TÓC HUYỀN TRÂN * BAY DỌC DÀI LỊCH SỬ - Tác giả: Trần Thanh Phương (Bình Định)

Leave a Comment
(Công chúa Huyền Trân (1287 - 1340) - Nguồn tranh: Internet)
TÓC HUYỀN TRÂN
BAY
DỌC DÀI LỊCH SỬ
*
Tóc Huyền Trân

Đêm Đồ Bàn
                                Cổ cao ba ngấn
                                Sổ tóc trăng ngà thao thiết chải
                                Từ độ vu quy
                                Chưa lần trở lại
                                Tóc Huyền Trân như liễu nhớ Tây hồ

                                Con ngựa hồng cùa hoàng đế Chế Mân
                                Rủ bờm bên tàu cỏ
                                Cuốc kêu hốc hác cung thành
                                Sương quan hà
                                Giọt giọt điểm canh

                                Trống thúc gươm khua
                                Giàn thiêu lặng thinh giông tố
                                Trống thúc gươm khua
                                Ai gọi tên ai bạt gió

                                Tay tiên mái tháp vén tầng trời
                                Huyền Trân lên ngựa
                                Vén thêm tầng nữa
                                Huyền Trân xuống thuyền

                                Đồ Bàn ơi!
                                Khói trắng hay là mây trắng?
                                Lòng Việt nữ trùng trùng sóng đánh
                                Phút phút tạ từ non nước Chiêm

                                Từ ấy Thăng Long
                                Đêm đêm Thăng Long
                                Đèn chong đỏ mắt
                                Tóc biếc rụng dần trên gối lụa

                                Mang mang
                                Dọc dài sông núi
                                Tóc ai bay.
*.
                       (Thơ Trần Thị Huyền Trang)
- Bài thơ rút trong tập thơ Muối ngày qua -
NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, trang 21 - 23-
LỜI BÀN:
(Tác giả Trần Thanh Phương)
1. Câu chuyện về nàng công chúa Huyền Trân con gái vua Trần Nhân Tông được gả cho vua Chế Mân nước Chiêm Thành để được hai châu Ô, Lý đã trở thành một đề tài cho thơ ca, nghệ thuật từ bao đời nay. Người ta đã tiếp cận huyền tích này từ nhiều điểm nhìn. Có người trách cứ vị vua Đại Việt không có cách gì hay hơn là đem gả bán con gái của mình để mở rộng bờ cõi! Có người cười nhạo Chế Mân đem một phần giang sơn để cưới vợ cho riêng mình, có đáng thế không? Có người lại cứ xoáy sâu vào mối tình của vị quan triều đình là Nhập nội hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung với công chúa Huyền Trân, nhất là sau vụ giải cứu nàng khỏi giàn thiêu hai người lênh đênh trên biển cả hàng tháng trời mới về đến cố quốc, không biết giữa trùng khơi giữa họ có xảy ra chuyện gì không ? v.v…Quả đúng là đa ngôn đa sự rất khó có sự đồng thuận. Là một người phụ nữ với sự nhạy cảm riêng của giới mình, Trần Thị Huyền Trang đã chiêu tuyết cho nàng công chúa đồng tộc, đồng giới và gần đồng tên hơn bảy trăm năm trước bằng một bài thơ tự do phảng phất phong vị cổ điển. Có thể coi bài thơ chính là một nén tâm hương chị dâng lên hương hồn nàng công chúa. Hay cũng có thể chính hồn nàng công chúa đã nhập vào chị để viết ra bài thơ này chăng?
  2.                                     “Đêm Đồ Bàn
                                           Cổ cao ba ngấn
                                           Sổ tóc trăng ngà thao thiết chải
    Bằng bút pháp chấm phá của hội họa cổ điển, chỉ với 14 chữ, ba câu thơ mở đầu đã khắc họa nổi bật hình ảnh hoàng hậu Huyền Trân thời gian làm vợ vua Chế Mân ở thành Đồ Bàn thường hay ngồi chải tóc trong những đêm trăng sáng. Vẻ đẹp của nàng công chúa con vua Đại Việt được nhấn vào những  hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp truyền thống của người con gái Việt Nam đúc kết hàng nghìn năm - “cổ cao ba ngấn” và suối tóc mây dài óng ả qua động tác “thao thiết chải”. Hai chữ “trăng ngà” gợi ra hình ảnh chiếc lược bằng ngà có hình khum khum như một nửa vầng trăng (“Cầu cong như chiếc lược ngà” - Nguyễn Bính) mà công chúa thường dùng để chải tóc dưới ánh trăng huyền ảo. Ba câu thơ tiếp theo đặc tả tâm trạng nhớ nước nhớ nhà của nàng. Nỗi nhớ dai dẳng thường trực: “Từ độ vu quy/ Chưa lần trở lại” và một so sánh cực đắc địa: “Tóc Huyền Trân như liễu nhớ Tây hồ”. Té ra động tác chải tóc của nàng không phải chỉ làm đẹp mà mục đích chính là để gỡ rối cho tâm trạng nhớ thương quay quắt không nguôi. Hình ảnh “liễu nhớ Tây hồ” gợi nhớ hình ảnh hàng liễu rủ quanh bờ hồ Tây (“tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” - Xuân Diệu) ám ảnh trong tâm trí nàng, nhưng cũng gợi ra vẻ đẹp thướt tha đài các của người con gái lá ngọc cành vàng phải đem tấm thân liễu yếu đào tơ đi đền nợ nước (“Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô Ly” - Dân ca Nam Bình). Câu thơ chỉ có 8 chữ thôi mà gợi ra cả một thế giới biểu tượng của thơ cổ để chỉ người con gái đẹp (Thân bồ liễu, phận liễu, liễu yếu đào tơ, lông mày lá liễu, liễu như mi…), lại như chứa đựng cả một thế giới nội tâm sâu thẳm. Đối với Huyền Trân nhớ nhà, nhớ quê cũng là nhớ nước cho nên dùng biểu tượng  tiếng cuốc trong trường hợp này là thích hợp hơn cả: “Cuốc kêu hốc hác cung thành/ Sương quan hà/ Giọt giọt điểm canh” - Biết bao đêm nàng thao thức, trằn trọc không ngủ được đến nỗi “hốc hác” cả người! Ngay từ những khổ thơ đầu nhà thơ đã thể hiện được sự tri âm với nàng công chúa.
   3. Màn giải cứu Huyền Trân khỏi giàn thiêu sau khi vua Chế Mân băng hà được dồn nén trong hai khổ thơ tiếp theo với 39 chữ có màu sắc của một màn kịch trên sân khấu tuồng truyền thống của Bình Định: “Trống thúc gươm khua/ Giàn thiêu lặng thinh giông tố/ Trống thúc gươm khua/ Ai gọi tên ai bạt gió/ Tay tiên mái tháp vén tầng trời/ Huyền Trân lên ngựa/ Vén thêm lần nữa/ Huyền Trân xuống thuyền”. Những điệp ngữ và nhịp thơ gấp gáp gợi ra việc giải cứu nàng hết sức khẩn trương, điệu nghệ, tạo sự bất ngờ và đã làm nên kỳ tích: Nàng được cứu thoát! Nhưng khi đã ra đến giữa biển an toàn rồi, thay cho nỗi vui mừng được cứu sống là trùng trùng tâm trạng thương nhớ phu quân đến quặn lòng: “Đồ Bàn ơi!/ Khói trắng hay là mây trắng?/ Lòng Việt nữ trùng trùng sóng đánh/ Phút phút tạ từ non nước Chiêm”. Câu thơ gợi ra sự nấc nghẹn qua ngôn từ dồn nén, qua dấu chấm than (!), qua từ láy “trùng trùng” cũng là trùng khơi muôn vàn sóng vỗ. “Khói trắng” ở giàn thiêu đã hóa thành “mây trắng” nàng để tang chồng trong tâm tưởng vắt ngang qua bầu trời hai nước Chiêm - Việt.
   4. Sau bao nhiêu ngày tháng lênh đênh ngoài biển khơi, đến khi trở về cố quốc, về với quê hương cha mẹ và trong vòng tay của những người ruột thịt, không còn thao thức vì nhớ nhà, nhớ nước, nhớ quê hương, ai biết được lòng nàng vẫn đêm đêm thức trắng và tàn tạ dung nhan vì nỗi nhớ chồng ẩn sâu trong nỗi nhớ Đồ Bàn:
                                   “Từ ấy Thăng Long
                                     Đêm đêm Thăng Long
                                     Đèn chong đỏ mắt
                                     Nhớ Đồ Bàn
                                    Tóc biếc rụng dần trên gối lụa
  Vẫn là sự láy lại hai chữ “Thăng Long” - Một bút pháp đã quen thuộc ở tác giả. “Từ ấy”, “đêm đêm” nói về sự mất ngủ thường xuyên, đêm nào cũng “đèn chong đỏ mắt” (khóc lóc, thảm sầu) gợi ra một người đang bị stress rất nặng. “Tóc biếc rụng dần trên gối lụa” – Sự trăn trở trằn trọc đã hiện hình bằng những sợi tóc rụng đầy trên gối lụa (“lụa”: lụa là, nhung lụa gợi sự quyền quý, quý phái, quý tộc)…Đến đây, bài thơ đã khắc họa xong bức chân dung tinh thần đầy bi kịch nội tâm của Huyền Trân, cũng có ý ngầm đối thoại với giả thiết và những cách hiểu xưa nay có phần hơi nghiệt ngã đối với sự hy sinh cao cả của nàng công chúa đồng tộc với tác giả. Đó là một hình tượng điển hình cho số phận người phụ nữ trong những cuộc hôn nhân chính trị bất luận kết quả thế nào thì họ vẫn là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, đau khổ nhiều nhất! Và đấy cũng chính là giá trị nhân văn cao cả của bài thơ này.
   5. Khổ thơ kết bài là nỗi niềm bâng khuâng, thương cảm của một người phụ nữ hậu thế, bằng trực giác của giới mình và tấm lòng tri ân tiên tổ, đã hết sức đồng cảm và trân trọng với nỗi lòng của tiền nhân:
                                     “Mang mang
                                      Dọc dài sông núi
                                      Tóc ai bay
                        *.
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.      
Email: rolanphuongnd@gmail.com
           
            




…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..

0 comments:

Đăng nhận xét