MẠNH CẢNH TIÊN - Truyện ngắn Đặng Nguyễn Hoàng Giang (Thái Nguyên)

1 comment

 


MẠNH CẢNH TIÊN

*

Tôi đang chuẩn bị tập huấn để đưa quân vào Đắc Lăk tham gia giải Cúp Vô địch toàn quốc môn Karate, tại tỉnh Đắc Lăk, thì nhận được cuộc điện thoại bất ngờ không tưởng. Tôi vẫn chẳng nhận ra ai, sau câu chào:

- Dạ, em chào thầy, thầy khoẻ không vậy?

- Xin cảm ơn, cậu là ai, gọi tôi có việc gì

- Thầy không nhận ra sao, em là "Mạnh đen" đây mà.

- Ngập ngừng vài giây, tôi vẫn không thể hình dung ra được cậu học trò này "chui" từ đâu ra và học khoá nào?

- Cậu học trò nhanh miệng nói, thầy ơi, em tập đội tuyển, khoá đầu tiên năm 1990 hồi đó. Ở sân bóng nhà Văn hoá công nhân Gang thép Thái Nguyên đấy.

- Ô hô, hiểu rồi, thầy đã nhận ra, là Mạnh còi và đen phải không?

- Năm đó có ba học trò cùng tên Mạnh.

Cậu còi và đen nhất, nên mới bị gán cái tên đó cho đến nay, đúng chưa?

- Đúng ạ, nhưng bây giờ em không còn đen và còi nữa.

- À thì ra là cậu, nhớ rồi, nhớ rồi.

- Đệ khoẻ không?

- Dạ khoẻ.

- Có phải, tên đầy đủ chính xác là:

Đỗ Quang Mạnh, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1981, còn được mệnh danh là "Con gà vàng" hồi đó.

- Cậu ấy phá lên cười một cách vô tư.

- Ôi, trí nhớ của thầy tuyệt vời quá.

- Không phải trí nhớ của tôi tốt, mà tháng sinh của cậu trước một tháng với ngày thành lập Đảng (3/2) đó thôi. Đúng ngày ấy, đệ còn tặng thầy chiếc áo sơ mi trắng, bằng công sức đi chở thuê than tổ ong của mình.

- Thầy đã hỏi:" Tại sao lại tặng thầy vào dịp thành lập Đảng. Đệ nói, em mua hai cái, một tặng cho bố, vì bố là bộ đội, Đảng viên. Một tặng thầy, hai người, mà em tôn quý nhất.

Vậy mà, đã qua hơn 30 năm rồi, ngày ấy thầy mới hơn 20 tuổi, bằng tuổi các đệ bây giờ.

- Cậu bé lại cười, thưa thầy hiện tại là, em nhiều tuổi hơn thầy năm đó.

- Bây giờ em đã hơn bốn mươi rồi đấy.

- Ừ nhỉ, thầy già rồi.

- Vậy hiện giờ em đang làm gì và ở đâu?

- Dạ, em chỉ làm tại nhà thôi.

- Ở nhà thôi sao, có mấy cháu rồi?

- Dạ, có hai cháu trai rồi.

- Hì hì, đúng là thời gian trôi qua nhanh quá vậy.

- Chúc mừng đệ nhé, à mà sao có số của thầy ?

- Dạ, thời buổi công nghệ mà, hơn nữa thầy dạy đội tuyển của tỉnh, ai mà chẳng biết, em muốn xin số khó gì đâu.

- Ừ, cũng phải ha, đúng là thời hiện đại 4.0 rồi, mà mình vẫn cứ nghĩ như thời quá khứ, cậu bé năm xưa, nghe qua giọng nói, đã thấy chín chắn hơn nhiều. Ứng xử giao tiếp nhanh nhẹn, táo bạo. Đã không còn giọng nói nhút nhát, yếu ớt, luôn trả lời "nhát gừng". Lại hay lắp bắp, như con gái nhà lành xưa kia nữa.

- Tôi thầm nghĩ chúc mừng cho cậu ấy.

- Vậy hôm nay em gọi thầy có việc gì, hay chỉ là hỏi thăm thôi.

- Dạ, thưa thầy, em muốn gửi thầy tấm giấy mời ạ.

- Hả, cho thầy ăn cỗ à, cưới vợ cho con sao?

- Ở bên kia đầu dây, tôi nghe cậu ấy cười phá lên, hì hì, thầy ơi, em lấy vợ muộn, nên cháu năm nay mới học lớp 8 thôi à.

- Thôi được, vậy mình ứng dụng công nghệ đi nhé.

- Là sao thầy?

- Có nghĩa là đệ không phải đến đưa giấy mời nữa, nói địa điểm, thời gian ở đâu là được.

- Thì ra công nghệ mà thầy nói là vậy,

cả hai thầy trò phá lên cười thoả mái.

Đã đến ngày hẹn, một chiếc xe màu đen 7 chỗ, bóng nhoáng, thương hiệu đẳng cấp cao, đón trước ngõ nhà tôi. Một người cao to vạm vỡ, như tôi đoán phải nặng hơn 90 kg và cao 2m.

Bước xuống xe, tôi còn chưa định thần được, chỉ thấy ngờ ngợ là khuôn mặt hao quen quen ấy...thì cậu ta đã cúi gập người, hai tay để trên đùi, chào theo con nhà võ:

"Em chào thầy".

- Đúng rồi, là cậu ấy. Cậu bé học trò nghèo khổ, nhỏ nhắn năm xưa đây mà?. Nay nhìn đâu khác một đại gia. Sau này tôi mới biết, cậu ta đúng là một đại gia trong hội sinh vật cảnh toàn quốc.

Trong bộ comple màu xanh nước biển, áo sơ trắng, thắt cavét dầy đen láng bóng, nhìn bệ vệ, phong thái khác xưa hàng ngàn dặm, so với một đứa trẻ đen nhẻm đen nhèm thuở ấy. Một đứa trẻ nông thôn đặc sệt, luôn có cái tật xắn quần cao lên tận đầu gối, trông giống y trang các bác nông dân, tri điền...cày ruộng.

Vậy mà đã cao to như thế này đây.

Hình ảnh giữa hai cậu bé, một quá khứ và một của hiện tại, tái hiện trong tôi, với hai khoảng thời gian khác biệt. Mà như hai con người độc lập, không liên quan nhau. Bản thân tôi thấy ngỡ ngàng, thì ra mình đã già. Một sự thay đổi có ranh giới rõ rệt, quá nhanh của cậu ấy, đánh mốc giữa hai giai đoạn lịch sử của một con người. Làm tôi hơi choáng. Nhưng lại nghe trong lòng có hơi thở tự hào thay.

Hai thầy trò, bắt tay và ôm nhau thắm thiết, cảm xúc dâng trào khó tả, thật là ấm áp.

Tôi vinh dự được ngồi vào dãy ghế đầu tiên của đại biểu, Lễ khai mạc nhận bằng khen, báo cáo thành tích những năm qua, của các nghệ nhân hội cây cảnh trong tỉnh, cả một số đại biểu toàn quốc cũng về đây góp vui. Phóng viên, báo chí, đài truyền hình có cả. Diễn ra tại Uỷ Ban thành phố, vào buổi sáng đẹp trời, gió hiu hiu phảng phất dễ chịu.

Tôi rất tự hào về đệ của mình, một nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong lễ nhận giải hôm đó. Đệ nói với tôi rằng:" Rất tiếc, cách đây một tháng đệ ấy được vinh danh nghệ nhân sinh vật cảnh Trung ương. Nhưng lúc đó, em chưa liên lạc được với thầy. Rồi nhoẻn miệng cười đầy phấn kích đáng yêu.

Buổi lễ thật long trọng và rộn ràng, điều ngạc nhiên là rất nhiều quan chức, có vị trí tầm cỡ trong tỉnh đều có mặt. Cả một số lãnh đạo công an, Bảo tàng, bộ đội quân khu. Thế mới biết sự phát triển của nghệ thuật, song song với sự phát triển nền kinh tế của một tỉnh, nói riêng và nói chung trong toàn quốc, là không thể thiếu được.

Tôi vui lắm, vì không phải ai cũng được mời tham dự chương trình này. Rồi cũng được chụp chung với đệ vài tấm hình trên sân khấu.

Sau này tôi mới biết, hội sinh vật cảnh này rất đông người tham gia. Mà đa số là những thành phần có kinh tế và máu mặt lúc bấy giờ. Đồng thời còn nối mạng trong toàn quốc, kể cả nhiều doanh nghiệp lớn.

Hai tháng sau, tôi đươc Mạnh đón về nhà chơi, ở thị xã Sông Công, (nay đã là Thành Phố). Vùng ngoại ô của tỉnh Thái Nguyên.

Tôi ngỡ ngàng trước cơ ngơi của đệ, rất khang trang, rộng rãi, trông như một biệt thự. Trước cửa nhà rất nhiều cây cảnh lâu năm, chủ yếu là cây xanh, các hình thù khác nhau. Trông thật đã mắt, một kẻ không biết chơi cây như tôi đây, ngắm cũng thấy thèm.

Nhớ lại năm đó, tôi về Sông Công cách thành phố 25 cây để tuyển sinh, tình cờ gặp được Mạnh.

Cậu bé cao lênh đênh, gầy gò, chân tay dài ngều, nhưng lại có tố chất. Tôi tuyển cậu ấy vào đội tuyển Karate đầu tiên, khoá một của tỉnh vào năm 1992. Cậu ấy ở cùng tôi dưới Gang thép, cách thành phố nơi có phòng tập là 10 cây. Cách nhà cậu ấy khoảng 30 cây. Mỗi ngày đạp đi và về là 40 cây, ngày hai ca. Năm đó cuộc sống khó khăn chung, nên ngành thể thao chưa có ký túc xá cho vận động viên nội trú. Nhà lại xa, tôi xin cho đệ ở khu tập thể, của nhà Văn hoá công nhân Gang thép, cùng hai người khác nữa. Lương nhận được không nhiều, chế độ còn thấp, chỉ đủ mắm muối hàng ngày.

Gia đình đệ ấy rất nghèo, trong ngôi nhà mái tranh, tường đắp bằng đất. Quần áo mặc không đủ, ngoài vài cái bát men Hải Dương.

Mấy đôi đũa tre đã mòn. Cái nồi gang nấu cơm bằng củi, thêm lọ muối hột ra, chẳng còn gì. Cuộc sống thật ngột ngạt.

Mỗi chiều, Mạnh phải ra đồng, mò cua, bắt ốc, để cải thiện thêm cho bữa ăn. Lại thêm con trâu, Mạnh thả rông trâu trên đồng, rồi chạy hết từ bờ này, sang bờ nọ. Mặt úp vào cỏ, tay thọc sâu vào hang, cào cấu lớp bùn để có được bát canh cá, nồi tôm kho cho gia đình. Cậu ấy kể, có khi tóm được cái đuôi con rắn nước, hết cả hồn.

Nhà Mạnh đông anh em. Cậu ấy lại là con trai trưởng. Mấy anh chị em vẫn còn là học sinh. Chưa thể gánh vác việc đồng áng.

Bố là bộ đội phục viên, một mình mẹ gánh ba sào ruộng, đã là vất vả..Bệnh xương khớp của bà luôn bị hành hạ, trong những ngày đông giá rét.

Dụng cụ phục vụ cho cày cấy không có, mùa nào cũng phải thuê từ A đến Z...

Vì vậy, muốn có tiền sinh hoạt hàng ngày, đều từ hột lúa mà ra, chưa đến vụ mua khác, thì nhà đã hết gạo ăn. Đất trồng hoa màu lại không có. Nên khó khăn, lại càng chồng chất

Khi tôi tuyển Mạnh, cậu ấy đang học lớp sáu. Định bỏ dở văn hoá, động viên nhiều lắm mới tiếp tục theo. Thời gian đầu tiên làm quen với bài chuyên môn, thật khó khăn, trở ngại. Cậu bé này nhớ nhà, khóc nhè. Cộng với bài tập mệt mỏi, chưa quen. Động viên mãi mới giữ chân được cậu ấy.

Cuộc sống thật khắt khe, không dễ thở.

Mỗi chiều thầy và trò phải mang xô vào nhà dân xin nước sinh hoạt. Bởi khu tập thể nhà ở đông người, đường ống nước lại hỏng, nên không đủ nấu nướng. Nhiều đêm mất điện, quạt chẳng có, thầy trò bị muỗi cắn xưng vù, mắt húp như con ong đốt. Mà vẫn cười hồn nhiên. Quần áo mặc chung nhau vào những ngày mưa, ẩm thấp.

Thế nhưng, không làm các đệ nản lòng mà bỏ tập. Riêng cậu ấy, tuy nghèo mà lòng tự trọng cao, lại chịu khó. Mỗi chiều tập xong, Mạnh đi ngược bờ đê gần đó, tìm hái thêm nắm rau tạp tàng về, cải thiện bưã ăn. Gần khu tập thể có cái ao khô cằn, nước đã khô gần hết. Xung quanh lởm chởm mấy con ốc, phơi nắng khô rang không khốc. Mạnh nhặt nó đem về, ngâm rửa sạch, rồi vào nhà dân xin củ xả, về luộc lên. Tối thầy trò ngồi khêu, cho có thêm chất tanh. Đẩy một tí caxi vào người. Dưới ánh trăng lờ mờ, mà vẫn nhìn rõ được những nếp nhăn, trên gương mặt ngây thơ, vượt khó của các đệ. Lòng tôi chua xót, cũng tự thương mình, mà chẳng làm chi được.

Mạnh là một cậu học trò hiền lành, thông minh, sống nội tâm. Suốt ngày chỉ lủi thủi một mình, chắc có lẽ mặc cảm về bản thân và hoàn cảnh về gia đình. Nghĩ mà tội cho cậu ấy, mấy năm trời liên tục, không ngoài bộ võ phục ra. Vẻn vẹn chỉ hai bộ vải màu gụ. Như màu nâu sòng của chú tiểu. Thêm phần ít nói, nên bạn bè thường chêu:"Chú tiểu tương lai". Mỗi lần vậy, Mạnh chỉ cúi gằm mặt xuống đất, trong im lặng.

Có lần, tôi bắt gặp cậu ấy đang hì hục, nối dây dép bằng sợi dây thép nhỏ. Thấy tôi, cậu lấy chân dẫm trên chiếc dép và giả vờ, chỉ tay về phía sau lưng tôi. Kìa thầy, có ai hỏi đấy, rồi vội vã cầm chiếc dép té chạy thật nhanh. Còn nói với lại một câu. Em chào thầy nhé.

Vừa thương, vừa nể cậu học trò này. Vì nếu như là người khác chắc đã nghỉ tập từ lâu rồi. Bởi để đó đuợc tấm huy chương, đâu phải là dễ dàng. Những bài tập nặng khắt khe, trên cầu thang sân vận động mỗi ngày. Có hôm lê chân đi không nổi. Háng bị tước bước đi chậm chạp, siêu vẹo như mấy kẻ uống say. Mồ hôi đầm đìa trên thảm, vô cùng vất vả. Đau đớn và mệt mỏi, cả thầy lẫn trò đều bơ phờ.

Những tấm huy chương đầu tiên của thầy trò chúng tôi, vui đến không tưởng.

Tôi hỏi Mạnh, còn thấy nản lòng không? Nụ cười tươi rói trên môi, trả lời vô tư và đơn giản:" Không làm có đâu mà ăn hả thầy, giờ em chỉ còn cách này thôi". Cũng phải, dù khổ ải, nhưng vẫn còn có tí nước mắm, tí mỡ mà bồi dưỡng. Về nhà rồi, cơm chỉ muối trắng mà thôi. Hơn nữa sẽ chẳng có cơ hội mà dồn tiền mua cây cảnh. Nói đi nói lại, vẫn là đề tài này.

Mạnh kể rằng, cậu ấy thích chơi cây cảnh từ khi 8 tuổi, mỗi lần theo mẹ ra đồng, cậu ấy đều trốn đi tìm cây Mua cây Sim ngắm. Rồi tìm trên bờ ruộng, bờ mương có cây gì hay hay là lạ thì đem về trồng ở góc vườn nhà mình chăm sóc. Cho đến năm tôi tuyển cậu ấy, Mạnh đã biết ngầm nuôi con heo bằng đất. Mỗi tháng bỏ vào mười đồng, dồn tiền sưu tầm cây Mưng (Miền Trung gọi là cây Lộc Vừng) để chơi. Năm cấp 3, ngoài việc đến trường và tập luyện, chủ nhật Mạnh không về nhà, ở lại làm thuê thợ mộc dành hết tiền đó, mua cây xanh đáp ứng cho lòng đam mê, theo đuổi đến tận bây giờ.

Lúc đầu, cậu ấy không biết uốn hình dáng các con động vật. Vì vậy, thỉnh thoảng, khi qua phòng đệ ấy. Tôi cứ thấy mấy cuốn sách được mở ra, để trên bàn. Nét bút chì chi chít các ký hiệu. Lúc đó tôi cứ ngỡ cậu ta học vẽ. Nên cũng chẳng hỏi mà làm gì. Thậm chí mỗi đêm trăng, tôi thấy đệ cứ đứng gần cây hoa đại vuốt ve, đôi tay cậy cậy, bấm bấm. Tôi tưởng cậu ấy nhớ nhà, không ngủ được. Nên chỉ gọi lên và động viên đi ngủ. Đệ cũng chẳng tâm sự gì. Thế rồi mà cứ vậy trôi đi, trôi đi ...thì ra là vậy.

Ở với nhau ngần ấy năm trời, không ít kỷ niệm. Khi Mạnh vừa học xong hết cấp 3. Cũng đúng lúc tôi được sếp cho đi học nâng cấp. Mạnh bỏ thi đại học về theo nghiệp đam mê cây cảnh. Thầy trò chia tay nhau từ đấy.

Quãng đường đời thăng trầm mà Mạnh trải qua, cũng giống như khi cậu ấy tỉ mỉ, uốn nắn từng cành của mỗi một cây, từ khi mầm non, cho đến khi thành một tác phẩm tuyệt tác, thiên thần. Thành tích của Mạnh thật đáng nể. Trên một trăm giải, từ trong tỉnh đến quốc gia. Nhìn mà đáng thán phục và ngưỡng mộ.

Thầy trò chia tay lưu luyến, cậu ấy nói:

- Em rất cảm ơn thầy, mắt hơi rơm rớm.

- Sao lại nói thế?

- Vì nhờ võ thuật và có duyên gặp thầy. Em mới có được lòng kiên định, để có thành quả như hôm nay. Cả võ và thầy đều hun đúc trong em một niềm tin vượt khó. Cậu ấy cứ khiêm tốn cảm ơn tôi.

Giờ đây, đệ ấy, đã không còn "biệt danh" là Mạnh còi và đen nữa. Với xã hội, cậu ấy thật sự là đại gia. Ngang nhiên tự hào đứng trong hàng ngũ, làng sinh vật cảnh toàn quốc với danh hiệu:

MẠNH CẢNH TIÊN

Nghệ nhân sinh vật cảnh Trung Ương.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

ĐẶNG NGUYỄN HOÀNG GIANG

Địa chỉ: Nhà số 2, tổ 9, ngõ 7, phường Trưng Vương,

thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Điện thoại: 091.293.66.78

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 11.03.2023.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Ảnh minh họa bài viết: tác giả (bìa phải) và nhân vật Mạnh Cảnh Tiên.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: