BIỂU TƯỢNG 'TRĂNG' TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ - Tác giả: Bùi Ánh ; Ngô Nguyễn giới thiệu

1 comment

 


 BIỂU TƯỢNG “TRĂNG”

TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

*

1.1 . Mở đầu

Trải qua một thời kỳ khá dài trong lịch sử văn học trung đại, thơ ca không thể thoát ra khỏi những quy phạm chặt chẽ của thể loại. Và phải đợi đến những năm 1932 – 1945 của nền văn học Việt Nam hiện đại, thơ ca mới có bước bứt phá làm chuyển động, rạn nứt cả hệ thống nền tảng kiên cố về thi pháp thể loại. Phải nói rằng, Việt Nam tự hào về một thời đại thơ ca có một không hai trong lịch sử nước nhà. Một thời đại mà Vũ Ngọc Phan đã hãnh diện khi đưa ra nhận định: mười năm của ta bằng mấy mươi năm của người. Vì thế, trong rất nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả đều đi đến một kết luận: Phong trào thơ mới là một cuộc cách mạng trong thơ ca, mang một quan niệm hoàn toàn mới mẻ, quan niệm về cá nhân, cái tôi biểu hiện với một tinh thần duy lý phương Tây. Thơ mới ra đời đã xóa đi luật lệ xưa cũ cứng nhắc, trên tinh thần đổi mới toàn diện. Thơ mới đã sáng tạo ra những thể thơ mới và cải tạo, nâng cấp các thể thơ truyền thống. Nói đến sự thành công rực rỡ của thơ mới là phải nói đến sự nhiệt thành, tâm huyết, say mê lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ, với mong muốn mang lại diện mạo mới cho nền văn học nước nhà.

Trong khoảng thời gian ra đời, phát triển và suy thoái của mình, phong trào thơ mới đã tồn tại nhiều trường phái sáng tác: Lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, … Với những đại biểu xuất sắc như: Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, LeiBa,… . Trong số đó nhà thơ mới Hàn Mặc Tử được xem là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt nhất trong phong trào thơ mới. Từ Gái quê, Lệ thanh thi tập, Đau thương đến Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội (kịch thơ), Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi) chỉ trong vòng từ 1935 – 1940 ông đã làm một cuộc hành trình văn học bằng một thế kỷ, mở đầu là thơ bát cú đường luật và cuối cùng là những bài thơ chứa đựng nhiều yếu tố tượng trưng, siêu thực. Một điều đặc biệt hơn nữa là mỗi tập thơ của ông để lại gắn liền với từng giai đoạn, biến cố của cuộc đời. Với Gái quê mọi thứ đều dịu dàng, mơ mộng, chất phác, trẻ trung thì Đau thương mọi cảm quan trong Gái quê hoàn toàn tan biến bù lại đó là những hồn, máu, trăng, một tâm hồn bị ám ảnh bởi bệnh tật. Đau thương không còn chứa đựng những yếu tố lãng mạn, hồn nhiên như trong Gái quê mà chứa đầy những yếu tố siêu thực, tượng trưng. Đến Xuân như ý, Thượng thanh khí thì hồn thơ của thi sĩ càng ngày càng xa khỏi thế gian và mọi thứ tình tứ của đời thường với một lối thơ bí hiểm khó mà suy nghiệm cho ra nghĩa. Thơ ông bám chặt với cuộc sống trần thế đầy đau khổ, bệnh tật nhưng lại có một sức hút kỳ diệu. Qua các tập thơ, người đọc nhận ra thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới khác thường, đau đớn, quằn quại, khát khao sống với những Hồn – Máu – Trăng. Vì thế, Hồn – Máu – Trăng cứ trở đi trở lại trong thơ ông với một cường độ dày đặc, nó như là biểu tượng cho sự sống còn của sự nghiệp sáng tác của chính thi sĩ. “Hàn Mặc Tử là nhà thơ viết rất nhiều, rất hay và rất say về trăng. Trăng trong thơ ông kỳ ảo, biến hóa vô cùng và có khi như là ý nguyện tha thiết muốn vươn tới cái đẹp, cái hoàn mỹ mà không đạt được” [3, Tr 10]. Đọc thơ ông ta mới thấy được hàng loạt những ý niệm qua hình tượng trăng.

 

1.2. Khái niệm biểu tượng

Biểu tượng là một khái niệm đang được đẩy mạnh nghiên cứu trên thế giới bởi nó là một khái niệm chứa đựng nhiều bí ẩn và mang trong bản thân nó cả trường ý nghĩa. Trên thực tế, khái niệm  này là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau.

Theo Từ điển tâm lý học (Vũ Dũng – NXB Khoa học xã hội - 2000) thì “Biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện xuất hiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu tưởng có thể mang tính khái quát. Nếu tri giác chỉ liên quan đến hiện tại thì biểu tượng liên quan đến quá khứ và tương lai”

Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) thì “Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng, là hình ảnh của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn ghi lại trong đầu óc khi tác dụng của sự vật vào giác quan đã chấm dứt”

Biểu tượng là một khái niệm quen thuộc nhưng đây lại là một khái niệm vào loại phức tạp và chưa có sự đồng thuận trong cách hiểu cũng như cách sử dụng. Tổng hợp những thành tựu mĩ học, lý luận văn học Macxit, các soạn giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đã định nghĩa Biểu tượng như sau: Theo nghĩa rộng biểu tượng thể hiện “đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật”. Theo nghĩa hẹp thì biểu tượng là “một phương thức chuyển mã của lời nói” đặt bên cạnh ẩn dụ, hoán dụ hoặc là một loại hình nghệ thuật đặc biệt “có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời”.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản và ngắn gọn thì Biểu tượng là một hình ảnh tượng trưng, có ý nghĩa rộng lớn hơn chính bản thân nó. Mỗi biểu tượng phải khái quát được một phạm vi bao quát rộng lớn những hiện tượng, sự vật trong cuộc sống. Nếu biểu tượng không mang lại cho ta một ý nghĩa rộng hơn “cái biểu đạt” thì nó được coi là những hình ảnh thuần túy mà thôi chứ không được coi là biểu tượng. Hơn nữa, ý nghĩa của biểu tượng phụ thuộc vào biên độ và khả năng sáng tạo của nhà thơ.

Bàn về biểu tượng thơ Hegel cho rằng : “Biểu tượng nên thơ là một biểu tượng có hình tượng, bởi vì biểu tượng nên thơ không phải phơi bày trước mắt ta bản chất trừu tượng của cái hiện thực cụ thể”. Vì lẽ đó mà trong thơ ca biểu tượng đóng một vai trò hết sức to lớn. Biểu tượng giúp người nghệ sĩ thể hiện một cái gì đó ngoài bản thân nó, lớn hơn ý nghĩa thông thường của nó. Đồng thời, nó mang phong cách độc đáo và dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

 1.3. Những biểu tượng nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử

Với quan niệm: Sáng tạo thơ là hành động nhà thơ đi vào trong cõi mơ ước, trong “huyền diệu”, trong “sáng láng” và vượt hẳn ra ngoài cõi “hư linh”. Đó là một thế giới “siêu thần”, một cõi “tiềm thức”, những bờ bến xa lạ của “cảm giác”. Đồng thời, đó còn là “một cõi vô hình cao tột bậc được xây dựng bởi trăng sao”. Và để đến được với cõi thế giới bí ẩn và xa lạ ấy thì không chỉ được cảm nhận bởi giác quan thông thường mà phải thông qua các biểu tượng và sự tương ứng với các giác quan. Vì thế, khi tiếp cận với thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta bắt gặp những hình tượng nổi bật như Hồn – Trăng – Máu. Những biểu tượng này xuất hiện với một cường độ dày đặc và thường xuyên trong suốt hành trình sáng tác của thi sĩ họ Hàn. Trong số đó, Trăng là biểu tượng độc đáo và kỳ dị nhất. Nó được phóng chiếu từ nhiều góc độ và mang một “phong cách” trăng rất riêng, rất khác lạ. Vì thế có người đã từng viết: Trăng, Hồn, Máu không còn là những ý niệm trừu tượng, chúng là những hình hài đầy nhục cảm, những linh hồn đầy đau thương. Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa là một cách giãi bày “chân thành” như cách nghĩ thông thường về thơ trữ tình, những hình tượng này là sự “thoát xác”, vượt ra ngoài cái thân thể hạn hẹp, cố định để sống tột cùng trong những cuộc đời khác, những cảm giác khác. Bản thân hồn cũng là một sinh thể, tách biệt với thể xác, là một “kẻ lạ” với thể xác và trong hồn không ngừng chia tách những linh hồn mới. Nếu hồn ứng với tinh thần, thì máu ứng với thể xác con người, với sức nóng và sự sống vượt trội.

