CHẤU CẮN - Truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm (Canada)

1 comment

 

CHẤU CẮN

*

(Tác giả Hồ Đình Nghiêm)

Hình như Rilke, một nhà thơ người Tiệp, từng nói lời cực đoan: “Tôi van bạn chớ làm thơ, ngoại trừ trường hợp thiếu nó, bạn sẽ chết”. Cũng chính ông người “lạc hậu” kia viết ra câu: “Ở đâu có nguy hiểm, ở đó có cứu rỗi”.

Trước, tôi có làm dăm ba bài thơ. Nay, tôi bị đẩy lên sống ở vùng kinh tế mới. Tôi van bạn đừng dại lên đây, ngoại trừ ở thành phố người ta sắp giết bạn. Kinh tế mới là gì? Đó là cụm chữ tôi không tài nào hiểu được! Một sườn đồi tiếp giáp với Trường Sơn, bên dưới là bình nguyên lắm cây cỏ hoang dại mọc dài theo con suối thỉnh thoảng có bóng người Thượng chẳng biết từ đâu tới gánh
nước, gùi con sau lưng xuống tắm hoặc giặt giũ chăn màn. Với phương tiện thô sơ, hơn hai trăm mạng người sẽ “cải tạo” cái gai góc kia, biến nó thành bình địa để bắt đầu xây nhà dựng cửa khai hoang lập ấp. Tôi là một trong sĩ số hai trăm đứa cần cù lao động, đặt dấu chân người đầu tiên ở chốn đèo heo hút gió, cách thành phố cũ 40 cây số đường chim bay. Mệt chết bỏ, thở không ra hơi. Thơ thẩn cũng bỏ tôi, đi mất biệt. Thật là chim kêu vượn hú biết nhà má đâu!

Một người có kinh nghiệm đi rừng truyền đạt “lời hay lẽ phải”: Bạn bị rắn cắn nơi nào, gần nơi đó luôn có thứ lá cây để sơ cứu chận độc. Ông ta kết luận: Trời hay ở chỗ ấy! Sinh cái này phải đẻ thêm thứ kia. Tôi nhìn ông ta, lời ông nào khác gì lời “ấm ớ” của Rilke. Và một ngày, ông trời đã không có mắt, tôi sơ ý bị rắn cắn ở dưới bắp chân, cây cỏ um tùm biết tìm đâu ra thảo dược. Buộc chặt một sợi dây vào đùi, ngăn máu chảy về tim, mặt xanh lè được hai người tốt bụng khiêng ra khỏi hiện trường, báo cáo mấy vị có thẩm quyền xin được chở xuống trạm xá nằm ngoài quốc lộ. Ở đó có hai người y tá, một bác sĩ chuyên chữa những bệnh kiết lỵ sốt rét hoặc gãy tay cụt giò. Tôi được một cô gái đích thân nặn máu độc ra, bôi thuốc khử trùng và cho uống hai viên thuốc, hy vọng không phải là Xuyên Tâm Liên. Cô dìu tôi nằm xuống cái giường tre ọp ẹp: Chừng nào thấy chóng mặt, hoa mắt hoặc nghe tim đau thì nhớ gọi tôi. Cô đắp cho trán tôi một vuông vải ướt, mát; rồi quay lưng đi mài một con dao nhỏ, xoèn xoẹt chẳng biết để làm gì. Tôi van cô chớ giải phẫu chân tôi, ngoại trừ thiếu vết dao cắt, tôi sẽ chết vì rắn.

Tôi không đau tim, may phước chẳng ấm đầu chóng mặt nhưng “bồi dưỡng” thức gì vào cũng nhợn nôn. Nhác ăn nhác chơi. Chỗ rắn cắn tím bầm, sưng tấy. Cô y tá nhìn, xem chừng muốn buồn tay động dao động kéo. Ngày mai mới có bác sĩ chuyên khoa từ bệnh viện đến thăm, không ấy tôi cho anh thử dùng phương thuốc Nam. Lần này thay vì mài dao cô ra sau nhà chổng mông ngồi thổi lửa. Một cái nồi đất bắt lên, lởm chởm những cọng lá sắc đâm tua tủa ngâm thân chờ héo úa. Hẳn là nó rất đắng, tôi đồ vậy. Thuốc đắng đả tật. Tôi thử nhẫm tính xem đã mấy hôm rồi tôi thiếu vắng cà phê. Lòng tương tư vô hạn hình ảnh cái nồi ngồi trên cái cốc. Lý lịch tôi mang thân phận tiểu tư sản, một đứa như thế vẫn thèm khát vu vơ những thứ xa rời hiện thực. Những bài thơ viết chùng vụng cũng chở đầy thứ tâm cảm được voi đòi tiên, đứng núi nầy trông núi nọ để chung cuộc là tiếng thở dài đánh sượt, dài miên man. Nếu vắng nỗi buồn, tôi van bạn chớ làm thơ!

Dẫu sao tôi nên cảm ơn con rắn vằn vện đã cho tôi “biết thế nào là lễ độ” khi vô cớ tới làm động hang ổ nó. Từ nơi hoang vu giờ đây được dưỡng thương bên quốc lộ nghe tiếng xe đò quen thuộc gầm rú lừ đừ đi ngang qua cùng khói xanh vương vấn nơi khung cửa. Nói dị đoan rằng vì tôi tuổi Tỵ nên đồng loại không nở ra tay ác độc. Tao cắn mày để cho mày có cơ hội được chây lười lao động, và nghĩ mà xem cô y tá ấy chẳng phải thuộc loại mát tay. Tha hồ cho mày câu giờ kiếm cớ gạ chuyện với cô. Bệnh nhân đa phần đều ông già bà lão, đa số đều không ngớt rên la. Tiếp xúc với họ thêm oải, đời mất vui. Mấy khi bệnh xá mới có con bệnh lạ kỳ như mày “nhập viện”. Thanh niên trai tráng đã đành, hắn còn biết pha trò nữa cơ. Có duyên tệ! Hay han hỏi, hay động viên tinh thần và thi thoảng hắn biết giả bộ nắm tay, xem chừng tình trong như đã mặt ngoài còn e. Mong bác sĩ chưa vội tới, ngày mai trời vẫn tối, chiếc giường vừa buông mùng ngăn muỗi rừng và không biết ca trực của mình có nên kéo dài vượt khỏi mức quy định. Tờ giấy hồ sơ bệnh lý của hắn ghi tên Tâm, mình cũng đã hé lộ tôi tên Đoan. Trao đổi thêm mới hay hắn từng làm thợ nề, thợ mộc, chạy xe ôm và một thứ nghề không chính đáng: Biết làm thơ. Eo ôi, giời ạ! Chảnh đến thế thì thôi! Tâm bảo: Thế nào cũng có lúc mang tặng Đoan một bài thơ, người đã ra tay tế độ vực tôi kinh qua cánh cổng của thần chết. Háo hức lắm cơ, nghe thế bảo sao không làm ngày chẳng đủ tranh thủ làm đêm. Ngẫm kỹ đi mà xem, tất cả những vần thơ đăng báo đều xưng tụng anh hùng, ca ngợi thủ trưởng, đề cao những bà mẹ liệt sĩ chớ nào có ai để tâm “phải lòng” tới hạng người y tá đâu nhỉ? Mà y tá vô danh ở chốn sơn cùng thuỷ tận!

Hạnh phúc thường mong manh. Không ai bị rắn độc cắn mà phải nằm viện ba ngày cả, ngoại trừ bị chằn ăn trăn quấn. Bác sĩ vừa lộ hình vừa tuyên bố. Ông rảy một ít bột trắng lên vết thương mưng mủ, viết một tờ giấy trao tay tôi, ký nhận rằng nạn nhân được phép nghỉ lao động nặng ít hôm, gói hai viên thuốc vào ô giấy báo vừa xé nhỏ: Chừng nào sốt hẳn uống. Ông xua tay như đuổi ruồi, yên tâm đi nhé, hồi nào có xe vào lấy củi thì quá giang họ cho đỡ nhọc thân. Đoan kiếm đâu ra một thân cây tre gầy guộc: Này, nắm lấy nó mà vượt suối băng ngàn. Tôi cầm tay Đoan: Để tôi vào lại chỗ cũ chọc cho rắn cắn và như thế đôi ta lại gặp nhau. Sưng tấy cả hai chân cũng cố lết ra đường lộ. Đoan la: Đồ quỉ nà, bộ hết cách chơi rồi sao? Giả bộ ngộ độc thực phẩm để ra xin thuốc không được sao?

Hút vừa xong điếu thuốc thì xe củi trờ tới. Đoan không mặn mà săn chắc như kiểu sơn nữ, hơi thô thiển hơi quê mùa nhưng trong tôi thấp thoáng ló ra một đôi câu thơ. Kinh tế mới và lung lay thứ tình cảm đầy gió chướng giữa đồng không mông quạnh. Đời này vốn thiếu hụt lắm thứ, hãy thử kiếm ra một chút vui vầy đặng kinh qua. Tôi được gã tài xế ra dấu cho lên ngồi ghế cạnh ông ta. Người ông có dáng vẻ một cây xương rồng không bao giờ được tưới nước. Gai góc, đen đúa, khô đét, nhiều góc cạnh. Trời sinh ông ra để bầu bạn với đường trường, với nắng nôi, với gió bụi, với chiếc xe mãi gầm rú ho hen. Chú em đã từng thấy qua cây quế chưa? Đi quàng xiên trong ấy thế nào cũng có khi bắt gặp trầm. Hai thứ đó chú em nhớ để dành, thu ém riêng một chỗ khuất, có bao nhiêu tôi thầu bấy nhiêu và rồi đời chú em sẽ đổi khác. Một đứa vô sản không có quyền ăn nói, nhưng khi chú em chất đầy túi…hề hề rời khỏi núi để đi mua tiên mấy hồi! Tôi thưa thật là vừa bị rắn cắn, không biết mặt ngang mặt dọc hình thù chiếc lá trị nọc rắn để đắp vào dấu răng. Một tay ngang dưới phố lên, lạc vào rừng bạt ngàn cổ thụ làm sao biết ngậm ngãi tìm trầm! Bác tài nhấn chân ga vượt qua con dốc đầy sỏi đá: Khỏi lo, tôi có sẵn cuốn bí kíp võ công đây. Ông moi túi áo ra tờ giấy gấp làm bốn có vẽ hình thù và những đặc điểm để nhận diện. Thứ bí kíp ấy như được xé rời từ một cuốn sách dạy cách tồn vong khi bạn lạc vào rừng sâu, thứ này ngon chứa nhiều chất kháng sinh, thứ kia độc ăn vào sẽ mắt trợn môi trề. Tôi đón nhận, cất trong ví đựng giấy tờ tuỳ thân và gửi tới ông nụ cười thật tươi để thế một thoả thuận ngầm. Tôi van bạn nên mạo hiểm, ngoại trừ trường hợp bạn muốn chết không chiếu bó thây.

Cạp nong hay hổ mang gì đó quả có vị tình, vết cắn thôi sưng kiểu dị hình dị tướng, da thịt chỉ còn lưu lại một khoanh màu vàng bọc lấy hai vết đỏ cầu chứng. Điều này có nghĩa là tôi chuẩn bị đeo đồ nghề đi phạt cỏ đốn cây. Chưa gì đã có bọn người lập ra đội xây dựng kiến trúc đòi vẽ hoạ đồ. Họ đào móng đóng cọc khu A khu B khu C các thứ. Khu D nằm sát bờ suối tạm thời dùng làm nhà bếp tập thể. Vì ham nghe lời xúi giục của bác tài nên tôi chăm lao động giấn liều đi xa mà quên bài giả bộ ngộ độc để chính đáng ra bệnh xá mân mê tay Đoan nói trăng nói cuội. Trăng bên bờ suối đẹp kiểu hư ảo, giá mà có Đoan đứng tắm thì tôi sẽ làm được bài thơ vẽ cảnh đào nguyên. Thiên thai có hai ông cọp ngồi nhai thịt người lai rai. Chừa lỗ tai để ngày mai khoan thai nhử con nai. Này gái chiếc này trai đơn hãy mau khai. Chớ lạc sai. Nhớ dòm chừng ông cai.

Sau hơn tháng vật lộn bắt sỏi đá phải thành cơm, khu kinh tế mới bắt đầu khởi sắc. Mái tranh vách đất, nhà gỗ nhà sàn tuỳ tiện chen vai, đồi sắn nương khoai cứ thế mà đào bới tự túc tự cường. Chỉ thị ở trên ban xuống: Bắt trời làm mưa, biểu đất làm lúa. Xin bà con hãy vô tư. Tôi van bạn đừng hiểu, ngoại trừ bạn muốn tắt thở vì sự nhạy cảm. Cứ trơ như đá và hồn nhiên như hòn cuội nằm dưới suối mặc cho nước chảy đá mòn. Những từ ngữ mà lãnh đạo thốt ra đều chung một bài bản sáo mòn, thấp kém hơn chữ dùng của thường dân và trong cuốn từ điển dồi dào mang đầy tính sáng tạo ấy tôi yêu hai chữ: Trúng mánh. Cuộc hành quân đầu tiên đã mang tới thắng lợi vẻ vang thần thánh. Tôi “giao lưu” với bác tài xế xe củi, môi hở răng lạnh và bác ấy thanh thoả hợp đồng theo phong cách đậm đà của tình đồng chí. Ở đâu có đói khát, ở đó có lòng tham. Ở đâu có rừng vàng ở đó có lâm tặc.

Không thể kiếm cớ chạy về thành phố mua tiên, tôi tìm cơ hội để đổ thân ra quốc lộ tìm gặp Đoan. Tôi trao tay món quà thủ công “tự biên tự diễn”, chiếc kẹp tóc làm bằng loại gỗ thơm, và cũng chính tay tôi đính nó vào đầu tóc chẳng mượt mà của người y tá chây lười việc điểm trang. Đoan cảm động khi nghe tôi bảo, thay vì ngồi nhớ Đoan để dệt vần điệu thơ ca tôi ra công trong tuần lễ để hoàn tất tác phẩm này. Hèn gì lâu nay ra tựa cửa chẳng trông thấy một người bị ngộ độc thực phẩm quờ quạng bước vào. Người Đoan run lên khi tôi ôm cô vào lòng, mắt Đoan nhắm lại để hé môi chờ đợi một nụ hôn. Ngộ độc thực phẩm là chuyện nhỏ, sao sánh được ngộ độc vì nhớ thương. Phía sau bệnh xá, chỗ khuất lấp có trồng hai bụi môn. Trong bệnh xá có người nằm rên vì chứng đau bao tử vì vậy y tá bỏ mặc mọi thứ, nắm tay tôi dại khờ tìm nơi vắng vẻ. Nếu Đoan là Nguyệt Nga thì tôi hơn Vân Tiên vạn lần. Cỏ ngứa, muỗi cắn hoặc ruồi bu kiến đậu, hoặc những âm mưu thâm độc khác đều không gây trở ngại cho hai kẻ đang thích chơi trò lấn đất dành dân, ưa mở rộng địa đạo hối chú du kích vào phục sẵn chờ phút khai hoả. Những nước theo xã hội chủ nghĩa thường có đông dân số, giản dị vì họ không có thứ gì để giải trí cả. Niềm vui duy nhất là nam nữ cứ bu như sam, nhưng nói cho ngay vì Đoan là y tá nên cô có sẵn cả tủ thuốc ngừa thai. Đoan không dại nằm thắp sáng cái sướng trong phút giây để rồi ngồi nguyền rủa nỗi đau theo tháng ngày. Em nói thật đấy, cơ quan mà biết được thì họ khai trừ em, họ bêu rếu em, họ bắt em làm bảng kiểm điểm, đày đoạ em, mắng nhiếc em nào là có chuyên mà không có hồng, nhân thân xấu, chẳng xứng đáng làm con người mới để thích nghi với chế độ ưu việt. Tôi nhìn giọt nước mắt ứa ra trên khuôn mặt mờ tối của Đoan. Sao Đoan khóc? Vì em đang hạnh phúc, chưa bao giờ em hưởng được thứ bồi dưỡng lạ lùng như phút giây qua. Em ghi cho anh một cái lịch nhé, những giờ giấc thuận tiện để chúng ta cùng ăn nằm bên nhau. Tâm có thương em không? Còn phải hỏi, Đoan là con rắn đáng yêu nhất mà anh gặp phải, anh tự nguyện giao mạng cho Đoan cắn, như vừa cắn vết dịu dàng. Thôi đi ông tướng, vừa làm rắn bò đi lung tung còn đổ thừa cho người ta.

Trước khi chia tay, tôi vụng trộm ngó Đoan ngồi bên lu nước múc từng gáo tự sơ cứu làm hạ nhiệt. Tôi trao cho Đoan một xấp tiền. Cái gì đây? Bồi thường thiệt hại, hồi nãy lỡ làm hỏng cái quần lót của Đoan. Có thích em làm vệ sinh cho anh không? Không, anh vào tắm suối. Đoan hôn tôi đắm đuối, hụt hơi. Và tôi chẳng ngờ được, đó là trang cuối cùng của chuyện tình vắn số của chúng tôi. Vĩnh viễn tôi không còn nhìn thấy Đoan. Cũng như chiếc xe chở củi chở gỗ về thành phố người ta đã thay ông tài xế khác.

Tôi bị bắt vì tội phá hại tài sản của nhà nước. Cán bộ đã vào lán tôi ở, moi được bọc tiền làm tang chứng vật chứng chuyện móc ngoặc với thành phần bất hảo, bán và tiêu thụ trầm, quế. Họ cũng tìm đọc những bài thơ tôi giấu dưới chiếu, quy chụp rằng lời lẽ quá sức phản động, dựng chuyện lầm than đói khổ để nói xấu chế độ. “Đau khổ chi bằng mất tự do, đến buồn đi ỉa cũng không cho”. Đấy, mày nàm thơ kiểu đấy thì phải chóng nhập kho thôi con ạ! Thưa các cán bộ, tài sức tôi đâu đủ để viết được lời bi thảm đó. Thơ ấy là của Hồ chủ tịch đấy ạ! Một đứa hùng hổ đến sát bên tôi. Láo lếu! Tay hắn nắm dùi cui, nháng một cái tôi chẳng còn trông thấy gì cả. Đất trời đều sập tối. Tôi van bạn đừng làm thơ vẽ cảnh hiện thực, và tránh xa việc trích dẫn những “lời hay ý đẹp” của lãnh tụ. Bạn sẽ chết chắc ngoại trừ bạn là đàn em của Phù Đổng Thiên Vương thanh thản cỡi ngựa sắt về trời vui thú điền viên.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Địa chỉ: thành phố Montreal,

tỉnh bang Quebec, Canada.

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ email nhà thơ Luân Hoán gửi ngày 14.06.2023

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: