XE ÔM - Truyện ngắn Phú Minh Sang (Sài Gòn)

1 comment

 


XE ÔM

*

Đêm nhốt những ngọn gió mát lành đâu mất tiêu. Bốn bức tường như mang mạng Hỏa. Cái quạt cỏn con cần mẫn cứ dịu dàng làm việc thay trời, rì rì xoay qua xoay lại không thèm chóng mặt. Không khí cô đặc lại trong bứt rứt dai dẳng. Hơi nóng đi hoang từ miền quá khứ, lãng du theo những cơn nắng ban trưa xa xôi tìm về. Cái nóng âm ỉ lẻn vào tâm trí, len vào mộng mị làm cơn mơ khô khát ướt đẫm mồ hôi.

Thằng Tư mở mắt ngó lên trần nhà. Một tay với lấy cái điện thoại, một tay nó dụi dụi mắt. Nó ngồi im một lúc nghe tiếng thở than của từng lỗ chân lông. Rồi nó đi vào nhà tắm. Chậm rãi, thằng Tư xối từng ca nước bắt đầu từ hai bàn chân ngược lên phía trên. Cảm giác nhớp nháp bị lột bỏ từ từ như cái kiểu người ta nhâm nhi từng lớp vỏ bánh pía. Cái nóng cứng đầu cứng cổ hậm hực bỏ đi theo những dòng nước mát.

Đèn nhà tắm hắt thứ ánh sáng nhân tạo ra góc bếp, soi rõ một em nhện ú na ú nần đang hối hả quấn những vòng tơ quanh con côn trùng trót lọt vô thiên la địa võng. Những dây tơ mảnh mai, nhìn nghiêng giống hình bát quái trên kiếng chiếu yêu. Lâu rồi thằng Tư không chịu nấu nướng gì nên lũ nhện tha hồ bành trướng. Mà thật ra thì nó chẳng muốn phá tổ nhện, bởi cũng đang ở mướn.

Cả dãy nhà thênh thang có tám phòng. Chủ nhà là một lão bà bà đã về hưu, dư đất cất chơi. Bà vô cùng dễ thương, ai ở thì ở, ai quậy thì biến, khó khăn thì nói, giúp được thì giúp, vậy thôi. Tám phòng xếp hàng ngang nhìn ra khoảng sân rộng có mấy gốc mận chà bá lửa che mát. Ngoài ra không có một cây bông nào khác điểm sắc tô hương cho đời thằng Tư. Chỉ bao la những chùm mận xanh xanh đỏ đỏ chua lè chua lét dành cho lũ chim trời cao huyết áp. Những đêm trằn trọc, tiếng trái rụng vào tiềm thức miên man. Thằng Tư lại nhìn đồng hồ rồi mở cửa, cố thật nhẹ. Ngoài sân yên ắng. Lũ chó xa gần chắc đã tịnh tâm. Vài ngôi sao mờ nhạt trên nền trời đen thẫm. Sao cô đơn hay bối rối mà cứ nhấp nha nhấp nháy hoài.

Nó bước ra, nghe cánh mũi phập phồng mùi mận chát rất nhẹ. Đêm đến từ phía sau, chạm chân tóc, len vô kẽ tay. Đêm như cởi giùm hơi thở. Nó xòe bàn tay ra rồi nắm lại. Đêm thoát ra, bao quanh. Nó ước được tan vào màn đêm. Để khi ngày hết, nó âm thầm phủ lên một nửa trái đất, tha hồ chu du. Nó khoái đi xa chắc vì thuở nhỏ luôn bị giữ riết ở nhà. Đi cho biết đời. Mà đời là chợ - chợ đời. Cái chợ lớn nhất trần ai mấy chục mùa xuân đi chưa hết. Hành trang chỉ là những kỷ niệm lượm lặt. Nhưng mỗi khi nhớ tới, cảm giác bồi hồi cứ như thủy triều dâng, như mới đâu đây còn rong ruổi xuyên đêm, hay đắm mình trong chập chùng sương sớm...

Tiếng mở cửa cắt ngang mạch hồi tưởng. Ánh sáng hắt ra sân từ phòng của Hằng kế bên phòng nó. Tiếng bước chân lan nhẹ sau lưng và khi dừng lại, một mùi hương mong manh chạm tới.

- Ủa, anh Tư?

Nó quay lại khá miễn cưỡng rồi thở nhẹ ra khi thấy cô mặc bộ bà ba.

- Tui nè.

- Anh ra đây chi vậy?

- Trong phòng nực quá, tui ra kiếm chút gió trời mà không có, đành đứng ngắm sao một lúc chớ giờ vô khó ngủ lắm.

Hằng ngước nhìn lên bầu trời đêm như tấm bạt đen bị ánh sao phơi ra mấy lỗ thủng lẻ tẻ. Rồi cô quay trở vô phòng, đem ra hai cái ghế nhựa vuông. Thằng Tư ngồi bắt chuyện, chứ im ru bà rù nó kỳ thí mồ.

- Cô cũng không ngủ được hả?

- Dạ.

Thiệt chứ, gặp khách đi xe thì già trẻ bé lớn, bất luận gái trai, bầu bì hiếm muộn gì nó cũng hỏi han được nhiều thứ. Nó lại ước được hòa vào bóng đêm. Lần này thì bóng tối rinh nó giấu đâu cũng được, chớ cái mùi thơm ngòn ngọt cứ xẹt ngang mũi. Nó nuốt nước bọt không, mắt vẫn cố định tia nhìn lên trời cao vời vợi.

- Chú Bảy khỏe hôn?

- Anh hỏi cha tui hả? Khỏe. Ờ mà cha tui nhắc anh chừng nào rảnh dìa nhậu với ổng bữa nữa.

- Tui uống yếu xìu.

- Anh dìa là cha tui mừng rồi, ngồi coi ổng uống cũng được. Ổng nói vậy đó.

- Ông già vui tánh quá ha.

- Dạ.

Thằng Tư lại quẹo vô hẻm cụt. Hằng nhìn lên bầu trời, im lặng. Thằng Tư khe khẽ liếc sang. Sao lấp lánh trong đêm. Có thể hào quang của nó đã vượt quãng đường hàng triệu năm ánh sáng đến đây, là phút huy hoàng của quá khứ đã lụi tàn. Nhưng với một xe ôm thủ thích mộng du (phiêu du trong mơ mộng), khoảnh khắc nhận ra ánh sáng trong mắt người đã là một chuyến đi đáng giá.

Mọi chuyện bắt đầu từ cái ngày nó đem xe cho thằng Tám làm máy sương sương. Coi như xả hơi một ngày, nó vô quán bà Chín Cô Đơn kêu ly cà phê sữa ngọt lịm tim, không quên kêu luôn chai Sting cho thằng Tám. Chú Hai già tiệm tạp hóa cũng vô uống nước. Hai chú cháu ngồi nghe mấy chị em hội phụ nữ rảnh rang bàn chuyện thời sự. Xứ mình giờ ra đường đụng hoa hậu là chuyện tự nhiên như cách lũ ếch cõng nhau lên mùa sinh nở. Danh vô hiệu, à nhầm, danh hiệu thả rụng như sung, chị em ẵm giải khoe tung cả trời. Chuyến này con Tí Hai trị ghẻ xong tranh thủ đi thi cho lẹ. Nói hổng phải khen chớ mười hai bà mụ nặn quá tài. Con nhỏ dáng cao cột điện, tóc dài má thắm mày duyên ngực nở mông cong eo con kiến nà. Vậy nó có tài năng gì hôn nà? Chời, thiệt thằng nào chấm rớt thằng đó đui! Chủ yếu là nhan sắc, bây hiểu hôn? Thằng Tư từ chối hiểu. Nhà tài trợ thương mấy em nghèo thiếu vải nên biến hình thành nhà hảo tâm. Toàn đánh giá phụ nữ qua mông ngực bụng, rồi điều kiện tiên quyết là phải còn trinh. Mất trinh chắc hết đẹp. Hữu xạ tự nhiên hương còn chuột xạ tự nhiên hôi.

Chú Hai cười khà khà. Nhưng khi câu chuyện chuyển qua nạn bạo hành trẻ em thì ông già cười hết nổi. Hết bị đóng đinh vào đầu, mẹ ghẻ bắt tay cha ruột hành hạ con mình tới chết lại tới bảo mẫu đánh dập não trẻ chỉ vài tháng tuổi... Sao giờ tụi nhỏ như sống trong địa ngục trần gian. Con nít chỉ hư khi chúng trở thành người lớn. Ly cà phê đắng một cách bất nhẫn. Chú Hai đứng dậy, thằng Tư lật đật giành trả tiền.

- Tám, lát nghỉ tay qua ăn cơm với chú thím, có thằng Tư nữa, đông vui.

Trong khi thằng Tám lui cui rửa ráy, con Giàu cục cưng của ông Hai già sủa liên hồi. Thằng Tư đi qua, thấy trước tiệm tạp hóa có ông già đang đứng nhìn con phèn dựng lông vểnh tai mà cười rất tươi. À, người quen. Người quen thỉnh thoảng ngang qua, thỉnh thoảng dừng lại và lần nào ông hoặc bà cũng cho nước uống với ít bánh trái. Điên thì điên cũng biết đói chứ bộ. Ông Hai từ sau nhà đi lên, tay còn bưng mâm cơm. Tiếng chó sủa tiếng người cười lẫn lộn như cái thời đại này vậy. Con Giàu tỏ thái độ thù địch chắc vì cái mùi tổng hợp vạn niên tỏa khắp không khí xung quanh. Người quen đứng cười con chó sủa. Ốm nhách, khoác chiếc tạm gọi là áo từng có màu gì đó trước khi biến thành màu đất mẹ. Tóc rối bù, dính bết vào nhau. Mấy chị Mỹ đen chắc tôn làm idol. Râu ria nửa bạc nửa đen xồm xoàm. Nụ cười rất hiền và đôi mắt không thể nào đoán định. Mà bữa nay người quen hơi lạ: tồng ngồng, đong đưa theo năm tháng. Nghe tiếng chó sủa, vài người trong quán cà phê bước ra ngó. Những tiếng dè bỉu, châm chọc bắt đầu rôm rả. Đến người điên cũng không tha. Đôi lúc thằng Tư rất muốn điên để lạc loài khỏi đám đông u mê. Nếu mấy bà đẻ ra đứa con tâm thần, chắc mấy bà vứt như vứt rác?! Nó nghe tiếng mâm dộng mạnh xuống nền gạch.

- Tư ơi, giúp chú Hai con!

Con Giàu phút chốc biến thành con ghẻ, chạy qua sân nhà kế bên nằm lăn lóc với nỗi buồn xen lẫn ngạc nhiên vừa chớm nở. Chú Hai lo phần gội đầu còn thằng Tư hăm hở kỳ cọ. Người điên sắm vai bé ngoan, phớt lờ mấy giọng hay ho vọng vô lảnh lót" làm chuyện ruồi bu ". Tư lặng lẽ xối nước. Người điên da cứ đỏ lựng. Những bùn đất bụi bặm cứ lở ra, theo nước xà bông đục ngầu chui tọt xuống cống. Tắm xong, thay bộ pyjama tươm tất, ít nhất là tươm tất lúc này, chải đầu, cắt móng. Thằng Tư nhìn răng lược xuyên qua mái tóc muối tiêu mà tưởng như thời gian trốn vào mấy sợi tóc không rời đi nữa. Người điên ăn cơm, hột rớt hột rơi, vừa ăn vừa cười. Ông Hai ngó cái miệng nhai mà lòng dâng lên nỗi buồn xa thẳm. Đến lúc tiễn người quen tiếp tục dạo chơi ngang trái đất xong thì trong quán bà Chín lại ồn ào.

- Ủa tiếng ai quen quen?

- Con Hằng xóm này chớ ai.

- Ai chú?

- Cái đứa bị người ta nói làm này làm nọ đó.

Thằng Tư chạy qua đã thấy thằng Tám bị một con gấu mập túm cổ áo.

- Anh hùng cứu mỹ nhân hả mậy? Hả? Mẹ, chảnh chó!