Chúng ta biết rằng, hình ảnh trăng là đối tượng được nhiều thi nhân ở mọi thế hệ, mọi thời đại lĩnh hứng, miêu tả dưới nhiều bình diện khác nhau. Ở mỗi nhà thơ trăng mang một vẻ đẹp, một nỗi niềm riêng. Trăng trong thơ Nguyễn Du gợi tình, gợi cảnh. Trăng trong thơ Xuân Diệu đem lại cảm giác bâng khuâng nhẹ nhàng cho người đọc. Còn với trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là cả một thế giới đầy bí ẩn, dị thường. Trăng có lúc được ẩn dụ, lúc được nhân hóa làm cho nó mang một phong cách độc đáo và khác lạ, kiểu như:

Trăng nằm sòng soãi trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi

(Bẽn lẽn)

Bản thân hình ảnh trăng cũng là một biểu tượng đa nghĩa. Xuất phát từ những đặc tính tự nhiên, là thiên thể ban đêm, trăng thường gợi nên hình ảnh của cái đẹp, của ánh sáng trong khoảng không mênh mông tăm tối. Và nó cũng chính là biểu tượng của cái gì đó siêu thoát bên ngoài mà con người không thể vươn tới.

Bên cạnh đó, Hồn cũng là một hình ảnh đầy ấn tượng và kỳ lạ. Hồn trong thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện với một tần số khá cao (62 lần) và có sức ám ảnh mạnh mẽ. Trong suốt hành trình thơ Hàn Mặc Tử chúng ta thấy biều tượng Hồn xuất hiện như một nỗi ám ảnh đến rợn người, khó nắm bắt. Chính nó cũng đã làm cho thi nhân phải thốt lên:

Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết

Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi

Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười

Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng

Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay

Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay

Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc”

(Hồn là ai)

Theo quan điểm của tôn giáo, hồn là một thực thể tinh thần thiêng liêng và là phần quý giá nhất của con người. Khi con người chết đi thì linh hồn sẽ kìa khỏi thân xác và không bao giờ bị phân hủy như thể xác. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài Hồn lìa khỏi xác:

…Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã

Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa

Hồn mất xác hồn sẽ cười nghiêng ngã

Và kêu rên thảm thiết khắp bao la

Ôi! Hồn thiêng không hề chết đặng

Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên

Ngày tận thế là ngày thôi tán loạn

Xác của hồn, hồn của xác y nguyên

Hồn là biểu tượng của sự sống, nó hội tụ đầy đủ đặc điểm của một con người và là phần không thể thiếu để làm nên con người. Vì thế, nó có mối liên hệ ràng buộc với sinh mệnh. Trong nỗi đau đớn đến tột cùng khi nhà thơ đang cận kề với cái chết, đang phải đối diện với giờ hấp hối sắp chia phôi thi sĩ Hàn đang đón đợi, cầu xin một sự tưởng nhớ rất chân thành:

Ta trút linh hồn giữa lúc đây

Gió sầu vô hạn nuối trong cây

Còn em sao chẳng hay gì cả?

Xin để tang anh đến vạn ngày

(Trút linh hồn)

Xa lìa thể xác, hồn vượt ra ngoài vũ trụ để đi tìm Hương cho thơm ứ đầy hơi khoái lạc, để được Tắm gội ở trong nguồn ánh sáng và ca những điệu ngọc vàng sang sảng:

Hồn hỡi hồn, lên nữa quá thinh gian

Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực

Hồn hỡi hồn, bay ra ngoài kia mức

Nơi thiên sầu địa thảm giới Lâm Bô

Say máu ngà, say nữa tới chừng mô

Cả vũ trụ tan theo ngày phán xét

Là khủng khiếp cả đất trời tiêu diệt…

(Ngoài vũ trụ)

Nỗi đau khổ vì bệnh tậ dày vò đã hành hạ thân xác thi sĩ nhưng chính nó

lại cung cấp cho nhà thơ một năng lực sáng tạo vô biên.

Với Hàn Mặc Tử, Tôi làm thơ?

Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật …

Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được lòng tôi?

Chính quan niệm đó đã khơi nguồn cho một biểu tượng khác vốn được xem là khá thành công và độc đáo trong thơ ông – đó chính là biểu tượng máu, động lực thúc đẩy sự sáng tạo.

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da

(Rướm máu)

Máu – biểu tượng của sự ám ảnh triền miên, dâng trào tràn ngập cả hồn thơ. Nó cuộn chảy tuôn trào trong thân xác nhà thơ, trong sự đau đớn đến tột cùng đã ngưng tụ lại, đọng thành vũng rồi tan chảy trong sự sáng tạo:

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết

Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh

(Rướm máu)

Lời thơ ngậm cứng không rền rỉ

Mà máu tim anh vọt lai láng

(Lưu luyến)

Chính sự đau đớn, hoảng loạn, tuyệt vọng này đã khiến cho nhà thơ phải thốt lên:

Trời hỡi bao giờ tôi chết đi

Bao giờ tôi hết được yêu vì

Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng cứng tựa si

(Những giọt lệ)

Máu cũng chính là thứ tinh lực được vắt kiệt để dâng tặng cho thơ, cho đời.

Xinh dâng này máu đang tươi

Này đây nước mắt giọng cười theo nhau

(Bến Hàn Giang)

Thơ Hàn Mặc Tử chính là những bông hoa nở trong màu huyết:

Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru

Một khối tình nức nở giữa âm u

Một hồn đau rã lần theo hương khói

Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi

Một lời run hoi hóp giữa không trung

Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng

Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn

(Trường Tương Tư)

Những biểu tượng Trăng, Hồn, Máu là sự tượng hình hoá tình trạng “cả thể xác lẫn linh hồn tan rã” của Hàn Mặc Tử . Hay nói cách khác, đó chính là sự phân rã của bản thể người trong một cảnh ngộ bi đát. Bị “cầm tù” trong những dày vò cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần, sự phân rã này là một tất yếu mang tính bi kịch, nó tô đậm hơn nỗi đau thương của thi sĩ Hàn Mặc Tử, nhưng đồng thời, đó cũng chính là một hành động giải phóng và tự giải phóng. Từ đây, Hàn Mặc Tử có thêm bạn đồng hành, cũng là những phương tiện để soi ngắm thế giới trong một cảm quan và một chiều kích mới.

 

1.4 Biểu tượng “Trăng” trong thơ Hàn mặc Tử

1.4.1 Trăng – biểu thị nỗi khổ đau cùng tận

Có thể nói Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử như một “linh vật” rất huyền nhiệm, kỳ lạ. Dưới mắt ông, Trăng là một thực thể có linh hồn. Chừng như ông nghe được hơi thở, bước đi, sự chuyển dịch của bóng trăng. Đồng thời, Trăng như là “người” thấu hiểu tất cả nỗi đau đớn trong lòng thi nhân và cả những tâm tư tình cảm. Trăng như là hình tượng không thể thiếu trong văn học từ xưa tới nay: Trăng như là nhân vật chứng kiến mọi biến động của xã hội, đồng thời còn là nơi để cho con người thổ lộ mọi tâm trạng, mọi nỗi niềm.

Từ Trăng trong ca dao:

Vầng Trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song

Rồi trăng trong thơ Trung đại:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nữa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

(Truyện kiều – Nguyễn Du)

Đến thời hiện đại, trăng cũng là một nhân vật không thể thiếu của các nhà văn, nhà thơ. Trăng như là trung tâm điểm để cho các thi sĩ khai thác, đào bới dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Với Xuân Diệu, trăng như một vật chứng chứng kiến tình yêu của hai người:

“Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi

Tôi đi với người yêu qua nhè nhẹ…

Im lìm, không dám nói năng chi”

(Trăng)

Còn với Đoàn Thị Lam Luyến, Trăng được hình tượng hóa như là người tình luôn đồng hành cùng thi nhân.

Đầy vơi con nước vì Trăng đấy

Biển đã duềnh lên, biển bạc đầu

Ai biết mối tình thiên niên kỷ

Ta là Trăng - Biển tự trong nhau

(Trăng và Biển)

Nhưng với Hàn Mặc Tử thì khác, Trăng trong thơ ông chính là Hồn và Máu của ông. Hàn Mặc Tử đã phải sống trong những cơn đau triền miên khủng khiếp, một nỗi đau rùng rợn đến vô biên. Vì thế nhà thơ muốn:

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm

Cho trăng ngập dần lên tới ngực

(Hồn là ai)

Thơ ông là những dòng đầy máu lệ, đầy tiếng gào thét. Chính “Trăng, ánh trăng đã để lại những cảm giác vật chất lên thân xác Hàn Mặc Tử” [1; Tr 229]. Điều đó cho chúng ta thây, trăng trong thơ ông có tính chất hai mặt: vừa vật chất vừa tinh thần, vừa trần tục lại vừa thiêng liêng. “Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người…” [1; Tr 206]. Nhà thơ đã không thể thoát ra khỏi sự ám ảnh ghê gớm của nó, lúc nó tối tăm, lúc nó chói lòa như hai mặt đối lập của Thiêng đàng và Địa ngục. Trong một Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng. Rồi Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy mình lốm đốm những hào quang.

Chính cái sự đau đớn về thể xác, bệnh tật đã khiến cơ thể ông hao gầy, suy nhược nhưng đó lại là dòng suối khơi nguồn cho mọi cảm hứng sáng tạo vô biên. Ở Hàn Mặc Tử, đau thương đồng nghĩa với sáng tạo, nó như là phương tiện để đưa nhà thơ lên đến cung bậc cao nhất của nghệ thuật.

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ

(Đà Lạt trăng mơ)

Trăng như một cái gì đó hữu hình song hành cùng nhà thơ để cho nhà thơ được nuốt, được uống, được ngậm rồi giao hoan cùng nó, hóa thân vào nó:

Gió rít tầng cao trăng ngã ngữa

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mữa máu ra

(Say trăng)

Sự đau đớn, dày vò về thể xác bởi căn bệnh quái ác đã có lúc khiến cho nhà thơ không còn nhận thức được sự sáng tạo nghệ thuật của chính mình:  Tôi điên tôi viết như người dại/ Vang lạnh không gian xóa những ngày. Ông quan niệm nhà thơ như một vị “trích tiên” bị đày đọa xuống cõi bơ vơ lạc lõng và phải chịu một thứ “Định mệnh tàn khốc theo riết bên mình”. Và thơ “là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ”. Đã có lúc nhà thơ như một người hoảng loạn, vô ý thức:

Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng thiên

Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên

(Trăng tự tử)

Hay:

Bây giờ tôi dại tôi điên

Chắp tay tôi lạy cả miền không gian

Tuy nhiên chúng ta cần phải biết rằng “điên” ở đây không phải là một trạng thái bệnh lý mà là sự thăng hoa cao độ của sự sáng tạo nghệ thuật. Ở trạng thái đó, con người rơi vào trạng thái xuất thần, vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí. Đã có lúc nhà thơ lại đoạn tuyệt với trăng, lạnh lùng rao bán như một vật phẩm có trong tay:

Trăng! Trăng! Trăng! Là trăng, Trăng, Trăng!

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

(Trăng vàng Trăng ngọc)

Hình ảnh trăng đã được nhà thơ làm mới đi, mang một phong cách độc đáo và lạ lùng, trăng như một thứ định mệnh gắn kết với nhà thơ. Trăng nhiều lúc lẫn trong máu huyết, lai láng gợi cảm giác ớn lạnh. Trăng thực sự trở thành biểu tượng của một sự thác loạn tâm hồn. Nó chính là biểu tượng của sự đau khổ khi con người uất ức đến tuyệt đỉnh, nó như là vực thẳm đày đọa tâm hồn thi sĩ. Và Máu – Hồn – Trăng chính là hiện thể của đau thương, của nỗi đau khổ trần gian và kiếp người mà thi sĩ phải chịu nhận.

1.4.2 Trăng – biểu thị nỗi cô đơn tuyệt đối

Hẳn ai cũng biết rằng, thi sĩ trẻ Hàn Mặc Tử đã phải sống một cuộc sống cuối đời đầy đau khổ, cô đơn. Với cái tuổi ngoài đôi mươi mà thi sĩ phải sống cách ly với gia đình, xã hội và ngậm đắng đón chịu những trận dày vò về thể xác của bệnh tật. Đặc biệt là sự tha thiết yêu đương mà phải cách ly với cả người yêu nhưng vẫn một lòng yêu người chung thủy. Đau khổ hơn nữa là đang ở độ tuổi xuân xanh, tràn đầy sức sống mà phải mà phải chịu cảnh không biết sống chết ngày nào, thậm chí giờ phút nào, trong thân hình “tan rữa” vì bệnh tật . Hàn Mặc Tử cảm thấy ghê sợ nỗi cô đơn của một con người bị tách khỏi đồng loại:

Chao ơi! Ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời!

Trong cảnh cô đơn tuyệt vọng ấy, nhà thơ khao khát đón nhận những tín hiệu yêu thương cứu giúp của mọi người:

Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả

Trơ vơ buồn và không biết kêu ai...

Hay:

 Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương, anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương lòng

(Duyên kỳ ngộ)

Cái  xa cách, nỗi cô đơn, tuyệt vọng đó đã khiến cho nhà thơ phải thốt lên:

Ta đang khao khát tình yêu thương

Cất tiếng kêu vang trong im lặng                                  

Tiếng va vào núi, dội quanh vùng

(Tiếng vọng)

Và cũng chính hính sự khao khát đó lại càng tạo nên cảm giác bơ vơ, vắng bặt, càng làm cho nhà thơ có cảm giác như đang sống trên một ốc đảo giữa biển vắng đại dương mênh mông:

Từ ấy anh ra đi

Bóng trăng vàng dải cát

Cánh cô nhạn bơ vơ

Liệng dưới trời xanh ngát

Từ ấy anh ra đi

Em gầy hơn vóc liễu

Em buồn như đám mây

Những đêm vừng trăng thiếu

(Nhớ nhung)

Sự cô đơn đó đã đẩy lên đến tột đỉnh biến nỗi cô đơn thành sầu vạn cổ:

Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh

Hơn hết u buồn của nước mây

Của những tình duyên thương lỡ dở

Của lời rên xiết gió heo may

(Sầu vạn cổ)

Rồi chính trong nỗi lòng tê lạnh thiếu vắng tình đời đó nhà thơ phải tự đối thoại với chính tâm hồn mình, xem đó như là một lẻ sống ở đời của bản thân:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Sự cô đơn mà thi sĩ Hàn phải gánh chịu chính là những chuỗi ngày dài đau khổ và thương khó. Trăng không còn nguyên vẹn tròn trịa, không còn thơ mộng như trong thơ lãng mạn mà trăng đã bị khuyết, bị cắn vỡ:

Hôm nay có một nửa trăng thôi

Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi

Ta nhớ mình xa thương đứt ruột

Gió làm nên tội buổi chia phôi

(Một nửa trăng)

Thi sĩ Hàn đã cố gắng đến cùng để diễn tả chân thực những biểu hiện tinh vi trong thế giới tâm linh của mình nhưng càng đi sâu vào vực thẳm không cùng đó, thi sĩ càng đi xa và tạo nên một sự khác biệt đối với mọi người. Và chính cái sự khác biệt này lại làm nên một phong cách thơ độc đáo, một “hồn thơ dị biệt” Hàn Mặc Tử. Vì thế mà Chế lan Viên đã từng nói: "Tôi có thể cam đoan với các người rằng, tất cả những cái gì tầm thường hiện thời rồi sẽ tan biến hết, và sau này trong tương lai còn lại một cái gì của thế hệ chúng ta đang sống, đó là thơ Hàn Mạc Tử”

1.4.3 Trăng – người bạn tâm giao và nguồn sáng tạo vô biên

Có thể nói Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử như một người bạn đồng hành với mọi biến cố trong cuộc đời ông. Và chưa bao giờ người ta thấy trong một tập thơ tràn ngập cả ánh trăng như trong thơ Hàn Mặc Tử: Trăng đẹp, Trăng lung linh huyền ảo đi cùng với “Trăng điên”, “Trăng hủi”. Với Hàn Mặc Tử Trăng tồn tại và xuất hiện ở khắp mọi nơi.

“Không gian tràn ngập toàn trăng cả

Tôi cũng Trăng mà nàng cũng Trăng”

(Huyền ảo)

Hàn Mặc Tử có 5 tập thơ chính thì đã có đến 3 tập nói về Trăng, viết về Trăng. Riêng tập “Thơ điên” có đến 16 bài viết về Trăng, ngạc nhiên hơn nữa là chỉ có một bài thơ Trăng vàng Trăng ngọc có tất cả 15 câu mà có đến 28 lần nhắc đến Trăng. Hay như bài Rượt Trăng có đến 17 từ Trăng thay phiên nhau tỏa rọi trong thơ.

“Trăng bay lả tả ngã lên cành vàng

Tới đây là nơi tôi được gặp nàng

Rủ rê, rủ rê hai đứa tôi vào rừng hoang

Tôi lượm lá trăng lâm chiếu trải”

(Rượt trăng)

Trăng như một người bạn tri kỷ theo suốt thi sĩ trong mọi quá trình, mọi biến cố. Đặc biệt Trăng như một người bạn tâm giao, người bạn tình về đêm của nhà thơ. Trăng là một thứ ánh sáng vừa của nội tâm, vừa của ngoại giới. Trăng chính là nơi để nhà thơ trút bầu tâm sự, để được “điên” cùng Trăng, để được “hạnh phúc” cùng trăng

“Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy

Cho nên muôn dặm ở ngoài kia

Em đang mong mỏi, em đang nhớ

Bứt rứt lòng em muốn trở về”

(Thao thức)

Bên cạnh Trăng là người bạn tâm giao với những vẽ đẹp lung linh thì Trăng còn có những “hành động” lạ:

“Lá đổ sào sào

Trăng vào xôn xao

Chuỗi cười ha hả

Trên cánh đồi cao”

(Chuỗi cười)

Hay:

“Ánh trăng mỏng quá không che nỗi

Những vẻ xanh xao của mặt hồ”

(Huyền ảo)

Rồi:

Trăng đang nằm trên sóng cỏ

Cỏ đùa trăng đến bên ao

Trăng lại đẫm mình xuống nước

Trăng nước đều lặng nhìn nhau

(Bắt chước)

Bên cạnh đó, Trăng còn được miêu tả như là người bạn tri kỷ, tâm giao, có cảm xúc, biết tâm tình, chia sẻ, biết “lã lơi”, biết gào thét:

“Ta gặp nàng Trăng ở suối Trăng

Nỗi lòng ta mở lẹ như Trăng

Sáng trưng sáng cả vùng tiên động

Ta ngắm hồn ta sang trẻ măng”

(Chơi trên Trăng)

Trăng còn có sự “Lã lơi”, một hành động gợi tình “rất người”

“Trăng nằm sòng soãi trên cành liễu

Đội gió đông về để lã lơi”

(Bẽn lẽn)

Rồi Trăng uốn mình như thiếu nữ, quỳ sấp mặt theo dáng liễu như đang gợi tình:

“Bỗng đêm nay trước cửa bóng Trăng quỳ

Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu”

(Hãy nhập hồn em)

Bên cạnh đó, trăng còn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên, là nguồn cội của tuổi thơ. Đối với Hàn Mặc Tử, ngay từ thủa nhỏ, trăng đã thoát khỏi tất cả những ý nghĩa thông thường mà chúng ta thường  gán cho vầng trăng, ánh nguyệt. Trăng trở thành thơ, trăng trở thành nhạc. Trăng là thơ và là nhạc ở thi sĩ Hàn đã có  ngay từ những suy nghĩ đầu tiên của tuổi thơ. Và khi lớn lên, trăng sẽ là chia ly, đau khổ, là cõi siêu hình, là sự rung động tận cùng trong mọi tạo tác.

Trong bài thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng có thể coi là bản tuyên ngôn thơ của Hàn Mạc Tử, thi sĩ coi trăng như một thực thể sáng tạo :“Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều tiếng nhạc say say gió xé rách lả tả... Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghiã là trăng rằm trung thu : một đêm siêu hình vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chán chê”

Như vậy chúng ta thấy, Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử như một nhân vật không thể thiếu để tạo ra câu chuyện, để thổ lộ tâm tình. Trăng hóa người rồi đến người hóa Trăng, tất cả không ngoài mục đích tạo nền tảng cho thi sĩ trút bỏ nỗi lòng mình. Trăng có đủ ngoại hình, có đủ đặc điểm, tính cách như một nhân vật. Đồng thời “Trăng cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và náo nức dục tình” (1; tr 206). Và trăng còn là người bạn khơi nguồn sáng tạo những vần thơ vô biên cho chính nhà thơ.

 

1.5 Kết luận

Với một thời gian ngắn hoạt động trên văn đàn, Hàn Mặc Tử đã chuyển từ cổ điển, lãng mạn sang tượng trưng, siêu thực, góp một phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca nước nhà. Thơ Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng đậm nét của ông tổ trường phái tượng trưng Bauderlaire. Vì thế khi đọc thơ ông người đọc như bị hòa lẫn vào những trạng thái cảm xúc tột cùng, như bị lạc vào một thế giới mơ hồ, huyền ảo, nửa hư nửa thực không phân định cùng với một lối thơ Không rên siết là thơ vô nghĩa lý. Trong thế giới thơ  ấy cái tôi thi nhân rã rời thành muôn mảnh Trăng – Hồn – Máu và chính nó đã trở thành biểu tượng nghệ thuật thường trực, bất biến trong thơ thi sĩ Hàn.

 

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoài Thanh, Hoài Chân (2008), Thi nhân Việt Nam, Nhà Xuất bản Văn hóa.

2. Phan Ngọc (2003), Hồn thơ thế kỷ, Nhà Xuất bản Văn hóa.

3. Mã Giang Lân (2005), Văn học hiện đại Việt Nam, Nhà Xuất bản Giáo dục.

4. Hàn Mặc Tử tác phẩm và lời bình (2007), Nhà Xuất bản Văn học

5.Tuyển tập mười năm tạp chí và tuổi trẻ (2004), Nhà Xuất bản Giáo dục.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ 

TÌNH BÁN MUA, thơ của Đặng Xuân Xuyến:

Ngô Nguyễn giới thiệu

Tác giả: Bùi Ánh - nguồn: anhbui6688

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

1 nhận xét: