ĐẤT GHỀNH RÁNG - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

Leave a Comment

 


ĐẤT GHỀNH RÁNG

 

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Chiếc xe nhà binh chở chúng tôi từ Phù Cát về thị xã Quy Nhơn. Sau đó, xe chạy dọc theo con đường ven biển xuống xóm Gành Ráng. Cuối cùng nó đỗ xịch ở làng chài, trước một khoảng sân rộng, hai bên là hai dãy nhà gạch. Chúng tôi được đưa vào dãy bên trái.

Lính biên phòng là một đơn vị khá đặc biệt của tỉnh, chỉ đóng quân ở các đồn ven biển, được coi là lính kiểng; không bị quản chế nghiêm ngặt như bộ đội chính quy. Cuối tuần tân binh chịu sự huấn luyện ở Gành Ráng được tự do ra vào doanh trại, muốn đi đâu thì đi. Tuy dễ dãi là thế nhưng cũng không mấy ai đào ngũ. Bởi họ thừa biết học tập xong sẽ được đưa về các cửa biển trong tỉnh để công tác. Mặc sức ăn cá tươi và hạch sách ngư dân. Đời sẽ đẹp như mơ.

Những ngày ở Gành Ráng chúng tôi có một mớ kỷ niệm thú vị. Chuyện đầu tiên là thằng T. và tôi gặp lại cô giáo cũ. Chiều thứ bảy hôm đó, hai đứa đi dạo biển Quy Nhơn để thư giản, ngắm cảnh đẹp. Trời mùa đông, mặt biển xám ngắt, gió nhẹ nhưng không mưa. Lúc chúng tôi đi ngang qua một băng ghế chợt nhìn thấy một cô gái trẻ có mái tóc cắt ngắn. Trên người mặc chiếc áo len màu đen. Đi vượt qua cô gái vài bước chợt thằng T. khều tôi bảo:

- Mày có thấy ai không?

Ngạc nhiên vì không biết nó phát hiện ra ai quen biết chốn này nên tôi hỏi lại:

- Ai?

- Người ngồi trên băng ghế đó! – Thằng T. nói tiếp –

Trông cô ấy giống cô Dung quá!?

- Cô Dung nào?

- Cô Dung dạy môn địa lý năm lớp 9.

- Mày chắc không?

- Sao lại không!

Tôi còn nghi ngờ vì không nhìn rõ gương mặt cô gái lúc nãy, nhưng cũng nói:

- Mình quay lại hỏi thử. Biết đâu đúng là cô Dung thật.

Chúng tôi quay lại. Cô gái còn ngồi đó, hướng mặt ra biển. Hai đứa đến bên cạnh cúi đầu chào. Cô ấy nghe có tiếng người nói chuyện liền quay sang. Tôi nhìn kỹ, cũng giống cô Dung thật! Thấy hai chú bộ đội hình như muốn ngỏ lời làm quen với mình, cô gái nhoẻn cười và hỏi rất lịch sự.

- Các chú cần giúp đỡ gì?

- Dạ... Cô có phải là cô Dung từng dạy môn địa lý ở trường Phổ Quang, Đức Phổ không ạ? – Thằng T. nói lí nhí.

Cô gái trố mắt nhìn chúng tôi:

- Đúng rồi! ... Sao các em biết?

- Dạ, tụi em học lớp 9A. Huỳnh Tiến T. và Trần Văn Thư đây ạ! Cô đúng là cô Dung rồi!

 - Ừ... ừ! – Giọng cô mừng rỡ.

Gặp lại trò cũ trông cô có vẻ rất vui. Năm ấy một số sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm về Trường cấp hai quê tôi dạy thực tập. Cô Dung phụ trách môn địa lý cho khối lớp chín. Nói chuyện hồi lâu, cô cho chúng tôi biết cô không làm giáo viên nữa. Thầy Á, dạy vật lý đã đi vượt biên.

Cô bây giờ cắt tóc ngắn nên trông hơi khác. Thảo nào tôi thoáng nhìn không nhận ra. Ngày trước, để tóc dài nửa lưng trông cô nhu mì hơn. Nhà cô ở Quy Nhơn. Hôm nay cô ra biển vì có hẹn với bạn. Lát sau, một chàng trai cao lớn đi đến. Có lẽ là bạn trai cô. Chúng tôi tế nhị chào hai người rồi tiếp tục dạo biển. Lúc đi đã khá xa thằng T. đắc ý nhếch mép cười, bảo tôi:

- Mày thấy cặp mắt tao có tinh không?

Tôi chọc nó:

- Chó táp nhằm ruồi, chứ tinh anh gì!

Tuy ngoài miệng nói thế nhưng trong bụng tôi cũng thầm khen thằng này tinh mắt. Cũng nhờ tinh mắt mà mai hậu nó đã thăng chức khá nhanh. Mười năm sau gặp lại nó đã là sĩ quan cao cấp dù chưa đánh trận nào. Hôm uống rượu mừng tái ngộ nó hỏi tôi:

- Thư, mày còn nhớ Lê Thưa không?

- Lê Thưa nào?

- Trung tá tiểu đoàn trưởng khu huấn luyện Phù Cát.

- À, nhớ...

- Bây giờ cấp bậc của tao lớn hơn ông ấy rồi!

- Thượng tá?

- Không. Đại tá! – Nó khoe với tôi, vẻ mặt chẳng khác gì mười năm về trước, khi nhận diện đúng cô giáo Dung.

-  Chúc mừng mày! – Tôi giơ lên một ngón cai và cụng ly cùng nó.

Cuộc gặp gỡ với cô bạn cũ cùng học chung năm lớp mười vài hôm sau cũng không kém phần thi vị. Lần đó cả hai chúng tôi rủ nhà thơ Thái Đức cùng đi vào Trại phong Quy Hòa, để tìm cô bạn tên Mai Linh, đang sinh sống với mẹ ở trong ấy. Từ chỗ doanh trại chỉ cần vượt qua hai con dốc, một dài một ngắn là đến làng Quy Hòa. Đó là một nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Ba bề đều là núi rừng. Phía đông một bờ cát trắng hẹp và cong hình chữ C. Khúc giữa và đuôi được kéo thật dài đến tận cụm núi phía nam. Nơi đây như tách biệt hẳn với cuộc sống phố thị nên trầm mặc, yên tĩnh dị thường. Chỉ nghe tiếng thông reo vi vu trong gió, và tiếng sóng biển rì rầm. Đường sá nhỏ hẹp nhưng thẳng tắp có trồng cây hai bên, rất ít người qua lại. Đang là mùa đông lá vàng rơi rụng khắp nơi. Những ngôi nhà be bé, mái ngói màu đỏ sậm, tường quét vôi vàng nhạt, xinh xắn như trong chuyện cổ tích. Qua một hồi thả bộ dạo quanh làng, chúng tôi cuối cùng cũng tìm được căn nhà của Mai Linh. Nghe có tiếng gõ cửa cô nàng bước ra, mở to cặp mắt tròn xoay nhìn chúng tôi. Thấy cô cứ đứng lặng yên, tôi cười cho đỡ lúng túng, và cất tiếng trêu:

- Thấy đồng môn đến nhà không mời vào chơi à?

Sau phút ngỡ ngàng, Mai Linh vội vàng mở rộng hai cánh cửa cho bọn tôi vào, và kéo ghế mời ngồi. Gian phòng nhỏ nhưng sạch sẽ, nền lát gạch bát tràng đã cũ. Trên tường treo mấy bức hình Đức chúa Giê Su và Mẹ Maria. Cô bạn vui vẻ lấy ấm tách trên một cái tủ bên cạnh chiếc bàn ra pha trà. Chúng tôi nói đủ chuyện huyên thuyên. Nàng không ngờ bọn tôi đi bộ đội, bọn tôi cũng không ngờ nàng định sống hẳn nơi đây. Lúc còn đi học Mai Linh nổi tiếng là cô gái đẹp của lớp tôi. Đám học sinh con trai tụi tôi khi học trường huyện cũng tự hào về cô vì Phổ Quang có một tiểu mỹ nhân. Da cô ấy trắng hồng, cặp mắt to đen, mi dài và cong tự nhiên không cần chuốc. Thêm đôi môi mọng và dáng người cao ráo nàng đã làm khổ sở lắm anh học lớp trên. Nhưng đùng một cái nàng bỏ học dở dang năm lớp mười. Một số bạn đồn rằng máu phong cùi trong người cô đã phát tác nên cô thôi học, về sống với mẹ ở Quy Hòa. Tôi kín đáo quan sát khi cô rót nước ra tách. Đôi tay vẫn trắng ngần, ngón dài và mềm mại. Đâu có dấu hiệu xuất hiện phong cùi lở loét ở bàn tay như lời đồn?

Mai Linh mời bọn tôi uống nước. Hồi lâu vẫn không thấy ai uống ngụm nào, nàng có vẻ không vui. Thấy vậy, tôi cầm cái tách bằng sành nhỏ như hột mít uống một ngụm đã hết sạch. Hai thằng bạn thấy tôi không e ngại gì cũng cầm chung uống cạn.

Chúng tôi chào từ biệt Mai Linh ra về. Cô tiễn khỏi ngõ, rồi quay vào. Tôi ngoáy đầu lại nhìn dáng người bạn gái nhỏ nhoi bất hạnh lần chót, lòng chợt thấy thương thương.

Nói đến Quy Nhơn không những người ta nghĩ ngay đến bãi biển Hoàng Hậu nổi tiếng, hoặc làng Quy Hòa thơ mộng mà còn nhắc đến Đồi Thi Nhân, nơi có ngôi mộ của cố thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Mộ ông ngày đó được xây bằng xi măng không “hoành tráng” như bây giờ. Con đường lên mộ thi sĩ khúc khủyu, hai bên cây cối rậm rạp, um tùm. Tôi có làm một bài thơ chép vào cuốn Tiếng Lòng, năm 2016, chỉnh sửa lại đôi chút và đăng lên mạng xã hội.

Viếng Mộ Hàn Mặc Tử

 

Dốc cũ còn ghi nhớ Mộng Cầm

Nhưng người đã khuất biệt mù âm

Quy Hòa sóng vỗ trong buồn tủi

Đất Cảng hồn bay giữa lặng trầm

Ngửa mặt than trời ai yểu mệnh

Nghiêng mình tưởng niệm phút thành tâm

Ngàn sau vẫn tiếc Duyên Kỳ Ngộ

Mật Đắng cuồng điên mải miết tầm.

Có những bài thơ khiến người ta lên voi, cũng có những bài thơ đày ải người ta vào cảnh tù ngục, tối tăm hoặc mất cả sinh mạng. Không nói đâu xa, những thập niên 1950s của thế kỷ trước ở miền Bắc Việt Nam những bài thơ trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm là một dẫn chứng điển hình.

Cũng vì làm một bài thơ mà sau đó một sự việc xảy ra đã làm cho cách suy nghĩ về cuộc sống, về người cộng sản của tôi đã khác đi hoàn toàn. Ngày còn bé đọc những truyện, ký của những người đi làm cách mạng tôi khâm phục họ lắm. Tôi luôn luôn muốn học hỏi, noi gương theo họ tinh thần vì đất nước quê hương, sẵn sàng dám hy sinh, dấn thân vào con đường gian lao, nguy hiểm. Cũng chính vì làm bài thơ hôm ấy mà tôi mới phát hiện ra sự thật đằng sau vẻ đạo đức giả của những người tự cho mình là kẻ yêu chuộng tự do, công bằng xã hội. Tôi đã học được bài học đầu tiên về bản chất của người cộng sản. Họ đã không tôn trọng những nguyên tắc sơ đẳng về tự do tư tưởng, quyền riêng tư của người khác. Họ luôn luôn muốn kiểm soát tư duy của mọi người.

Lúc ấy là vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch. Nhằm mừng đảng, mừng xuân mới, khóa học tân binh lính biên phòng có tổ chức cho các trung đội thi đua. Mỗi đơn vị làm một tờ báo tường. Vốn tính hay thích viết lách, tôi cũng tham gia đóng góp một bài thơ với tựa đề “Những Ngọn Đèn Ve.” Nội dung  chỉ là hồi tưởng lại miền quê dấu yêu đang xa cách. Cũng như nhằm bày tỏ niềm tin yêu vào cuộc sống, nuôi dưỡng niềm hy vọng nhỏ nhoi nhưng cháy bỏng vào tình người nơi cố hương.

Bài viết được gửi đi vào buổi sáng thì khoảng 11 giờ trưa tôi có việc ra ngoài. Khi trở về, ba lô của tôi bị lục tung. Quần áo, giấy bút và đồ dùng cá nhân như chăn, màn... bị vứt bừa bãi dưới sàn barrack. Chiếc ba lô bị mở toang. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa tức giận chẳng biết kẻ nào thù ghét tôi điều gì mà phá đám như thế. Tôi hỏi người đồng chí bên cạnh. Được anh ta cho biết, cán bộ trung đội cho người lục soát. Nghe nói thế, tôi bắt đầu lo lắng, không hiểu mình đã làm sai điều gì mà bị cấp trên đối xử như kẻ ăn cắp vặt vậy. Lẳng lặng tôi thu dọn lại đồ đạc. Lúc đó mới biết mất đi cuốn Tiếng Lòng. Dọn dẹp vừa xong cũng là lúc chính trị viên đại dội cho người gọi tôi lên. Tôi bước vào căn phòng làm việc của đại đội trưởng, trông thấy ở đó đã có mặt A trưởng và B trưởng, cùng với chính trị viên. Tôi nghĩ bụng: “Sự việc rất nghiêm trọng đây!”

Họ chỉ ghế cho tôi ngồi và bắt đầu hạch hỏi về nội dung bài thơ. Tôi cố gắng giải thích cho mọi người hiểu, bài thơ không có bất cứ một ám thị phản động nào. Tôi hoàn toàn không dính dáng vào bất cứ một tổ chức nào. Nhưng họ cứ day đi day lại những câu mà tôi đã viết như sau:

Những ngọn đèn ve không sáng chóa, sáng lòa

Như ánh điện ở nơi đây em ạ!

Những ngọn đèn ve cháy âm thầm, êm ả

Như ngọn lửa cuộc đời sưởi ấm tuổi thanh xuân!”

Họ hỏi tôi có âm mưu gì mà viết như thế?! Có phải “những ngọn đèn ve” là tín hiệu, là ngọn lửa âm ỉ chống đối lại chính quyền cách mạng không? Tôi đã khẳng định nhiều lần tuyệt đối là không. Nhưng họ vẫn không tin!

Tôi chẳng còn nhớ trọn vẹn bài thơ nên không chép hết ra đây được. Thế nhưng, theo như cảm nhận của tôi thì họ chỉ bắt bẻ mỗi khổ thơ trên. Đã trãi qua gần bốn mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ như in và chép lại được, vì bị hỏi cung suốt 2 giờ đồng hồ liền. Họ cứ nhắc đi nhắc lại đoạn thơ ấy. Cuối cùng chắc là họ tạm tin tôi không tham gia vào nhóm phản động nào nên đã trả lại cuốn nhật ký Tiếng Lòng. Nhưng bài thơ thì bị tiêu hủy. Tôi phải viết bản kiểm điểm giải trình về tư tưởng rồi mới được ra về. Cũng may là trong tập Tiếng Lòng toàn là những bài ca ngợi cảnh đẹp quê hương, hoặc cuộc sống nông thôn mới hợp tác xã, hoặc những bài thơ tình rất ngô nghê thời mới lớn. Chỉ có một ít bài than nghèo, than đói là đáng e ngại mà thôi. May mà lúc đó tôi chẳng ghi chép điều gì về chính trị.

Trước ngày sự việc xảy ra tôi chưa hề nghĩ sự kiểm soát tư tưởng con người của ché độ cộng sản là hết sức gắt gao, cay nghiệt như thế.. Tôi cũng chưa hề có được khái niệm tự do trong sáng tác là gì. Tôi chỉ biết mình nghĩ mình cảm thế nào thì viết ra như thế. Kể từ sau hôm xảy ra câu chuyện, trong lòng tôi cứ suy nghĩ rằng có một cái gì đó sai sai, không đúng ở những người chỉ huy của tôi. Tôi không nói ra điều đó với bất cứ ai, nhưng từ đấy không còn hứng thú để viết gì nữa. Tập nhật ký cũng bị tôi xé bỏ. Tôi sợ sẽ gây họa vào thân.

Sau đó một tuần, nửa đêm bỗng có tiếng còi báo động. Mọi người nhanh chóng thức dậy, thu xếp mùng mền rồi ra sân tập hợp. Tôi cứ tưởng báo động diễn tập hành quân như mọi lần. Nhưng không! Lần này khác!

Lúc mọi người đã có mặt đầy đủ, đại đội trưởng cầm bảng danh sách đọc một số cái tên. Hễ ai bị đọc tên thì bước ra ngoài hàng. Tôi nghe đọc cả hai cái tên Nguyễn Minh và Trần Văn Thư, không có tên thằng T. Chúng tôi bước ra khỏi hàng. Tất cả chừng đâu mười mấy người. Đại đội trưởng cho nhóm người ngoài danh sách về lại trại. Nhóm bị gọi tên bắt đầu lo lắng, có tiếng xì xầm bàn tán. Có người đoán sắp có chuyển quân. Tôi nghĩ bụng, khóa học chưa kết thúc sao lại chuyển quân lúc này. Không biết thằng Minh nghe tin đồn ở đâu, ghé vào tai tôi thì thầm:

- Bọn mình bị điều chuyển sang bộ đội chính quy.

Tôi bình thản, lính gì cũng là lính thôi mà. Tuy nghĩ thế nhưng không nói ra. Đúng lúc này, tôi trông thấy một chiếc xe nhà binh, không biết đã đậu ngoài cổng từ khi nào, bắt đầu nổ máy. Hai cái đèn pha bật sáng choang. Đại đội trưởng ra lệnh cho tất cả lên xe cùng với hai trung đội phó vai mang súng AK47, và cả chính trị viên đại đội. Chiếc xe nhắm hướng thị xã Quy Nhơn lăn bánh. Hai vệt đèn pha sáng quắc soi rõ con đường trong màn đêm tối đen.

Xe chạy vào một cái cổng doanh trại. Trong sân, đèn điện bật sáng. Vài tốp bộ đội vai mang ba lô như chúng tôi đi qua đi lại. Đồng chí chính trị viên dẫn cả bọn đến bàn giao cho một cán bộ khác. Chúng tôi xếp hai hàng dọc. Anh thượng sĩ kia điểm danh từng người rồi đưa cả bọn vào một căn phòng. Tôi ngó quanh chỉ có vài nhóm lính đang ngồi hoặc đứng to nhỏ chuyện trò với nhau. Lúc anh thượng sĩ vừa ra khỏi phòng, tôi hỏi thằng Minh, thằng này tuy thấp bé nhưng khôn ngoan và lọc lõi cuộc đời hơn tôi nhiều.

- Mày biết bọn họ sẽ đưa mình đi đâu không?

- Chắc là Cam-pu-chia!

- Tin từ đâu thế?

- Tao đóan vậy! 

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. Chẳng lẽ mình làm bài thơ ấy, họ đọc và cho là mình có tư tưởng phản động thật chăng? Thế thì oan tôi ông địa! Từ trước đến nay tôi luôn luôn ghi nhớ điều Bác dạy thiếu niên và nhi đồng, yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Chả thế mà có lần một chiếc tàu vượt biển tấp vào xã Phổ An, lũ trẻ chúng tôi đã kéo nhau đi xem. Hom đó, thằng Thanh, bạn thân nhất của tôi hỏi, nếu có dịp đi vượt biển tôi có đi không. Không cần suy nghĩ tôi cũng trả lời nó một cách nghiêm túc, “đi làm gì!"  Tôi cứ ngây thơ tin tưởng như những lời tuyên truyền rằng hễ ai bỏ nước ra đi đều là người tham sang phụ khó cả. Tôi hỏi thằng Minh.

- Mày có gửi thơ tham gia báo tường không?

- Có!

- Chủ đề gì?

- Tao đọc mày nghe. – Nó nói rồi không cần giở cuốn sổ ra, đọc một đoạn cho tôi nghe:

“Đêm mùa đông rét mướt

Thao trường mưa lâm thâm

Mình ta bồng súng gác

Nhớ mẹ già xa xăm

 

Đứng canh trời xứ lạ

Không vì sao bạn cùng

Gió rung cành, rơi lá

Lòng chợt buồn mông lung

...............................”

Đọc xong bài thơ, nó ghé vào tai tôi, hỏi:

- Mày có muốn trốn không?

Tôi trầm ngâm không trả lời. Nó nói tiếp:

- Mày ở đây coi ba lô, tao ra ngoài xem thử!

Thằng Minh đi một lát rồi quay lại. Nó nói nhỏ:

- Không có cách nào ra ngoài được. Lính gác cổng chỉ cho bộ đội vào không cho ra.

Đêm ấy mọi người ngủ nghỉ tại căn phòng đó. Tờ mờ sáng hôm sau, tất cả không được cho ăn sáng, đều tập trung tại hội trường nghe những lời huấn thị của cấp trên rồi lên xe. Đoàn xe tân binh gồm tám chiếc chở đầy nhóc lính mới, chạy ra ngã ba Phú Tài rồi rẽ sang Quốc lộ 19 chạy về hướng đèo An Khê.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 Kleinburg Dr, London

tỉnh bang Ontario, Canada.

Email: ducphot946@gmail.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét