LÝ
QUANG DIỆU VÀ CHÍNH SÁCH
NGĂN
NGỪA CỘNG SẢN TẠI SINGAPORE
Cựu
Thủ tướng Cộng Hòa Singapore Lý Quang Diệu được đưa vào bệnh viện hôm 5 tháng
2, 2015 vì bệnh viêm phổi trầm trọng. Chỉ vài hôm sau, ông được chuyển qua hệ
thống duy trì sự sống (life support).
Theo
nhiều nguồn tin, hai năm trước đây ông đã thêm vào di chúc một đoạn trong đó
ông không muốn kéo dài sự sống vô nghĩa bằng cách này. Theo thông báo của chính
phủ Singapore “ông qua đời trong thanh thản” tại Tổng Y Viện Singapore lúc
03:18 sáng, giờ địa phương thứ Hai 23 tháng 3, 2015, thọ 91 tuổi. Lý Quang Diệu
là Thủ tướng đầu tiên của Singapore và mất vào năm kỷ niệm 50 năm độc lập của
quốc gia này.
Các thành tựu kinh tế
Về
đối ngoại, hầu hết các chính trị gia thế giới từ Margaret Thatcher của Anh
trước đây đến Barack Obama của Hoa Kỳ hiện nay đã từng ca ngợi Thủ tướng Lý
Quang Diệu. Ông có một tầm nhìn rất xa không chỉ vào tương lai Singapore mà cả
chính trị khu vực Á Châu và Thái Bình Dương. Từ đầu năm 1994, Lý Quang Diệu đã
thấy trước sự căng thẳng trong vùng Biển Đông.
Về
đối nội, mặc dù nhiều chính sách cứng rắn của Lý Quang Diệu tạo nên nhiều tranh
luận và phê bình, ông có một niềm tin vững chắc vào khả năng lãnh đạo của chính
mình và tiềm năng của người dân Singapore để cùng đưa quốc gia rất nhỏ bé và bị
bao quanh bởi các quốc gia không thân thiện thành một trong những nước giàu có
nhất thế giới. Ngày nay, Singapore, quốc gia có dân số 5.5 triệu, là một trong
những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, một trong năm cảng thương mại bận
rộn nhất thế giới và có lợi tức đầu người cao thứ ba trên thế giới.
Có
một danh sách dài của những bảng danh dự mà các thống kê, các tổ chức kinh tế,
tài chánh, thương mại quốc tế dành cho Singapore trong nhiều lãnh vực. Chẳng
hạn, World Bank từ 2006 đến 2016 xếp Singapore vào hạng nhất trên thế giới về
sự dễ dàng làm thương mại (The ease of doing business) và giữ vị thứ này suốt 10
năm liền; năm 2015 Singapore được xếp hạng nhì trên thế giới về quốc gia cạnh
tranh nhất (Most competitive country in the world); năm 2011, Singapore đứng
hạng nhất về bảo vệ tài sản trí tuệ (The best protection of intellectual
property); WHO (World Health Organization) năm 2010 xếp Singapore hạng nhì về
tỉ lệ tử vong thấp trong thiếu nhi; Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency
International: Corruption Perceptions Index) năm 2010 xếp Singapore vào hạng
quốc gia trong sạch nhất. Và rất nhiều bảng danh dự quốc tế khác.
Thành tựu lớn nhất của Lý
Quang Diệu chưa hẳn là thành tựu kinh tế
Reihan
Salam, Chủ bút điều hành của National Review Institute và tác giả nhiều tác
phẩm chính trị, trong phân tích và cũng là kết luận Thành Tựu Lớn Nhất Của Lý
Quang Diệu Chưa Hẳn Là Thành Tựu Kinh Tế của Singapore (Lee Kuan Yew’s Greatest
Accomplishment May Not Have Been Singapore’s Economic Success) đăng trên
National Review sáng 23/3/2015 vừa qua.
Theo
Reihan Salam, trong những năm trước 1959, xã hội Singapore chịu đựng tình trạng
xung đột chủng tộc giữa các sắc dân Ấn, Mã Lai và Trung Hoa không chỉ về kinh
tế mà trong cả văn hóa, tôn giáo. Ngoài ra, sự phân liệt trầm trọng diễn ra
trong sinh hoạt chính trị với đa số thành phần Cộng Sản và thân Cộng là người
gốc Hoa, trong khi đa số thành phần chống Cộng là gốc Mã Lai. Thế nhưng, ngày
nay có thể nói không một quốc gia nào mà nơi đó người dân thuộc thành phần
thiểu số cảm thấy an toàn hơn tại Singapore và gần một nửa số người đang sống
yên ổn tại Singapore vốn sinh ra tại nước ngoài. Sự an toàn, ổn định và hòa hợp
đó sẽ không xảy ra nếu quốc gia này nằm trong tay Cộng Sản. Thành tựu lớn nhất
của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, do đó, phải là thành tựu ngăn chận được sự phát
triển của phong trào Cộng Sản tại Singapore.
Lịch sử phong trào Cộng
Sản tại Mã Lai và Singapore
Năm
1927, năm cán bộ Cộng Sản Trung cộng được phái tới Mã Lai để thành lập đảng Cộng
Sản Nanyang (Mã Lai, Singapore) với tầm hoạt động bao gồm cả Thái Lan, Đông
Dương và các thuộc địa Đông Ấn thuộc Hòa Lan. Năm 1930, Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản
(1919-1943) tổ chức một hội nghị tại Singapore, giải tán đảng Cộng Sản Nanyang
và thành lập đảng Cộng Sản Mã Lai. Cùng thời gian này, đảng Cộng Sản Việt Nam
cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế được thành lập.
Địa
bàn hoạt động của đảng Cộng Sản Mã Lai bao gồm Mã Lai, Singapore và lan rộng
sang tận Thái Lan. Chương trình hành động của đảng Cộng Sản Mã Lai gắn liền với
điều kiện chính trị tại Trung cộng và đảng Cộng Sản Trung Quốc bởi vì đa số
đảng viên Cộng Sản Mã Lai là người gốc Hoa. Những năm hòa hoãn giữa đảng Cộng
Sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng Trung Hoa để chống Nhật, đảng Cộng Sản Mã Lai
có cơ hội hoạt động mạnh hơn. Năm 1939, đảng Cộng Sản Mã Lai có khoảng 40 ngàn
đảng viên với một nửa số đó hoạt động tại Singapore. Tài liệu của đảng Cộng Sản
Việt Nam không ghi thống kê của năm 1939 nhưng trong giai đoạn 1935 đảng chỉ có
600 đảng viên. So sánh để thấy, hoạt động của đảng Cộng Sản Mã Lai lúc bấy giờ
mạnh đến dường nào.
Các
đảng Cộng Sản thuộc Đệ Tam Quốc Tế, trong đó có Việt Nam và Mã Lai, thực thi
một chiến lược giống nhau do Lenin vạch ra trong Cương lĩnh của Quốc tế Cộng
sản được chấp thuận tại Đại hội Đệ Tam Quốc Tế lần thứ nhất vào năm 1919 và
Luận Cương về Vấn đề Dân Tộc và Thuộc Địa do Lenin đọc tại Đại hội Đệ Tam Quốc
Tế Cộng Sản lần thứ hai vào năm 1920. Chấp hành đường lối quốc tế đó, đảng CS
tại các nước thuộc địa dùng cơ hội hợp tác với chính quyền chống ngoại xâm để
phát triển đảng một cách công khai. Mã Lai-Singapore chống Anh, Trung Hoa chống
Nhật và Việt Nam chống Pháp. Đảng Cộng Sản mượn chiếc cầu chống thực dân, phát
xít và lợi dụng lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân để đạt mục đích tối hậu
là thiết lập chế độ Cộng Sản trên phạm vi cả nước.
Lai Teck, Tổng bí thư đảng
Cộng Sản Mã Lai có dòng máu Việt Nam
Khi
Thế Chiến thứ Hai bùng nổ, đảng Cộng Sản Mã Lai tuyên bố hợp tác với chính
quyền bảo hộ Anh để bảo vệ Singapore. Nhiều đảng viên Cộng Sản Mã Lai được Anh
huấn luyện quân sự. Lai Teck là Tổng bí thư đảng Cộng Sản Mã Lai nhưng thực
chất lại là một gián điệp làm việc cho nhiều cơ quan tình báo chống Cộng Sản. Y
có máu Việt Nam với cha là người Việt và mẹ là người Hoa. Lai Teck sinh tại
Việt Nam và có tên thật là Phạm Văn Đắc. Đắc từng làm việc cho cơ quan mật thám
Pháp và xâm nhập đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau khi toàn thành nhiệm vụ, Pháp
chuyển Lai Teck sang cho tình báo Anh và tình báo Anh chỉ thị y xâm nhập vào
đảng Cộng Sản Mã Lai năm 1935. Lai Teck có một tiểu sử đầy kỳ bí và nhiều câu
hỏi về nhân vật này vẫn chưa được ai trả lời thỏa mãn.
Khi
Singapore rơi vào tay Nhật, Tổng bí thư Lai Teck bị Nhật bắt và trong giai đoạn
này y lại bí mật hợp tác với Nhật. Sau Thế Chiến thứ Hai, Lai Teck vẫn tiếp tục
hoạt động trong đảng Cộng Sản. Mãi cho đến 1947, khi quá khứ bị phanh phui, Lai
Teck bỏ trốn sang Thái. Chin Peng, Tổng bí thư mới của đảng Cộng Sản Mã Lai yêu
cầu các đảng viên Cộng Sản Thái và Cộng Sản Việt Nam đang hoạt động trên đất
Thái truy lùng Lai Teck. Cuối cùng, một tổ ám sát Cộng Sản Thái tìm ra và siết
cổ y chết tại Bangkok. Xác của Lai Teck được ném xuống sông Chao Phraya năm
1947. Năm đó Lai Teck 44 tuổi.
Cộng sản Mã Lai và
Singapore sau Thế Chiến thứ Hai
Giống
như tại Việt Nam, khi Nhật rút lui nhưng Đồng Minh chưa đến, các nhóm Cộng Sản
Mã Lai xuất hiện, nhất là trong các khu người Hoa. Các đảng viên Cộng Sản này
được chào đón như những anh hùng cứu tinh dân tộc. Đảng Cộng Sản tịch thu vũ
khí do Nhật để lại và tuyển dụng đảng viên một cách công khai. Những “trung
đoàn” Cộng Sản trong thời chiến mỗi đơn vị chỉ hơn một trăm lính đã lên đến con
số 6 ngàn trong một thời gian ngắn.
Khi
chính quyền bảo hộ Anh được tái lập tại Singapore, họ đã ra lệnh đảng Cộng Sản
Mã Lai phải giao nạp vũ khí và giải tán các “trung đoàn” Cộng Sản. Đảng Cộng
Sản buộc phải đồng ý giải tán nhưng cũng giấu đi nhiều vũ khí. Theo lịch sử
đảng Cộng Sản Mã Lai, các “trung đoàn” phải giải tán vì thiếu hàng ngũ cán bộ
chính trị viên để nắm vững phần tư tưởng của đảng viên, nhưng dù sao đó cũng là
một quyết định sai lầm của đảng. Trong khi đó tại Việt Nam, đảng Cộng Sản lợi
dụng khoảng trống cuối Thế Chiến thứ Hai để chiếm Hà Nội và vài thành phố khác
qua biến cố gọi là “Cách mạng Mùa Thu” năm 1945.
Sau
thời kỳ Lai Teck, Chin Peng, 27 tuổi, một lãnh đạo Cộng Sản Mã Lai gốc Hoa lên
nắm quyền Tổng bí thư vào năm 1938 và sau đó chuyển sang đấu tranh bạo động,
bao gồm ám sát và khủng bố. Chính quyền phản ứng mạnh qua các chiến dịch truy
lùng các lãnh đạo đảng nhưng Chin Peng trốn thoát. Đảng Cộng Sản Mã Lai thành
lập một tổ chức ngoại vi có tên Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Mã Lai. Chính quyền
Mã Lai áp dụng chính sách cắt nguồn tiếp tế cho Cộng Sản bằng cách đưa dân về
các “Khu tân lập” được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Sau lần đàm phán thứ nhất để
giải quyết xung đột trong hòa bình thất bại, các lực lượng Cộng Sản rút lui dần
về biên giới Thái. Theo ước đoán của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, số đảng viên Cộng
Sản Mã Lai trong giai đoạn này chỉ còn vào khoảng 2 ngàn người. Anh trao trả
độc lập hoàn toàn cho Mã Lai ngày 31 tháng 8 năm 1957 nhưng vẫn tiếp tục bảo hộ
Singapore.
Lý Quang Diệu và Cộng Sản
Singapore
Năm
1950, sau khi học xong ngành luật tại Fitzwilliam College, Cambridge, Anh, và hoàn
tất chương trình thực tập Luật, Lý Quang Diệu được nhận vào luật sư đoàn Anh
nhưng ông đổi ý định hành nghề ở Anh và về nước. Chàng luật sư 27 tuổi trở lại
quê hương mang theo một tấm lòng yêu nước với tầm nhìn xa trông rộng, một lý
tưởng công bằng xã hội, một quyết tâm đóng góp xây dựng Singapore thành một đất
nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển về mọi mặt.
Lý
Quang Diệu là một trong ba người thành lập Đảng Hành động Nhân dân Singapore
(People Action Party, gọi tắt là PAP) vào ngày 21 tháng 11, 1954. Mục đích
chính của PAP là bảo đảm an ninh quốc gia mà không phải sử dụng bạo lực và xác
định trong tuyên ngôn thành lập “PAP sẵn sàng hợp tác một cách thành thật với
các đảng phái chính trị khác để đạt đến mục tiêu độc lập thật sự cho đất nước.”
Trong
cuộc bầu cử tháng Năm 1959, PAP thắng lớn. Singapore thành quốc gia tự trị
trong khuôn khổ Commonwealth và Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên với Thống
đốc Sir William Allmond Codrington Goode là Quốc trưởng. Theo kết quả của cuộc
trưng cầu dân ý 1962, Singapore sáp nhập vào Liên Bang Mã Lai. Việc chọn gia
nhập Liên Bang Mã Lai phát xuất từ mối lo ngại thiếu tài nguyên và ngoài ra,
một số chính trị gia cũng quan tâm đến việc Singapore có thể trở thành một quốc
gia Cộng Sản. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 năm, Quốc hội Mã Lai với số phiếu 126
trên 126 loại Singapore ra khỏi liên bang. Thủ tướng Lý Quang Diệu đứng trước
một tương lai Singapore đầy bất ổn. Ngay cả trong nội bộ PAP, vài năm trước,
các thành viên sáng lập cũng đã chọn con đường tả khuynh cho riêng họ.
Các thành phần Cộng Sản và
tả khuynh trong lãnh đạo PAP
Hai
thành viên sáng lập khác là Fong Swee Suan và Lim Chin Siong có lập trường tả
khuynh trong lúc Lý Quang Diệu quyết tâm ngăn chận mầm mống Cộng Sản phát sinh
trong xã hội Singapore. Lý Quang Diệu biết rõ rất đông lãnh đạo và đảng viên
PAP bị ảnh hưởng Cộng Sản và việc chấp nhận sự ủng hộ của cánh Cộng Sản chẳng
khác gì ngồi trên lưng cọp, nhưng ông tin tưởng vào khả năng và có một niềm tin
kiên định vào mục đích sống của đời mình. Muốn đưa Singapore trở thành một quốc
gia cường thịnh, trước hết phải xóa bỏ mọi tàn tích Cộng Sản còn tồn đọng từ
quá khứ và ngăn chận mọi mầm mống phát sinh của ý thức hệ Cộng Sản tại
Singapore. Tất cả chính sách đối nội của Lý Quang Diệu đều tập trung vào mục
đích đó.
Đảng
PAP tập hợp những thanh niên Singapore trẻ, có tinh thần độc lập và liên kết
với các nghiệp đoàn, nhưng như Lý Quang Diệu giải thích, sự liên kết này chẳng
khác gì một loại “hôn nhân hợp đồng” vì ông chỉ biết nói tiếng Anh nên cần các
đảng viên biết nói tiếng Tàu trong giới lao động thân Cộng Sản.
Lim
Chin Siong, một trong ba người thành lập, có giọng nói hùng hồn và thu hút
người nghe đã đắc cử Dân biểu Quốc Hội đơn vị Bukit Timah khi chỉ mới 22 tuổi.
Năm 23 tuổi Lim Chin Siong và Lý Quang Diệu đại diện cho Singapore để thảo luận
về hiến pháp tại London.
Những
hoạt động tả khuynh quá khích của Lim Chin Siong đã làm cho hai lãnh đạo PAP xa
nhau rất sớm. Lý Quang Diệu tố cáo Lim Chin Siong là Cộng Sản và dựa vào Sắc
Luật An Ninh Quốc Nội (Internal Security Act) bỏ tù đồng chí sáng lập PAP này
nhiều năm không xét xử.
Mặc
dù Lim từ chối là Cộng Sản, các hành vi của y như việc đọc diễn văn trong lễ
tưởng niệm Joseph Stalin và kế hoạch lật đổ chính phủ Lý Quang Diệu sau khi
Singapore sáp nhập vào Mã Lai cho thấy chủ trương Cộng Sản hóa Mã Lai bao gồm
cả Singapore nằm trong ý định của Lim và mục tiêu của đảng Barisan Sosialis do
y thành lập. Dù sao, sau khi Lim Chin Siong chết ngày 5 tháng Hai 1996, Lý
Quang Diệu bày tỏ sự kính trọng về quyết tâm, tận tụy với lý tưởng dành cho
đồng chí sáng lập PAP vừa qua đời.
Fong
Swee Suan, một thành viên sáng lập khác của PAP cũng có lập trường thân Cộng
Sản. Không giống Lý Quang Diệu học hành đỗ đạt, Fong Swee Suan bị trục xuất ra
khỏi trường trung học vì tham gia đình công. Fong dành hết thời gian còn lại
cho các hoạt động của giới thợ thuyền. Trong thời gian PAP lãnh đạo Singapore,
Fong Swee Suan là Bộ trưởng Bộ Lao Động. Tháng Bảy 1961, Lý Quang Diệu yêu cầu
Fong Swee Suan từ chức vì có liên can đến việc kêu gọi Singapore tự trị. Fong
bị bắt tháng Hai 1963, giam tại Mã Lai và được phóng thích vào tháng Tám 1967.
Fong có niềm tin sâu xa rằng giới công nhân là giới bị áp bức bóc lột và nghiệp
đoàn là phương tiện để giới công nhân đấu tranh giải phóng áp bức bóc lột. Ông
thừa nhận là một người xã hội chứ không phải là Cộng Sản.
Sau
khi giới hạn các thành phần Cộng Sản và tả khuynh trong hàng ngũ lãnh đạo PAP,
và ổn định chính trị quốc nội, Lý Quang Diệu thực hiện hàng loạt các chính sách
kinh tế trong nước và mở rộng các quan hệ quốc tế. Singapore gia nhập Liên Hiệp
Quốc 1965 và ASEAN 1967.
Lý Quang Diệu và Cộng Sản Trung
Quốc
Có
lẽ không ai có ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn Lý Quang Diệu về hiểm họa Cộng Sản
Trung Quốc tại Singapore. Hầu hết, nếu không muốn nói tất cả, đảng viên Cộng
Sản hoạt động tại Singapore là người Hoa. Do đó, tách rời Singapore ra khỏi quỹ
đạo của Trung Cộng càng xa càng tốt. Ông học về lý thuyết Cộng Sản tại Anh một
cách nghiêm túc và nhiều lần khẳng định chủ nghĩa Cộng Sản không cần thiết phải
là một phương tiện để giành độc lập và chủ nghĩa Cộng Sản không thể xây dựng
Singapore thành một nước cường thịnh về mọi mặt.
Vào
những năm đầu thập niên 1960, trong lúc các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam phải
sang chầu Trung Cộng hàng năm để xin súng đạn, Lý Quang Diệu từ chối ngay cả
việc thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nước có chủ quyền toàn
vẹn. Những biện pháp cứng rắn của chính phủ Lý Quang Diệu sau khi Singapore ra
khỏi Liên bang Mã Lai là nhằm bảo vệ sự tồn tại mong manh của bán đảo này và
ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng Sản với hậu thuẫn tích cực của Trung Cộng.
Khi
Đặng Tiểu Bình phát động bốn hiện đại hóa, Lý Quang Diệu mở rộng các quan hệ
kinh tế, thương mại với Trung Cộng vì lợi ích của Singapore nhưng vẫn chưa
thiết lập các quan hệ chính trị trên tầm mức quốc gia. Mặc dù công khai bày tỏ
sự kính phục dành cho Đặng Tiểu Bình và được mời thăm Trung Cộng nhiều lần, mãi
đến tháng 10 năm 1990, khi Singapore đủ mạnh về kinh tế và ổn định về chính
trị, Lý Quang Diệu mới thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Trung Cộng.
Singapore là nước cuối cùng ở Đông Nam Á thừa nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Và mặc dù công nhận Trung Cộng, Lý Quang Diệu đồng thời cũng duy trì một quan
hệ tốt với Đài Loan.
Quan
hệ thương mại với Trung Cộng, tránh phê bình chế độ chính trị Cộng Sản tại
Trung Cộng không có nghĩa Lý Quang Diệu thừa nhận cơ chế Cộng Sản là đúng. Lý
Quang Diệu hiểu Cộng Sản hơn nhiều lãnh đạo quốc gia khác vì chính ông đã từng
tranh đấu một cách gian nan để ngăn chận Cộng Sản tại Singapore cũng như đã từng
phát biểu về lâu về dài nền dân chủ Ấn Độ sẽ giúp cho quốc gia này vượt qua
Trung Cộng.
Một
số học giả Trung Cộng như Lu Qi gọi Lý Quang Diệu là hanjian (Hán Gian) khi kết
án ông Lý đã buộc người dân Singapore sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính và kết
quả làm cho đa số người dân Singapore gốc Hoa ngày nay không biết tiếng Tàu.
Nhưng tên học giả này quên rằng Lý Quang Diệu là Singapore chứ không phải là
Trung Hoa và lại càng không phải Hán. Quyết định duy trì tiếng Anh làm ngôn ngữ
chính ngay từ thời gian mới độc lập là một phần trong tầm nhìn xa của họ Lý để
chuẩn bị cho Singapore dễ dàng hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa năm chục năm
sau.
Trong
thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Lý Quang Diệu và nhiều lãnh đạo sáng suốt ở châu
Á đã lợi dụng chính sách chống Cộng Sản của Mỹ ở châu Á để hợp tác và phát
triển kinh tế với Hoa Kỳ. Nhờ đó, không chỉ nền kinh tế Singapore mà nhiều nước
nhỏ khác ở châu Á như Nam Hàn, Đài Loan cũng đã lần lượt cất cánh và trong một
thời gian ngắn được thế giới ca ngợi như là những con rồng châu Á.
“Vâng,
nếu tôi không làm thế, chúng ta có thể không có mặt ở đây hôm nay.”
Như
Joseph Chinyong Liow, thuộc Viện Nghiên Cứu Brookings, phân tích trong bài bình
luận Lý Quang Diệu, con người và giấc mơ hôm 22 tháng 3 vừa qua, chính lý tưởng
và tầm nhìn đã giúp Lý Quang Diệu đưa Singapore từ một quốc gia bị trị, phân
hóa chính trị, Cộng Sản hoành hành, xung đột chủng tộc, thiếu thốn tài nguyên
thiên thiên trở thành một nước hiện đại, được nhân loại khắp năm châu kính nể.
Lý
Quang Diệu, một lần, thừa nhận đã có can thiệp vào đời sống riêng tư của người
dân nhưng như ông biện luận khi trả lời phỏng vấn của tờ The Straits Times vào
tháng 4, 1987: “Vâng, nếu tôi không làm thế, chúng ta có thể không có mặt ở đây
hôm nay.” Đúng thế, lịch sử Singapore hiện đại đã chứng minh một cách hùng hồn
rằng Lý Quang Diệu có lẽ là lãnh đạo có lập trường quốc gia duy nhất không
những giành được độc lập mà còn xóa bỏ được cả một hệ thống Cộng Sản tại
Singapore và đưa đất nước ông thăng tiến vượt lên trên phần lớn nhân loại.
--------------
Tham
khảo:
–
Josey, A. (2012). Lee Kuan Yew: The Crucial Years. Marshall Cavendish
International 2012.
–
Lenin, V. (1920, June 5). National and Colonial Questions for the Second
Congress of the Communist International. https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1920/jun/05.htm
–
The Cold War in Asia (1945-1990). National Archives of Australia.
–
Malayan Communist Party
– http://en.wikipedia.org/wiki/Malayan_Communist_Party
–
Workers' Party of Singapore
– http://en.wikipedia.org/wiki/Workers%27_Party_of_Singapore
–
Internal Security Act (Singapore) http://en.wikipedia.org/wiki/Internal_Security_Act_(Singapore
–
Salam, R. (2015, March 24). Lee Kuan Yew’s Greatest Accomplishment May Not Have
Been Singapore’s Economic Success. National Review.
– http://www.nationalreview.com/.../lee-kuan-yews-greatest...
–
Barisan Sosialis http://en.wikipedia.org/wiki/Barisan_Sosialis
–
Lim Chin Siong http://en.wikipedia.org/wiki/Lim_Chin_Siong
–
Lee Kuan Yew, Early Political Career http://en.wikipedia.org/wiki/Lee_Kuan_Yew...
–
Fong Swee Suan http://eresources.nlb.gov.sg/.../SIP_2013-07-29_173512.html
–
Lai Teck
– http://en.wikipedia.org/wiki/Lai_Teck
–
Singapore
– http://en.wikipedia.org/wiki/Singapore
–
Malaysia
– http://en.wikipedia.org/wiki/Malaysia
–
Wain, B. (2011, January 21). Lai Teck - the traitor of all traitors. http://heresthenews.blogspot.com/.../lai-teck-traitor-of...
–
Lu, R. (2015, March 23). Was Lee Kuan Yew an Inspiration or a Race Traitor?
Chinese Can’t Agree. http://foreignpolicy.com/.../was-lee-kuan-yew-an.../
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê bình,
cảm nhận thơ0
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn: "CÔ"
SƯỚNG CƯỚI VỢ, truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến:
*.
TRẦN TRUNG
ĐẠO
Địa chỉ: Braintree, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Email:
trantrungdao@gmail.com
.................................................................................................
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com, ngày 10.10.2021.
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét