    Bài "Chiều Ba Mươi Tết" được tác giả đánh giá là kỹ thuật, tài chữ nghĩa nhưng lại không có một từ nào đả động đến cảm xúc chân thực hay bạn đọc nhớ đến bài thơ. Đã thế còn bồi thêm đoạn kết còn nhiều chữ hơn cả đoạn đánh giá về "Chiều Ba Mươi Tết".
    Thâm quá anh Đặng Xuân Xuyến!

    Trả lờiXóa