Câu cuối nó ném qua Hằng kèm bãi nước bọt. Cô đứng quay lưng lại với thằng Tư, áo thun cổ tròn xanh lá, váy hồng nhạt, giày cao gót, mùi hương mê dại lẩn khuất trong mái tóc dài nhuộm màu nâu. Giọng cô đầy khinh bỉ:

- Mắc gì chửi tui? Ỷ mạnh hiếp yếu không thấy nhục hả?

Con gấu xoay đầu, bất chợt đẩy thằng Tám té nhào. Thằng Tám kêu lên đau đớn. Nó vốn bị tai nạn nên chân đi cà nhắc. Nó thấy thằng mập buông lời chọc ghẹo thô bỉ không được quay sang xúc phạm Hằng vô cớ nên tức mình lên tiếng thì bị dằn mặt. Bà Chín sợ làm ầm ĩ trong quán nên nói vài câu năn nỉ. Thằng khốn đưa mắt nhìn khắp một lượt, chạm ngay ánh mắt sắc như dao của thằng Tư, vết thẹo dài trên mắt trái thằng Tư đỏ lên. Nó nhìn hai bàn tay chai sần to bè và cái cổ bò mộng của đối phương, cất tiếng khàn đục:

- Sao đánh em tao?

Thằng mập chưa kịp trả lời thì nó đã lao tới, nghiêng mình né cú móc tay phải của con gấu, vòng ra sau chùng người xuống. Đối phương cảm giác hai đùi bị siết chặt rồi cả người bị quăng ra sau, đầu và lưng tê dại đi. Thằng Tư chồm dậy, tách nhanh hai chân đối phương ra. Một cú đạp trời giáng. Con gấu mửa mật, quằn quại. Quán im phăng phắc, chỉ có tiếng thở gấp như cá mắc cạn cố đớp không khí.

- Đừng tưởng có mình mày là dân bến bãi nha!

- Cảm ơn mấy anh nha!

Thằng Tám nén đau cười he he. Thằng Tư chỉ gật đầu. Nó chợt nhớ có đêm đói ngang, xách xe ra thì gặp Hằng đi về, mùi bia quấn áo mùi rượu chải tóc. Có khi nằm bên này nghe bên kia lục cục cả đêm, chắc ói mửa chi đó. Thằng nhỏ phòng đầu thì cứ khoe cô tóc nâu hay cho đồ ăn, còn vuốt mớ tóc rễ tre của nó nữa. Hỏi biết cảm ơn cô hông, nó gật đầu. Hỏi cô đẹp hông, nó gật luôn, nói cô còn thơm nữa. Chỉ má nó là vờ không biết, để khỏi phải cảm ơn cái người làm mất mặt phụ nữ xóm liều.

Ít lâu sau vụ đó, thằng Tư trúng mánh, theo lời thằng Tám. Bữa sáng thằng Tư nằm dài trên yên xe, chân gác lên tay lái nghêu ngao mấy câu vọng cổ. Hằng cà nhắc dắt xe vô tiệm. Khỏi nói thằng này tía lia cỡ nào: lâu quá mới gặp lại chị, chị ngồi chơi em coi xe cho, ủa mà sao chân chị bị trầy, té sao, bà mẹ mấy thằng chạy ẩu vậy trời... Thấy vậy chớ thằng Tám cực đàng hoàng. Bổn tiệm không nhận độ xe bởi chủ tiêm từng rớt nài thê thảm. Hậu quả về thân thể: tướng đi đẹp hơn hoa hậu. Còn về tinh thần, thằng Tư với chú Hai chỉ được biết trong một lần thằng Tám vừa say vừa buồn thổ lộ.

- Con nằm trong bệnh viện. Má con bồ vô đưa cho bức thư rồi về. Con đọc xong, tức dữ dằn.

- Thư bồ mày hả? Mà nó viết gì để mày tức vậy con?

Thằng Tám không trả lời. Mắt nó xa xăm. Cái chân lành lâu rồi để lại tật. Còn trái tim thì... Chú Hai thở dài. Chú thương thằng Tư thằng Tám lắm, bởi hai vợ chồng không có con. Ngày xưa cha chú khuyên lấy vợ khác, chú giận cuốn gói theo thím về ở rể. Con cái mà, trời không cho thì thôi. Đổ thừa cho đàn bà, nhục không? Có con quậy cỡ thằng Tám thời xưa thì hạnh phúc chắc? Thằng Tư mến chú thím bởi cái tính thương người, bao dung hơn là chê trách. Nó chạy xe ôm ở đây cũng nhờ chú Hai với bà chủ nhà chịu chơi thu xếp dùm. Trong góc nhà, con Giàu tha thiết gặm xương, quên mất tư cách công tử nhà nghèo không được ăn chực. Bữa đó ông già với thằng Tư say bò càng, chắc nghĩ uống thay lời an ủi thằng Tám.

- Mai lấy nha chị!

Hằng phải về quê nội hôm nay. Cô không đi được xe đò, say xe ói cắm đầu. Chưa kể vết thương nơi đầu gối còn nhưng nhức dẫu uống thuốc, sát trùng các kiểu. Chợt mắt chủ tiệm long lanh như hai giọt sương mai:

- Hay chị nhờ anh Tư chở đi cho an toàn. Tiền bạc với ảnh không thành vấn đề.

Xém rớt xe. Ai nói không thành vấn đề? Biết xa hay gần? Dân chạy xe ôm uống bia hơi chớ có phải chạy xe hơi uống bia ôm đâu. Hằng hơi đắn đo. Cô nhìn thẳng vào mắt thằng Tư, cố xua đi hình ảnh vết thẹo chạy dài, giọng nhẹ nhàng:

- Anh giúp dùm em nha.

- Không thành vấn đề - lần này từ chính miệng thằng Tư óc bò thốt ra. Con chim nào đó nghe chừng ngứa đít, thả bom xuống ngay kiếng chiếu hậu cái phẹt.

Đường về quê Hằng gợi lại trong tim thằng Tư những ký ức cũ kỹ.

- Ủa, anh biết đường này hả?

- Biết. Hồi đó tui đi hoài à.

Rồi nó vừa chạy xe vừa kể, sợ khách cho mình nói dóc. Cầu Kinh Quận ở Hậu Thạnh Đông, nó tìm tới lúc về chiều. Chạy trên con đường đổ đan dọc bờ sông quanh co với hai hàng chuối xanh đậm hai bên, đu đưa mấy tàu lá rũ. Hàng rào thưa. Khoảng sân đất tỏa một mùi ký ức nồng nàn. Đặc sản là rượu đế, là vọng cổ và kết mô đen nhất là cầu tõm ngoài ao mát thôi rồi. Hằng cười ngất khi nó minh họa bằng hai câu thơ đượm mùi" đêm thanh thi hứng vút cung trăng, lọt mấy vần thơ cá đớp hăng ". Tối vừa đập muỗi vừa uống rượu xoay tua vừa ca vọng cổ xoay vòng. Cái ly uống rượu ban đầu như cái chung cúng ông Địa tròn tròn dễ thương. Chỉ qua một vòng tình thương mến thương là mặt nó đỏ ơ đỏ ưởng. Lát hồi nhìn lại thì" ớ cái ly cúng ông Địa thành ly uống trà hồi nào ta? ". Và khi nó đã cho chó ăn chè phè cánh nhạn, lần vách lần cột bước vô thì mấy cao nhân đã thay ly bằng chén. Nó nhìn cái chén ăn cơm đong đầy rượu gạo mà khá khen cho ai đó đã nói" rượu làm từ gạo mà ra, anh thời uống rượu cũng là ăn cơm ". Lúc này tiếng ca đã đổi thành nhừa nhựa không còn trong như nước mưa nữa. Nhưng khi ngồi trên xuồng máy, thằng Tư nghe tiếng ca bất chợt bổng trầm. Cao nhân đứng hiên ngang vừa lên câu vọng cổ là xuồng chui vèo qua chiếc cầu gỗ cong cong như cổng hoa ngày cưới. Nó ngoái lại, gió lạnh vù vù thổi lời ca lan dài mặt nước...

Những câu chuyện đổi trao làm hành trình dài bớt mệt mỏi tẻ nhạt. Xứ Tràm Chim đón anh xe ôm bằng những cây cầu đánh số của con kinh nó bắc qua. Ruộng lúa bạt ngàn cò bay trẹo cánh. Lúa đương trổ đòng đòng.

- Phải anh dìa ngay dịp gặt lúa, em cho anh ăn thịt chuột đồng xả láng luôn.

Thằng Tư nghe tên mấy món ăn mà chảy nước miếng: nướng, khìa nước dừa, hấp mẽ, chiên, bằm nấu cháo. U là trời!

Cha Hằng đang ngồi với mấy chú bác, nghe tiếng Hằng kêu í ới, buông ly rượu bước xuống cười khà khà. Ông chắc ngoài sáu mươi, gầy, tay chân gân guốc, nói chuyện từ tốn. Đám giỗ má Hằng, bà con họ hàng tới cũng mấy chục người. Cúng đã xong, tiệc cũng gần tàn.

- Tưởng bây hổng dìa.

- Giỗ má nó phải dìa chớ dượng. Thôi ra sau rửa mặt đi, mấy dì đợi bây từ sáng giờ đó. Ủa, bồ con Hằng hả?

- Dạ, con xe ôm bác ơi, hổng phải bồ.

- Ờ, xe ôm. Mà ôm hổng ôm gì cũng lên đây làm một ly coi.

Nó sợ cái vụ tình thương mến thương này lắm nha. Quả nhiên, chưa bao lâu thì thằng Tư xin đi vệ sinh rồi lủi xuống võng mắc dưới sàn ngủ khò. Cha Hằng sai mấy đứa cháu khiêng ra nhà sau cho ngủ.

Đến lúc tỉnh dậy, cha Hằng kêu lên uống trà. Được vài ly, nó nhờ ông già lấy xuồng chở ra ruộng chơi. Rau muống xanh mướt, vươn dài trên mặt nước. Điên điển vàng tươi sáng cả bờ đê. Ông già ho khan, người hơi co lại. Hèn chi nó không thấy ông hút thuốc. Cái xứ này trước đây chuột đồng, tôm cá nhóc. Mùa nước nổi khỏi đi đâu xa, cứ chống xuồng ra bụi tre trước nhà mà rung, chuột rớt xuống ào ào. Ngồi trong nhà thả cần, buồn thì quăng lưới sau nhà trước sân cũng dư cá ăn cả tuần.

- Giờ khác nhiều rồi.

Nhà Hằng có mấy đám ruộng, trúng mùa thì đỡ, chứ thất là mệt. Ông già thì bệnh, lủi thủi một mình. Nói chứ bà con chòm xóm cũng thương người hiền lành, dòm ngó dùm Hằng. Xuồng cập bờ, nó loay hoay bước lên, nghe ông già hỏi một câu mà xém uống nước sông:

- Mà tao hỏi thiệt, tụi bây có gì hôn?

Đêm đó, thằng Tư thao thức nghe gà gáy từng chặp, nghe xa xôi tiếng cá tắc tắc dưới chân lúa, tiếng nước sông ì oạp liếm mạn xuồng, tiếng bứt cọng rau muống sông nghe cái bựt thiệt dòn. Nó còn nghe tiếng lá dừa cháy lách tách trong bếp, tiếng thở ai khẽ khàng. Những luồng khói bếp vương vấn chiều bên kia sông. Vị cua đồng um trong tro thanh ngọt thơm lừng. Những đường tơ vô sắc con nhện miệt mài giăng ngang những thị phi bờ bãi. Đó, thằng Tư gọi là những con đường hoa nắng đong đầy ký ức. Những mảnh vỡ thời gian vui ít buồn nhiều nhưng cũng đầy mơ mộng thanh xuân. Khiến ta sống hết mình.

- Nóng thiệt! Nãy giờ hổng có chút gió luôn á.

- Ờ.

Nóng vậy mà hai con người cứ ngồi ngó lên bầu trời tẻ ngắt. Hương đêm tan ra, ngòn ngọt và chát rất nhẹ.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

PHÚ MINH SANG

Địa chỉ: 49 đường 20 phường Phú Hữu,

thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh.

Email: phuminhsang1984@gmail.com

Điện thoại: 090.149.29.89

 

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 25.02.2023

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: