TẾT MÙNG BA THÁNG BA LÀ 'PHONG TỤC CỔ CỦA AN NAM TỪ XƯA' - Tác giả: Trần Thị Băng Thanh ; Đinh Như Quang giới thiệu

Leave a Comment

 


TẾT MÙNG BA THÁNG BA

LÀ "PHONG TỤC CỔ CỦA AN NAM TỪ XƯA"

 

Nhân dân ta từ rất xa xưa có tục ăn tết Mồng ba tháng ba. Trong ngày tết ấy người dân không nhóm lửa, chỉ ăn đồ nguội, vì thế Tết mồng ba tháng ba còn gọi là “Tết hàn thực” (Tết ăn đồ nguội). Ngày nay tục lệ ấy vẫn thịnh hành. Giải thích về tục lệ này, nhiều người đều cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với câu chuyện về cái chết thương tâm của Giới Chi Thôi.

Tích truyện kể rằng Tấn Văn Công trong những ngày gian khổ mưu cầu sự nghiệp bá vương, có lúc bị đói, Giới Chi Thôi đã cắt thịt đùi mình dâng ông ăn. Sau khi thành công, khen thưởng, Tấn văn Công quên Giới Chi Thôi, Giới buồn hận bỏ đi. Sau Văn Công nhớ ra triệu vời nhưng Giới không đến, trốn vào rừng. Tìm gọi mãi không được, Tấn Văn Công sai đốt rừng để Giới phải chạy ra; nhưng Giới Chi Thôi ôm cây chịu chết cháy chứ nhất định không tha thứ cho vị quân chủ mà Giới cho là vô tình. Tấn Văn Công sửa lỗi, nhưng lỗi lại chồng thêm lỗi nên hối hận, từ đó sai lệnh cấm lửa trong ngày này (mồng 3 thấng 3) để tưởng nhớ người bề tôi trung thành mà ông vì vô tâm đã bỏ quên. Cho đến ngày nay, chắc chắn chúng ta cũng đinh ninh nguồn gốc của ngày tết này là như thế.

Nhưng cách đây đúng 720 năm, Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã nói rõ đó là “phong tục cổ của An Nam từ xưa”. Ông khẳng định điều đó trong một bài thơ kèm theo mâm bánh biếu sứ giả nhà Nguyên Trương Hiển Khanh (tên là Lập Đạo) sang Việt nam năm 1292. Bài thơ như sau:

Giá chi vũ bãi thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An Nam.

(Múa giá chi rồi, thử áo xuân

Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thần

Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc

Phong tục An Nam theo cổ nhân.)

Biếu Trương Hiển Khanh bánh xuân

(Trần Lê Văn dịch)

Bài thơ giọng điệu trang nhã, vừa rất ân cần với khách vừa ý tứ sâu xa.

Trước hết hãy nói về Trương Hiển Khanh. Người Việt nam chắc ai cũng nhớ, vào năm 1288 nước ta vừa “đại phá” cuộc xâm lược của nhà Nguyên lần thứ ba. Vua Nguyên (Hốt Tất Liệt) vốn rất hận, đã tập trung lực lượng chuẩn bị đánh lần thứ tư vào năm 1294. Trương Hiển Khanh là Thượng thư bộ Lễ của Nguyên triều sang Việt Nam có nhiệm vụ “dụ” vua Trần phải thực tâm thần phục, sang triều kiến vua Nguyên và chịu làm theo mọi điều kiện nhà Nguyên áp đặt, nếu không thiên triều sẽ “trừng phạt”. Có thể Trương Hiển Khanh cũng còn một nhiệm vụ nữa là quan sát xem nước Việt sau năm năm với hai cuộc chiến khốc liệt, thế và lực ra sao. Vua tôi nhà Trần hiểu rất rõ điiều đó, cho nên cuộc tiếp sứ lần này thực chất là một cuộc đấu tranh ngoại giao gai góc chứ không phải là cuộc thăm hỏi xã giao. Nhưng Trần Nhân tông hết sức chủ động, nhà vua chủ trương “hóa giải” tình hình đó, trước hết với vị sứ thần có địa vị cao trong Nguyên triều và chắc chắn có học vấn. Vua tiếp sứ giả ở Điện Tập hiền với phong cách rất thân mật, chủ tâm theo phong tục An Nam: đặt tiệc mời toàn hải sản, trong lúc trò chuyện thỉnh thoảng lại mời ăn trầu, thậm chí còn mời vào trong trướng “ngồi xuống đất”. Trong cả chuỗi sự kiện tiếp đãi với tinh thần khẳng định bản lĩnh dân tộc đó, vua Nhân Tông trong ngày tết Mồng ba tháng Ba đã biếu Trương Hiển Khanh một mâm bánh với bài thơ trên. Các vua nhà Trần là những người có học, chắc chắn nhà vua biết rõ câu chuyện Giới Chi Thôi, nhưng với căn cứ gì vua Nhân Tông khẳng định đó là “phong tục cổ An Nam từ trước tới nay”? Trần Nhân Tông không ghi chú rõ, nhưng gần đây tìm hiểu ý tứ của bài thơ này, chúng tôi đã thấy một căn cứ. Nguyên là theo sách Kinh Sở tuế thời ký thì ngày thứ 105 trong tiết đông, thường có mưa to gió lớn, gọi là tiết Hàn thực, người ta cấm lửa trong 3 ngày; Lời chú của sách này nói: Theo lịch thì tiết ấy vào khoảng trước thanh minh 2 ngày, cách ngày đông chí 106 ngày. Một sách “biệt lục” của Lưu Hướng cũng nói tiết Hàn thực có từ đời Chu; tiết này được gắn với truyện Giới Chi Thôi là từ thời Hậu Hán. Cũng sách này còn ghi người bản địa “thổ nhân” trong ngày 3 tháng ba còn ra bến sông, thả chén chỗ sông quanh vui uống rượu. Như vậy có thể nói ngày 3 tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía nam, từ vùng Kinh Sở trở xuống (mà Việt Nam ngày nay xa xưa cũng là một trong Bách Việt. Bách Việt khác Hán tộc). Vì thế Nhân Tông mới nhấn mạnh đây là “phong tục cổ của An Nam”. Cũng có thể còn thêm một căn cứ nữa là nếu cứ theo tích Giới Chi Thôi thì tết mồng ba tháng ba là một cái tết buồn, nhưng trái lại với Việt Nam đây là một lễ hội vui, có múa hát, có mặc áo mới và ăn một thứ bánh có rau, tinh khiết như “hồng ngọc” mà vua gọi là “bánh xuân”. Bài thơ hai mươi tám chữ tặng Trương Hiển Khanh của Trần Nhân Tông quả là có một chiều sâu tư tưởng, một vẻ đẹp nhân văn rất đáng để hậu thế chiêm ngưỡng và suy ngẫm.

Sau những động thái trong cuộc tiếp sứ của vua tôi nhà Trần, Nguyên sứ Trương Hiển Khanh đã không thể tuyên dụ được những chỉ dụ của vua Nguyên trong cuộc đối thoại mà đành viết lại thành văn bản trao sau. Và lúc đó thì “thiên sứ” đã lên đường về nước. Quả là sau khi tiếp xúc với Trần Nhân Tông, Trương Hiển Khanh đã có một cách nhìn, cách nghĩ khác về An Nam. Khi về, ông đã viết trong một bài ký: “Vua An Nam tiếp chuyện vui vẻ luôn luôn làm thơ tặng thiên sứ. Lập Đạo tức thì làm thơ đáp lại. Tiệc gần xong, mời Lập Đạo vào trong trướng, đều ngồi trên đất”. Với quan sát của Lập Đạo bây giờ “An Nam là nước nhỏ, nhưng có văn chương, không thể nói bừa họ là ếch ngồi đáy giếng”. Và ông thể hiện suy nghĩ đó trong một bài thơ với nhiều cảm tình:

Dao vọng thương yên toả mộ hà,

Thị triều nhân viễn cách yên hoa.

Cô hư đình viện vô đa sở,

Thịnh mậu viên lâm chỉ nhất gia.

Nam chú hùng tân Thiên Hán thuỷ,

Đông khai cao thụ mộc miên hoa.

An Nam tuy tiểu văn chương tại,

Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.

Bản dịch An Nam chí lược:

Ngắm cảnh chiều hôm khói mịt mờ,

Xa nơi thành thị đỡ huyên hoa.

Quạnh hiu đình viện không nhiều sở,

Tươi tốt vườn cây chỉ một nhà.

Thiên Hán bến Nam tuôn mạch nước,

Mộc miên cây lớn trổ cành hoa.

An Nam tuy nhỏ văn chương thịnh,

“Ếch giếng”, khuyên đừng chế giễu ngoa.

Thực ra những ngày tết lễ, những phong tục tốt đẹp được hình thành là sáng tạo văn hóa của nhân loại. Nếu người ta thấy hay, thấy đẹp thì học theo, cũng chẳng có điều gì phải ngần ngại; cũng như giới trẻ ngày nay đã rất thích ngày Tết tình yêu 14 – 2, hay mọi người đều rất thích tục tặng quà cho con trẻ trong Đêm Chúa giáng sinh 25 – 12 ... Có điều tìm đến gốc gác một phong tục để biết thêm vẻ đẹp nhân văn của nó cũng là một việc rất nên biết. Huống nữa trả lại cái ý nghĩa sâu xa vui vẻ và đầy sức sống như thế cho ngày tết mồng 3 tháng Ba cổ truyền của người Việt lại càng là một việc rất nên làm.

_______________

Những tư liệu viết bài này lấy từ các sách: Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 1985 và An Nam chí lược, bản dịch, Tài liệu tham khảo của Thư viện văn học và Bản dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, in năm 2002, Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán (Trung Quốc) xuất bản năm 1947.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An.

* Tác giả Trần Thị Băng Thanh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ công tác tại Viện Văn học, đã nghỉ hưu.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Trần Thị Băng Thanh - nguồn: vanhoanghean

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét