'TẤN CÔNG' HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM, THÙ HẬN HAY ĐỐ KỴ? - Tác giả: Nguyễn Hữu Quý (Quảng Bình)

Leave a Comment

 


"TẤN CÔNG" HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM,

THÙ HẬN HAY ĐỐ KỴ?

 

(Tác giả Nguyễn Hữu Quý)

Có vẻ như một số kẻ nào đó đang mượn chủ trương tinh gọn tổ chức của Đảng và Nhà nước để "tấn công" vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trước hết, họ tỏ ra hả hê khi biết thông tin (chưa chính thức) là Hội Nhà văn Việt Nam sẽ không được Nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động. Hai là, trong con mắt họ Hội Nhà văn Việt Nam nói chung và từng nhà văn hội viên nói riêng chỉ là những người ăn bám. Một số phát ngôn thiếu thiện chí về nhà văn, về Hội Nhà văn Việt Nam đã được tung ra. Người ta dễ dàng cảm nhận được trong đó mùi vị thù hận hằn học và đố kỵ. Không khó để nhận ra ai là kẻ phát ngôn hay tung hứng những lời lẽ công kích thiếu trong sáng đó.

Hội Nhà văn Việt Nam ra đời từ năm 1957, là một bộ phận trong thiết chế tổ chức văn hoá của nước ta. Vì thế, nó mặc nhiên phải làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó để góp phần giải phóng đất nước, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc theo con đường đã chọn. Tinh giản tổ chức không có nghĩa là coi nhẹ hay xem thường văn hoá trong đó có văn học nước nhà trái lại bằng mọi cách tạo điều kiện cho nó hoạt động và phát triển tốt đẹp. Hội Nhà văn Việt Nam có thể không được đầu tư, tài trợ sáng tác...theo kế hoạch, chỉ tiêu hàng năm nhưng Nhà nước vẫn phải "đặt hàng" cho họ. Công tác tư tưởng văn hoá không chỉ được triển khai bằng nghị quyết của Đảng mà thiếu phần tác động rất tích cực của văn học nghệ thuật như chúng ta từng thấy trong các cuộc kháng chiến đã qua và sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chuyện nữa, tôi thấy ai đó quả là rất vội vàng khi đánh đồng cho rằng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bất tài vô dụng. Nhầm! Trong quá trình xét kết nạp hội viên có thể còn để lọt lưới một số người chưa xứng đáng nhưng trong Hội Nhà văn Việt Nam không quá thiếu những người tài. Ai cần, tôi sẽ kể ra ngay danh tính và tác phẩm xuất sắc của họ.

Ai đó nữa, cũng đừng ngạo nghễ đem giải Nobel ra để mạt sát hay hù doạ các nhà văn Việt Nam. Giải thưởng ấy dù danh giá thật, lẫy lừng thật nhưng suy cho cùng nó cũng là giải thưởng của một tổ chức, một hội đồng thôi. Người được giải Nobel chưa chắc đã xứng đáng đại diện cho nền văn học của một dân tộc. Nguyễn Du không Nobel mà vẫn rất Việt Nam và nhân loại. Cũng như thế, có phải ai cũng được Nobel đâu dù tác phẩm của họ lay động hàng tỉ trái tim con người.

Ông cha ta có câu "Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe". Đừng có phán bừa hay a dua vì mục đích tăm tối nào đó. Kích động để chia rẽ, làm nhiễu loạn sự ổn định đất nước này chăng? Hay là "mượn gió bẻ măng"? Không dễ đâu! Các nhà văn chân chính vẫn được đông đảo nhân dân yêu quý. Đôi khi chỉ cần có một câu thơ hay nhân dân vẫn còn nhắc mãi. Muôn đời văn học mang trong nó tâm hồn và bản lĩnh dân tộc mình, để khi đi đến tận cùng cái đó ta sẽ gặp nhân loại bao la. Ai sẽ làm điều ấy ngoài các nhà văn!

---------

Nguồn:https://www.facebook.com/photo/?fbid=3890256704557377&set=a.1375011716081901

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Địa chỉ: Phòng 201, Chung cư M5, 56 Trần Vỹ

quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Email: nguyenhuuquy56@yahoo.com.vn

Điện thoại: 098.205.54.54

 

 


 

 

..........................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 28.12.2024.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của blog trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét