TẢN MẠN NGÀY VỀ
Mẹ tôi giờ ở cùng chị dâu cả bên Phù Khê, Từ Sơn. Tôi từ sân bay
về thẳng nhà , trên đường đi thấy đường mới mở rộng rất nhiều, đặc biệt là
những hàng cây xanh trồng hai bên và vạch giữa đường. Khoảng 7 giờ tôi về đến
nhà, chị dâu và mẹ tôi bàng hoàng lúc lâu như chưa tin rằng tôi đang đứng giữa
nhà, mặc dù ra khỏi sân bay lúc lên xe, tôi đã gọi chị tôi làm cơm để tôi về
ăn.
Bữa cơm có tôi, mẹ và chị dâu cả. Cơm xong mới gọi báo cho anh
chị em ruột khác, vì mọi người ở xa nên mất tiếng đồng hồ mới đến. Mọi người
nói chuyện mãi không thôi, đến lúc tôi nói mệt rồi muốn ngủ, mọi người mới về.
Sáng sớm hôm sau, chị cả chở tôi sang Hà Nội để về thăm ngõ Phất
Lộc. Đường và cầu được xây và mở thêm, nhưng tắc đường tầm sáng vẫn không khác
gì xưa. Chị tôi bảo người ta tính xây thêm cầu ở chỗ đường Trần Hưng Đạo sang
bên Long Biên, chắc phải vậy mới giảm được tải cho cầu Long Biên và Chương
Dương.
Từ Sơn không còn là cái thị trấn nhỏ như lúc tôi đi, những toà
nhà nguy nga như châu Âu ở Từ Sơn có tên Hanaka gì đó rất tráng lệ. Đường Từ
Sơn về Hà Nội theo quốc lộ 1 cũ mở rộng đến gấp 3 lần theo tôi ước đoán. Thực
sự tôi không hình dung được khu vực này phát triển đến vậy.
Nhưng tôi cảm thấy khó thở, mắt cay. Tôi nhìn bầu trời mù mịt
thứ sương khói rất lạ, không phải thứ sương tự nhiên mà loại sương mù nhân tạo
mờ mờ. Thầm nghĩ , thôi chắc xây dựng nhiều như này, khói bụi là điều tất
nhiên. Hy vọng mươi năm sau đã xây hết những gì cần xây, bầu không khí sẽ đỡ
hơn bây giờ.
Tôi và chị cả dừng xe, hàng xóm nhận ra tôi reo mừng. Nhiều
người đến thăm hỏi hồ hởi. Dân ngõ tôi họ không quan tâm đến chính trị hay tôi
viết gì, họ vui vì gặp lại người hàng xóm vui tính và thân thiện đã đi xa lâu
ngày nay trở lại. Ngồi một lúc thì tôi và chị cả ra hàng bánh cuốn Thanh Trì
bán mẹt ở phố Mã Mây. Hàng bánh cuốn giờ do con của bà cụ ngày xưa bán, bà cụ
trước chít khăn mỏ quạ, áo nâu, quần nái đen đã khuất xa thế gian này mang theo
cả tuổi thơ cắp sách đến trường của tôi.
Căn nhà cũ đã cho người ta thuê làm văn phòng du lịch, tôi ngồi
đợi ở cửa khi người của văn phòng du lịch đến, phải xin phép họ được vào nhà
thăm. Thực sự tôi không còn có tên gì trong ngôi nhà ấy nữa, mấy năm trước tôi
đã cho anh trai cả và mẹ tôi theo ý tôi đã sang tên sổ đỏ cho anh trai cả. Trên
sân thượng tầng 2 chỉ còn cây hoa đại và cây phong lan khẳng khiu. Cây phong
lan đó gìa cỗi nhưng vẫn sống, năm 1982 mẹ tôi và tôi đi Hoà Bình. Tôi có trèo
lên núi bứng cụm phong lan bám trên vách đá về, chẳng hiểu sao khi trồng vào
đất thì nó lại thành cái cây chứ không phải búi nữa.
Tôi vuốt ve lá cây và thầm thì.
- 42 năm rồi nhỉ, từ khi tao đưa mày về đây.
Cảm ơn người thuê nhà đã cho xem lại căn nhà, tôi dạo một vòng
quanh ngõ Phất Lộc gặp lại bạn Thắng giờ làm đồng đền Phất Lộc, Thắng gọi điện
cho mấy bạn học cùng ngõ, nhưng chúng chưa dậy chắc đêm trước chủ nhật say sưa
chơi bời gì.
Tôi quay về cửa nhà mình, bỗng thấy rất nhiều thanh niên lạ mặt
đi xe máy đến, họ đứng xa quay phim tôi đang nói chuyện với hàng xóm và họ
hàng. Tôi bảo anh trai tôi chở tôi về ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, nơi tôi sống
trước khi sang Đức. Hàng xóm ở đây vẫn nhận ra tôi, khi trò chuyện lại thấy
những người theo dõi ở Phất Lộc lảng vảng quanh, tôi bảo anh tôi chở về Từ Sơn.
Trên đường đi, tôi nói anh tôi đi vừa phải để những người kia
còn đi theo. Về đến Phù Khê tôi và anh lấy đồ lễ đi thăm mộ anh Hải và bà Nội ở
nghĩa trang chỗ đền Đô, những người kia vẫn đi theo, thăm mộ anh và bà nội
xong, tôi về nhà không đi đâu nữa, đến chiều hôm đó nhà tôi làm cơm chỉ có anh
chị em ruột, các cháu và chị dâu đến ăn. Bạn bè nhiều người muốn thăm nhưng tôi
nói thôi, vì ngoài ngõ nhiều người lảng vảng như thế cũng mất tự nhiên.
Sáng sau gia đình tôi thuê xe 16 chỗ để về quê ông nội và ông
ngoại thắp hương. Những người theo dõi đi theo đến đường cao tốc thì họ không
đi theo nữa. Quê nội vẫn thế, còn quê ngoại thì căn nhà bà ngoại tôi ở thì
thằng em cậu đã xây một căn nhà mới hiện đại. Không ngờ thằng em cậu một đời
lang bạt, tù tội giờ lại báo hiếu tổ tiên chu đáo đến thế. Nó mua đất nghĩa
trang cả một dãy để ông , bà, bố và chú nó nằm liền nhau, còn cẩn thận mua cả
chỗ cho mẹ tôi nữa. Vợ chồng nó ở Hà Nội, căn nhà bà ở quê xây để thỉnh thoảng
về nhưng hiện đại và đủ tiện nghi còn xịn hơn cả nhà bên Tây.
Chiều tối về lại Từ Sơn, tối hôm đó chỉ có tôi và chị dâu và mẹ.
Ngoài đường cũng không có ai lảng vảng theo dõi, tôi sắp đồ để ngày mai trở lại
nước Đức. Tối tôi đi bộ, mặc quần kaki, dép lê, áo phông tối màu cộc tay..bộ
dạng như người dân quanh đó. Thấy một chiếc taxi đậu, tôi bảo chở tôi đến địa
chỉ xông hơi Phúc Hương ở đường Từ Sơn. Khoảng cách 6 km, tôi hỏi tiền cậu ta
bảo 70 nghìn, tôi gật đầu lên xe.
Chẳng hiểu sao cậu ta lại nghĩ tôi là một tay anh chị giang hồ,
dù tôi nói năng khiêm tốn , nhẹ nhàng và quần áo tôi mặc rất xuềnh xoàng. Cậu
ta khoe quen trưởng công an Từ Sơn và khoe anh em xã hội với một số đại ca tên
tuổi vùng này. Tôi trả 200 nghìn cho cả chuyến về, cậu hứa sẽ quay lại đón tôi
khi xong.
Cậu lễ tân massage hỏi tôi chọn gói nào, tôi thấy gói đắt nhất
chưa đến 400 nghìn, chỉ mười mấy euro, qúa rẻ nên chẳng phải nghĩ gì. Khi cậu
đưa đồ tôi thay, tôi gọi về cho chị dâu và bảo chị và mẹ rằng tôi đi xông hơi
gần nhà, xong sẽ về ngay mẹ và chị đừng lo.
Cậu lễ tân nhìn tôi ngạc nhiên, chắc đời cậu chưa bao giờ thấy
một người đàn ông trung niên hơn 50 tuổi đi massage lại gọi điện báo cho chị và
mẹ, như một thằng choai choai mới lớn.
Cô nhân viên massage làm rất kỹ thuật và nhiệt tình, ở đây không
có chuyện nọ kia, massage thực sự lành mạnh. Tôi hỏi tiền típ bình thường là
bao nhiêu, cô nói tuỳ từ 1 đến 5 trăm ngàn. Lúc trả tôi típ cô 200 nghìn. Tổng
hết 600 nghìn mà còn tắm bồn, xông khô đá muối, xông ướt lá cây. Đây là sự
hưởng thụ duy nhất trong những ngày ngắn ngủi tôi ở Việt Nam.
Ra khỏi cửa, đã thấy cậu taxi chờ sẵn, tôi bảo cậu không vội thì
chở tôi ra quảng trường Đình Bảng uống nước. Tôi hỏi xe từ đây ra Nội Bài hết
bao nhiêu, cậu nói 300 nghìn. Tôi bảo mai chở tôi đi, tôi trả 500 nghìn. Cậu
vội vàng lấy giấy bút để tôi ghi số điện thoại, khi mở cốp tôi thấy có lá thư,
hỏi thư gì, cậu nói thư của ông anh trong trại 5 gửi về xin tiền. Tôi bảo mang
lá thư vào quán nước để tôi đọc xem.
Cậu taxi kể đó là một ông anh có số má ở đất này, giờ đang thụ
án. Tôi đọc lá thư, thấy ông anh kia kể ốm đau, cần tiền để chữa bệnh và xin
cậu taxi 10 triệu. Tôi hỏi trại 5 là trại Lam Sơn phải không, cậu taxi gật đầu,
tôi nói tiếp trại đó là một trại khắc nghiệt trong những trại miền Bắc. Cậu
taxi nói.
- Thế anh cũng là dân xã hội còn gì.
Tôi đưa cậu 2 triệu, nói đỡ giúp cho cậu một phần lo cho ông
anh. Cậu taxi không nhận, tôi nói tôi từng đi tù nhiều trại, anh em xã hội tình
cờ gặp này là cũng có duyên, chút ít giúp nhau đừng lăn tăn gì. Cậu nói tôi
phải nói tên thì cậu mới nhận, để còn nói với ông anh kia. Tôi nói tên Hiếu,
cậu hỏi có biệt danh gì kèm không, tôi nói người ta gọi tôi là Hiếu Gió.
Cậu nghe vẻ ngơ ngác, chắc cái tên đó không có trong những giang
hồ xã hội đen mà cậu biết.
Sáng hôm sau, ngày cuối của thời gian 3 ngày được phép thăm nhà,
tôi đi bộ ra hàng phở gà đông nhất ở Phù Khê. Bát phở thực sự không hề ngon,
quá nhiều mỳ chính, nhưng quán rất đông. Tôi ăn chút rồi bỏ, đi sang quán cà
phê ngồi một lúc rồi đi bộ lững thững về. Đầu ngõ những người theo dõi vừa mới
đến. Tôi ở nhà một mạch đến 2 giờ chiều, xe taxi đến đón. Tôi không cho ai
trong nhà tiễn tôi đi, chỉ tôi và cậu taxi mới quen.
Xe taxi đến đầu đường cao tốc đi Nội Bài thì những người theo
dõi không thấy đâu.
Khi làm thủ tục lấy vé, cô nhân viên làm thủ tục nhìn hộ chiếu
tôi rồi nói.
- Hình như em gặp anh Hiếu ở đâu rồi.
Đi vào cửa an ninh đóng dấu xuất cảnh, tôi nhìn quanh thấy những
người công an xuất nhập cảnh mặc thường phục đứng cách tôi một quãng. Khi người
thiếu tá ở ô cửa 5a nhìn hồ sơ tôi rất lâu, thì một người công an khác đến nói.
- Để cho qua đi.
Tôi đi qua cửa xuất cảnh, nghĩ lại lúc nhập cảnh và rút ra kết
luận.
Lệnh cấm của tôi chỉ được mở trong mấy ngaỳ tôi xin phép mà
thôi, sau đó lại vẫn như cũ.
Trở về đến Đức, tôi nghe tin 5 người an ninh hồi nọ trong vụ bà
Thoa đã về Việt Nam vào ngày 31 tháng 10.
----------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Bùi Thanh Hiếu0
- Đọc lại bài thơ
“Cảnh Khuya” của Hồ Chí Minhl
- “Đêm Nay Bác
Không Ngủ” và 10 bài cảm nhận mẫul
- Phân tích một số
bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minhl
- Về một quãng
thời gian trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minhl
- Bài thơ “Vấn
Thoại” của Hồ Chí Minh và quan hệ giữa tòa và bị canl
- Hồ Chí Minh và
người Mỹ trong cách mạng tháng 8l
- Kể chuyện Bác
Hồ: Đêm giao thừa đến với người nghèol
- Đêm giao thừa
nhớ thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc
truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
BÙI THANH HIẾU (Người Buôn Gió)
Quê quán: huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Nơi sinh: Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cư trú tại: thành phố Berlin, Liên bang Đức.
.............................................................................................
- Cập nhật nguyên bản từ facebook Bùi Thanh Hiếu ngày 11.11.2024.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét