DÌ TƯỢNG - Truyện ngắn Trần Hiền (Quảng Trị)

1 comment

 


DÌ TƯỢNG

*

(Tác giả Trần Hiền)

Dì Tượng lẫn vào đêm, bóng dì nhòa cùng vạn vật trong bóng đêm thâu, những đường nét hình hài cũng hư hao bất động. Dì ngồi ngay giữa cổng nhà, sát mép đường, phía trước mắt dì là bầu trời đen thẳm chi chít muôn vạn ánh sao. Cánh đồng lúa thổi lên từng đợt gió mát lành, tiếng nước trổ từ thửa ruộng bên cạnh chảy réo rắt, tiếng ếch nhái và tiếng những con vật nhỏ bé đi đêm cứ ran lên ra rả như một bản đồng khúc. Đã bao đêm, bao đêm, dì vẫn ngồi như vậy, dì không ngủ được. Dì thức cả ngày lẫn đêm, dì bị chứng mất ngủ, đến nỗi thần kinh cứ căng lên như dây đàn, tưởng như chỉ một chút kích động cũng dễ dàng vỡ tung. Dì ngồi yên như tượng, nhưng đầu óc dì không chịu im vắng, nó cứ xồn xồn hết cả lên. Lẽ thường như thế, khi đầu óc người ta càng tỉnh táo, trí nhớ người ta lại càng đi hoang thật xa. Những mảnh nhớ cứ chạy qua chạy lại, như trêu ngươi, như thức dậy một điều gì đó rất xa thẳm, rồi để đó, để dì đau đáu, để dì xa xót, để dì mất ngủ mà trơ ra với đêm đen.

Dì tên Tượng, không biết vì sao mẹ cha lại đặt cho dì cái tên đó. Cho nên dì lớn lên xinh xắn, dễ thương nhưng thanh quản của dì lại không mềm mại như người ta. Chiếc lưỡi của dì cứ rút hoài ngắn lại, cổ họng dì cứng nên tiếng nói không tròn vành, dì nói ngọng. Dì không lấy chồng mà mở một quán nhỏ sát đường bán tạp hóa. Ngày ngày tháng tháng cứ trôi, dì như một bông hoa đẹp nhưng không thể tỏa hương mặn mà. Dì cứ quanh quẩn bên chiếc quán phía dưới gốc cây xà cừ đại thụ, bày bán đủ thức các loại kẹo xanh xanh đỏ đỏ, kẹo chanh, kẹo dừa và vài thức uống bình dân. Chiều chiều lại có một vài cụ đi làm đồng ghé qua uống li trà xanh, có cụ uống li rượu gạo và nhâm nhi chút mồi lạc rang. Cứ thế quán nhỏ của dì tấp nập người lui tới, người ta mua chút hàng và bán lại cho dì bao chuyện kể dưới mỗi mái nhà tranh. Lòng dì rộng, dì ôm hết vui buồn thế gian, để thời gian cứ trĩu trên vai và cái bóng của dì cứ cô đơn hơn mỗi lúc đêm về. Sáng ra dì lại cười nên người ta đã không biết dì phải chịu đựng bao lâu, chịu đựng những gì. Mãi cho đến khi dì không ngủ, đêm đêm dì không ngủ, dì lại ra chiếc cổng, ngồi sững ven vệ đường.

Tin đồn bắt đầu lan ra khi có anh say rượu quá ngọ mới khật khưỡng về nhà trên con đường làng dài ngoằng và heo hút. Ở thôn quê cây cối ban ngày mát mẻ và thanh thuần bao nhiêu thì ban đêm nó rợn ngợp thâm u bấy nhiêu, nhiều khi bước trong đó chỉ một tiếng ếch kêu hay một nhành khô gãy cũng khiến ai đó phải giật mình. Huống hồ là dì ngồi như tượng ngay cổng quán, sát lề đường dưới gốc cây đại thụ có tuổi đời gần trăm niên tuổi. Thần hồn nát thần tính thế nào khiến anh chàng say rượu giật mình ngã lăn ra rồi quỳ gối vái lấy vái để, xin thần đất thần làng, cô hồn bốn phương tám hướng xin tha mạng. Gã gào khóc làm mấy con chó sủa inh lên, mãi cho đến khi dì lên tiếng hắn mới hoàn hồn thì tiếng chó đã lan ra khắp các ngõ nhà tạo nên một cơ sự rối rắm lạ. Những ngọn điện bắt đầu lẻ tẻ thắp sáng ở vài căn nhà gần đó rồi tắt phụt, hắn cũng tỉnh hẳn cả rượu, trước khi về nhà còn không quên chửi đổng: “Đồ đàn bà đêm hôm xả tóc mặc bộ đồ trắng ngồi ngay giữa đường, có bị điên tàng gì không?”. Hắn chửi vọng vào đêm, cùng với tiếng chó sủa, rồi lại thưa thớt dần, màn đêm lại nuốt chửng tất thảy. Dì vẫn ngồi như tượng, vì dì không ngủ được. Phòng ngủ chật chội quá không làm mềm được thần kinh của dì. Ban đầu dì ra cửa buồng ngồi, rồi ra quán, ra sân và sau cùng là ra tận ngoài đường. Dì mở toang hết tất cả cánh cửa, dì cố xoa mềm cái chật chội trong đầu óc mình, nhưng vẫn nóng nảy, vẫn bức bối đến khó chịu. Nghe gã chửi đổng ấy mà dì lại cười, ừ thế có khi lại hay, bữa nay chắc bớt say rượu đi đêm về hôm nhỉ.

Cái tin gã trai say rượu mười tám tuổi cưỡng hiếp cụ già tám mươi tuổi trên mạng mới tung ra làm người ta bàn tán sôi nổi. Cụ già tám mươi ruổi rồi, xác thân khô như que củi còn gì đâu mà thằng thanh niên ấy lại cầm thú thế. Cái tin ấy trở thành đầu câu chuyện cho vài chị nhổ rau sau vườn, nó là đề tài cho vài cụ uống rượu nơi quán, nó về trong căn bếp mỗi nhà cuối xóm. Những đứa con làm ăn ở xa gọi điện thoại về dặn cha mạ phải cẩn thận đêm hôm, những cụ bà cũng cảm thấy hơi chùn chân khi muốn đi chơi đâu đó quanh quẩn bờ đê lối xóm. Người ta bắt đầu e dè cho dì Tượng, dì sống một mình, quán nhỏ ven vệ đường, hơn nữa dì lại đẹp. Dì tuy đã ngoài sáu mươi rồi nhưng dì đẹp, mắt dì biết nói, khuôn miệng hình trái tim khi nhai trầu lại càng hồng tươi. Da dì trắng, không phải trắng sữa như con gái thanh tân mà trắng mềm đẹp đẽ. Dì lại sạch sẽ, từ chân đến đầu đều gọn gàng, tinh tươm. Lại có tin đêm hôm dì ngồi ngoài đường, hôm trước lại gặp thằng say rượu cuối xóm. Nhưng cái thằng đó may mà nó đàng hoàng, nếu mà gặp cái thằng trên mạng chắc là dì cũng tan nát hết cả, đấy là vợ hắn thêm thắt vào thế, để bảo vệ cho cái say mềm bê tha của gã chồng, và để dập bớt đi bao nhiêu phiên bản đang dan dan díu díu mập mờ người ta đồn chín đồn mười ngoài kia.

Cái xứ quê nó thế, nhà ai toang toác cãi chồng, nhà ai sai quấy ăn cắp ăn trộm, nhà ai đi chơi về đêm, nhà ai liếc mắt liếc mày, nhà ai trai trên gái dưới, ấy là cả làng biết tuốt. Cái đêm say rượu ấy mà đến tai chị vợ lại ngỡ như chuyện của ai. Chuyện là nghe nói có thằng say rượu về quán dì Tượng chọc ghẹo dì, lôi dì ra tận ngoài đường, rồi không biết có làm gì dì không mà dì la hét lên rồi chó sủa ầm làng, đến khi người ta chạy ra đến nơi thì thấy tóc tai dì bị xõa hết cả ra, trông sợ lắm. Chị vợ thắc mắc: Ô thế hắn đã làm gì dì ấy chưa nhỉ? Chị kia cười hố hố, đêm hôm tắt điện nhà ngói cũng như nhà tranh, mà dì ấy còn đẹp thế, chắc cũng có gì đó rồi nhỉ. Mà sao lại vậy nhỉ, rồi có người nói vào, chắc cũng có hẹn hò gì nhau rồi chứ làm sao mà đêm hôm lại vào nhà nhau được, người ta khóa cổng then cài, dễ gì say rượu mà cạy cửa được chứ. Ô thế chắc dì ấy không lấy chồng, đến cái tuổi hồi xuân nên không cần giữ nết nhỉ. Vậy thì phải về quản ba lão chồng cho nó kỹ, cấm có đến đó uống rượu nữa nghe chưa.

Xã hội nó điên đảo thế chứ, cứ thế nào mà phẩm giá một cụ bà sáu mươi lăm tuổi, đáng tuổi bà nội của con cái mấy chị ở nhà, mà mấy chị lấy cái đàn bà đàng điếm của mình ra phỉnh nịnh so sánh thế. Anh trai dì Tượng cứ thế thở dài sườn sượt, chị dâu dì Tượng cũng chán chường chẳng muốn ra đường đi chơi. Lúc bấy giờ chưa ai biết dì bị bệnh mất ngủ, vì dì còn tỉnh táo nên dì giấu, dì sợ phiền anh chị dâu, phiền mẹ dì đã già lắm đang nằm liệt trên giường để chị dâu chăm. Mẹ dì cái gì cũng không làm được, vệ sinh cũng một tay chị dâu dọn vén, chỉ mỗi cái trí còn sáng, còn sáng nên còn đau, còn buồn hoài. Cụ thương dì Tượng, không ăn nói được bình thường như người ta, không lấy chồng được, nên cất cho dì cái quán nhỏ đầu đường để dì làm ăn buôn bán. Cả đất đai nhà cửa dì đều để dành cho anh chị dâu cả, chỉ xin có miếng đất nhỏ nơi quán, vừa ở vừa bán. Đợt vừa rồi chị dâu đi xe đạp bị ngã gãy xương đùi, còn chăm sóc mẹ già yếu nên dì không dám kể dì bị mất ngủ. Dì cô quạnh không có con cháu, rồi cái tự ái nó không cho dì yếu ớt cậy nhờ. Nên là dì im lặng, với lại cái thần trí dì còn tỉnh táo lắm. Tiền thối, tiền thừa dì tính không sai một hào một cắc. Thế nên là đêm về, dì cứ bần thần ngồi như tượng, thức cùng với đêm.

Và cứ hòa cùng đêm, dì lại sống lại sôi nổi cả cái cuộc đời dì đã qua từ lâu lắm. Dì nhớ thời nhà tranh, tấm phên nứa được làm bằng phân bò trộn với rạ khô quét phên nhà, ban đêm làng quê tù mù những ngọn đèn dầu mà ánh sáng chỉ lọt ra vài chấm sáng bên hè nhà. Dì và lũ bạn chạy nhảy khắp các gốc ổi, gốc xoài, bụi cỏ cao gần đầu người để chơi trốn tìm. Ban đêm khí trời thanh mát đến dễ chịu, ánh đèn dầu cũng mát mẻ gấp ngàn lần cái ánh sáng chát chao của bóng điện bây giờ. Dưới ánh đèn dầu mờ mờ tỏa rạng, những gương mặt người hiện lên đẹp đẽ và phúc hậu quá chừng. Cả một miền cây trái làng quê mênh mang giữa gió quê bảng lảng, mát rượi. Thế rồi những đêm dì mười sáu, mười bảy tuổi, các bạn dì không trốn tìm hò hét nữa, cứ tối tối, chúng nó lại tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc đứa nào cũng thơm tho mùi bồ kết, chúng nó tụ tập lại dưới gốc cây cổ thụ này để ngồi chơi chuyện trò. Nhất là những đêm trăng sáng, ánh trăng xuyên qua kẽ lá họa hình, tiếng ếch nhái kêu ran và nước chảy róc rách nghe thật vui tai. Rồi khi nghe tin dì mở quán ở gốc cây này, bọn thanh niên làng mỗi đứa mỗi tay tới cất quán giúp dì. Bữa lỡ được dọn ra có khi là nồi chè đậu đỏ ngọt tê lưỡi và rổ khoai luộc thơm giòn. Chao ôi cái mùi khói luộc khoai nó như đang sống dậy, phảng phất qua mắt mũi dì. Làng quê của mấy chục năm cũ sao nó đẹp thanh mát đến vậy. Dì như nghiêng đi theo cái mùi hương trong tưởng tượng ấy. Dì nhớ lại những lần trong làng có đám cưới, vài đứa con gái có cái quần luynh hay quần ống loe với chiếc áo sơ mi trắng đã là đẹp lắm. Dì thường buông dài mái tóc ngang vai và thắp vào trên đó một chiếc nơ xinh xinh nhỏ. Dì có chiếc nón lá, quai nón làm từ dải lụa tím mềm rất đẹp. Dải lụa ấy là của một người bạn trai cho.

Dì nhớ đến những đám cưới mà dì được tới dự. Ban đầu là đám cưới những chị gái lớp trên, mẹ dì chải tóc cho dì thật mượt ra sau rồi nói dì còn nhỏ, sau này mới đến lượt dì làm cô dâu, nhất định sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất. Rồi sau đó là những đám cưới bạn bè, đám cưới em út, rồi những đứa gái quê mười bảy mười tám tuổi còn nhỏ hơn dì cũng xúng xính bỏ cuộc chơi đi lấy chồng. Chỉ mình dì ở lại, ban đầu dì còn ngơ ngẩn, còn buồn, còn khóc. Sau rồi dì bất cần, dì chao chát, dì xa rời những lời ong tiếng ve. Và rồi dì ở mãi lại ở bến sông này, bến sông của người con gái mãi không qua đò. Điều kỳ lạ là cùng trang lứa với dì có đến mấy người bạn cũng y như dì, có người làm vợ lẽ sinh con cho người ta rồi bị nhà chồng đuổi về. Có người có thai với người ta rồi mà không được cưới chồng, rồi ôm con vò võ một mình. Có người đến ba bốn người con rồi vẫn bị trả về nhà ngoại. Dâu về đây lấy chồng thì chồng mất sớm. Con gái nơi này đi lấy chồng thì đứt duyên cụt đọt. Nên có đến dăm bảy người là thân đơn chiếc côi, nó làm dì bớt tủi phận. Người ta đồn nhau rằng làng này năm xưa có tội nên bị thần linh phạt vạ, dì đẹp nên dì phải nói không rõ để không lấy được chồng. Dì nghe thế, biết thế, rồi thôi không trông đợi. Và dì còn hơn cơ số chị em khác, dì có tiền, có quán, còn những người phụ nữ cụt đọt ở làng này, họ nghèo. Mãi cho đến năm hơn sáu mươi tuổi, khi vài cơn giá buốt nó nhói trong xương cốt, vài trận ốm đau, vài lần cô quẽ tự mua cháo ở bệnh viện. Dì mới buồn, dì thua họ. Họ nghèo nhưng họ còn có con, còn dì, dì không có lấy một mụn con cho vui cửa vui nhà.

Ấy mà lẽ đời nó còn chao chát, những người đàn bà khốn khổ với nhau lại còn giằng dai thị phi nhau cái chuyện tiết hạnh. Cứ thấy vị khách nào có xe máy, ăn mặc phong độ ghé quán dì chơi vài bữa là người ta xàm xí, người ta nói vào nói ra. Nói cho đến khi anh trai dì phải nhỏ nhẹ với em, thôi đã quá đò rồi thì giữ lấy cái nết già em ạ. Dì phân bua người ta chỉ là khách ghé quán, người ta nói chuyện văn chương thôi. Rồi ông anh xua tay lia lịa, ấy ấy, cái dân văn chương là tuyệt đối không được xía vào, họ yêu bóng mây ấy thôi, họ lãng mạn một chút rồi thôi ấy, đừng dây vào mà lại ôm nỗi buồn mãi đấy nhé em. Bằng cái tình thương thay cha mẹ, anh trai chị dâu lại hết lời khuyên lơn cái chuyện nó chưa ra hình khối, nhác thấy ánh nhìn không thiện cảm, rồi những vị khách cũng lần lần loãng ra. Các bà hàng xóm bên hàng rào lại khẳng định: “Đấy tôi nói đúng chưa, người ta thấy dì đẹp nên ong bướm qua đường thôi, nào ai có sâu sắc thiệt thà gì. May mà có tôi chứ nếu không là dì ấy bị lừa rồi, lại đánh mất cái nết già đi, con cháu nó lại cười cho, già rồi mà không nên nết”.

Cái chuyện bông hoa cứ nở mà không tàn thì có quá nhiều chuyện để nói, người đời không hái thì kêu sao không bị hái nhỉ, có phải vì nhìn ngoài thì đẹp nhưng bên trong nó mục thối không, hay là kiêu sa quá không chịu cho người ta hái rồi bỏ lỡ cả cái thời tuổi trẻ đi. Chứ nhà bà kia đui què mẻ sứt mà lấy được chồng ngon lành lại còn có cả đàn con. Người có phúc đức, thậm chí là cha mẹ phúc đức nó thế bà ạ. Ừ, mà ở giá thì ở giá luôn đi, còn vò vẽ ông này ông kia, khéo toàn là chồng người ta cả đấy. Mà nghe nói đêm hôm còn xõa tóc ngồi giữa đường nữa đấy, thằng con tôi từ dạo ấy không bao giờ đi chơi đêm nữa, cứ tưởng là ma bóng cây. Chắc hồi xuân rồi lại thèm. Hèn gì tôi đến nợ chai xì dầu cũng không cho nợ, mà chồng tôi nợ cả lít rượu thì lại cho đấy. Ơ kìa bà này lạ, năm ngoái bà nợ người ta gần triệu bạc không trả thì người ta không cho nợ chứ. Còn chồng bà mua rượu cho hợp tác xã nợ thì hợp tác xã trả chứ ai lại đi đòi chồng bà. Cái bà này đừng có điêu, tôi là tôi chưa trả chứ có phải không trả đâu, cứ đòi nợ cho lắm tôi ghét tôi lẫn lữa không trả đấy, làm gì nhau. Thôi không nói với bà, chỉ được cái điêu. Người ta xầm xì to bé thế, nhưng là sau lưng thôi, dọc đường mương khi cầm chiếc nón lá ve vẩy quạt. Còn trước mặt dì thì mọi sự vẫn bình thường. Hay ít ra, người ta vẫn nhẹ nhàng âu yếm cái tình làng nghĩa xóm với dì.

Rồi ngày nọ, giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng ầm ì chuyện trò cứ nhẹ nhàng như gió bay vào từng nếp nhà, từng cửa sổ của những căn nhà lấp xấp sau vườn ổi. Tiếng nói, tiếng cười khi khoan, khi nhặt, khi nghe như tiếng tụi trẻ chơi trốn tìm, khi lại nghe như những câu hò giao duyên, hò đối đáp, như cái khung cảnh của những năm xưa cũ: “ Hò ơi, chuối không đi tây răng gọi là chuối sứ, trai mà đối đặng xin làm chồng nữa nhi”. Rồi có khi là khúc hát ru mơn man như tiếng mẹ sau liếp nhà tranh năm nào : “Chí làm trai.. say mê mà giữ nước.. Em nỡ dạ nào.. em nỡ dạ nào.. trách mối tình ai.. Hỡi chàng chàng ơi.. hỡi người người ơi.. Em nhớ tới chàng..em nhớ tới chàng.. Hãy nín nín đi con. Hãy ngủ ngủ đi con Con hời mà con hỡi.. con hỡi con hời.. Con hỡi con hời.. con hỡi con..”. Tiếng nói cứ vẩn vơ theo đêm, đêm khuya lắm, vang vào tận từng căn nhà nhỏ. Người ta dần dần bị những âm thanh khi réo rắt khi u hoài làm cho choàng tỉnh, ban đầu người ta sợ, rồi người ta tò mò. Những người đàn ông bắt đầu lần dò đi bật điện, mười hai giờ đêm, những người phụ nữ cũng len lén theo sau, nửa sợ hãi, nữa hóng hớt. Người ta nghe ra hướng âm thanh, đầu quán dì Tượng. Rồi người ta gọi điện thoại cho anh chị dì Tượng, người ta cũng lần dò đi ra chỗ quán. Có người thấp thỏm đứng xa, chó lại sửa inh cả làng, đêm hôm, đèn điện sáng trưng, đèn pin sáng trưng. Người ta thấy dì ngồi ôm búp bê hát dưới gốc cây, người ta khẽ khàng. Người ta nghe điện thoại của nhau, rồi vài người đàn ông ôm dì lại, đưa dì vào nhà, khóa cửa lại. Dì quờ quạng, dì la hét, dì đập cửa ầm ầm. Một đêm khó nhọc, một đêm nhiều sự trăn trở, nhiều tiếng thở dài. Sáng hôm sau, xe cấp cứu về làng, người ta trói và ôm dì lên xe. Dì đã phát điên, lời một cụ ông rất già kể lại thế.

Ừ thì là thế, người ta thương dì nhưng thương không đúng cách, hoặc người ta thương nhưng cái thương nó nông cạn lắm, thương cho thỏa cái tử tế của mặt người mà thôi. Chứ người ta đâu có thấm, vì người ta đâu có phải là dì. Thấy dì đẹp xinh, sạch sẽ, mở quán tạp hóa, sống ung dung nhàn nhã, không heo ca gà vịt, không con khóc chồng đòi. Dì không phải tóc tai lòa xòa khi con sốt, áo quần luộm thuộm chăm gà chăm heo, chân tay không nứt nẻ nhổ cỏ ruộng đồng. Ấy là người ta thầm lườm nguýt. Người ta mệt vì chồng hành sau những vách thưa nhà ba gian lồ lộ, mà cứ nơm nớp lo mẹ già buồng bên trăn trở, lo con cái đến tuổi nữa đêm vùng dậy chợt nhìn, người ta cho rằng phải chiều chồng trong chuyện ấy mới là thanh cao, là mệt mỏi chứ có sung sướng gì, người ta phủi đi những khao khát rất đàn bà của người phụ nữ phòng không chiếc bóng. Nói ra thì người ta phỉ, người ta nguýt lườm. Không nói ra thì người ta kêu là khôn ngoan, là giả vờ thanh cao, nên người ta quên mất, người ta tự quên chính mình cũng là đàn bà, cũng có những đêm tê người đi vì sung sướng. Nhưng dì Tượng điên không phải vì thế, không phải vì cái "i tờ rít" như người ta đồn đoán. Dì Tượng không bị điên, dì mất ngủ nên dẫn đến trầm cảm. Bác sỹ nói dì mất ngủ đến đau đầu và hoang tưởng giai đoạn nhẹ. May mà phát hiện kịp thời. Dì điều trị ba tháng, anh trai và chị dâu dì tận tình trò chuyện và chăm sóc. Dì ôm lấy chị dâu dì, dì xin lỗi vì dì không tâm sự nhiều với chị. Chị dâu cũng ôm lấy dì, chị thương em nhiều mà, mình già rồi, có phải nông nổi như bọn trẻ bây giờ mà cứ choang choác ra là chị dâu em chồng đâu. Mình già rồi, mình thương nhau còn không hết, thế rồi con gái của chị dâu dì, kêu dì bằng cô ruột, nói là từ nay con làm con ruột cô. Vậy cho nó đông đúc nhà cửa nghe cô. Ừ thì thế, dì ngủ ngon được rồi. Cứ có tình yêu thương thật nhiều vào thì cuộc sống nó bớt cái góc cạnh đi, bới cái chao chát đi. Cho nên là dì không ghét bóng điện nữa, dì nói bóng điện thay đèn dầu là phải rồi đó, đèn dầu mát nhưng mà tù mù quá, dì nhìn không rõ đường. Có cái bóng điện này dì thối tiền khỏe hơn, khỏi nhầm lẫn tờ hai chục ngàn poolime với tờ năm trăm ngàn nữa.

Thế rồi khắp chòm xóm người ta lại kể với nhau cái đêm hôm dì đau đó ai là người nghe đầu tiên, ai gọi điện thoại báo cho anh trai dì, ai tới ôm dì, rằng dì lúc đó cũng quậy ghê lắm, cào xước cả tay nhé. Rồi người ta vui, tự hào vì đã đến cứu dì lúc đó, người ta tự hào vì làm được một việc thật tốt. Người ta dặn nhau bớt bớt cái miệng suy diễn lại, phải biết thương dì, thương những người cô đơn quạnh quẽ. Mấy ông chồng lại dặn mấy chị vợ đừng có mà mồm miệng linh tinh, làm hỏng cái suy nghĩ của bọn trẻ sau này đi. Mấy chị cũng bẽn lẽn cười bảo bói cho vui thế thôi, lời nói gió bay rồi, chứ có ai đơm đặt gì trước mặt dì đâu. Niềm vui chan hòa khắp nơi, vui vì dì khỏe lại, người người lại đường sữa tới thăm dì, người ta kể, người ta nói, thôi dì đừng nghĩ ngợi gì cả, người ta nói vậy chứ không có ý gì đâu. Mà “người ta” là ai, à thì là ai cũng không biết nữa. Dì cũng cười, dì bảo dì chẳng nghe ai nói dì cả. Dì mệt vì mất ngủ quá thôi. Cụ già uống nước chè xanh nơi quán dì, lại chống gậy ra quán, cụ ngồi phía dưới gốc cây, nhấp môi một ngụm nước, cụ lại nói một câu cụ tâm đắc : “Cái làng quê này là thế, nó có hiện đại bao nhiêu năm nữa thì mấy chị cào cào vẫn đỏm dáng dọc bờ ao, mấy cô phụ nữ vẫn nhiều chuyện sau bờ rào, nhưng mà cái tình làng nghĩa xóm thì nó mãi sắt son đến vậy. Cứ nghe bếp nhà ai có khói là sẽ lại tập trung đến vui vầy mà thôi. Đêm hôm tối lửa tắt đèn, cứ nghe tiếng là sẽ lại chạy đến cùng nhau. Sẽ không có ai cô đơn đâu dì Tượng nhé. Dì Tượng nghe. Không ai thương mình bằng mình thương mình, bằng bà con mình thương mình hết, dì Tượng nhé, dì Tượng nge, nghe chưa dì”. Rồi cụ chỉ vào mấy cô con gái đang đi ngang đi ngả, mà các cô bớt bớt cái suy diễn lại nghe, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, rảnh thì đi hái hạt sen về bán cho dì Tượng ít cân tim sen dì ấy uống để bồi bổ giấc ngủ ấy.

Mấy chị cào cào nơi mép cỏ giương đôi mắt tròn xoe sau đọt cỏ xanh, ngó loài người sao cao lớn và kỳ lạ thế. Sao lại còn gọi tên cào cào châu chấu chứ. Mấy chị chỉ nhảy nhót dọc cây cỏ chứ có phá gì lúa má của con người đâu. Rồi chị cào cào xanh nhỏ ấy lại nhìn thấy hình bóng thân quen bao ngày của bà chủ quán, bà chủ ấy lại mỉm cười thật hiền, bán cho tụi con nít những thanh kẹo trắng vàng, đong lít rượu gạo cho cụ già bên xóm, rót cốc trà xanh ra gốc cây mát mẻ cho vị khách đang hát hò vè. Bà chủ quán tên Tượng, bà vẫn phúc hậu và xinh đẹp như mọi ngày. Và đêm đến, cánh cửa quán của dì Tượng đã không còn mở toang toác và le lói ánh đèn dầu. Cánh cửa im ỉm khóa, và giấc ngủ bồng bềnh trôi cùng đêm thâu muôn vạn ánh sao hiền. Dì Tượng ngủ cùng đêm, say sưa, êm đềm, cũng êm đềm như làng quê của dì. Làng quê của những mái nhà thưa thớt nhau nhưng bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng chạy đến bên nhau. Tình làng nghĩa xóm không vì vài lời buông lơi dọc vỉa hè mà dễ dàng đứt đoạn. Thế mới biết, người có thể tỉ mẩn chao chát như thế, nhưng lòng thì vẫn bền bỉ gắn bó dẫu giằng dai muôn nẻo thị phi nơi cửa miệng ngày thường.

Và cứ êm đềm như thế, ban đêm vẫn là lúc dành cho những giấc ngủ êm ái không mộng mị, dì Tượng nhé. Và làng quê mình nữa, ban đêm cứ ngủ cho ngon chứ thức làm cái gì cho nhiều chuyện ra, bà con nhỉ?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN HIỀN (Trần Thị Hiền)

Địa chỉ: Thôn Đùng Hói Bàu, xã Triệu Long,

huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Điện thoại: 091.833.73.69

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 21.02.2023.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: