CON CÒ BAY LẢ BAY LA - Truyện ngắn Đặng Nguyễn Hoàng Giang (Thái Nguyên)

1 comment

 


CON CÒ BAY LẢ BAY LA

*

(Tác giả Đặng Nguyễn Hoàng Giang)

"Con Cò bay lả, bay la

Bay từ Miền Bắc, bay vào...

là vào Miền Nam, tình tính tang

là tang tính tình, cô mình rằng

Cô mình ơi, rằng có nhớ, nhớ hay không

Rằng có nhớ, là nhớ hay không?"

Bài hát này không biết là của tác giả nào, mà từ khi còn bé tí hon, tôi đã nghe thấy cha hát rồi. Mỗi lần ngồi đan lát hoặc buồn, nhớ về mẹ và các anh chị là cha lại hát bài này. Trăng treo trên đỉnh đầu, cha vẫn chưa chịu ngủ. Chắc đêm nay ông ấy lại nhớ họ rồi.

Cha tôi là một người lính, trước năm 1968, tổ chức cho tập kết ra Miền Bắc. Sau ngày giải phóng, cha trở về quê hương, hơn 60 năm trong quân ngũ. Nay gắn bó với cuộc sống nông thôn, đúng nghĩa của người dân thường. Hoà đồng với làng xóm, ấm áp, yêu thương. Được gần gia đình, cháu chắt, tình thân. Mà mấy chục năm qua, nay mới lại gần gũi, thưởng thức mùi vị quê nhà. Bởi quê hương mãi là chùm khế ngọt. Bộ sưu tập thành tích của cha thật là phong phú, nào là Huân huy chương hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, cờ thành tích, sổ tay viết thơ ca, nhạc hoạ có đủ cả. Vẫn chưa hết, cả những cuốn sách luật về ga tàu. Thì ra, sau khi chuyển quân ngũ, cha tôi còn làm trưởng ga tàu, một thời gian xong mới về nghỉ hẳn.

Quê cha tôi nghèo lam lũ, một đời người dân sống bên sông nước. Nửa trên bờ, nửa dưới nước. Vì sao lại nói vậy, bởi mùa khô nắng thì họ làm ruộng, trồng rau sinh sống. Mùa mưa gió bão lụt, họ kiếm thức ăn bằng thuyền chài. Thả lưới bắt cá, kéo tôm.

Ông bà nội sinh được năm người con, cha tôi là con cả, gọi là trưởng nam. Có hai cô và thêm chú út.

Trước ngày Đất Nước chưa được giải phóng, ở Miền Trung vẫn còn nhiều thủ tục phong kiến, lạc hậu. Nếu đã là con trưởng thì không tham gia kháng chiến. Vì sợ "mất giống nòi" cháu nội đích tôn. Cha tôi phải đấu tranh mãi, còn nghe đâu phải tuyệt thực, thì ông bà mới cho nhập ngũ. Ngày đó, cha không biết chữ, nên chỉ được làm giao liên, chuyển rau cùng đoàn bằng cái xe đạp cà tàng.

Năm ấy, cha mới mười sáu xuân tròn. Mới qua giai đoạn dậy thì, cái tuổi sung sức đầy nhựa sống. Kể cả, mười ba, mười bốn tuổi vẫn được nhận làm người liên lạc, với quyết tâm:

"Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Không như bây giờ, đủ tuổi 18 mới đi bộ đội. Cha tiến về phía Bắc, được giao nhiệm vụ nằm vùng, khu căn cứ tại Thái Nguyên. (Hơn 30 năm sau, tình cờ con út của ông ấy, lại ra lập nghiệp chính nơi mảnh đất kháng chiến trù phú này).

Cha đi rồi, mấy năm sau giặc Mỹ điên cuồng đổ bom. Ngụy quân, ngụy quyền, càn quét vùng quê nát bét. Kích thích tinh thần những người dân yêu nước, tham gia đánh trận. Cho nên, cả làng đều xông pha vót chông, đào hầm. Bởi vậy, ông bà nội quyết định, cho cả con dâu và ba đứa cháu nội trai, đều theo cách mạng. Trong đó, có cháu nội đích tôn của ông bà, cũng chính là con trưởng của cha tôi. Sau này họ đều hy sinh hết (Liệt sĩ). Đến ngày giải phóng, gia đình được Chính Phủ phong tặng bằng vinh danh:

"Bảng Vàng Gia Đình Liệt Sỹ"

Ngày trở về, nhìn thấy vợ và con đều được treo trên tường, một cách uy nghiêm trang trọng. Lòng ông đau thắt, lệ ứa nhoà, chảy ngoằn nghèo theo dấu nhăn nheo, như vết chân chim, trên khoé miệng, lõm sâu như những khe luống cày. Khuôn mặt khắc khổ, già nua, theo năm tháng gió sương. Đã nở nụ cười mãn nguyện, gật đầu tỏ vẻ tự hào về những người thương yêu bằng cả trái tim mình. Ông lại cất tiếng hát,

"Con cò bay lả bay la...bay từ Miền Bắc

bay vào, là vào Miền Nam..."

Nghe người làng nói, lúc mẹ còn sống mỗi khi ru con, nhớ cha nơi xa xôi bà đều hát thế. Tình cờ, lúc tâm sự, cha nói bài này cũng là khúc ruột của ông ấy. Mỗi khi nhớ quê hương, cứ đứng về phía Nam mà hát. Hát mãi, hát mãi cho đến tận bây giờ.

Thế nhưng khi về đến nhà, câu đầu tiên ông ấy hỏi lại là cái cối đá có còn không?

Mọi người ngạc nhiên, ngơ ngác rồi cũng phì cười, khó hiểu với câu hỏi vô tư của cha. Đáng ra phải hỏi sức khoẻ mọi người trong gia tộc mới phải.

Đằng này, lại đi quan tâm một cái cối đá, chẳng có giá trị gì, thì ra có lý do.

Tuổi ấu thơ, cha thường cùng chú út ra đồng mò cua bắt ốc, thời ông Cố cũng rất nghèo khổ, gia sản của cả nhà sống nhờ vào cái cối đá này. Dùng để giã cua, nuôi cả nhà. Nghe cha nói, nồi canh chua tuy không nhiều, nhưng bao năm đã cứu cả nhà bằng cái cối đó. Vài quả khế chua, thêm vài hột muối lẫn cát sạn, lọc ra làm canh sống qua ngày. Cái cối và cây khế sau vườn, là bảo bối của gia đình, nó cùng trải qua những năm đói khổ ải, của cả mấy đời kế tiếp. Nó như một người "bạn" tri kỷ, một "ân nhân" với gia đình. Là kỷ niệm duy nhất sau cùng của ông nội. Khi nhìn vào cái cối ấy, mà tự mỗi người phải phấn đấu, cho cuộc đời đổi thay.

Cha tôi là người rất khéo tay, nghề đan lát ông cực giỏi. Rổ, rá, dần, sàng, vó đánh tôm cá, chõng, ghế, giường cha đều đan được. Cứ rảnh là ông lại đan. Cuộc đời làm người lính, không biết bao gian nan, vất vả. Nghỉ hưu rồi vẫn không muốn nhàn hạ. Ban ngày làm việc xã hội. Tối về làm bạn với cây đèn dầu và những khúc tre gồ ngề, đã được cưa sẵn. Nhiều đêm khuya thanh vắng, ếch nhái kêu ện oạng, vẫn thấy ông ngồi vót nan, mà đôi mắt đỏ hoe. Khi tôi hỏi, ông nói lảng tránh, bị bụi bay vào mắt. Nhưng tôi biết, là cha đang nhớ mẹ, cùng các con.

Tuy đã nghỉ theo chế độ, mỗi tháng được mười ba cân gạo, gọi là tạm đủ để hai cha con trang trải. Cùng mấy tờ tem phiếu hàng tháng, thêm vài bìa đậu phụ và cá mắm khô.

Cuộc sống đạm bạc, yên phận tuổi già.

Nhưng vốn đã từng là quân nhân nhiều năm, ắt có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý. Cha tôi được Uỷ Ban tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xã và trưởng Ban kiểm soát kho lúa, khi xã viên nhập về, vào thập niên 1980. Bởi lẽ, sau ngày giải phóng cán bộ trong thôn, chưa được đào tạo nhiều. Cho nên ngoài cán bộ cốt cán của xã ra, vẫn còn một số hưu trí phải hỗ trợ cùng nhau củng cố lại kinh tế chung của toàn dân.

Ngoài việc đoàn thể yêu cầu ra, cha cũng muốn hoạt động xã hội, để kiếm thêm chút dành dụm nuôi tôi học nâng cấp. Gà trống nuôi con đâu dễ dàng gì. Tôi là con út trong gia đình. Thời chiến tranh loạn lạc. Ông bà gửi tôi về Nha Trang cho cô ruột nuôi. Sau ngày giải phóng, cha đón tôi về Huế sống cùng.

Cha con nương tựa vào nhau, những năm tháng sắn khoai cơm độn. Nhưng vui vẻ, ngọt ngào. Vẫn có những nụ cười vô tư, thoả mái. Thỉnh thoảng nhổ tóc ngứa, động viên cha, thế thôi. Dù có thương ông bao nhiêu tôi cũng chẳng làm gì được.

Bản thân tôi đây, một công nhân cơ khí đang học nghề, vừa học vừa làm.

Lương tháng ba trăm ngàn. Một tay nghề rắn rỏi mới được vậy. Không thể đủ trang trải bản thân. Công việc loáng thoáng, không đều. Đường xá xa xôi, sáng đi tối về, trên chiếc xe đạp tiêu chuẩn cán bộ của cha. Mùa mưa lụt, di chuyển khó khăn. Không ít lần, phải vác xe đạp lên vai. Lội nước bì bõm ngang ngực để về nhà. Cuộc sống quê tôi là vậy. Một đời lam lũ, vùng vẫy vật lộn với thiên nhiên. Mà vẫn không đủ ăn.

Đầu óc chưa đủ tầm tinh tế, để làm kinh tế hỗ trợ cho cha. Ông thường nói, không có gì cho con đâu, ngoài kiến thức ra. Vì vậy, ráng mà học, tiếp thu thật nhiều. Khi nhắm mắt xuôi tay, cha yên tâm hơn và cũng là hoàn thành nhiệm vụ với mẹ và anh chị của con.

Ngày mỗi ngày, tôi thấy cha tất bật, đi về sáng tối, khuya khoắt. Chân tay luôn hoạt động. Các cuộc Lễ lớn, hội hè, liên hoan xóm, đều do cha tôi đạo diễn.

Bận rộn chẳng khác nào như một cán bộ công chức. Ngoài ra, ông còn tranh thủ đan chuồng nuôi lợn, gà thiến, nuôi vịt dưới sông, tối về chỉ cần nghe tiếng gõ vào thau đựng cám trộn với nõn chuối non thái mỏng, như một ám hiệu, là chúng tự kéo nhau về đủ cả.

Nhớ ngày chuẩn bị xuất chuồng con lợn 70 cân. Thì trước tối hôm đó bị cháy nhà. Tôi học bài để thi nâng bậc, đến 2 giờ sáng mới ngủ. Đêm đó cha cũng đi họp xóm về muộn. Trong giấc ngủ mơ màng. Tôi cứ thấy xung quanh mình nóng dẫy. Nửa tỉnh, nửa say tôi bừng dậy. Hết hồn trong ngơ ngác. Ngọn lửa hừng hực len qua cánh cửa từ bếp lên. Chồm vào giường của tôi. Bên kia cha vẫn gáy khò khò, đang giấc ngủ ngon.

- Tôi thoảng thốt, cha ơi cha, cha ơi. Vừa lay, vừa gọi.

- Mắt vẫn nhắm nghiền, cha hỏi, gì thế?

- Cháy... cháy nhà rồi.

- Cháy nhà nào, ở đâu?

- Là nhà mình

Cha tôi thoảng thốt bật dậy. Hai cha con cậy phá cửa để tìm đường ra. Cứ luống cuống mãi không được. Ngọn lửa đã lan vô giữa nhà. Một tiếng nổ trên mái kinh hồn. Thì ra là những mấu tre của các xà ngang, nắng nóng lâu ngày. Nên nó nổ, những tấm tồn hong nắng, giòn, cháy cong queo. Rơi loảng xoảng.

Bỗng đâu, nghe thấy rất nhiều tiếng gõ, gõ loạn xạ. Rồi tiếng kêu cứu. Làng xóm đổ xô đến hết.

- Cứu...cứu cha con ông ấy đi. Nước đâu, tạt đi, tạt nhanh lên.

- Lúc cha con chui ra được bên ngoài, cũng là lúc ngọn lửa bùng lên cao ngất trời, cộng với cơn gió khuya, lửa bốc cháy càng to thêm. Thật là kinh khủng.

- Hai cha con ướt sũng vì những xô nước bị tạt vào người.

- Mọi người hô hào rầm rộ, thoát rồi, thoát rồi. Bao nhiêu ngọn đuốc được đốt lên, vây quanh cổng ngõ. Mọi người mừng rỡ khôn xiết.

Sau khi tìm hiểu ra mới biết, trước khi ngủ cha tôi dấm một bếp chấu, bên cạnh chuồng lợn cho nó ấm. Bởi vì bức tường quây làm chuồng toàn bằng cọc tre khô. Mỗi khi mùa đông đến, hay trở trời, gió luồn vào rất lạnh. Ông thường nói, thương người như thế thương thân. Với động vật cũng vậy. Có nhiều đêm, cha cứ thức dậy khoảng nửa đêm, đi xem các chuồng, xem chúng nó có bị sao không. Con người ông là vậy, bản chất hiền lành, chất phát. Thương người và luôn chịu thiệt về mình. Cũng hay sợ rằng làm đau người khác. Cho nên dân làng mới gọi cha tôi là " Ông đồ đức".

Vì ngoài những việc cần làm ra, cha còn dạy cho nhóm thiếu nhi học văn hoá. Thanh niên làng thì tập múa sạp. Hát hò đối vế nhau. Mỗi đêm trăng rằm, nam nữ tập trung đầy sân nhà tôi. Đông vui như ngày hội. Họ nói, từ ngày có cha về đây, bản sắc làng xóm khác hẳn. Thậm chí, mấy tên ăn cắp vặt, cũng kiêng nể cha tôi.

Có lần cha bắt được một đám chặt mía, bắt gà nhà tôi. Cứ tưởng với tính khí nguyên tắc của ông ấy, thì bọn kia sẽ ăn đòn đủ. Thế mà, lại ngược lại. Ông tập trung cả hội đến nhà, pha trà mời uống. Xong làm gà thịt cho ăn. Lúc về còn tặng mỗi bố tướng một bó mía nặng trịch. Bọn trai làng ngơ ngác, tròn xoe mắt. Ông ôn tồn nói, các cháu còn trẻ, nên làm nhiều điều hữu ích hơn. Bác không tiếc vườn mía, con gà. Nhưng chắc chắn tiếc tương lai của các cháu. Các chàng trai nhìn nhau tự hổ thẹn. Từ đó trở đi, chúng chẳng bao giờ bén mảng đến lấy nữa. Thậm chí, trai làng bên bơi qua sông chặt chuối của cha. Mấy cậu ấy còn bảo vệ giùm.

Sau đợt đấy, họ trở nên thân thiện gần gũi nhau. Tình cảm nảy nở sâu sắc hơn. Đi đâu về có gì hay hay đều kể và khoe cùng ông ấy. Đi đánh rậm về, có con cá nào ngon, đều để dành biếu : "Ông cụ Đồ Đức".

Kể ra cũng vui, nếu không ông cứ lầm lũi một mình ở nhà cũng chán.

Trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm như thế. Tôi mới vỡ lẽ ra rằng, vì sao cha mẹ tôi, họ lại chịu đựng tốt đến vậy. Không kêu ca, chẳng phàn nàn, nỏ oán trách số phận. Cũng không cảm thấy mình thiệt thòi hơn người khác. Sống và làm việc bình lặng theo thời gian. Dù ở hai đầu chiến tuyến xa xôi, họ vẫn hướng về nhau. Không sứt mẻ, tuyệt đối vững vàng. Họ gửi gắm và đặt niềm tin vào nhau son sắt. Lập trường kiên định, không lung lay trước một khó khăn nào.

Họ thần giao cách cảm chỉ chung một ca khúc không trọn vẹn. Tuy ngắn ngủi, nhưng ca khúc như một định mệnh trời cho, để họ vẫn kề vai tác chiến bên nhau. Dù hai miền chia cắt.

Bởi họ biết, ngoài kia cũng có biết bao nhiêu người như họ. Cũng hy sinh, cũng chịu đựng, cùng một mơ ước có một gia đình bé nhỏ của riêng mình được êm ấm.

Cuộc sống không là của riêng ai. Ai cũng có ước mơ và ai cũng nên có trách nhiệm với một gia đình chung của hàng triệu người. Mà họ đang ở rải rác khắp nơi, trên mọi miền Đất Nước. Không phân biệt giàu sang, hay nghèo hèn. Người kinh, hay dân tộc. Bởi đó là tiếng nói của một Quốc gia mà họ không thể thiếu được. Đó chính là lý do vì sao mà họ chịu đựng được. Mà không hề than thở.

Chiều nay, khí lạnh tràn về, cơn gió mùa Đông Bắc đến rùng mình. Đập vào mái tôn xộc xệch. Trong căn nhà bên dòng sông như ý ấy. Có tiếng ho khù khụ của một vị lão thành cách mạng, giọng ông nói thều thào yếu ớt. Chân tay chậm chạp, mềm nhũn ... Môi nở nụ cười mãn nguyện với cuộc đời. Miệng vẫn mấp máy hát:

"Con cò bay lả, bay la..." trong cuống họng xều xào. Tôi chợt hiểu, chiếc lá vàng úa, đã oằn mình trong bão táp, mưa sa. Đã đến ngày rụng về cội. Về với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Như cha tôi cũng đến lúc về với tổ tiên. Dòng lệ lăn dài trên má tôi, xuyên qua lòng bàn tay, run run, ướt sũng, rơi xuống mặt đất. Con không giữ lại được rồi,

...Cha ơi. Vĩnh biệt người. Một tâm hồn cao cả, mà con trân trọng kính yêu nhất. Chiều hoàng hôn cũng tắt nắng dần.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

ĐẶNG NGUYỄN HOÀNG GIANG

Địa chỉ: Nhà số 2, tổ 9, ngõ 7, phường Trưng Vương,

thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Điện thoại: 091.293.66.78

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 11.03.2023.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: