GÓC KHÁC CỦA VĂN CAO
*
GÓC KHÁC CỦA VĂN CAO(Tác giả Hoàng Lê)
Hôm nọ cộng đồng mạng chia sẻ bài đấu tố Văn Cao của Xuân Diệu,
và nhiều người miệt thị Xuân Diệu đồng thời ca ngợi Văn Cao. Mình có nói hồi ấy
trong bối cảnh chính trị ấy thì việc nhân cách tốt - xấu không chỉ là chuyện cá
nhân ai, không dễ kết luận đơn giản.
Thì đây, hôm nay sang nhà anh Huỳnh Duy Lộc, thấy có 2 comment
là ảnh chụp bài báo "Tự kiểm thảo của nhạc sỹ Văn Cao".
Trong đó, bất ngờ là ông lại lên tiếng ơn Đảng, hối hận xin lỗi Đảng và chỉ
trích "bọn" Nhân văn - Giai phẩm.
Trong kháng chiến, tất cả con người tôi được hoàn cảnh tốt, được
sự giáo dục của Đảng nên cũng không sinh ra nhiều vấn đề. Từ ngày hoà bình trở
lại, tôi lại muốn đòi hỏi phát triển những thứ sáng tác theo quan niệm cũ,
thành một trường phái.
Với những quan niệm sai lầm đó, tôi đã ngày càng bị bế tắc và đã
ngày một đi sâu và quan hệ với bọn có tư tưởng thù địch đối với Đảng, đối với
chủ nghĩa xã hội.
Do đấy, tôi đã bị mất dần phẩm chất Cách mạng, mù quáng đến chỗ
không thấy được sự phản ứng của chủ nghĩa tư bản đi đôi với sự tấn công của chủ
nghĩa đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai từ bên ngoài vào, trong bước ngoặt lịch sử
của giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thậm chí những nhận thức của tôi đối với tình hình thế giới và
trong nước đã rơi vào cái vực của chủ nghĩa xét lại, làm tôi nhìn ngược hẳn
nhiều vấn đề, bóp méo sự thật của đời sống theo một tâm trạng quằn quại đến đen
tối, có khi không khác một kẻ thù.
Tư tưởng chủ nghĩa cá nhân và quan niệm nghệ thuật tư sản của
tôi đã phản ứng với tư tưởng và nghệ thuật của chủ nghĩa xã hội. Luôn trong mấy
năm, tôi tự đẩy mình vào một thế hoạt động chống đối liên tiếp trong văn nghệ
làm ngột ngạt sự sinh hoạt tư tưởng của chúng ta. Ngày nay, nhờ cuộc đấu tranh
vừa qua, tôi mới bắt đầu tỉnh ngộ.
Trong khi các đồng chí đang phải tích cực đấu tranh với những âm
mưu của nhóm Nhân văn - Giai phẩm thì tôi đã tự biến mình thành tay trong của
bọn cầm đầu Nhân văn - Giai phẩm hoạt động trong nội bộ Đảng.
Tôi đã đứng về phía bọn Nhân văn - Giai phẩm để chống lại nghị
quyết của Đảng, và đã reo rắc những quan điểm Văn nghệ nguy hại của chủ nghĩa
xét lại, lôi kéo bè cánh cho nhóm Nhân văn lũng đoạn các cơ quan văn nghệ.
Những việc đó đã tác hại nghiêm trọng trong hàng ngũ văn nghệ,
gây ra bao nhiêu tổn thất cho phong trào văn nghệ. Tôi thật có tội với nhân
dân, với Đảng. Tôi vô cùng hối hận.
==============
VĂN CAO CÓ THỂ TỪ CHỐI NHẬN TỘI KHÔNG?
Trong post sáng nay, mình có đăng 2 ảnh là bài viết tự kiểm điểm
của Văn Cao trên báo chí (Không biết chính xác là báo gì) hồi Nhân văn - Giai
phẩm (những năm nửa cuối thập niên 1950).
Nhiều bạn Face vào bình và tất cả đều có chung một ý là Văn Cao
bắt buộc phải làm thế, viết thế, trong bối cảnh chính trị lúc ấy, thậm chí một
số người cho rằng, nếu ông không làm thế sẽ bị thủ tiêu.
Mình công nhận là hồi ấy, các văn nghệ sỹ chịu áp lực của cường
quyền: Ngưởi ngoài nhóm Nhân văn - Giai phẩm thì bị ép viết bài lên án, đấu tố
nhóm. Người dính líu đến Nhân văn - Giai phẩm thì bị ép tự viết kiểm điểm.
Nhưng, có thực là các văn nghệ sỹ không có bất cứ một lựa chọn
nào khác không?
Những người thủ lĩnh nhóm Nhân văn - Giai phẩm như Trần Dần, Lê
Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Đức Thảo... hay những người liên đới chịu
hậu quả nặng nề như nữ sĩ Thuỵ An, Hoàng Cầm... họ đã làm gì? Họ có phải cất
tiếng nói trái với lương tâm, với lý tưởng, với nhận thức, với suy nghĩ của họ
không?
Hay họ quay lại ăn năn với Đảng, đổ tội cho bạn bè, chiến hữu
như Văn Cao???
Học giả, nhà báo, chí sĩ Phan Khôi, người đàn anh và là
chỗ dựa tinh thần, ngưởi "bảo kê" cho phong trào Nhân văn - Giai phẩm
từ khi còn trong trứng nước đã mạnh mẽ lên án chế độ "quản lý tư
tưởng". Ông chỉ trích Trường Chinh, chất vấn gắt gao Tố Hữu, Hoài Thanh,
Nguyễn Đình Thi trong việc kết tội Trần Dần. Ông phê bình Nguyễn Huy Tưởng,
Xuân Diệu, Hoài Thanh trong việc lạm quyền ở giải thưởng Văn học. Ông ra mặt
đối lập Việt Minh, nhạo báng lãnh tụ. Đặc biệt, ông có những bài viết khảng
khái về vấn để tự do tư tưởng của văn nghệ sỹ mà đến nay thấy vẫn còn thời sự.
Mà vì thế ông trở thành đối tượng đấu tố của rất nhiều đồng nghiệp văn nghệ sỹ
phe Đảng.
Trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, ông bị buộc ngừng sáng tác.
Nhưng, chưa từng nghe Phan Khôi tự viết bản kiểm điểm, hay tự uốn lưỡi xin lỗi,
nhận tội, nói ngược lại những cái mình đã phát ngôn.
Ông mất năm 1959, sau cao trào Nhân văn - Giai phẩm.
Triết gia, nhà tư tưởng Trần Đức Thảo, người từng đỗ vào
trường École Normale Superieure danh giá của Pháp. Ông đã đậu thủ khoa Thạc sỹ
Triết học ở Pháp và đang có tương lai sáng lạn ở Paris đã bỏ nước Pháp để về
Việt Nam theo Cách mạng, từ nơi phồn hoa đô thị phương Tây lên chiến khu Việt Bắc
tham gia kháng Pháp.
Ông được coi là hạt nhân tư tưởng của phong trào Nhân văn - Giai
phẩm, như nhà thơ Phạm Huy Thông đã xác định về vai trò của ông trong một bài
đấu tố "Ta thấy đường lối chính trị của nhóm Nhân Văn là do Trần Đức
Thảo trực tiếp và chủ yếu vạch ra".
Ông đã viết bài lên án những sai lầm trong cải cách ruộng đất và
bài "Nỗ lực phát triển tự do dân chủ" tháng 10/1956,
được coi như bản đề cương tranh đấu cho tự do dân chủ của nhóm Nhân văn - Giai
phẩm, mà bây giờ đọc lại thấy đi trước thời đại.
Trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông cũng là một trong
những người bị đì nhiều nhất. Nhưng cũng chưa hề nghe thấy ông phải bẻ cong
ngòi bút của mình để "chuộc tội hòng an thân".
Và cuộc đời ông đã phải trả giá bằng việc cả đời về sau không
được trọng dụng, sống và chết trong nghèo khó.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đang từng tham gia cách mạng từ tuổi
vị thành niên, bị Pháp bắt vào tù. Từng là bạn chiến đấu thân thiết của các
lãnh đạo Đảng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng...
Trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông được coi là thủ lĩnh,
là người cầm đầu. Trước đó, ông ly khai Đảng trong giai đoạn mà một hành động
như thế là thái độ quyết liệt, thẳng thắn hiếm hoi. Và ông đã bị Đảng bắt giam
15 năm tù (1958 - 1973), là một trường hợp hy hữu đặc biệt là ngưởi Việt sống
trên đất Việt mà hoàn toàn không chứng kiến và trải qua cuộc chiến tranh chống
Mỹ. Sau đó ra tù thì bị quản thúc 20 năm tại quê nhà.
Tất nhiên, cũng chưa từng nghe nói ông có bài báo nào tự thú,
xét lại tư tưởng hay hành động đời mình.
Nhà thơ, nhà văn Thuỵ An từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn
Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn) và Đàn Bà (Hà Nội). Theo tài liệu
của Thuỵ Khuê, bà đã tham dự nhiều cuộc nhảy dù ra mặt trận để cung cấp tài
liệu cho báo chí với tư cách phóng viên chiến tranh. Bà đã từng giữ chức giám
đốc Việt Tấn Xã.
Bà là người phụ nữ duy nhất bị kết án là “gián điệp” trong vụ
Nhân văn - Giai phẩm. Dù sau này, theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang, bà không ở
trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm, mà chỉ là người ủng hộ phong trào.
Vậy mà bà đã bị các văn nghệ sỹ của Đảng kết tội bằng những từ
ngữ độc địa, như "con phù thuỷ xảo quyệt", như "loài
vắt ngửi thấy máu", như "rắn phun nọc độc mạt sát chế độ ta"...
Bà bị giam từ năm 1957 đến năm 1974 mới được thả. Thậm chí sau
khi được thả bà còn bị ném đá. Có câu chuyện đã được kể lại truyền tai và được
xác thực là ở trong tù, bà đã tự tay chọc mù một con mắt để phản kháng "không
phải nhìn thấy chế độ này nữa".
Tất nhiên, bà cũng chưa từng một lần phải viết bản kiểm thảo ăn
năn để đánh đổi nhân cách lấy sự an toàn cho bản thân vào những năm tháng đoạ
đầy ấy.
Nhà thơ, nhà văn Trần Dần bị bắt, bị lên án kịch liệt
trong vụ Nhân văn - Giai phẩm. Ông đã phản kháng băng cách cứa cổ.
Cũng là bị ép viết bản tự kiểm thảo, nhưng ông vẫn giữ khí tiết:
"Người sáng tác phải có quyền và có gan như người viết sử thời xưa, vua
chém đi 6 người, đến người thứ 7 vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành chịu
vậy”.
Tác giả của những câu thơ bất hủ như:
"Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ”
Những năm sau sự kiện Nhân văn - Giai phẩm, ông sống lặng lẽ,
đứng ngoài mọi sinh hoạt văn nghệ chính thống. Và vẫn âm thầm sáng tác để rồi
sau này những bản thảo giấu kín hồi ấy được xuất bản và trở thành những sự kiện
xuất bản của thời này: "Những ngã tư và những cột đèn",
"Đêm núm sen"...
Rồi còn bao người nữa như nhà thơ Lê Đạt, hoạ sỹ Đặng
Đình Hưng, nhà thơ Hoàng Cầm... đã phải trả giá bằng cả đời cho việc
tham gia Nhân văn - Giai phẩm.
Chắc chắn họ không từng có bản tự kiểm điểm tự chối bỏ mình và
lên án đồng chí, bạn bè từng chung lý tưởng như Văn Cao làm trong bài viết đăng
báo kia.
---------
P/s: Đợt trước, mình cũng tiếc cho Văn Cao với tư cách một tài
năng khí tiết là nạn nhân của chế độ.
Nhưng sau khi đọc bản kiểm thảo này thì thôi.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Hoàng Lê - nguồn: facebook Hoàng Lê
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét