SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH LÀM GIÀU - Tác giả: Mai Trà ; Đinh Như Quang giới thiệu

Leave a Comment

 


SỰ KHÁC BIỆT

TRONG CÁCH LÀM GIÀU 

 

Có một người nghèo bởi vì ăn không được no, mặc không được ấm nên thường hay kể khổ và than thân trách phận. Mặc dù, hàng ngày anh ta đều phải làm việc vất vả nhưng số tiền kiếm được lại chẳng đáng là bao.

Sau những tháng ngày sống trong khổ sở như vậy, một hôm anh ta thỉnh cầu vị Phật tới để giải đáp cho những nỗi oan khuất trong lòng mình. Trước mặt vị Phật, anh ta vừa khóc vừa kể lể về những nỗi vất vả mà mình phải chịu đựng trong cuộc sống. Cuối cùng, anh ta oán giận và nói: “Con thấy cuộc đời này thật quá bất công! Tại sao những người giàu có đều nhàn nhã tự tại, còn người nghèo như con thì suốt ngày phải làm việc vất vả mà vẫn không đủ ăn?”

Vị Phật mỉm cười và hỏi lại anh ta: “Vậy phải như thế nào thì con mới cảm thấy công bằng?

Anh người nghèo nhanh nhảu nói: “Dạ! Con xin Ngài hãy để cho một người giàu có cũng nghèo như con. Nếu như sau một thời gian mà người giàu đó vẫn giàu có thì con sẽ không còn oán trách gì nữa ạ!

Vị Phật gật đầu nói: “Được!

Nói xong, Vị Phật biến một người giàu có thành một người nghèo giống như anh ta. Đồng thời, vị Phật cũng biến ra hai ngọn núi có nhiều than đá để cho hai người họ cùng tới đó đào than, bán đi mua thức ăn kiếm sống. Thời gian quy định cho việc này là một tháng.

Thế là, người nghèo và người giàu cùng bắt đầu tới ngọn núi để khai thác than đá. Người nghèo hàng ngày làm việc nặng đã quen nên chẳng mấy chốc, anh ta đã đào được một xe than đá và đem ra chợ bán lấy tiền. Sau khi bán được tiền, anh ta dùng hết số tiền đó mua đồ ăn ngon và mang về nhà cho vợ con cùng ăn.

Còn anh nhà giàu, hàng ngày đã quen với việc không phải làm việc nặng nhọc nên cứ đào được một lúc anh ta lại nghỉ một lúc, vậy mà trên người vẫn đầy mồ hôi túa ra. Đến tận chiều muộn, anh ta mới đào được gần đầy một xe than và đem ra chợ bán lấy tiền. Nhưng mà, sau khi bán được tiền rồi anh ta chỉ mua mấy cái bánh bao mang về, số tiền còn lại anh ta cất đi để dành.

Ngày hôm sau, anh người nghèo dậy thật sớm để đi đào than với hy vọng đào được nhiều hơn hôm trước. Còn anh nhà giàu lại cầm số tiền còn lại đi dạo quanh chợ. Chỉ một lát sau, anh ta đã thuê được hai người nông dân nghèo cao lớn và khỏe mạnh.

Anh người giàu đưa hai người thợ đến núi đá để đào than, còn bản thân lại khoanh tay đứng nhìn và chỉ đạo họ làm việc. Chỉ trong buổi sáng, anh người giàu đã có hai xe than đầy. Anh ta lại đem ra chợ bán lấy tiền, số tiền thu được, anh ta lại thuê thêm mấy nhân công nữa tới đào than.

Đến hết ngày hôm đó, số tiền mà anh người giàu thu được sau khi đã trả tiền thuê nhân công vẫn còn nhiều gấp mấy lần anh người nghèo.

Một tháng trôi qua nhanh chóng, anh người nghèo vẫn chỉ đào than ở một góc của ngọn núi. Đồng thời, số tiền mà anh ta thu được mỗi ngày đều mua đồ ăn ngon nên cơ bản cũng không dành dụm được gì. Còn anh người giàu thì sớm đã trở thành một ông chủ chỉ huy số nhân công đào hết số than đá trong ngọn núi ấy và bán đi kiếm được không ít tiền. Số tiền thu được từ bán than, anh ta lại chuyển sang buôn bán bất động sản nên chẳng mấy chốc anh ta đã trở thành một người giàu có.

Anh nhà nghèo lúc này đã không còn than vãn oán trách gì nữa…

Có thể nhận thấy rằng, mấu chốt của sự thành công không phải nằm ở chỗ bạn đã tận sức làm được bao nhiêu việc, mà là ở chỗ bạn có thể mượn được bao nhiêu sức lực của người khác hay sức lực của công cụ… để làm được số việc mà mình muốn.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

"CÔ" VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Mai Trà - nguồn: trithuc

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét