THI HÀO TRẦN TẾ XƯƠNG
NGHE CHÚC TẾT
Trần Tế Xương (1870-1907) vừa là một nhà thơ trữ tình vừa là một
nhà thơ trào phúng hàng đầu ở cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Chùm thơ Tết
gồm 5 bài của ông thật đặc sắc. Ở 4 bài đầu, nhà thơ “nghe” thiên hạ chúc Tết và ở bài cuối - bài thứ 5 - nhà thơ
chúc Tết thiên hạ.
Vậy, thiên hạ chúc Tết những gì và nhà thơ non Côi sông Vị đã “nghe” những lời chúc đó ra làm sao, đã
có thái độ như thế nào đối với những lời chúc tụng đó?
Ở 4 bài thơ đầu, ta thấy tác giả đã sử dụng nghệ thuật trùng
điệp: dòng đầu của cả 4 bài đều là “Lẳng
lặng mà nghe nó chúc ...”. Tại sao phải “lẳng lặng mà nghe”? Vì lời chúc nhỏ nhẹ, thì thầm, khó nghe?
Theo tôi, không phải như vậy mà là vì “nó
chúc nhau” loạn xạ, rùm beng, tùm lum, tranh nhau chúc, thi nhau chúc nên
rất khó nghe, rất khó phân biệt. Vậy nên phải “lẳng lặng” thì mới “nghe” được, hiểu được. Và, lần
lượt 4 bài thơ đầu với 4 nội dung được thiên hạ chúc nhau là:
Một là thiên hạ “chúc
nhau trăm tuổi”, chúc nhau sống lâu:
“Lẳng lặng mà nghe nó
chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc
đầu râu.
Phen này ông quyết đi
buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa
giã trầu.”
Chúc nhau trăm tuổi, chúc sống lâu thì rõ là chẳng có gì sai,
chẳng có gì đáng chê trách. Từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây, người ta đều
mong ước được sống lâu, được sống thọ. Thậm chí, người ta còn có thể ảo tưởng:
“vạn tuế”, “muôn năm”, “bất diệt”!
Thực tế thì đã có sinh ắt có tử (chết). Và giả sử nếu không có tử (chết) thì
cũng sẽ rắc rối vô cùng: không còn chỗ để đứng, không còn gì để ăn, không còn
nước để uống, vân vân, ...
Mặt khác, nếu sống lâu mà có ích cho đời, cho người khác thì
cũng nên, cũng cần. Nhưng nếu sống lâu để hại đời, gieo oan giá họa cho người
thì ắt hẵn là chẳng nên, chẳng cần!
Nhà thơ của chúng ta rõ ràng là không ưa lời chúc này. Ông hài
hước hóa việc chúc sống lâu này bằng cụm từ “bạc đầu râu”. Nói “chúc nhau
trăm tuổi bạc mái đầu” thì thấy nghiêm trang, chân thật. Nhưng nói “chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu” thì
như bông đùa, giễu cợt. Đã thế nhà thơ còn xưng “ông”, gọi “nó”,
“đứa” thì rõ ràng là miệt thị
chứ không chỉ là mỉa mai.
Và, so với những kẻ chúc nhau trăm tuổi ấy, nhà thơ của chúng ta
có lẽ đáng tuổi con, tuổi cháu (Trần Tế Xương mất sớm, khi mới 37 tuổi). Thiên
hạ muốn sống trăm tuổi để làm gì? “Phen
này ông quyết đi buôn cối, Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”. Té ra sống lâu
chỉ để ăn trầu! Nhà thơ quyết đi buôn cối để kiếm lời. Vâng, đấy cũng chỉ là
nói đùa, nói cho vui.
Hai là thiên hạ chúc nhau giàu có:
“Lẳng lặng mà nghe nó
chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để
vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn
bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ
phải cầu.”
Giàu, giàu có thì cũng chẳng có gì đáng chê trách. Giàu bằng trí
tuệ, tài năng, mồ hôi, sức lao động của chính mình thì phải được biểu dương,
được ngợi ca. Và, có lẽ vì thế, nhà thơ cũng có phần nhẹ nhàng hơn, ít cay cú
hơn, chỉ nói bâng quơ cho vui: “Phen
này, ắt hẳn gà ăn bạc, Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.”.
Ba là thiên hạ chúc sang, chúc nhau sang trọng:
“Lẳng lặng mà nghe nó
chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa
mua quan.
Phen này ông quyết đi
buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt
hàng.”
Thực chất “chúc sang” ở
đây chính là chúc “thăng quan tiến chức”
. Xã hội nào cũng cần được tổ chức để có thể tồn tại và phát triển. Quan chức
đương nhiên là phải có thứ bậc, có sự phân công phân nhiệm, mỗi người mỗi việc.
Một anh quét rác mà mà giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình thì vẫn hơn
một anh tổng thống mà tồi, mà kém cỏi. Trong trường hợp này, theo tôi, anh quét
rác “sang” hơn anh tổng thống.
Để thăng quan tiến chức, xưa nay, người ta dựa vào hai tiêu chí:
tài năng và đức độ (năng lực và phẩm chất). Nhưng thăng quan tiến chức chỉ dựa
vào “mua tước”, “mua quan” thì rõ ràng là một thảm họa. Một khi đã hình thành cái
thị trường quan chức, cái siêu thị quan chức thì những kẻ bất tài vô hạnh sẽ có
cơ hội làm tàn làm mạt đất nước, xã hội.
Nhà thơ của chúng ta rất cay cú, rất căm ghét cái vụ mua quan
bán tước này. Ngoài việc xưng “ông”,
gọi “đứa”, “đứa”, nhà thơ còn bảo “Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” (Có chỗ ghi: “Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng”).
Bốn là thiên hạ chúc nhau nhiều con:
“Lẳng lặng mà nghe nó
chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được
vuông tròn.
Phố phường chật hẹp,
người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở
non.”
Ôi! Hơn 100 năm trước, nhà thơ của chúng ta đã lo lắng về cái
nạn nhân mãn, đã nghĩ tới việc sinh đẻ có kế hoạch? “Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn” mãi thì sẽ có lúc trở thành
nguy cơ bởi không gian sống của chúng ta đâu có “sinh năm đẻ bảy” mà ngược lại càng ngày càng khan hiếm tài nguyên,
càng ô nhiễm, càng kiệt quệ, ... Nếu nhân loại không sớm thức tỉnh thì ngày tận
thế xem ra cũng chẳng còn xa!
Và, nhà thơ chỉ nói một cách hóm hỉnh, nhẹ nhàng nhưng cũng cũng
không kém phần thấm thía, chua chát: “Bồng
bế nhau lên nó ở non.”. Sẽ phải thành khỉ, thành vượn chăng?
Nói chung, phần nghe thiên hạ chúc nhau của Trần Tế Xương rất
phong phú, thái độ chê trách của nhà thơ rất đúng mực, rất xác đáng. Cái cười
của tác giả vừa quyết liệt vừa sâu cay. Nhà thơ chê trách, phê phán những cái
nhố nhăng, những cái nhăn nhở trong lời chúc Tết của người đời âu cũng là vì
khát khao một cái gì tốt đẹp hơn, thực chất hơn, hợp lí hợp thời hơn!
Lời chúc thật ra chẳng quan trọng nếu nó không có một tấm lòng,
một tình cảm yêu thương, quí mến và một khao khát chân thật những điều tốt đẹp
cho người khác. Và dĩ nhiên hành động thực tế vẫn tốt hơn lời chúc rất nhiều!
Sau khi nghe thiên hạ chúc Tết, đến phần mình, nhà thơ cũng chúc
Tết:
“Bắt chước ai ta chúc
mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở
trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người
muôn nước,
Sao được cho ra cái
giống người.”
Thật là khiêm tốn: “Bắt
chước ai ta chúc mấy lời”. Nói “bắt chước” nhưng thật sự nhà thơ rất sáng tạo, rất độc đáo
trong lời chúc Tết của ông:
“Chúc cho khắp hết ở
trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ,
người muôn nước,
Sao được cho ra cái
giống người.”
Có thể nói lời chúc Tết của nhà thơ Trần Tế Xương là một lời
chúc Tết rất hoành tráng, rất vĩ mô, bao trùm tất cả các quốc gia, các dân tộc,
các tầng lớp xã hội, ... Nếu là hiện nay thì có nghĩa là nhà thơ của chúng ta
chúc Tết tất cả hơn 7000.000.000 người (hơn 7 tỉ người) trên trái đất! Và, nhà
thơ của chúng ta chẳng chúc gì cao siêu, kì vĩ, chẳng chúc thành anh hùng,
thành dũng sĩ, thành tiên, thành phật, thành thánh, thành thần ... gì cả. Ông
chỉ chúc: “Sao được cho ra cái giống
người.”. Thật là nhân văn! Đề cao con người như thế thì có cách nào hay
hơn, đúng hơn? Con người thật cao quí! Hãy là con người theo đúng nghĩa của nó!
Để khép lại bài này, nhân dịp năm mới đến, tôi xin được phép
chúc tất cả chúng ta, trong đó có tôi, làm sao để được là: những con người
Việt Nam chân chính!. -/.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe ca khúc ĐI BÊN ANH MÙA XUÂN
của Lê Quang, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
Nguyễn Trọng Khanh giới
thiệu
Tác giả: Phan Thành Khương - nguồn: vanvietmoi
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét